Phát hiện ung thư sớm bằng cách nào?

Phát hiện ung thư sớm bằng cách nào?
Phần lớn các bệnh ung thư đều có thể chữa trị hiệu quả hoặc kiểm soát được bệnh lâu dài nếu biết cách phát hiện ung thư sớm. Vậy làm thế nào để có thể phát hiện sớm căn bệnh này?

Trong phần lớn các trường hợp, khi phát hiện ung thư sớm thì bệnh nhân ung thư chỉ cần tiến hành loại bỏ khối u mà không cần bổ sung thêm phương pháp hỗ trợ nào khác như hóa trị, xạ trị, ... Điều này giúp người bệnh giảm chi phí điều trị cũng như giảm tác dụng phụ và biến chứng.

1. Vai trò của phát hiện ung thư sớm

Ung thư là căn bệnh đáng sợ, là nguyên nhân gây tử vong cho rất nhiều người bệnh. Việc phát hiện ung thư sớm có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều trị và kiểm soát sự tiến triển của bệnh. Dưới đây là những lợi ích khi phát hiện ung thư sớm:

-  Kiểm tra và đánh giá được sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. 

- Phát hiện ra những yếu tố nguy cơ, giúp bệnh nhân kịp thời điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cũng như chế độ sinh hoạt hàng ngày để phòng chống bệnh tật.

- Tỷ lệ điều trị bệnh ung thư hiệu quả cao nếu phát hiện sớm vì có thể phát hiện mầm mống ung thư, phát hiện những khối u ung thư khi kích thước còn nhỏ, chưa gây ra triệu chứng và chưa di căn sang những bộ phận khác của cơ thể.

- Tỷ lệ sống cao hơn nếu được phát hiện ung thư sớm. Cụ thể:

+ Hơn 90% trường hợp người bệnh mắc ung thư đại tràng có thể sống hơn 5 năm nếu được chẩn đoán vào giai đoạn sớm.

+ Hơn 90% bệnh nhân phát hiện ung thư vú vào giai đoạn sớm có thể sống được tối thiểu 5 năm, trong khi nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì cơ hội sống sẽ chỉ còn 6%.

+ Hơn 90% phụ nữ bị ung thư buồng trứng nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm có thể sống tối thiểu 5 năm, trong khi phát hiện ở giai đoạn muộn thì cơ hội sống chỉ còn 5%.

+ Nếu phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn đầu, khoảng 70% bệnh nhân sẽ sống tối thiểu 1 năm sau chẩn đoán, trong khi đó, con số này giảm còn 14% vào giai đoạn muộn.

Có thể thấy, phát hiện ung thư sớm giúp tăng hiệu quả điều trị, tăng tỷ lệ sống trên 5 năm cho người bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp ung thư chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.

Phát hiện ung thư sớm bằng cách nào? Tầm quan trọng của việc phát hiện ung thư sớm - Ảnh 1.

Phát hiện ung thư sớm giúp tăng khả năng điều trị - Ảnh Internet.

Đọc thêm: 

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư: Hy vọng mới cho bệnh nhân mắc ung thư

Ăn nhiều chất xơ tinh chế làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan

2. Nguyên nhân phát hiện ung thư muộn

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho việc điều trị. Thực tế cho thấy, có khoảng 25% bệnh nhân phát hiện ra ung thư khi đang nhập viện cấp cứu tại bệnh viện vì  triệu chứng nào đó. Hầu hết các bệnh nhân này có cơ hội sống thấp hơn so với những bệnh nhân khác vì tình trạng bệnh đã trở nên quá nặng.

Dưới đây là nguyên nhân dẫn tới việc phát hiện ung thư muộn:

- Hầu hết các triệu chứng của căn bệnh ung thư thường không xuất hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu.

- Nhiều người còn chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân. Khi gặp các triệu chứng bất thường thì tự ý mua thuốc uống mà không đi thăm khám

- Một số trường hợp cố ý trừ hoàn đến các cơ sở y tế thăm khám vì tâm lý lo sợ phát hiện ra bệnh.

