Phân biệt bệnh viêm nang lông và mụn trứng cá

Tham vấn chuyên môn: -
Phân biệt bệnh viêm nang lông và mụn trứng cá
Cả bệnh viêm nang lông và mụn trứng cá đều gây đau, đỏ, nhiễm trùng và xuất hiện những mụn bọc trên da. Tuy nhiên, mặc dù chúng có thể trông và cảm thấy giống nhau, nhưng nguyên nhân và tiến trình phát triển của chúng lại hoàn toàn khác biệt.

So sánh tổng quan giữa bệnh viêm nang lông và mụn trứng cá:

1. Nguyên nhân phát bệnh

Bệnh viêm nang lông là tình trạng da bị tổn thương do nhiễm khuẩn tại lỗ chân lông hoặc chân tóc thường do vi khuẩn gây ra hoặc nấm; virus Herpes; Demodex hoặc do cạo nhổ hoặc tẩy lông và vệ sinh không đúng cách, ma sát. 

Trong khi đó, nguyên nhân dẫn đến mụn trứng cá là lỗ chân lông bị tắc, dầu được sản xuất quá mức, vi khuẩn P.acnes tăng sinh trên da gây viêm.

2. Triệu chứng viêm nang lông và mụn trứng cá

Mụn trứng cá biểu hiện dưới 2 dạng là da bị viêm (mụn mủ, mụn bọc) và da không bị viêm (mụn đầu đen và mụn đầu trắng). 

Triệu chứng điển hình của viêm nang lông là ngứa tại vùng da bị viêm, sau đó vùng da viêm sần sùi nổi nốt đỏ, lông không mọc ra ngoài được mà xoắn lại bên trong gây ngứa ở vùng nang lông. Những nốt đỏ mọc quanh vùng bị viêm, có thể là viêm một hoặc nhiều nang lông cùng lúc, nhưng thường là viêm một vùng da nào đó trên cơ thể. 

Nốt đỏ không lớn lắm nhưng thường dày đặc Sau khi những nốt đỏ được hình thành và gây ngứa. Viêm nang lông sẽ chuyển qua mụn nước có mủ trắng ở đầu, khi sờ vào thì thấy đau và nhức, sau đó các mụn nước vỡ ra sẽ đóng vẩy làm khô da. Trong trường hợp không được hỗ trợ điều trị kịp thời, viêm nang lông sẽ phát triển thành nhọt, cụm nhọt, ổ gà, đinh râu…

Yếu tố nguy cơ:

Bệnh viêm nang lông thường gặp ở những người tăng tiết bã nhờn, có thói quen cạo lông, thường mặc quần áo chật, hay tiếp xúc với các chất tẩy rửa quá mạnh, nguồn nước bị ô nhiễm,...

Trong khi đó, mụn trứng cá thường gặp ở những người có chế độ ăn nhiều đường, có tiền sử gia đình bị mụn trứng cá, thường sử dụng mỹ phẩm làm bít lỗ chân lông, rối loạn nội tiết tố,...

- Nhóm tuổi ảnh hưởng:

Bệnh viêm nang lông có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người già. Còn mụn trứng cá thường xảy ra nhất ở thanh thiếu niên đặc biệt trong tuổi dậy thì, ít xảy ra ở người lớn.

- Vị trí phát bệnh

Mụn trứng cá thường xuất hiện ở trên vùng da gần tuyến bã nhờn như mặt, lưng, ngực và cổ. Bệnh viêm nang lông có thể xuất hiện ở bất kì bộ phận cơ thể nào có lông.

3. Phương pháp điều trị mụn trứng cá và bệnh viêm nang lông

Mụn trứng cá và bệnh viêm nang lông là vấn đề về da cực kỳ phổ biến. Chúng phải được phân biệt với nhau cẩn thận để việc điều trị được hiệu quả nhất. 

