Phân biệt cúm dạ dày và bệnh cúm: Dấu hiệu tương đồng dễ gây nhầm lẫn

Phân biệt cúm dạ dày và bệnh cúm: Dấu hiệu tương đồng dễ gây nhầm lẫn
Cả bệnh cúm mùa và cúm dạ dày đều có thể gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa hay sốt, chán ăn. Việc phân biệt khi nào là dấu hiệu cúm dạ dày, khi nào là triệu chứng bệnh cúm rất quan trọng để có biện pháp chăm sóc hay điều trị phù hợp với tình trạng bệnh, đặc biệt là khi bệnh cúm mùa đang "hoành hành".

Cúm mùa "hoành hành", bên cạnh việc phân biệt triệu chứng bệnh cúm với các bệnh như RSV, cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, viêm hầu họng,... thì bệnh cúm dạ dày (còn gọi là bệnh viêm dạ dày ruột do virus) cũng dễ bị nhầm lẫn do các triệu chứng tương đồng dễ gây nhầm lẫn.

Bệnh cúm dạ dày (Tiếng anh: Stomach Flu) là một dạng nhiễm trùng đường ruột do virus gây ra. Mặc dù được gọi với tên là bệnh cúm dạ dày nhưng virus gây ra bệnh cúm dạ dày khác với virus gây bệnh cúm. Bệnh cúm là một nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra. Nhiễm trùng tại đường hô hấp trên (mũi họng) và có thể lan xuống đường hô hấp dưới gồm phế quả và phổi.

Trong đó, nhiễm cúm A có thể gây ra các triệu chứng ở toàn bộ cơ thể, bao gồm cả hệ tiêu hóa nên dễ bị nhầm lẫn với các nhiễm trùng đường hô hấp như cúm dạ dày.

Phân biệt cúm dạ dày và bệnh cúm: Dấu hiệu tương đồng dễ gây nhầm lẫn - Ảnh 1.

Cả cúm mùa và cúm dạ dày đều có thể gây ra các triệu chứng tại đường tiêu hóa nên dễ dẫn tới nhầm lẫn (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

- Cúm A gia tăng: Biến chứng cúm A có nguy hiểm không?

- Cẩn thận với bệnh do norovirus gây nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng mùa lạnh, đặc biệt là trẻ nhỏ

Phân biệt cúm dạ dày do virus và bệnh cúm

Dưới đây là những lưu ý về triệu chứng, nguyên nhân, thời gian ủ bệnh và thời gian bệnh kéo dài bao lâu cũng như các biện pháp xử trí khi bị bệnh có thể giúp phân biệt bệnh cúm dạ dày và bệnh cúm mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý rằng, các thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ tại cơ sở y tế.

1. Triệu chứng và thời gian ủ bệnh

- Triệu chứng bệnh cúm dạ dày: Phổ biến là tiêu chảy ra nước, đau bụng hoặc đau bụng co thắt, buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, đau đầu và sốt nhẹ (thường dưới 38 độ C). Tiêu chảy quá mức có thể khiến bệnh nhân có nguy cơ mất nước. Các triệu chứng của bệnh cúm dạ dày thường xuất hiện từ 12 - 48 giờ sau khi tiếp xúc với mầm bệnh và có thể kéo dài tới 3 ngày.

- Triệu chứng bệnh cúm: Do là bệnh đường hô hấp nên các triệu chứng bệnh cúm chủ yếu ảnh hưởng tới mũi họng và phổi (nếu biến chứng) gồm: Sốt (thường trên 38 độ C), ớn lạnh và vã mồ hôi, ho khan, đau họng và sổ mũi, đau nhức cơ bắp toàn thân, tiêu chảy (thường là cúm A ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ), mệt mỏi và đau đầu. Các triệu chứng của bệnh cúm thường có xu hướng xuất hiện đột ngột và kéo dài từ 5 - 7 ngày hoặc đôi khi lâu hơn (như ho, mệt mỏi).

