Mối liên hệ giữa bệnh cúm và bệnh tim: Cẩn thận kẻo nguy hiểm tính mạng

Mối liên hệ giữa bệnh cúm và bệnh tim: Cẩn thận kẻo nguy hiểm tính mạng
Nếu từng có tiền sử đột quỵ hoặc bị bệnh tim, việc bảo vệ bản thân khỏi bệnh cúm nên là ưu tiên hàng đầu, nhất là khi virus cúm mùa đang "hoành hành".

Cơ thể chúng ta phản ứng tự nhiên với nhiễm trùng do virus cúm bằng các phản ứng viêm nhằm bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập có hại. Tuy nhiên, với người sẵn có bệnh tim hay từng có tiền sử đột quỵ, phản ứng này có thể dẫn tới nhiều "hệ quả" nguy hiểm, thậm chỉ đe dọa tính mạng.

Dưới đây là những thông tin cần biết về mối liên hệ giữa bệnh cúm và bệnh tim, lưu ý rằng, điều quan trọng là kiểm soát tốt bệnh tim theo chỉ định của bác sĩ và theo dõi các bất thường của cơ thể nếu nhiễm cúm để nhanh chóng khám bác sĩ.

Các triệu chứng cúm mùa thường gặp bao gồm: Sốt cao, thường là sốt trên 38 độ C trở lên có thể kèm theo rét run, ớn lạnh; đau nhức đầu, đau mỏi cơ, nhức toàn thân; mệt mỏi, chán ăn; ho khan hoặc ho có đờm; đau họng; sổ mũi hoặc nghẹt mũi. Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, mặc dù tình trạng này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.

Mối liên hệ giữa bệnh cúm và bệnh tim: Cẩn thận kẻo nguy hiểm tính mạng - Ảnh 2.

Mối liên hệ giữa bệnh cúm và bệnh tim: Cẩn thận kẻo nguy hiểm tính mạng (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

- 10 dấu hiệu cảnh báo bệnh tim xuất hiện trên làn da

- 7 cách ngăn ngừa cúm lây lan khi trong nhà có người bị cúm

1. Nhiễm virus cúm nguy hiểm thế nào với người mắc bệnh tim?

Bệnh tim được hiểu là các tình trạng phổ biến ảnh hưởng tới chức năng hoạt động bình thường của trái tim gồm hệ thống tim mạch và mạch máu. Bệnh tim có thể tác động tiêu cực tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể phụ thuộc vào mức độ tổn thương đến đâu. Các bệnh tim mạch bao gồm: Bệnh động mạch vành, bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh cơ tim, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, khuyết tật tim bẩm sinh, suy tim.

Bệnh tim và bệnh cúm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Người mắc bệnh tim có nguy cơ cao nhiễm cúm và gặp phải các biến chứng cúm nghiêm trọng. Đồng thời, bệnh cúm có thể khiến các triệu chứng bệnh tim trở nên tồi tệ hơn. Tất cả đều có thể đe dọa tới tính mạng của người bệnh.

Theo CDC, một nghiên cứu năm 2018 đã phát hiện ra rằng, nguy cơ bị đau tim cao hơn tới 6 lần trong vòng 1 tuần sau khi nhiễm cúm, tỷ lệ này đặc biệt rõ hơn ở người lớn tuổi và người bị đau tim lần đầu. Thêm vào đó, khoảng 12% bệnh nhân nhập viện vị cúm có các biến cố tim đột ngột và nghiêm trọng ảnh hưởng tới tính mạng.

Có thể thấy, nếu bị bệnh tim và nhiễm cúm, người bệnh có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng cúm như viêm phổi, viêm phế quản và đau tim đồng thời có thể dẫn tới trầm trọng hơn các bệnh tiểu đường, hen suyễn hay các bệnh lý kèm theo trước đó. Ngoài ra, còn có các triệu chứng cúm thông thường khác, từ sốt và đau nhức cơ thể đến khó thở và suy hô hấp.

Mối liên hệ giữa bệnh cúm và bệnh tim: Cẩn thận kẻo nguy hiểm tính mạng - Ảnh 4.