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ riêng biệt của từng tình trạng da có thể khiến việc điều trị trở nên khó khăn; một loại thuốc bôi có thể chữa khỏi mụn trứng cá ở người này, trong khi thay đổi chế độ ăn uống có thể làm giảm mụn nhọt ở người khác

3.1. Điều trị bệnh viêm nang lông

Bệnh viêm nang lông thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh tại chỗ, nhưng thuốc kháng khuẩn toàn thân có thể được chỉ định cho một số trường hợp như nhiễm nấm. Ví dụ, u hạt Majocchi là bệnh nhiễm trùng da do nấm trong nang lông nên cần dùng thuốc chống nấm đường uống.

- Phương pháp điều trị tại chỗ

- Tình trạng nặng bệnh nhân có thể phải uống hoặc tiêm thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus hoặc thuốc chống nấm.

 - Điều trị tại chỗ: có thể dùng các thuốc bôi chống nhiễm trùng như Betadine, benzoyl peroxide, axit salicylic, và thuốc kháng sinh...

 - Điều trị toàn thân: trường hợp viêm nặng và tái phát có thể dùng thuốc đường toàn thân theo chỉ định của bác sỹ:

+ Kháng sinh: kháng sinh thuộc nhóm Beta – lactam, cyclin, co-trimoxazol, ciprofloxacin và metronidazol.

+ Viêm nang lông do nấm: sử dụng các thuốc chống nấm bôi và phối hợp với thuốc uống. Thuốc bôi như clotrimazole, ketoconazole... Có nhiều loại thuốc chống nấm đường uống như itraconazole, terbinafin,... 

+ Viêm nang lông do vi rút herpes: có thể bôi kem acyclovir, uống acyclovir. + Viêm nang lông do demodex: có thể dùng kem permethrin bôi hoặc kem metronidazole phối hợp với uống metronidazole.

Ngoài ra, mọi người cần tránh các yếu tố như mặc quần áo bó sát, hạn chế hoạt động mạnh gây đổ nhiều mồ hôi và tránh tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm để ngăn ngừa sự xuất hiện của bệnh viêm nang lông.

3.2. Điều trị mụn trứng cá

Mụn trứng cá là kết quả của bốn yếu tố chính xảy ra kết hợp: Lỗ chân lông bị tắc bởi tế bào da chết, tuyến bã nhờn sản xuất dầu nhờn quá mức, vi khuẩn Propionibacterium acnes tăng sinh, và cuối cùng là viêm nhiễm.

Do vậy, việc điều trị mụn trứng cá ở thể nhẹ chính là làm thông thoáng lỗ chân lông. Khi trứng cá ở tình trạng trung bình và nặng thì cần uống kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và giảm viêm. Có thể sử dụng retinoids để làm thông thoáng lỗ chân lông, giảm viêm, và kiềm chế sản xuất dầu từ tuyến bã nhờn. 

Một số nhóm người, đặc biệt là phụ nữ trưởng thành bị mụn trứng cá, có thể cần dùng thuốc để giảm mụn do nội tiết tố. 

- Phương pháp điều trị tại chỗ có thể sử dụng thuốc bôi có chứa benzoyl peroxide, acid salicylic, retinoid, vitamin A, khánh sinh dùng ngoài như Clindamycin và Erythromycin… 

- Điều trị mụn trứng cá bằng đường uống thường sử dụng thuốc kháng sinh như doxycylin và minocylin , thuốc chống viêm ( methyl prednisolon, prednisolone…) spironolactone một thuốc nhóm lợi tiểu đôi khi cũng được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá , isotretinoin ( retinoid) được dùng để điều trị trong trường hợp mụn nặng. estrogen thường sử dụng với phụ nữ bị mụn trứng cá ở tuổi trưởng thành. 

Việc sử dụng kháng sinh và các loại thuốc cả đường uống và đường bôi đều sẽ có tác dụng phụ, đặc biệt có nhiều loại thuốc gây ra ảnh hưởng đến thai nhi, dị tật thai nhi như spironolacton, isotretinoin…. 

Cần hết sức thận trọng và chỉ sử dụng khi có đơn kê của bác sĩ chuyên khoa.


Bài gốc: https://www.learnskin.com/articles/how-is-folliculitis-related-to-acne

Tác giả: Mai Nhung