3. Phát hiện ung thư sớm bằng cách tầm soát ung thư định kỳ

Trên thực tế, nếu chỉ dựa vào các triệu chứng rồi mới đi khám thì khó có thể phát hiện được ung thư sớm bởi vì các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi bệnh ung thư đã bước vào giai đoạn muộn. Vì thế, tầm soát ung thư định kỳ là phương pháp duy nhất giúp phát hiện ung thư sớm.

Với độ hiệu quả cao, tầm soát ung thư có tác dụng giúp phát hiện sớm các khối u khi chúng có kích thước còn nhỏ, chưa phát triển hay di căn sang các bộ phận khác. Việc phát hiện ung thư sớm sẽ giúp việc điều trị dễ dàng hơn bằng cách loại bỏ các mô bị tổn thương trước khi phát triển thành ung thư. 

Các bước kiểm tra, sàng lọc ung thư cơ bản bao gồm xác định chất chỉ điểm khối u, chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết.

3.1. Xác định chất chỉ điểm khối u

Chất chỉ điểm khối u được hiểu là một dấu ấn sinh học được phát hiện trong máu, nước tiểu và mô. Chất chỉ điểm khối u được dùng để đánh giá sự có mặt của một hoặc nhiều loại ung thư khác nhau.

Với những người có sức khỏe bình thường, nồng độ các chất chỉ điểm ung thư trong máu sẽ thấp hoặc không có. Nhưng trong trường hợp mắc ung thư, nồng độ các chất chỉ điểm khối u này sẽ tăng lên trong giai đoạn muộn.

Chỉ số chỉ điểm ung thư phổ biến hiện nay bao gồm:

+  AFP: Dấu ấn chỉ điểm bệnh ung thư gan.

+ PSA: Dấu ấn chỉ điểm bệnh ung thư tiền liệt tuyến.

+ CA125: Dấu ấn chỉ điểm bệnh ung thư buồng trứng.

+ CEA: Dấu ấn chỉ điểm bệnh ung thư sớm

3.2. Chẩn đoán hình ảnh

Trong quy trình tầm soát ung thư để phát hiện ung thư sớm, ngoài danh mục xét nghiệm các chất chỉ điểm khối u thì chẩn đoán hình ảnh cũng rất quan trọng. Theo đó, chẩn đoán hình ảnh để phát hiện ung thư gồm nội soi tiêu hóa, chụp CT, chụp MRI.

Chụp X quang được ứng dụng trong tầm soát, kiểm tra bệnh lý ung thư phổi và ung thư vú. Qua kết quả hình ảnh thu được khi chụp X quang sẽ giúp bác sĩ quan sát và phát hiện các bất thường hoặc khối u ở phổi, ở khu vực ngực.

Trong khi đó, nội soi tiêu hóa là kỹ thuật hỗ trợ đắc lực trong tầm soát ung thư đường tiêu hóa. Khi nội soi, các bác sĩ có thể quan sát bên trong đường tiêu hóa như thực quản, dạ dày, đại tràng, ... để phát hiện các dấu hiệu viêm loét, polyp bên trong dạ dày. Nếu nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm sinh thiết nhằm giúp chẩn đoán xác định và đánh giá giai đoạn của bệnh.

Chụp CT và MRI là 2 kỹ thuật hỗ trợ sàng lọc ung thư hiện đại bậc nhất hiện nay. Nhờ đó, các sĩ dễ dàng quan sát và phát hiện các dấu hiệu bất thường bên trong cơ thể. Chụp CT và MRI Có thể áp dụng trong tầm soát ung thư phổi, ung thư đường tiết niệu, ung thư tử cung, ...

Phát hiện ung thư sớm bằng cách nào? Tầm quan trọng của việc phát hiện ung thư sớm - Ảnh 2.

Chụp CT là kỹ thuật hỗ trợ sàng lọc ung thư hiện đại bậc nhất hiện nay - Ảnh Internet.