Nếu bị bệnh tim và nhiễm cúm, người bệnh có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng cúm (Ảnh: ST)

Cơ thể phản ứng tự nhiên với nhiễm trùng cúm bằng phản ứng viêm, nhằm bảo vệ cơ thể khỏi virus. Nhưng phản ứng này có thể cũng gây thêm căng thẳng cho cơ thể người bệnh, từ đó gây ra cục máu đông, tăng huyết áp và thậm chí là sẹo hoặc phù ở tim hay ảnh hưởng đến huyết áp, nhịp tim và chức năng tim nói chung. Với người bị xơ vữa động mạch, căng thẳng do nhiễm bệnh có thể khiến mảng bám vỡ ra, dẫn tới đau tim hoặc đột quỵ.

Các biến chứng tim mạch do cúm bao gồm: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, nhiễm trùng van tim, tăng đông máu, xơ vữa động mạch, suy tim cấp tính, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, nhồi máu cơ tim dẫn tới đột tử. Các biến chứng tim mạch có thể xuất hiện trong cả giai đoạn nhiễm cúm cấp tính và thời gian sau khi khỏi bệnh.

Triệu chứng bệnh tim trở nặng hơn khi nhiễm cúm cần được khám càng sớm càng tốt, chẳng hạn: Ho khan khi nằm, ho ra đờm có lẫn máu; đau thắt ngực dữ dội, cơn đau có thể lan từ tim sang một bên cơ thể như cánh tay, vai trên, hàm; nhịp tim không đều; rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực; các cơn khó thở tăng lên, nhất là khi người bệnh nằm xuống hoặc gắng sức; phù nề chân và mắt cá chân tăng lên; chóng mặt dẫn tới ngất xỉu; thiếu oxy máu dẫn tới tím tái ở môi, đầu ngón tay và ngón chân; lú lẫn, mê sảng; kiệt sức, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt hàng ngày kèm theo sốt thuyên giảm nhưng tái phát trở lại hoặc sốt cao hơn kéo dài hoặc các triệu chứng không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn sau 3 đến 4 ngày bị bệnh.

2. Cần làm gì nếu bị bệnh tim và nhiễm cúm?

Theo CDC Hoa Kỳ, có một số biện pháp chăm sóc sức khỏe cụ thể bao gồm cả thuốc có thể uống dành cho người mắc bệnh tim hoặc có tiền sử đột quỵ nếu nhiễm cúm.

- Nếu phát hiện sớm các triệu chứng cúm từ đầu hoặc nghi ngờ nhiễm cúm thì người mắc bệnh tim thường được chỉ định thuốc kháng virus để đạt được hiệu quả.

Mối liên hệ giữa bệnh cúm và bệnh tim: Cẩn thận kẻo nguy hiểm tính mạng - Ảnh 6.

Cần làm gì nếu bị bệnh tim và nhiễm cúm? Ảnh: ST

- Chú ý lượng nước tiêu thụ, cúm có thể gây mất nước do sốt nhưng với người mắc bệnh suy tim, người bệnh cần phải hạn chế lượng chất lỏng tiêu thụ, do vậy hãy nói chuyện thêm với bác sĩ trước khi tăng lượng nước uống lên.

- Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, giàu vitamin và khoáng chất. Bổ sung các thực phẩm giàu kẽm như trứng, đậu lăng, đậu gà và các loại hạt.

- Bổ sung độ ẩm cho không khí bằng máy bù ẩm để thông thoáng đường thở.

- Thận trọng khi dùng thuốc không kê đơn bởi một số loại thuốc trị cúm có thể tương tác với thuốc điều trị bệnh tim, chẳng hạn như warfarin - một loại thuốc chống đông máu hay thuốc thông mũi có thể làm tăng huyết áp và tương tác với các loại thuốc khác .. Vì vậy, khi mua thuốc không kê đơn (OTC), hãy kiểm tra nhãn thuốc.

- Tuyệt đối không được ngừng thuốc bệnh tim mà không tham khảo trước ý kiến của bác sĩ.

- Chú ý những thay đổi trong cách thở như khó thở, thở nông, đánh trống ngực để khám sớm.

