Phân biệt bệnh vảy nến với bệnh viêm nang lông

Tham vấn chuyên môn: -
Phân biệt bệnh vảy nến với bệnh viêm nang lông
Bệnh vẩy nến và bệnh viêm nang lông đều có thể khiến các mảng da ngứa, đỏ, xuất hiện viêm. Tuy nhiên, chúng có cơ chế phát bệnh hoàn toàn khác nhau, do vậy phương pháp điều trị cũng khác biệt.

Nguyên nhân và điều kiện gây ra bệnh vảy nến và bệnh viêm nang lông hoàn toàn khác nhau. Vảy nến là tình trạng da mãn tính, trong khi đó, viêm nang lông là tình trạng nhiễm trùng tạm thời của nang lông.

Bệnh viêm nang lông khá phổ biến, ai cũng có thể gặp vấn đề về da này. Mặc dù bệnh vẩy nến tương đối phổ biến, nhưng nó chỉ ảnh hưởng đến 2% - 3% số người trên toàn thế giới.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xem xét sự khác biệt trong triệu chứng và nguyên nhân của hai bệnh này để giúp mọi người phân biệt chúng. Chúng tôi cũng đưa ra các lựa chọn trong điều trị bệnh để các bạn tham khảo.

1. Phân biệt bệnh vảy nến với bệnh viêm nang lông

Mặc dù cả hai đều ảnh hưởng đến da, nhưng bệnh vẩy nến và bệnh viêm nang lông là những tình trạng rất khác nhau.

Bệnh vảy nến:

Bệnh vẩy nến là một tình trạng viêm da tự miễn. Có nhiều loại vảy nến, mỗi loại lại có triệu chứng khác nhau. Trong số đó, có 3 loại vảy nến tương tự với bệnh viêm nang lông, bao gồm:

- Bệnh vảy nến mảng bám: Bệnh gây ra các mảng khô và đỏ trên da. Các mảng da có thể dày lên, ngứa và đau.

- Bệnh vẩy nến thể giọt (bệnh vảy nến Guttate): Bệnh tạo ra các tổn thương nhỏ, đóng vảy trên da. Dạng vẩy nến này xảy ra do nhiễm vi khuẩn và thường sẽ tự khỏi mà không cần điều trị một khi nhiễm trùng đã hết.

- Bệnh vảy nến mủ: Là 1 loại bệnh vẩy nến không phổ biến, chúng gây ra mụn nước có mủ cùng với ngứa, sốt , ớn lạnh và tiêu chảy.

Mọi người rất dễ nhầm lẫn bệnh vẩy nến Guttate hoặc vảy nến mụn mủ với bệnh viêm nang lông vì tình trạng chung của các bệnh này là gây ra các mảng đốm nhỏ, đỏ hoặc vàng trên da.

Bệnh viêm nang lông:

Viêm nang lông là một bệnh nhiễm trùng da nhẹ nguyên nhân do có vi khuẩn xâm nhập vào nang lông gây viêm nhiễm. Bệnh có thể xảy ra bất cứ nơi nào trên cơ thể có lông, có tóc.

Không giống như bệnh vẩy nến, là tình trạng mãn tính thường phải điều trị lâu dài, viêm nang lông là một bệnh nhiễm trùng tạm thời thường sẽ hết nhanh chóng khi được điều trị.

Viêm nang lông biểu hiện dưới dạng mụn nhỏ, đỏ hoặc vàng có mủ . Các mụn sẩn thường xuất hiện sau khi một người cạo râu, mặc quần áo chật hoặc tiếp xúc với bồn nước nóng không đảm bảo vệ sinh.

2. Triệu chứng của bệnh vẩy nến và bệnh viêm nang lông

Bệnh viêm nang lông và vảy nến có khá nhiều triệu chứng giống nhau, như các mụn sẩn nhỏ màu đỏ hoặc vàng. Tuy nhiên chúng cũng có những triệu chứng khác biệt nhất định. Viêm nang lông có nguy cơ cao xảy ra ở các khu vực da cọ xát nhiều, như đùi và mông, hoặc ở các khu vực thường được cạo lông. Ngược lại, bệnh vảy nên có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể. 

