Cảm cúm là gì? Các thông tin bạn nhất định phải biết về bệnh cảm cúm

Cảm cúm là gì? Các thông tin bạn nhất định phải biết về bệnh cảm cúm
Cảm cúm thông thường không nguy hiểm, nhưng không nên chủ quan, đặc biệt là với trẻ nhỏ, người có bệnh mạn tính. Vậy cảm cúm là gì?

Cúm là bệnh lý hô hấp thường gặp theo mùa và có khả năng lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Ngày nay sự xuất hiện của các chủng loại virus cúm có nguồn gốc từ động vật như gia cầm, gia súc trở thành nỗi sợ hãi cho ngành y tế phòng dịch vì sự lây lan và mức độ nguy hiểm của bệnh. 

1. Cảm cúm là gì?

Bệnh cảm cúm, hay thường gọi là bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, đôi khi ảnh hưởng đến phổi của bạn. Đây là loại bệnh có khả năng lây nhiễm cao và lây lan từ người này sang người khác qua việc dùng chung đồ uống và dao kéo, tiếp xúc trực tiếp, và ho hay hắt hơi. 

Bệnh bắt đầu đột ngột và thường kéo dài 7 đến 10 ngày. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, tỷ lệ nhiễm bệnh với các chủng virus cúm mới rất cao, có thể lên tới 90% ở cả người lớn và trẻ em. Nghiêm trọng hơn, ở người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai… bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.

Cảm cúm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 2.

Cảm cúm có thể lây lan và xuất hiện nhiều hơn - Ảnh minh họa

 Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, hàng năm thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó, có khoảng nửa triệu người tử vong do những vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm. Trước đây, bệnh dễ gặp vào mùa lạnh, mùa đông xuân, nhưng thời gian gần đây tại Việt Nam, cảm cúm đã xuất hiện quanh năm và có thể gây ra những ổ dịch rải rác tại các địa phương. Ngoài ra, hiện nay các loại virus cúm nguy hiểm, có khả năng lây lan rộng, đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn như H5N1, H1N1, H7N9…

Đọc thêm:

Hướng dẫn cách phòng cảm cúm cho trẻ mùa lạnh

9 cách nhanh phòng tránh cảm cúm và ngăn chúng quay lại

2. Nguyên nhân gây bệnh

2.1. Nguyên nhân gây ra cảm cúm là gì?

Bệnh cảm cúm gây ra bởi virus cúm (Influenza virus). Tại Việt Nam, bệnh cảm cúm thường gây ra bởi virus cúm chủng A, B, C, trong đó chủng hay gặp nhất ở người là chủng A và B.

Bệnh nhân sẽ nhiễm virus gây bệnh cúm khi hít vào các chất dịch mà người bệnh ho hoặc hắt hơi vào không khí, hoặc do tiếp xúc với vật mà người mắc bệnh đã chạm vào. Ngoài ra, một số chủng loại virus cúm có thể lây truyền từ các loài động vật như gia cầm, chim, heo… bị nhiễm bệnh khi chúng ta tiếp xúc hoặc ăn thức ăn làm từ chúng.

2.2. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc cảm cúm?

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh cúm hoặc các biến chứng của nó bao gồm:

- Tuổi tác: cúm theo mùa thường ảnh hưởng đến trẻ em và những người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, một số chủng virus đặc biệt, chẳng hạn như đại dịch cúm H1N1 năm 2009, lại phổ biến nhất ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi.

Cảm cúm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 3.

Tuổi tác làm tăng nguy cơ mắc bệnh cảm cúm - Ảnh minh họa

- Nghề nghiệp: nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc trẻ em có nhiều khả năng tiếp xúc với người bị nhiễm cúm.

- Điều kiện, môi trường sống: những người sống chung với nhiều cư dân khác, như nhà dưỡng lão hoặc doanh trại quân đội, có nhiều khả năng phát triển bệnh cúm.

- Hệ thống miễn dịch bị suy yếu: các phương pháp điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép, corticosteroid và HIV AIDS có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể. Điều này có thể làm bệnh nhân dễ dàng nhiễm cúm và cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển biến chứng. 

- Mắc các bệnh mãn tính: các bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường hoặc các vấn đề về tim mạch, có thể làm tăng nguy cơ biến chứng của bệnh cúm.

- Mang thai: phụ nữ mang thai có nhiều khả năng bị biến chứng của bệnh cúm, đặc biệt là trong 6 tháng cuối của thai kỳ.

Cần lưu ý rằng không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Mọi người nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

3. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của cảm cúm là gì thường được rất nhiều người quan tâm. Thông thường, triệu chứng bệnh cảm cúm thường xuất hiện đột ngột và bắt đầu 24 đến 48 giờ sau khi tiếp xúc với virus cúm. Các triệu chứng nặng thường kéo dài 3 đến 5 ngày, bao gồm: 

- Sốt cao (40°C).

- Ớn lạnh.

- Ho, hắt hơi, sổ mũi.

- Đau họng, đau cơ, đau đầu.

Cảm cúm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 4.

