Có thể là rất khó để giữ sức khỏe "an toàn" khi ở gần một người đang phải "chống chọi" với các triệu chứng cúm như ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi,... Nhất là khi virus cúm được nhận định là loại virus có khả năng lây lan cao và rất nhanh thông qua tiếp xúc với dịch tiết mang virus cúm của người bệnh như hắt hơi, ho,... trong một không gian chật hẹp, kém thông gió khiến chúng có thể tồn tại trong nhà bạn lâu hơn. Hơn nữa, virus gây bệnh cảm cúm có thể sống trên bề mặt cứng trong thời gian lên tới 48 giờ.
Một nghiên cứu năm 2015 trên NCBI thậm chí đã chỉ ra rằng, nguy cơ cúm lây lan trong một gia đình lên tới 38%. Do vậy, nếu trong nhà có người bị cúm, bạn có thể lưu ý các mẹo giúp giảm tình trạng lây lan của virus cúm trong gia đình như sau. Chú ý rằng, ngay cả việc đã tiêm vaccine phòng cúm thì nó cũng không giúp bạn ngăn chặn hoàn toàn việc nhiễm virus cúm mà chỉ giúp giảm nguy cơ nhiễm cũng như biến chứng nặng do cúm:
Rửa tay thường xuyên hơn. Đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa cúm. Một khi virus cúm bám trên tay, chúng có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể thông qua việc "vô tình" chạm tay vào mắt hoặc miệng. Theo CDC, bạn cần rửa tay trước khi ăn, sau đi khi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh; sau khi chạm vào các bề mặt mà người bệnh thường xuyên tiếp xúc.
Cách rửa tay tốt nhất là dùng xà phòng rửa tay ít nhất 20 giây dưới vòi nước sạch và đừng quên chà sát kỹ các kẽ ngón tay, mu bàn tay và dưới móng tay. Đồng thời hạn chế thấp nhất việc đưa tay chạm vào mắt - mũi - miệng.
Đọc thêm:
- Rửa tay ngay sau khi chạm vào 10 thứ này, đây là ổ vi khuẩn có thể gây bệnh
- 8 loại thảo dược bổ phổi, giúp phòng ngừa các bệnh hô hấp khi vào mùa
Đừng quên lau sạch các bề mặt mà người bệnh chạm vào thường xuyên khi đang bị cúm chẳng hạn như bồn rửa mặt, bồn tắm, tay nắm cửa, bàn ăn, công tắc điện, điều khiển tivi, mặt bàn, mặt tủ lạnh, vòi nước thậm chí là cả điện thoại, máy tính.... Tất cả những khu vực này đều cần được khử trùng bằng dung dịch khử trùng hoặc khăn lau khử trùng có chứa hydrogen peroxide, clo và/hoặc cồn, có thể tiêu diệt vi khuẩn ngay lập tức và ngay khi tiếp xúc cũng như các loại virus còn sót lại có thể dẫn tới lây lan nếu chẳng may ai đó chạm vào.
Các nghiên cứu cho thấy virus cúm có thể tồn tại trong 8 đến 12 giờ trên vải và giấy. Ngoài ra, virus gây cúm cũng có thể bám vào bề mặt cứng như bát, đĩa,... Vì vậy nếu có ai đó trong nhà bị cúm, hãy cố gắng cách ly người bệnh và sử dụng đồ dùng cá nhân riêng cho họ bao gồm ga gối riêng; khăn tắm, khăn lau mặt riêng; cốc đánh răng, bàn chải đánh răng, kem đánh răng; bát đĩa, đũa, thìa dĩa riêng; cốc uống nước; ưu tiên sử dụng khăn giấy loại dùng 1 lần;... đồng thời phân loại rác của người bệnh riêng để dễ xử lý.
Với trẻ bị bệnh, không để trẻ ốm và trẻ khỏe mạnh chơi chung đồ chơi. Nếu có thể, hãy khử trùng đồ chơi giữa các lần chơi của trẻ.
Điều này cũng đồng nghĩa rằng, nếu có xét nghiệm dương tính với cúm hoặc vừa xuất hiện các triệu chứng hô hấp như ho, sổ mũi, hắt hơi,... nghi ngờ nhiễm cúm, tốt nhất hãy cách ly người bệnh, tạo khoảng cách càng "biệt lập" càng tốt để tránh vô tình tiếp xúc với mầm bệnh, đặc biệt là với các gia đình có trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có các vấn đề về suy giảm miễn dịch, người sẵn có các bệnh nền mãn tính, bệnh phổi hay bệnh hô hấp mãn tính.
Khi một người ho, hắt hơi hoặc thậm chí nói chuyện, họ có thể phát tán các giọt bắn chứa virus cúm hoặc các loại virus gây bệnh hô hấp khác vào không khí xung quanh. Do vậy, cả người đang bị ốm, người chăm sóc người ốm và các thành viên khác nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nhau để tránh mầm bệnh lây lan do khoảng cách gần.