Có thể thấy nôn mửa và tiêu chảy có thể xảy ra ở cả bệnh cúm dạ dày và bệnh cúm. Nhưng sốt do bệnh cúm dạ dày thường là sốt nhẹ kèm theo buồn nôn, ít khi sốt cao trên 38 độ như khi nhiễm cúm. Sốt không phải là triệu chứng phổ biến khi bị cúm dạ dày, ngược lại, bệnh cúm có thể khiến người bệnh sốt cao và ớn lạnh. Ngoài ra, người bị cúm có thể bị đau bụng do virus cúm hoặc do ho nhiều dẫn tới co thắt cơ bụng.

Phân biệt cúm dạ dày và bệnh cúm: Dấu hiệu tương đồng dễ gây nhầm lẫn - Ảnh 3.

Hiện tượng buồn nôn ở người mắc cúm A không phải hiện tượng hiếm gặp (Ảnh: ST)

2. Nguyên nhân

Mặc dù cả nguyên nhân gây cúm dạ dày và bệnh cúm đều do virus nhưng chủng virus gây bệnh lại khác nhau. Mỗi một loại virus sẽ gây ra các triệu chứng và thời gian ủ bệnh cũng như đường lây khác nhau. Cụ thể:

- Nguyên nhân gây cúm dạ dày: Thường là kết quả của nhiễm trùng đường tiêu hóa do virus phổ biến gồm: Norovirus, rotavirus, adenovirus, astrovirus. Đường lây chủ yếu từ người sang người thông qua tiếp xúc với phân, chất nôn mang mầm bệnh. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ mắc Rotavirus, adenovirus và astrovirus cao hơn.

+ Norovirus: Có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nhiễm trùng với một lượng rất nhỏ virus cũng sẽ dễ lây lan. Thời gian ủ bệnh từ 1 - 2 ngày.

+ Rotavirus: Chủ yếu gặp trẻ từ 3 -15 tháng tuổi, thời gian ủ bệnh tới khi xuất hiện triệu chứng là 1 - 3 ngày.

+ Astrovirus: Thời gian ủ bệnh thường là từ 3 - 4 ngày, nguy hiểm với mọi lứa tuổi đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

+ Adenovirus: Thời gian ủ bệnh có thể từ 2 - 14 ngày, đối tượng nhiễm adenovirus chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Triệu chứng nhiễm Adenovirus rất tương đồng với bệnh cúm hay cảm lạnh.

- Nguyên nhân gây cúm: Virus cúm là nguyên nhân gây ra bệnh cúm, gồm virus cúm A, B, C hoặc D. Trong đó bệnh cúm mùa thường phổ biến do cúm A, cúm B gây ra và có thể bùng phát thành dịch cúm trong cộng đồng. Đường lây virus cúm từ người sang người qua dịch tiết đường hô hấp mang mầm bệnh khi ho, nói chuyện, hắt hơi hoặc tiếp xúc với bề mặt có mầm bệnh rồi đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng.

Phân biệt cúm dạ dày và bệnh cúm: Dấu hiệu tương đồng dễ gây nhầm lẫn - Ảnh 4.

Mặc dù cả nguyên nhân gây cúm dạ dày và bệnh cúm đều do virus nhưng chủng virus gây bệnh lại khác nhau (Ảnh: ST)

3. Chẩn đoán

- Bệnh cúm dạ dày: Thường được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng, đặc biệt là nếu người bệnh bị tiêu chảy và nôn mửa. Đôi khi xét nghiệm có thể được chỉ định nếu bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng hoặc nghi ngờ nhiễm trùng xảy ra là do vi khuẩn (chẳng hạn như nhiễm độc tố Enterotoxin, Exotoxin từ vi khuẩn hoặc do Shigella, Campylobacter, Salmonella, Escherichia coli, Clostridium difficile) hoặc do ký sinh trùng (chẳng hạn như: Cryptosporidium parvum, Giardia intestinalis, Giardia lamblia, Entamoeba histolytica, Cyclospora cayetanensis).

- Bệnh cúm: Bao gồm thăm khám triệu chứng và test cúm nhanh bằng cách xét nghiệm dịch mũi họng, kết quả có thể có trong vài phút tới vài giờ.