Đau họng, đau đầu là triệu chứng thường gặp khi bị cảm cúm - Ảnh minh họa

- Cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi.

- Mắt nhạy cảm với ánh sáng.

- Dạ dày khó chịu (xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn).

- Ho và cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài đến 6 tuần.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Hầu hết những người bị cúm có thể tự điều trị ở nhà và không cần đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu nghi ngờ mình mắc các loại virus cúm nguy hiểm như H5N1, H1N1, H7N9… hay có các triệu chứng cúm trở nặng và có nguy cơ bị biến chứng. Uống thuốc kháng virus trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi nhận ra triệu chứng có thể làm giảm thời gian bệnh và giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra.

4. Biến chứng của bệnh cảm cúm

Cúm thường diễn ra quanh năm, có những dấu hiệu dễ nhầm lẫn với cảm thông thường nên rất nhiều người xem nhẹ, không hiểu về biến chứng của bệnh cảm cúm là gì. Chính vì sự chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn đã khiến bệnh chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp. Bên cạnh đó, cảm cúm còn là khởi nguồn của các bệnh như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu… nếu không được điều trị kịp thời.

Phụ nữ mang thai nhiễm cúm trong 3 tháng đầu có khả năng sảy thai, thai lưu hoặc dị tật thai nhi. Nếu không may mắc cúm trong thời gian mang thai, phụ nữ nên theo dõi chặt chẽ bằng cách khám thai và siêu âm mỗi 2 tuần trong 2 tháng đầu và tiếp tục khám thai định kỳ sau đó. Thực hiện tất cả các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.

Cảm cúm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 5.

Cảm cúm ảnh hưởng đến bà bầu bà thai nhi - Ảnh minh họa

Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm là hội chứng Reye gây sưng phù ở gan và não. Mặc dù đây là hội chứng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao. Hội chứng này thường hay gặp nhất ở trẻ em từ 2-16 tuổi. Reye xuất hiện chỉ sau vài ngày bị cúm, khi các triệu chứng có dấu hiệu giảm dần, trẻ đột nhiên nôn mửa, chuyển sang mê sảng, co giật đi vào hôn mê sâu rồi tử vong.

5. Phương pháp điều trị

Không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và các biến chứng cùng với nâng cao thể trạng bệnh nhân. Thông thường, chỉ cần nghỉ ngơi và uống đủ nước là có thể khỏi bệnh. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng các loại thuốc cảm cúm giúp làm giảm các triệu chứng như acetaminophen (Tylenol) và ibuprofen (Advil, Motrin) để giảm sốt, siro ho và thuốc thông mũi. Tuy nhiên, không được dùng aspirin. 

Ngoài ra, bệnh nhân có thể tắm nước ấm hoặc sử dụng miếng dán nóng có thể làm giảm đau cơ. Máy phun sương có thể làm giảm tiết nước bọt và súc miệng bằng nước muối ấm có thể làm giảm đau họng. Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng virus cho những người bị cúm nặng hoặc có nguy cơ bị biến chứng.

6. Chăm sóc và ăn uống khi bị cảm cúm

Để thực hiện chăm sóc bệnh nhân bị bệnh cúm cần đảm bảo đúng theo 2 nguyên tắc là chăm sóc để bệnh nhân cảm cúm nhanh chóng khỏi bệnh và gười chăm sóc không bị lây nhiễm cảm cúm. Dưới đây là những điều cần làm khi chăm sóc người bệnh.

- Cần cách ly bệnh nhân bị cảm cúm với những người không bị mắc bệnh sống trong gia đình càng nhiều càng tốt nếu có thể, ít nhất là 5 ngày sau khi bắt đầu có các triệu chứng biểu hiện, đặc biệt đối với những người có sức đề kháng yếu và dễ lây nhiễm cúm như người già, trẻ em, người có sức khỏe không ổn định.

- Người bệnh cảm cúm nên ở nhà cách ly để khỏi lây nhiễm cảm cúm cho người khác, trường hợp bắt buộc phải ra khỏi nhà, bệnh nhân nên đeo khẩu trang y tế và che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sử dụng khăn giấy để ngăn các chất tiết hô hấp nhằm tránh nguy cơ lây bệnh cảm cúm cho những người khác.

- Bệnh nhân bị cảm cúm cần được nghỉ ngơi, thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió, tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. 

Cảm cúm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 6.

Nghỉ ngơi, thư giãn là cách chữa trị cảm cúm hiệu quả - Ảnh minh họa

- Không nên cho bệnh nhân nằm phòng máy lạnh vì sẽ khiến bệnh cảm cúm khó thuyên giảm và làm cho các triệu chứng khan cổ, khàn tiếng trầm trọng thêm.

- Cho bệnh nhân cảm cúm uống thuốc hạ nhiệt theo chỉ định của bác sĩ như paracetamol, cảm xuyên hương… và uống vitamin C liều cao. Đối với những người bị cảm cúm có tiền sử loét dạ dày - tá tràng không được uống aspirin, APC, vitamin C.