3.3. Sinh thiết

Sinh thiết là xét nghiệm kiểm tra các dấu hiệu của bệnh. Theo đó, nếu nghi ngờ một khu vực trên cơ thể bị ung thư, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô hoặc tế bào nhỏ để sinh thiết. Mẫu sẽ được chuyển tới phòng thí nghiệm để tìm kiếm các tế bào gây hại cho sức khỏe.

Về phần loại, sinh thiết có nhiều loại khác nhau như sinh thiết tủy xương, sinh thiết nội soi, sinh thiết da, sinh thiết phẫu thuật. Dựa vào từng khu vực cần đánh giá mà bác sĩ sẽ lựa chọn loại hình sinh thiết phù hợp.

Hiện nay, tại nhiều bệnh viện đã có các gói tầm soát ung thư toàn diện dành riêng cho cả đối tượng nam và nữ hoặc các gói khám tầm soát ung thư lẻ cho từng bộ phận. Gói tầm soát ung thư định kỳ thường bao gồm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, … để giúp phát hiện sớm khối u trên toàn cơ thể và các chất chỉ điểm ung thư.

Không những vậy, gói tầm soát ung thư định kỳ còn giúp phát hiện các vấn đề về sức khỏe khác như cao huyết áp, mỡ máu, gout, tiểu đường, …

4. Những ai nên tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện ung thư sớm?

Phát hiện ung thư giai đoạn sớm giúp phòng ngừa và điều trị bệnh kịp thời. Hiện nay, tầm soát ung thư giống như cách thức xây dựng lá chắn bảo vệ sức khỏe khỏi ung thư hiệu quả nhất. Do đó, cứ 6 tháng/lần, tất cả các đối tượng nên chủ động đi sàng lọc ung thư để kịp thời phát hiện và phòng ngừa bệnh lý nguy hiểm này.

Ngoài ra, cần lưu ý, các đối tượng dưới đây cần đặc biệt lưu tâm tới tầm soát ung thư định kỳ:

+ Phụ nữ từ độ tuổi 20 trở lên và có nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người bị ung thư vú, có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi), bị mãn kinh muộn (sau 55 tuổi); Thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai hoặc dùng Estrogen; Không có con hoặc sinh con đầu lòng sau 30 tuổi; Có chế độ ăn uống nhiều mỡ động vật; Có triệu chứng bất thường ở vú.

+ Những người đang nhiễm virus viêm gan B, C và các bệnh lý liên quan đến gan.

+ Những người mắc tiểu đường, béo phì. 

+ Những người bị xơ gan do sử dụng rượu bia và các chất kích thích.

+ Người thường xuyên mệt mỏi, nước tiểu vàng đậm, đau âm ỉ vùng gan, xuất huyết dưới da...

+ Đối tượng trong độ tuổi  từ 55 – 74.

+ Những người đang hút thuốc hoặc đã bỏ hút thuốc trong vòng 15 năm qua, có tiền sử hút thuốc từ 30 bao/ năm trở lên.

Phát hiện ung thư sớm bằng cách nào? Tầm quan trọng của việc phát hiện ung thư sớm - Ảnh 3.

Những người thường xuyên hút thuốc nên tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện ung thư sớm - Ảnh Internet.

5. Các câu hỏi liên quan tới phát hiện ung thư sớm

5.1. Phát hiện ung thư sớm có giúp điều trị khỏi bệnh không?

Trên thực tế, có tới khoảng trên 80% bệnh ung thư có thể chữa được, thậm chí chữa khỏi ở giai đoạn sớm. Đã có không ít trường hợp bệnh nhân phát hiện bệnh sớm được điều trị thành công và không bị tái phát trở lại trong vòng 5 năm.

Khả năng điều trị ung thư chịu tác động của 3 yếu tố là loại ung thư, giai đoạn phát hiện bệnh và đáp ứng của bệnh với điều trị.