4. Dấu hiệu bệnh chuyển nặng cần liên hệ với bác sĩ

- Bệnh cúm dạ dày: Tiêu chảy kéo dài trên 2 ngày; sự thay đổi về trạng thái tinh thần (mệt mỏi nghiêm trọng, cáu kỉnh); sốt cao; nôn mửa thường xuyên; tiêu chảy phân lỏng nhiều hơn 6 lần một ngày; đau dữ dội ở vùng trực tràng hoặc bụng; phân có màu đen hoặc phân màu hắc ín; phân lẫn máu hoặc lẫn mủ nhầy; có các dấu hiệu mất nước.

- Bệnh cúm: Khó thở, thở hụt hơi; đau tức ngực; đau bụng kéo dài dai dẳng, khó chịu; chóng mặt, lú lẫn, mê sảng, khó đánh thức; co giật, động kinh; đau mỏi cơ nghiêm trọng hoặc tê liệt, yếu một bên cơ thể; sốt hoặc bị ho nặng hơn.

Phân biệt cúm dạ dày và bệnh cúm: Dấu hiệu tương đồng dễ gây nhầm lẫn - Ảnh 5.

Cả bệnh nhân mắc cúm và cúm dạ dày đều có nguy cơ mất nước (Ảnh: ST)

Cả bệnh nhân mắc cúm và cúm dạ dày đều có nguy cơ mất nước do tiêu chảy quá mức (cúm dạ dày) hoặc sốt cao (cúm). Cần chú ý tới các dấu hiệu mất nước gồm: Đi tiểu không thường xuyên (thay đổi theo độ tuổi; đối với trẻ lớn và người lớn, thông thường không đi tiểu trong 12 giờ là có vấn đề); khát; Nước tiểu đậm màu; da và miệng khô; chóng mặt; mệt mỏi; không có nước mắt khi khóc; cáu kỉnh, quấy khóc quá mức ở trẻ nhỏ; mắt trũng;...Cả bệnh nhân mắc cúm và cúm dạ dày đều có nguy cơ mất nước

5. Điều trị và biến chứng

Về cơ bản, cả bệnh cúm dạ dày và bệnh cúm đều là bệnh do virus gây ra nên điều trị bằng kháng sinh sẽ không mang lại hiệu quả rút ngắn thời gian mắc bệnh. Trừ trường hợp viêm dạ dày ruột do vi khuẩn hay bệnh cúm gây ra các biến chứng chẳng hạn như bội nhiễm viêm phổi do vi khuẩn,... thì kháng sinh sẽ có hiệu quả.

- Biến chứng bệnh cúm dạ dày: Biến chứng chính của cúm dạ dày là mất nước và mất cân bằng điện giải nghiêm trọng. Trong đó, mất nước không được bù kịp thời có thể gây sốc giảm thể tích gây trụy mạch, thậm chí đe dọa tới tính mạng.

- Biến chứng bệnh cúm mùa: Cúm mùa có thể gây ra biến chứng ở mọi đối tượng, phổ biến là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người lớn tuổi có bệnh nền hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Biến chứng cúm mùa có thể gồm: Viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm cơ hay tiêu cơ vân, suy đa tạng, nhiễm trùng máu và có thể đe dọa tính mạng.

Cả cúm dạ dày và bệnh cúm đều có thể được phòng tránh bằng việc giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với người có dấu hiệu viêm đường hô hấp và tiêm vaccine phòng bệnh chẳng hạn như vaccine phòng cúm, vaccine ngừa rotavirus,...

Nhìn chung, cúm dạ dày hay bệnh cúm đều có những triệu chứng đa dạng. Điều quan trọng là chú ý tới đặc trưng của các triệu chứng, chẳng hạn như dấu hiệu nào phổ biến hơn, là sốt, ớn lạnh hay tiêu chảy và buồn nôn; triệu chứng tại đường hô hấp hay triệu chứng tại đường tiêu hóa... Quan sát đánh giá các triệu chứng và thăm khám bác sĩ khi cần thiết sẽ có ích để chẩn đoán bệnh chính xác cũng như nhận được tư vấn điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.

Nguồn dịch tham khảo:

1. Stomach virus vs. influenza: What is the difference?

2. What’s the Difference Between a Flu and a Stomach Flu?


Tác giả: Allen