Người lớn hay trẻ em đều có nguy cơ mắc viêm nang lông. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở người trưởng thành nhiều hơn, rất hiếm khi thấy trẻ em dưới 2 tuổi bị viêm nang lông.
Viêm nang lông là một bệnh viêm nhiễm ngoài da, phát triển do virus, vi khuẩn và nấm. Do vậy, nguyên nhân lớn nhất gây ra bệnh chính là vấn đề vệ sinh cá nhân và thói quen sinh hoạt thiếu khoa học. Những người có nguy cơ mắc viêm nang lông thường là:
- Người thường xuyên mặc quần áo bó sát, vải cứng dày và bí, vải ít thấm hút mồ hôi,.. khiến cho da bị cọ xát nhiều, da nóng và ẩm, tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn xâm nhập, sinh sôi.
- Người thường xuyên nhổ, tẩy và cạo lông không đúng cách khiến cho da bị trầy xước tổn thương, tạo kẽ hở cho vi khuẩn và nấm xâm nhập, trú ngụ tạo thành viêm nang lông. Dạo cạo không giữ vệ sinh cũng được coi là vật trung gian truyền bệnh.
- Những phụ nữ lạm dụng mỹ phẩm cũng có nguy cơ mắc viêm nang lông rất cao. Việc sử dụng mỹ phẩm quá nhiều và thường xuyên khiến da bí bách, yếu ớt.
Nếu tẩy trang không kĩ, lỗ chân lông sẽ bị bít tắc, là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, nếu sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng sẽ khiến sức đề kháng của da giảm, các tác nhân gây bệnh dễ xâm nhập hơn. Bạn cũng nên tránh các loại kem dưỡng quánh đặc, có chứa nhiều dầu, vì chúng thường gây tắc lỗ chân lông.
- Những người có thói quen vệ sinh da mạnh, hay chà sát, sử dụng sữa tắm chứa nhiều thành phần kích ứng, tẩy da chết quá thường xuyên, hoặc những người thường tự ý nặn mụn cũng khiến cho da bị tổn thương, dễ bị vi khuẩn tấn công.
- Nguy cơ mắc viêm nang lông còn xuất hiện ở những người giữ vệ sinh kém. Không tắm gội kỹ càng khiến cho lỗ chân lông bị bít tắc. Phòng ở ẩm thấp là điều kiện lý tưởng cho nấm mốc và vi khuẩn sinh sôi. Chăn ga ít giặt giũ là nơi ẩn giấu nhiều kí sinh trùng. Vệ sinh không sạch sẽ khiến cho bạn không chỉ có nguy cơ mắc viêm nang lông, mà còn là điều kiện cho rất nhiều căn bệnh khác tấn công.
- Với những người phải sử dụng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài cũng có nguy cơ mắc viêm nang lông rất cao. Bởi thuốc kháng sinh, khi tiêu diệt các vi khuẩn có hại, cũng đồng thời làm ảnh hưởng tới các vi khuẩn có lợi, làm da yếu ớt, đề kháng kém trước môi trường xung quanh, dễ bị tấn công gây viêm nhiễm.
- Những người có hệ miễn dịch bị suy yếu (do mắc các bệnh khác như suy thận, đái tháo đường, ung thư, HIV,...) cũng có nguy cơ mắc viêm nang lông cao hơn những người khỏe mạnh.
- Những người bị thương, da bị trầy xước, da bị băng bịt trong thời gian dài, da phải bôi kem chứa Corticoid,... là điều kiện cho vi khuẩn và nấm tấn công da dễ dàng hơn.
- Nguy cơ mắc viêm nang lông gần như là tất yếu đối với những người bị rối loạn tuyến dầu. Việc các tuyến dầu hoạt động quá mức sẽ bịt kín các lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus và nấm phát triển, tạo lên các ổ viêm.
- Những người thường đổ nhiều mồ hôi, cũng khiến cho da luôn nóng ấm, là môi trường sinh sống ưa thích của nấm và vi khuẩn.
- Theo thống kê, có đến 60% bệnh nhân viêm nang lông có người thân đã mắc bệnh này trước đó. Do vậy, viêm nang lông cũng được xếp vào danh sách các bệnh do di truyền.