Ung thư có thể tái phát sau điều trị. Điều này có thể xảy ra trong thời gian vài tuần hoặc vài tháng, vài năm sau khi điều trị ung thư nguyên phát.
Các bác sĩ sẽ không cam kết được rằng bạn có bị ung thư tái phát hay không. Rủi ro tái phát phụ thuốc vào loại ung thư nguyên phát bạn mắc phải.
Ung thư tái phát vì những vùng nhỏ của tế bào ung thư có thể tồn tại trong cơ thể sau khi kết thúc quá trình điều trị.
Theo thời gian, các tế bào này có thể nhân lên và phát triển đủ lớn để gây ra các triệu chứng hoặc được phát hiện bằng những xét nghiệm định kỳ.
Ung thư có thể tái phát theo những cách sau:
- Trong cùng một phần của cơ thể như ung thư nguyên phát, được gọi là tái phát cục bộ
- Gần nơi ung thư nguyên phát, được gọi là tái phát khu vực
- Ở một phần khác của cơ thể, được gọi là tái phát xa
Nếu ung thư vú tái phát vào gan, nó vẫn được gọi là ung thư vú chứ không phải ung thư gan. Các bác sĩ gọi đó là ung thư vú di căn. Di căn có nghĩa là ung thư đã lan sang một bộ phận khác của cơ thể.
Sau khi điều trị ung thư nguyên phát, bạn sẽ nhận được một kế hoạch chăm sóc theo dõi. Kế hoạch này bao gồm một lịch trình thăm khám bác sĩ, kiểm tra thể chất bằng một số xét nghiệm và chẩn đoán lâm sàng. Người bệnh cần chú trọng thăm khám để đảm bảo bạn khỏe mạnh và theo dõi khả năng tái phát của bệnh ung thư.
Tùy thuộc vào loại ung thư, bạn có thể cần xét nghiệm máu hoặc thực hiện các phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh. Việc trao đổi cụ thể với các bác sĩ về triệu chứng mà bạn gặp phải sau thời gian điều trị giúp phát hiện sớm hơn nguy cơ ung thư tái phát.
Nếu không may bị ung thư tái phát, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho bạn. Quá trình này tương tự như lập kế hoạch điều trị ung thư nguyên phát. Bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố sau:
- Mục tiêu của bệnh nhân khi điều trị
- Loại ung thư tái phát, mức độ nguy hiểm, tình trạng lây lan, kích thước khối u...
- Tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh
- Kết quả của phương pháp điều trị trước đó
- Tác dụng phụ bệnh nhân đã từng gặp phải ở lần điều trị trước
- Thời gian ung thư tái phát so với lần điều trị cuối cùng
Bác sĩ cũng có thể đề nghị một thử nghiệm lâm sàng trước khi chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Để lựa chọn điều trị khối u tái phát, cần đảm bảo các tiêu chí:
- Mục tiêu và lợi ích dự kiến của mỗi điều trị
- Những rủi ro và tác dụng phụ có thể xảy ra
- Phương pháp điều trị sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh như thế nào
Trong quá trình điều trị ung thư tái phát, mục tiêu quan trọng vẫn là làm giảm các triệu chứng và đối phó với các tác dụng phụ. Đây được gọi là phương pháp chăm sóc giảm nhẹ hoặc hỗ trợ điều trị người bệnh ung thư.
Chắc chắn bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư tái phát sẽ cảm thấy rất tệ. Nhưng hãy tích cực và việc cần làm lúc này là kiểm soát cảm xúc, chuẩn bị tâm lý vững vàng để tham gia vào điều trị.
Nhiều người bị ung thư tái phát thường trải qua sự nghi ngờ bản thân hoặc lựa chọn điều trị ban đầu. Hãy nhớ rằng bạn và bác sĩ không thể dự đoán được tương lai.
Những gì bệnh nhân cần làm khi bị ung thư tái phát:
- Nắm được các kiến thức về ung thư, giúp giảm bớt một số nỗi sợ hãi và lo lắng liên quan đến những điều mà bạn chưa biết
- Kiến thức về phương pháp điều trị ung thư và tác dụng phụ của chúng, cách quản lý những rủi ro và tác dụng phụ
- Làm thế nào để nhận được sự hỗ trợ: gia đình, bạn bè, người cùng hoàn cảnh?
- Thực hành các phương pháp giảm căng thẳng, chẳng hạn như tập thể dục, thiền hoặc dành thời gian với bạn bè