Như vậy, việc phát hiện ung thư sớm có ý nghĩa rất lớn trong việc chữa trị bệnh. Phát hiện ung thư sớm không chỉ đem lại hiệu quả điều trị cao, giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh trở lại, việc phát hiện và xử trí kịp thời còn giúp người bệnh tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị.

Ngược lại, trong trường hợp phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn, khi tổn thương đã di căn sang các bộ phận khác thì hiệu quả điều trị không cao, tỷ lệ chữa khỏi thấp hơn, và có nguy cơ tái phát trở lại. Tỷ lệ sống thêm của bệnh nhân cũng bị rút ngắn.

5.2. Loại ung thư nào có khả năng chữa được cao nhất nếu phát hiện ung thư sớm?

Như đã nói, loại bệnh ung thư là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến khả năng điều trị bệnh. Vậy loại ung thư nào có khả năng chữa khỏi cao nhất nếu phát hiện sớm? Dưới đây là 5 loại bệnh ung thư có khả năng chữa được cao nhất:

+ Ung thư tiền liệt tuyến: Tỷ lệ bệnh nhân sống qua 5 năm là 100% kể từ sau khi được chẩn đoán.

+ Ung thư tuyến giáp: Gần 100% bệnh nhân sống thêm được 5 năm sau chẩn đoán.

+ Ung thư tinh hoàn: Tỷ lệ sống thêm 5 năm là 95,3%.

+ Ung thư da: Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm là 91,5%.

+ Ung thư vú: Tỷ lệ bệnh nhân sống thêm 5 năm kể từ sau khi được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm là 100%.

Cần lưu ý, với bất kỳ loại ung thư nào, việc phát hiện ở giai đoạn 0 và giai đoạn 1 đều đem lại khả năng cứu chữa cao hơn. 

5.3. Phòng ngừa ung thư bằng cách nào?

Cách phòng ngừa ung thư đơn giản mà hiệu quả mà ai cũng có thể thực hiện được là xây dựng lối sống sinh hoạt, chế độ ăn uống và luyện tập khoa học. Cụ thể:

+ Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi và là yếu tố tăng nguy cơ nhiều bệnh ung thư khác như ung thư thực quản, ung thư vòm họng, ung thư bàng quang, … Thời gian hút thuốc càng lâu, lượng hút càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Vì thế, mọi người nên hạn chế hút thuốc, tránh xa môi trường có khói thuốc lá, ... 

Rượu bia là yếu tố tăng nguy cơ nhiều bệnh ung thư như ung thư gan, ung thư thực quản, ung thư vòm họng, … Do đó, tương tự như thuốc lá, cần hạn chế bia rượu trước khi quá muộn.

+ Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học

Một chế độ dinh dưỡng khoa học với đầy đủ các loại thực phẩm giàu vitamin, chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Cần lưu ý, để phòng ngừa ung thư, cần chú ý bổ sung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng tốt trong ngăn sự hình thành các khối u.

Theo đó, nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và hạn chế ăn quá nhiều thịt đỏ, các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, ...

Phát hiện ung thư sớm bằng cách nào? - Ảnh 5.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học để phòng ngừa ung thư - Ảnh Internet.

+ Tích cực vận động

Luyện tập đều đặn không chỉ giúp duy trì vóc dáng cân đối, cải thiện tâm trạng mà còn giúp giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là các loại ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng và ung thư cổ tử cung.

+ Điều trị dứt điểm các bệnh lý thông thường

Các bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, viêm gan C, … đều có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Vì vậy, cần điều trị dứt điểm các bệnh lý này trước khi có biến chứng khó lường.

+ Tránh thừa cân, béo phì

+ Khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ.

Trên đây là tổng hợp những thông tin về vấn đề phát hiện ung thư sớm. Cho tới nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư vẫn chưa được xác định rõ. Vì vậy, tầm soát ung thư định kỳ cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng tránh ung thư là vô cùng cần thiết. 


Tác giả: Ngọc Điệp