Các triệu chứng của bệnh vẩy nến bao gồm:

- Xuất hiện các mảng da bị viêm đỏ, nổi lên 1 lớp vảy dày màu trắng.

- Các vùng da bong vảy thường xuyên.

- Da khô, có thể nứt hoặc chảy máu.

- Khi bị vảy nến nặng, có thể ảnh hưởng đến xương khớp, làm đau và sưng khớp.

Các triệu chứng của bệnh viêm nang lông bao gồm:

- Mụn nước nhỏ, có thể có mủ, đôi khi có dịch rỉ ra.

- Ban đỏ và nhiễm trùng da.

- Có cảm giác đau, ngứa, hoặc nóng rát,

3. Nguyên nhân gây ra bệnh vẩy nến và bệnh viêm nang lông

Bệnh vẩy nến là tình trạng rối loạn miễn dịch, và nó không phải là bệnh truyền nhiễm. Nguyên nhân chính xác của bệnh vẩy nến là không rõ ràng, nhưng vẫn có một số yếu tố nguy cơ và tác nhân được xác định có liên quan đến sự bùng phát của bệnh vảy nến:

- Có tiền sử gia đình bị bệnh vẩy nến,

- Bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn.

- Da bị tổn thương.

- Béo phì.

- Hút thuốc.

Viêm nang lông là một bệnh nhiễm trùng. Vi khuẩn thường là nguyên nhân chính cho tình trạng này, nhưng virus và nấm cũng có thể gây ra bệnh viêm nang lông. Viêm nang lông có thể truyền nhiễm, mọi người có thể truyền bệnh cho người khác thông qua tiếp xúc gần da. Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nang lông của một người:

- Sử dụng bồn tắm nước nóng không đảm bảo vệ sinh.

- Thường xuyên cạo, nhổ hoặc tẩy lông.

- Mặc quần áo bó sát.

- Sử dụng một số loại thuốc bôi trong thời gian dài.

- Tăng cân

- Hệ thống miễn dịch suy yếu.

4. Các phương pháp điều trị bệnh vẩy nến và bệnh viêm nang lông

Những người bị bệnh vẩy nến có thể được chỉ định điều trị lâu dài để kiểm soát các triệu chứng của họ. Phương pháp điều trị bệnh vẩy nến có thể bao gồm:

- Bôi thuốc corticosteroid tại chỗ để kiểm soát viêm và ngứa.

- Bôi thuốc  retinoids để kiểm soát viêm.

- Dưỡng ẩm cho da khô.

- Sử dụng thuốc để loại bỏ vảy da và làm mềm da.

- Sử dụng thuốc uống hoặc tiêm.

- Sử dụng  axit salicylic để tránh bệnh lan rộng.

- Điều trị bằng liệu pháp ánh sáng.

Điều trị bệnh viêm nang lông là nhằm mục đích loại bỏ nhiễm trùng. Các phương pháp điều trị viêm nang lông có thể bao gồm:

- Tránh các tác nhân gây bệnh.

- Giữ cho da sạch sẽ.

- Sử dụng kem dưỡng có tính sát trùng.

- Sử dụng thuốc kháng sinh bôi tại chỗ. Uống hoặc tiêm kháng sinh nếu thuốc bôi không có hiệu quả.

5. Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Viêm nang lông không có hại và sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, bất kỳ cá nhân nào nghi ngờ rằng họ bị bệnh vẩy nến đều nên gặp bác sĩ để có kế hoạch chẩn đoán và điều trị chính xác.

Mọi người cũng nên đi khám bác sĩ nếu cảm thấy có bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng nặng nào, chẳng hạn như đau nặng hơn, sưng hoặc sốt.

Bất cứ ai bị phát ban không rõ nguyên nhân nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Chẩn đoán chậm trễ có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn và kéo dài thời gian phục hồi.


Nguồn dịch: https://www.medicalnewstoday.com/articles/323207.php

Tác giả: Mai Nhung