Chú ý hạn chế dùng tay chạm vào mặt ngoài của khẩu trang, tránh vô tình đưa bụi bẩn hay virus, vi khuẩn bám ở mặt ngoài khẩu trang dính vào mắt, mũi, miệng. Vì thế, hãy cẩn thận khi tháo khẩu trang, bắt đầu từ dây đeo tai rồi bỏ ngay vào máy giặt hoặc thùng rác sau đó rửa tay thật sạch sẽ.
Một ngôi nhà có độ thông gió thích hợp, đặc biệt là những không gian sinh hoạt chung rất quan trọng, đặc biệt là khi gia đình có người bị cúm. Bằng cách mở cửa sổ, sử dụng máy lọc không khí, bạn có thể giảm lượng các giọt bắn có chứa virus từ người bệnh.
Điều này cũng quan trọng ngay cả với phòng riêng của người bị cúm hoặc khi gia đình có một cuộc tụ tập đông người.
Như đã nói, các giọt bắn mang virus cúm có thể tồn tại lâu trên vải, giấy tới 12 giờ nên cần yêu cầu người bệnh che miệng và mũi với khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, sau đó bỏ ngay khăn giấy đó vào thùng rác kín. Điều này giúp ngăn chặn sự phát tán của giọt bắn chứa virus ra môi trường xung quanh.
Một trong những cách đơn giản để chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus, vi khuẩn chính là có lối sống lành mạnh. Có thể bao gồm uống đủ nước, ngủ đủ giấc và ưu tiên bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và chống viêm, protein nạc (hải sản, trứng, đậu), giàu vitamin C, vitamin A, vitamin E, vitamin D và khoáng chất như kẽm, selen,... có tác dụng tăng cường miễn dịch, hỗ trợ tiêu diệt và loại bỏ độc tố, nhiễm trùng chẳng hạn như rau xanh, trái cây,... Đồng thời hạn chế các thực phẩm chiên rán, đồ uống chứa các chất kích thích như rượu bia, hạn chế thuốc lá,...
Có nhiều quan điểm khác nhau về việc tăng cường bổ sung vitamin C giúp ngăn ngừa hoặc điều trị cúm hay cảm lạnh. Tuy nhiên vitamin C không thể ngăn bạn khỏi bị cúm hay giúp bạn nhanh khỏi cúm hơn. Nhưng sẽ không bao giờ là có hại khi bạn tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C vào chế độ ăn hàng ngày của mình. Khi bị cúm, có thể bổ sung vitamin C từ các loại trái cây như khế, lê, chanh, cam và dưa hấu để hỗ trợ điều trị bệnh, giúp cơ thể nhanh hồi phục nhờ tăng cường nước và năng lượng giúp giảm mệt mỏi.
Đừng quên các thực phẩm giàu vitamin D. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin D có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh phản ứng miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích nghi. Thiếu vitamin D có liên quan đến tình trạng tự miễn dịch tăng cao cũng như khả năng dễ bị nhiễm trùng cao hơn. Các thực phẩm giàu vitamin D có thể kể đến như cá béo (cá hồi, cá trích, cá mòi), dầu gan cá tuyết, hàu, tôm, lòng đỏ trứng, nấm.
Cuối cùng, cần nhớ rằng, hầu hết trẻ em và người lớn khỏe mạnh bị cúm có thể lây nhiễm bệnh cho người khác bắt đầu khoảng một ngày trước khi phát triển bất kỳ triệu chứng nào và lên đến bảy ngày sau khi các triệu chứng biến mất. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu vẫn có thể lây lan cho người khác trong nhiều tuần. Do vậy, điều quan trọng là phải tiêm phòng cúm hàng năm và chú ý tới các biểu hiện bất thường của bản thân.
Các triệu chứng của bệnh cúm theo mùa bao gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, đau họng, mệt mỏi và đau nhức cơ thể, ho, hắt hơi, sổ mũi, nôn mửa và/hoặc tiêu chảy. Nếu xuất hiện các triệu chứng cúm mùa, hãy nghỉ làm hoặc nghỉ học và nghỉ ngơi, ngủ nhiều hơn, uống đủ nước, điều trị giảm triệu chứng bằng thuốc không kê đơn, đặc biệt là cách ly bản thân với các thành viên khác trong gia đình và tuân thủ các nguyên tắc để hạn chế sự lây lan của virus cúm cho mọi người xung quanh.
Nguồn dịch tham khảo:
1. 8 Ways to Keep the Flu From Spreading Through Your Household
2. Dos and Don’ts When Someone in Your House Is Sick
3. A Parent's Guide to the Flu