Axít Benzoic có gây ung thư không và liều lượng an toàn là bao nhiêu?

Axít Benzoic có gây ung thư không và liều lượng an toàn là bao nhiêu?
Đối với người, lượng axít Benzoic được xem là an toàn là dưới 5 mg/kg/ngày qua đường ăn uống, hay nói cách khác là 1 người nặng 50 kg có thể tiêu thụ khoảng 250 mg axít Benzoic trong một ngày.

Axít Benzoic đã được nghiên cứu nhiều và từ rất lâu. Sau khi ăn, axít Benzoic và Natri Benzoate được hấp thu nhanh trong hệ tiêu hóa đường ruột và được chuyển hóa trong gan bằng cách gắn kết với glycine để tạo thành axít hippuric, được nhanh chóng thải ra ngoài qua nước tiểu.

Ở chuột, ngưỡng an toàn (không quan sát thấy tác dụng phụ) của chất này được xác định là 1.310 mg/kg.

Ngoài ra, trên hai thí nghiệm khác quan sát trong thời gian dài trên chuột cũng cho thấy không có tác dụng gây ung thư của chất này.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu cho tới hiện nay kết luận là chất này thuộc nhóm không gây ung thư.

Đối với người, lượng axít Benzoic được xem là an toàn là dưới 5 mg/kg/ngày qua đường ăn uống, hay nói cách khác là 1 người nặng 50 kg có thể tiêu thụ khoảng 250 mg axít Benzoic trong một ngày. Nếu thực phẩm chứa 500 mg/kg axít Benzoic thì một người 50 kg có thể tiêu thụ an toàn khoảng nửa kg thực phẩm đó mỗi ngày.

Ở nhiều nước trên thế giới (trong đó có Mỹ và Việt Nam), lượng axít Benzoic được quy định cho vào thực phẩm không quá 1.000 mg/kg.

Vào năm 1993, hai nhà khoa học Gardner và Lawrence công bố một nghiên cứu cho thấy trong một số sản phẩm nước giải khát chứa thành phần muối của axít Benzoic và axít Ascorbic (Vitamin C) có thể chuyển hóa thành Benzen ở nồng độ thấp. Lượng Benzen này sinh ra từ phản ứng của muối Benzoate, axít Ascorbic và các ion kim loại như đồng, sắt có trong thực phẩm.

Phản ứng này sẽ xảy ra nhanh hơn ở nhiệt độ cao hoặc dưới ánh sáng có chứa UV (trong ánh nắng mặt trời lúc nào cũng có tia UV, bạn lưu ý).

Axít Benzoic và axít Ascorbic (Vitamin C) được sử dụng rất nhiều trong thực phẩm, chúng được thêm vào để bảo quản thực phẩm lâu dài.

+ Axít Benzoic (mã số 210) rất khó tan trong nước, nhưng có thể kìm hãm sự sinh sản của nhiều loại vi sinh vật. Tuy nhiên vì tính chất khó tan nên người ta thường sử dụng muối của nó là Natri Benzoate (mã số 211) để thay thế vì muối này tan rất tốt trong nước, cao gấp 200 lần so với axít Benzoic.

Một điều thú vị là bản thân muối Natri Benzoate không có tác dụng bảo quản thực phẩm như axít Benzoic. Tuy nhiên khi được hòa vào thực phẩm hay nước uống trong môi trường axít (pH < 3,5) nó sẽ hình thành axít Benzoic dạng không phân tách và có tác dụng bảo quản thực phẩm.

Ngoài muối Natri Benzoate, người ta còn sử dụng muối Kali Benzoate (mã số 212), Canxi Benzoate (mã số 213).

Hiện nay theo tiêu chuẩn của Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới (trong đó có Việt Nam), hàm lượng cho phép của axít Benzoic hoặc các muối của nó trong thực phẩm là không quá một phần ngàn (0,1%) hay nói cách khác là không quá 1.000 mg trong 1kg thực phẩm. Tùy theo từng quốc gia mà có những quy định cụ thể hơn về nồng độ này.

+ Axít Ascorbic (mã số 300) còn có tên gọi thông dụng hơn là vitamin C, dễ tan trong nước, được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm và được sử dụng làm chất phụ gia để bảo quản nhờ vào đặc tính chống oxi hóa. Các dạng muối của nó như Natri Ascorbate (mã số 301), Canxi Ascorbate (mã số 302) cũng được sử dụng với mục đích trên. 

Vì hợp chất này không độc nên không có hàm lượng cụ thể giới hạn trong thực phẩm. Hầu hết các nước trên thế giới chỉ khuyến cáo cho vào thực phẩm với lượng vừa đủ.

Bài viết có tham khảo từ:

http://soha.vn/tuong-ot-chinsu-bi-nhat-tra-ve-co-kha-nang-gay-ung-thu-khong-20190411113049092.htm

Theo Trí Thức Trẻ




Tác giả: MN