Bệnh cúm chó là gì? Từ A- Z về bệnh cúm chó

Bệnh cúm chó là gì? Từ A- Z về bệnh cúm chó
Cúm chó được phát hiện lần đầu tiên tại Mỹ năm 2004. Chó bị bệnh có biểu hiện cảm cúm nhẹ và tự hồi phục, trong một vài trường hợp có biểu hiện viêm phổi nặng.

Tuy nhiên, có khoảng 20 - 25% chó nhiễm bệnh không có triệu chứng cụ thể nhưng vẫn thải virus ra môi trường và là nguồn lây nhiễm cho các cá thể khác.

1. Bệnh cúm chó là gì?

Bệnh cúm chó là gì, đây là một căn bệnh về đường hô hấp truyền nhiễm ở chó do các loại virus cúm loại A gây ra. Chúng được gọi là “virus cúm chó”. Cho tới nay, không có trường hợp được ghi nhận nào về việc nhiễm bệnh ở người với cúm chó. Có hai loại virus cúm A khác nhau ở chó: virus H3N8 và virus H3N2. Cần lưu ý rằng virus cúm chó loại A (H3N2) khác với virus cúm theo mùa loại A (H3N2) lây lan hàng năm ở người.

Virus cúm chó thuộc họ Orthomyxoviridae. Bệnh cúm chó được xác định dựa trên thành phần của hai loại protein cụ thể trong lớp ngoài lipid của capsid (Lớp vỏ protein) là: hemagglutinin (HA) và neuraminidase (NA).

Cúm chó: những điều cần biết  - Ảnh 1.

Hình ảnh dưới kính hiển vi của virus H3N8 gây bệnh cúm ở chó - Ảnh Internet.

2. Dấu hiệu của cúm chó

Bệnh cúm chó có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm. Nhiễm virus cúm chó thường giống với viêm khí quản truyền nhiễm ở chó, gây ra bởi một hoặc nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus, bao gồm Bordetella bronchiseptica và parainfluenza virus.

Dấu hiệu của bệnh cúm chó là ho, sổ mũi, sốt, lờ đờ, chảy nước mắt và chán ăn. Tuy nhiên không phải tất cả các con chó nhiễm bệnh đều có các triệu chứng trên.

Trong đó, dấu hiệu lâm sàng phổ biến nhất của cúm chó là ho kéo dài trong khoảng 10 đến 21 ngày và điều trị bằng kháng sinh và thuốc giảm ho không hiệu quả. Chảy máu ở mũi hoặc mắt, cũng là dấu hiệu thường thấy khi mắc cúm chó. Nhiều con chó bị chảy nước mũi và sốt (~40℃).

Hầu hết các con chó nhiễm bệnh có thể phục hồi trong vòng 2 đến 3 tuần. Tuy nhiên, ở mức độ nặng, chó thường bị chết. Tỷ lệ chết từ 1 - 5%, hoặc cũng có thể lên đến 8%. Sự bội nhiễm vi khuẩn là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.

Cúm chó: những điều cần biết  - Ảnh 2.

Dấu hiệu nhận biết bệnh cúm chó - Ảnh Internet.

3. Nguyên nhân gây bệnh cúm chó

Virus cúm chó H3N8 có nguồn gốc từ loài ngựa, sau đó lây truyền sang chó và hiện nay loại virus này có thể lây lan giữa các con chó với nhau. Virus H3N8 đã được biết là tồn tại ở ngựa trong hơn 40 năm. Năm 2004, các trường hợp mắc bệnh hô hấp không rõ ở chó đã được báo cáo ở Hoa Kỳ. Một cuộc điều tra cho thấy nguyên nhân của bệnh về đường hô hấp này là do virus cúm A ở ngựa (H3N8) gây ra.

Các nhà nghiên cứu cho biết loại virus này đã lây truyền từ loài này sang loài khác. Ban đầu lây truyền từ ngựa sang chó và đã thích nghi để gây bệnh cho loài chó và lây lan giữa các con chó với nhau, đặc biệt là những con bị nhốt trong chuồng và các trạm cứu hộ. Đây được coi là một loại virus H3N8 dành riêng cho loài chó.

Nếu như virus cúm chó H3N8 có nguồn gốc từ ngựa thì virus cúm chó H3N2 có nguồn gốc từ loài chim. Sau đó, loại virus này lây truyền sang chó và hiện có thể lây lan giữa các con chó với nhau.

Virus H3N2 được phát hiện lần đầu tiên ở chó tại Hàn Quốc vào năm 2007 và cũng đã được ghi nhận ở những con chó tại Trung Quốc, Thái Lan và Canada. Vi rút cúm chó H3N2 được phát hiện lần đầu tiên tại Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 2015 và hiện nay đã được tìm thấy ở hơn 30 tiểu bang. Đến thời điểm hiện tại, virus cúm chó H3N2 ở châu Á được báo cáo gần như giống hệt với Hoa Kỳ về mặt di truyền.

Cúm chó: những điều cần biết  - Ảnh 3.

Virus cúm chó H3N8 có nguồn gốc từ loài ngựa - Ảnh Internet.

4. Phương pháp điều trị bệnh cúm chó

Nếu nghi ngờ thú cưng mắc cúm chó, bạn nên ngay lập tức đưa chúng gặp bác sĩ thú y. Các bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm để biết rõ tình hình con chó nhà bạn đang gặp phải và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

Bệnh cúm chó được điều trị bằng những phương pháp sau:

- Tăng cường sức đề kháng và sử dụng thuốc kháng sinh. Đây là bước quan trọng trong điều trị bệnh cúm chó vì con vật này rất dễ mắc vi khuẩn bội nhiễm.