3. Phòng ngừa

Thật may mắn rằng, người mắc bệnh tim hoặc có tiền sử đột quỵ có thể ngăn ngừa hoặc giảm bớt nguy cơ gặp phải các biến chứng do cúm gây ra bằng các tiêm vaccine phòng cúm và phế cầu và giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo vệ đường hô hấp tốt như tránh xa người có triệu chứng viêm long đường hô hấp, che miệng khi ho và hắt hơi, rửa tay thường xuyên, giữ nhà cửa thông thoáng, đeo khẩu trang ở những nơi công cộng,...

Mối liên hệ giữa bệnh cúm và bệnh tim: Cẩn thận kẻo nguy hiểm tính mạng - Ảnh 7.

Khi bạn bị bệnh tim, bất kỳ loại virus lây qua đường hô hấp nào cũng có thể dẫn đến biến chứng (Ảnh: ST)

Trong đó, vaccine cúm và phế cầu được coi là an toàn với người mắc bệnh tim và một số tình trạng sức khỏe khác. Cả 2 đều giúp bảo vệ người bệnh khỏi nguy cơ mắc các biến cố tim mạch tăng cao cũng như biến chứng cúm, ví dụ như viêm phổi do phế cầu là một dạng biến chứng bội nhiễm sau virus cúm có thể đe dọa tới tính mạng - tiêm vaccine ngừa phế cầu sẽ giúp bảo vệ cơ thể giảm nguy cơ viêm phổi do phế cầu khuẩn cũng như các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng khác.

Theo UCLA Health, những người mắc bệnh tim và được tiêm vaccine phòng cúm có nguy cơ phải nhập viện vì cúm thấp hơn 37% và nguy cơ bị ngừng tim ngoài bệnh viện thấp hơn 50% trong vòng 12 tháng sau khi tiêm vaccine. Hơn nữa, một phân tích tổng hợp được Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ công bố vào năm 2020 đã phát hiện ra rằng, sau khi xem xét 16 nghiên cứu độc lập bao gồm hơn 237.000 người, những người mắc bệnh tim đã được tiêm vaccine phòng cúm bị đe dọa tính mạng do các vấn đề về tim ít hơn 18% và khả năng mất mạng do các nguyên nhân khác ít hơn 28%.

Ngoài người mắc bệnh tim thì vaccine cúm, vaccine ngừa phế cầu khuẩn cũng được khuyến khích tiêm nếu thuộc một trong các nhóm: Người mắc bệnh tiểu đường, bệnh gan mãn tính hoặc bệnh thận mãn tính; phụ nữ mang thai; người mắc bệnh hô hấp mãn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính; người mắc bệnh thần kinh như Parkinson; người trên 65 tuổi; người có vấn đề về lá lách hoặc đã phẫu thuật cắt bỏ lá lách và người có hệ miễn dịch suy yếu.

Cuối cùng, hãy chủ động quản lý tốt bệnh tim của bản thân bằng cách uống thuốc theo đơn của bác sĩ, tái khám định kỳ và có lối sống lành mạnh để giữ chức năng tim trong tầm kiểm soát.

Trên đây là những thông tin về mối liên hệ giữa bệnh cúm và bệnh tim cũng như những điều cần làm khi nhiễm cúm và cách phòng ngừa nhiễm cúm và biến chứng cúm cho người mắc bệnh tim, người có tiền sử đột quỵ. Một lần nữa nhấn mạnh rằng, khi bạn bị bệnh tim, bất kỳ loại virus lây qua đường hô hấp nào cũng có thể dẫn đến biến chứng. Điều quan trọng là quản lý sức khỏe tốt, chú ý tới các triệu chứng bất thường để can thiệp y tế kịp thời. Cần gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn bị bệnh tim, có tiền sử đột quỵ và nghi ngờ nhiễm cúm để được hướng dẫn phù hợp.

Nguồn dịch tham khảo:

1. What to Know About the Flu if You Have Heart Disease

2. The connection between heart disease and flu

3. Flu and your heart condition

4. Heart Disease and the Flu

Tác giả: Allen