'Cúm lạc đà' MERS-CoV có thể bùng phát sau World Cup không? Làm thế nào để phòng bệnh?

'Cúm lạc đà' MERS-CoV có thể bùng phát sau World Cup không? Làm thế nào để phòng bệnh?
“Cúm lạc đà” là hội chứng hô hấp Trung Đông do virus Corona (CoV) gây ra, bệnh có liên quan đến việc tiếp xúc với lạc đà hoặc ăn thịt và sữa của chúng chưa được nấu chín. Tỷ lệ tử vong do MERS-CoV tương đối cao.

Mới đây, một số tuyển thủ Pháp bị ốm do nhiễm virus MERS-CoV hay còn gọi là "cúm lạc đà". Đây không phải là bệnh truyền nhiễm mới, MERS xuất hiện vào năm 2012 và mức độ gây bệnh khá nguy hiểm.

Theo Tờ The Independent đưa tin: "Virus Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), có tỷ lệ tử vong ước tính là 30%, đã được phát hiện trong một mẫu không khí trong chuồng lạc đà ở Ả Rập Saudi”.

Kể từ khi được phát hiện ở Ả Rập Saudi, MERS-CoV xuất hiện ở các quốc gia khác như Trung Đông và châu Phi, châu Âu, châu Á, Hoa Kỳ...

Vì mức độ khá nguy hiểm nên các chuyên gia khuyến cáo những người hâm mộ bóng đá đến xem FIFA World Cup 2022 hoặc du lịch ở Trung Đông nên cảnh giác với hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và giữ vệ sinh tốt. Sau khi về nước nên chú ý quan sát các triệu chứng, nếu ho, sốt, mệt mỏi nên báo cáo cho bệnh viện. 

1. Triệu chứng "cúm lạc đà" MERS-CoV

MERS-CoV có mức độ từ nhẹ đến nặng. Một số người không có triệu chứng hoặc triệu chứng tương tự như nhiễm trùng đường hô hấp trên như ho, sốt, khó thở, ...

Nhưng nhiều người bị sốt và ho tiến triển thành viêm phổi. Đôi khi người ta gặp các dấu hiệu và triệu chứng về hệ tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Thận và màng xung quanh tim cũng có thể bị ảnh hưởng.

'Cúm lạc đà' MERS-CoV có thể bùng phát sau World Cup không? Làm thế nào để phòng bệnh? - Ảnh 2.

MERS-CoV có thể gây ra các triệu chứng như nhiễm trùng đường hô hấp trên (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Các triệu chứng Covid-19 có thay đổi nếu bạn bị tái nhiễm nhiều lần không?

Làm thế nào để phân biệt bệnh do virus RSV và cúm mùa?

Mức độ nguy hiểm của MERS-CoV như thế nào?

MERS-CoV có thể dẫn đến suy hô hấp hoặc suy thận, thậm chí gây tử vong. Những người có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn như người lớn tuổi, có hệ thống miễn dịch yếu hoặc mắc bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh phổi.

2. Liệu MERS-CoV có khả năng bùng phát như đại dịch Covid-19?

Tiến sĩ Brian Labus, Tiến sĩ, thuộc Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Nevada-Las Vegas, cho biết: "Giữa số lượng ca bệnh tương đối ít, khó lây truyền giữa người với người và hiện tại không có trường hợp nào được báo cáo ở Hoa Kỳ có liên quan đến World Cup, mọi người không nên lo sợ MERS ở giai đoạn này."

Mặc dù nguy cơ bùng phát như đại dịch Covid-19 là khó xảy ra nhưng mọi người cũng không nên chủ quan. "Cúm lạc đà" có thể lây nhiễm từ động vật qua người, từ người sang người nên mọi người nên thận trọng và có những biện pháp để bảo vệ bản thân.

3. Điều trị và phòng ngừa MERS-CoV như thế nào?

3.1. Điều trị MERS-CoV

Trọng tâm chính khi điều trị MERS là điều trị các triệu chứng của bệnh. Điều cần thiết là nên đến bệnh viện để được các bác sĩ hướng dẫn điều trị.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Liên Châu Phi vào năm 2020 (1) cho thấy MERS có nhiều khả năng gây ra các vấn đề về thận hơn các loại virus corona khác. Nếu người bệnh gặp triệu chứng tiêu chảy, việc giữ nước và bổ sung đủ nước là điều quan trọng trong quá trình chăm sóc.

Hơn nữa, bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho người bệnh sẽ giúp quá trình phục hồi nhanh chóng hơn. Nên tham vấn ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa để có chế độ ăn uống khoa học và điều độ.

3.2. Phòng ngừa MERS-CoV

Mặc dù chưa có vaccine phòng ngừa MERS, nhưng việc tránh dùng sữa và thịt lạc đà sống, không tiếp xúc với nước tiểu của lạc đà là cách phổ biến nhất để ngăn ngừa sự lây truyền ban đầu. Mặc dù hiếm khi lây từ người sang người, nhưng các bạn không nên tiếp xúc quá gần với những người có dấu hiệu và nghi ngờ nhiễm bệnh.

'Cúm lạc đà' MERS-CoV có thể bùng phát sau World Cup không? Làm thế nào để phòng bệnh? - Ảnh 3.

Tránh ăn thịt và uống sữa lạc đà sống là cách phổ biến nhất để ngăn ngừa sự lây truyền ban đầu (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, một số biện pháp phòng covid-19 cũng rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa MERS-CoV, chẳng hạn:

- Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây.

- Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác ngay lập tức, sau đó rửa tay cẩn thận.

- Khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào, chẳng hạn như tay nắm cửa.

- Tránh chạm tay chưa rửa vào mặt, miệng và mũi.

- Không dùng chung cốc, đồ dùng hoặc các vật dụng khác với người bệnh.

- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với những người có dấu hiệu ho, sốt... 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và Tổ chức Y tế Thế giới đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển và gây bệnh của virus. Hiện tại họ không khuyến nghị thay đổi kế hoạch của bạn nếu bạn đang đi du lịch đến Trung Đông hoặc những nơi khác đã có báo cáo về virus.

Tuy nhiên, nếu bạn đã đi du lịch đến Bán đảo Ả Rập hoặc một quốc gia láng giềng, các quốc gia được báo cáo có sự xuất hiện của MERS và bị sốt hoặc có các triệu chứng của MERS-CoV trong vòng 14 ngày sau khi trở về, hãy báo cáo cho bệnh viện để có hướng xử lý phù hợp.

Nguồn tham khảo:

1. MERS: What to Know About the Virus and if it Will Spread After the World Cup

2. What is MERS-CoV, and what should I do?

3. Deadly MERS 'camel flu' may now be airborne


Tác giả: Vân Anh