- Điều trị các triệu chứng: giảm ho sử dụng thuốc cảm cúm cho chó như: Bromhexin, prednisone...

- Bổ sung nước, chất điện giải, các loại vitamin, …. Trong trường hợp con vật quá yếu cần tiến hành truyền dịch tĩnh mạch.

5. Biến chứng của bệnh cúm chó

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh cúm chó sẽ tự biến mất sau khoảng thời gian từ 10 đến 30 ngày sau khi được điều trị.

Tuy nhiên, có một vài trường hợp, bệnh gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Biến chứng nguy hiểm nhất chính là gây ra viêm phổi. Những con chó gặp biến chứng này thường sẽ sốt rất cao và các triệu chứng phát triển rất nhanh.

Viêm phổi, đặc biệt là viêm phổi xuất huyết có thể xảy ra khi virus cúm ảnh hưởng đến các mao mạch trong phổi. Vì vậy, chó có thể sẽ ho ra máu hoặc khó thở nếu có máu chảy vào túi khí (phế nang). Cúm chó cũng có thể gây biến chứng viêm phổi do các vi khuẩn, làm cho quá trình điều trị khó khăn hơn, thậm chí gây tử vong.

Bệnh cúm chó là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị bệnh - Ảnh 5.

Cúm chó cũng có thể gây biến chứng viêm phổi do các vi khuẩn, làm cho quá trình điều trị khó khăn hơn, thậm chí gây tử vong - Ảnh Internet

6. Cách phòng tránh bệnh cúm chó

Hầu hết các con chó đều dễ bị nhiễm bệnh cúm và căn bệnh này rất dễ lây lan. Cúm chó được cho là lây lan chủ yếu thông qua các giọt hô hấp được tạo ra trong quá trình ho và hắt hơi từ những con chó bị nhiễm bệnh hoặc qua tiếp xúc với bề mặt bị ô nhiễm.

Vì thế, có thể phòng bệnh cúm chó bằng các phương pháp sau:

- Chăm sóc nuôi dưỡng chó chu đáo, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho chó.

- Cần thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y.

- Tiêm vaccine định kì phòng bệnh cúm cho chó. Theo đó, tiêm lần đầu vào lúc 6 - 8 tuần tuổi, sau đó cứ mỗi năm tiêm một lần cùng với các loại vaccine phòng bệnh Care, parvo, viêm gan truyền nhiễm, ….

- Quản lý bầy đàn tốt là cách để tránh lây lan bệnh giữa những con chó với nhau.

- Cần vệ sinh, tiêu độc chuồng nuôi và môi trường xung quanh thường xuyên. Các dụng cụ chăn nuôi, chuồng nuôi và môi trường xung quanh cần sát trùng định kỳ.

- Người chăm sóc, nuôi dưỡng chó cần chú ý giữ gìn vệ sinh thú y.

- Trong các trường hợp phát hiện các dấu hiệu bệnh cúm chó, phải cách ly chó bệnh trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Khi dịch bệnh xảy ra, cần tuyệt đối cách ly chó bị bệnh để hạn chế vật bệnh bài tiết mầm bệnh.

7. Một số câu hỏi thường gặp

7.1. Cúm chó có giống như cúm ở người không?

"Cúm chó có giống như cúm ở người không?" là băn khoăn của rất nhiều người. Câu trả lời cho câu hỏi này là không. Cúm chó gây ra do một loại virut khác với cúm ở người, nó cũng không có khả năng lây lan từ động vật sang người.

Bệnh cúm chó là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị bệnh - Ảnh 6.

Cúm chó có giống cúm ở người hay không? - Ảnh Internet

Tuy nhiên, cúm chó rất dễ lây lan cho những con vật cùng loài. Trong đó, nước bọt và dịch mủ là những con đường lây bệnh cúm chó trực tiếp. Virus cúm chó còn tương đối mới. Hầu hết những con chó chưa có khả năng miễn dịch nên virus càng có nhiều điều kiện để phát triển, gây ra bệnh cúm.

7.2. Virus cúm chó có thể lây nhiễm sang người không?

Cho đến nay, không có bằng chứng nào về sự lây lan virus cúm chó từ chó sang người và chưa có trường hợp nào được báo cáo về việc con người bị nhiễm virus cúm chó trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, virus cúm chó liên tục thay đổi cho nên chúng ta không thể chủ quan với căn bệnh này.

7.3. Virus cúm chó có thể chẩn đoán bằng những phương pháp nào?

Cần lưu ý rằng, bệnh cúm ở chó với các triệu chứng lâm sàng như ho dai dẳng kéo dài giống với trường hợp chó bị viêm phổi hoặc các biển hiện lâm sàng khác trên đường hô hấp nên không thể chấn đoán chính xác được.

Vì thế, bên cạnh việc kiếm tra sức khỏe, các bác sĩ thú y khi muốn chẩn đoán có mắc cúm chó hay không sẽ thực hiện xét nghiệm công thức máu đầy đủ và hóa học lâm sàng cho chó. Thông thường, các tế bào bạch cầu sẽ gia tăng, đặc biệt là bạch cầu trung tính là dấu hiệu cho thấy con vật đã mắc cúm chó. Các bác sĩ cũng có thể chụp X-quang phổi của chó để xác định đặc điểm của loại viêm phổi.

Một công cụ chẩn đoán khác được gọi là ống soi phế quản, sử dụng để quan sát khí quản và phế quản lớn. Các mẫu tế bào cũng có thể được thu thập bằng phương pháp tiến hành rửa phế quản hoặc rửa phế quản phế nang. Những mẫu này thông thường sẽ có một lượng lớn bạch cầu trung tính hay có thể có chứa vi khuẩn.


Tác giả: Ngọc Điệp