Chăm sóc trẻ bị cúm tại nhà thường bao gồm chăm sóc các triệu chứng cúm ở trẻ và phát hiện sớm các triệu chứng bệnh cúm ở trẻ chuyển nặng để kịp thời thăm khám bác sĩ.
Cúm là bệnh xảy ra do sự xâm nhập của virus cúm vào đường hô hấp nên bệnh không khỏi nhanh hơn khi dùng kháng sinh. Thay vào đó là các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng kết hợp với các lưu ý khác liên quan tới chế độ ăn ngủ và dinh dưỡng cho trẻ:
Triệu chứng cúm ở trẻ hầu hết đều giống triệu chứng cúm ở người trưởng thành, bao gồm sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng gồm: Sốt, chóng mặt, chán ăn, đau nhức cơ thể, mỏi cơ, mệt mỏi, tắc nghẽn ngực, ho, ớn lạnh, đau đầu, đau ở một hoặc cả hai bên tai, tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa. Với trẻ sơ sinh chưa biết nói, trẻ thường cáu kỉnh, khó chịu hơn bình thường.
Chăm sóc trẻ bị cúm tại nhà cần lưu ý gì để trẻ nhanh khỏi bệnh? Ảnh: ST
Đọc thêm:
+ 3 sai lầm khi điều trị ho đờm ở trẻ khiến bệnh kéo dài
+ Trẻ ốm dậy cha mẹ cần làm gì để con khỏe mạnh, không bị tái bệnh?
- Trẻ bị sốt, đau mỏi người do cúm: Trẻ bị sốt do bệnh cúm thường khởi phát sau 1 - 2 ngày bị lây virus cúm. Trẻ bị cúm A thường sốt cao trong 2 - 3 ngày hoặc kéo dài cơn sốt trong 5 - 7 ngày. Trẻ bị cúm B có thể bị sốt rét run kéo dài tới 5 ngày, thân nhiệt cao từ 39 - 40 độ. Cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng acetaminophen hoặc ibuprofen để hạ sốt và giảm đau theo liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất từ 4 - 6 tiếng một lần. Tuyệt đối không sử dụng asprin bởi thuốc có liên quan tới hội chứng Reye.
Khi trẻ bị sốt, nên mặc quần áo thông thoáng cho trẻ, lau người bằng nước ấm ở các vùng như trán, nách, bẹn và để trẻ nghỉ ngơi, ngủ cho tới khi cơn sốt giảm nhẹ.
- Trẻ bị ho do cúm: Ho là phản xạ hoàn toàn bình thường của cơ thể. Khi bị cúm, trẻ có thể bị ho khan hoặc ho có đờm, ho tăng lên vào ban đêm khi trẻ nằm xuống. Trẻ bị cúm A ho nhiều hay cúm B hoặc cúm thông thường thì đều cần chú ý vệ sinh mũi họng sạch sẽ, súc miệng nước muối với trẻ lớn hơn, uống/ăn các loại thức ăn ấm và bù ẩm không khí để giảm kích ứng họng dẫn tới ho nhiều hơn. Thuốc giảm ho, thuốc long đờm không kê đơn có thể có hiệu quả nhưng cần sử dụng theo chỉ dẫn, không nên lạm dụng.
- Trẻ bị sổ mũi hoặc nghẹt mũi: Cần vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên bằng nước muối sinh lý (nhỏ mũi 2 - 3 lần với trẻ sơ sinh, xịt mũi với trẻ lớn hơn không quá 3 lần/ngày), hút mũi bằng dụng cụ chuyên dụng, bù ẩm bằng máy bù ẩm không khí để giảm khó chịu cho mũi và mở rộng đường thở (chú ý vệ sinh máy sau mỗi lần sử dụng hoặc ít nhất một lần một ngày). Thuốc kháng histamine hoặc thuốc hít, thuốc thông mũi mở rộng đường thở có thể giúp ích nhưng chỉ dùng nếu có chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ.
Trẻ bị cúm có thể bị nghẹt mũi hoặc sổ mũi (Ảnh: ST)
- Trẻ bị đau họng: Trẻ bị cúm có thể gây viêm, sưng họng dẫn tới đau khó chịu, chán ăn. Trẻ bị đau họng uống thuốc gì? Đau họng do cúm hay đau họng do virus nói chung đều không cần sử dụng thuốc kháng sinh; thuốc kháng sinh chỉ có ích với các trường hợp bị viêm đau họng do vi khuẩn (chẳng hạn như liên cầu khuẩn,...). Thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc ibuprofen có thể giúp trẻ giảm đau. Nhưng cần dùng theo đơn của bác sĩ. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước, uống thức uống ấm như uống mật ong ấm để giảm sưng viêm và ngứa đau họng (trừ trẻ dưới 1 tuổi không nên uống mật ong sẽ gây ngộ độc).
Ngoài ra, trẻ bị cúm A có thể gặp các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy. Hầu hết các trường hợp tiêu chảy do cúm A có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng tiêu chảy trở nặng, tiêu chảy phân lỏng hơn 6 lần một ngày cần được thăm khám bác sĩ sớm.
- Nghỉ ngơi, ngủ nhiều hơn: Khi trẻ bị cúm, đầu tiên cần cho trẻ nghỉ học cho tới khi trẻ cảm thấy tốt hơn và trẻ đã cắt sốt ít nhất 24 giờ mà không cần dùng thuốc hạ sốt.
- Bù nước: Khuyến khích trẻ uống nhiều nước như nước lỏng, súp ấm, nước ép trái cây, nước oresol.
Trẻ bị ốm cần năng lượng để hệ miễn dịch chiến đấu với virus gây bệnh (Ảnh: ST)
- Thận trọng với thuốc kháng virus: Mặc dù thuốc kháng virus có thể có hiệu quả rút ngắn thời gian phục hồi do cúm nhưng thuốc kháng virus, chẳng hạn như Tamiflu chỉ được sử dụng nếu có chỉ định của bác sĩ. Trẻ nhỏ uống Tamiflu có thể gặp phải một số tác dụng phụ như buồn nôn và nôn mửa, thậm chí nghiêm trọng hơn như mê sảng, co giật, rối loạn hành vi.
- Ăn chế độ ăn giàu dưỡng chất: Trẻ bị ốm cần năng lượng để hệ miễn dịch làm việc "cật lực" hơn chống lại tác động của virus cúm. Do vậy khi trẻ bị cúm, cha mẹ nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi; thực phẩm giàu kẽm và giàu protein kết hợp với các loại thảo dược trị cúm như gừng, tỏi, tiêu đen, húng quế, mật ong,...
- Vệ sinh sạch sẽ: Bên cạnh các lưu ý kể trên, cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ môi trường sống khi trẻ nghỉ do cúm ở nhà bằng giữ không khí trong nhà được lưu thông, vệ sinh khử trùng các bề mặt và đồ chơi mà trẻ thường xuyên chạm vào, dạy trẻ che miệng khi ho và hắt hơi bằng khăn giấy dùng một lần và yêu cầu trẻ rửa tay thường xuyên hơn để ngăn ngừa lây lan cho các thành viên khác trong gia đình.
Bất kể trẻ ở độ tuổi nào thì nếu có một hoặc nhiều hơn các triệu chứng dưới đây có thể trẻ đang gặp phải các biến chứng cúm và bệnh cúm tiến triển nặng hơn, cha mẹ đều cần cho trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, bao gồm:
- Các triệu chứng mất nước hoặc bỏ bú. Các dấu hiệu mất nước gồm: Không tiểu trên 12 giờ, với trẻ sơ sinh là bỉm khô trong 3 giờ; nước tiểu sẫm màu; khô da, khô miệng; khóc không có nước mắt; quấy khóc, cáu kỉnh; mệt mỏi; thũng chóp; mắt trũng;...
- Da môi, đầu ngón tay hay ngón chân hoặc da cơ thể chuyển sang màu tím tái do thiếu oxy máu.
- Uể oải, mê sảng, ngủ li bì khó đánh thức.
- Khó thở, thở khò khè, thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực.
- Đau đầu dữ dội, cứng cổ.
- Quấy khóc không ngừng, khó chịu và bứt rứt không rõ nguyên nhân, không cho chạm vào người ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.
- Sốt ở trẻ dưới 3 tháng hoặc sốt kéo dài trên 3 ngày không đáp ứng thuốc hạ sốt.
- Các triệu chứng cúm chuyển nặng hơn.
Bệnh cúm nguy hiểm hơn cảm lạnh thông thường đối với trẻ em. Hàng năm, hàng triệu trẻ em bị cúm mùa; hàng ngàn trẻ em phải nhập viện và nguy hiểm tính mạng vì cúm. Hầu hết trẻ bị cúm đều khỏi bệnh cúm trong vòng một tuần. Nhưng trẻ vẫn có thể cảm thấy rất mệt mỏi trong vòng 3 đến 4 tuần. Do vậy, trẻ bị cúm thường cần được chăm sóc cẩn thận, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Các biến chứng cúm ở trẻ nhỏ có thể là viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang và viêm tai giữa,...
Nguồn dịch tham khảo:
1. What Are the Symptoms of Flu in Kids and How’s It Treated?
2. Tips for Treating the Flu (For Parents)
3. What to do if you think your child has the flu
5. Influenza (Flu) in Children