- Mặc áo quần thoáng mát, trùm mền kín và xông các lá thơm như lá chanh, lá bưởi, lá tía tô, kinh giới, bạc hà, lá sả, húng chanh, húng quế, ngũ trảo, từ bi, long não, bồ bồ (thuỷ xương bồ) để thông mũi, giải cảm, toát mồ hôi độc ra ngoài và tạo cảm giác dễ chịu, thư giãn cho cơ thể.

- Người bị cảm cúm cần ăn thực phẩm lỏng, nóng, dễ tiêu, uống nhiều nước như oresol, nước quả tươi, cháo giải cảm, nước chanh tươi ấm pha mật ong…, nhất là với người cao tuổi và trẻ em.

- Bị cảm cúm thường nhưng sốt sau 7 ngày mà người bệnh vẫn không giảm hoặc tái sốt cần đến cơ sở y tế ngay vì có thể bị bội nhiễm vi khuẩn và các biến chứng nguy hiểm khó lường khác.

Lưu ý đối với người chăm sóc bệnh nhân bị cảm cúm là gì?

- Cần đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với người cảm cúm, nhỏ mũi thuốc sát khuẩn, thường xuyên rửa tay sau và trước khi tiếp xúc với bệnh nhân bằng nước rửa tay diệt khuẩn.

- Nên ăn thêm gia vị làm ấm cơ thể và có tính kháng khuẩn như hành, tỏi, gừng, ăn nhiều rau quả trái cây tươi chứa nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây bệnh cảm cúm.

Cảm cúm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 7.

Bổ sung các gia vị làm ấm như gừng, tỏi đối với người bị cảm cúm - Ảnh minh họa

- Đồ dùng của người cảm cúm như bát, đũa, thìa, cốc, chén… hằng ngày nên luộc sôi, tốt nhất là nên dùng riêng, không ôm áo quần bẩn của người bệnh vào người.

- Tuyệt đối không ăn thức ăn thừa của người bị cảm cúm.

- Khăn giấy của bệnh nhân cảm cúm đã sử dụng nên để trong túi và xử lý với các loại rác thải khác.

7. Phòng ngừa bệnh cúm như thế nào?

Để phòng bệnh cảm cúm, nên tạo thói quen thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh. Mọi người cũng cần giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống tốt, mang khẩu trang y tế khi đến nơi có đông người như bệnh viện, siêu thị, công viên…

Ngoài ra, tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm. Báo cáo của các nhà khoa học tại Canada chỉ ra rằng, vaccine cúm có thể làm giảm tới 50% nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong vì các bệnh liên quan đến tim mạch.

Ai nên chích ngừa cảm cúm?

Nói chung, bất cứ người nào muốn giảm thiểu nguy cơ bị cảm cúm đều có thể đi chích ngừa. Tuy nhiên, vẫn có những người nên đi chích ngừa hàng năm bao gồm:

- Người có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng của cảm cúm.

- Những người từ 65 tuổi trở lên.

- Những người cư trú tại các viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc dài hạn khác có người bị bệnh tật triền miên.

- Người lớn và trẻ em từ 6 tháng trở lên bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính, kể cả bệnh suyễn.

- Người lớn và trẻ em từ 6 tháng trở lên cần chữa trị y tế thường xuyên hoặc nhập viện trong năm trước do bị bệnh chuyển hóa (giống như bệnh tiểu đường), bệnh thận mãn tính, hoặc suy giảm hệ miễn dịch (kể cả gặp vấn đề về hệ miễn dịch do dùng thuốc hay bị nhiễm siêu vi liệt bại kháng thể.

- Trẻ em từ 6 tháng đến 18 tuổi được điều trị dài hạn bằng thuốc aspirin. (Nếu trẻ em dùng thuốc aspirin trong lúc các em mắc bệnh cúm thì có nguy cơ bị hội chứng Reye)

- Phụ nữ có thai trong mùa bệnh cúm.

- Tất cả trẻ em từ 6 đến 23 tháng.

8. Những câu hỏi thường gặp về bệnh cảm cúm

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của cảm cúm?

Những việc nên làm giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh:

- Tiêm vaccine ngừa cúm mỗi năm; 

- Uống nhiều nước (ít nhất 8 ly mỗi ngày) để làm loãng đờm nhày từ phổi.

- Ngưng hút thuốc để làm giảm nguy cơ gặp biến chứng.

Cảm cúm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 8.

Ngưng hút thuốc là biện pháp hữu hiệu giảm nguy cơ mắc bệnh cảm cúm - Ảnh minh họa

- Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Tiếp tục nghỉ ngơi 2-3 ngày sau khi khỏi bệnh.

- Rửa tay thường xuyên, kể cả người chăm sóc. Vứt tất cả khăn giấy sau khi sử dụng xong.

- Đi khám ngay nếu sốt hoặc ho nặng hơn, thở gấp hoặc đau ngực, ho ra đờm có máu, đau hoặc cứng cổ.

- Đến các cơ sở y tế ngay lập tức nếu bệnh nhân bị đau và chảy dịch mủ từ tai hoặc mũi. 

Tại sao phải tiêm cúm nhắc lại hằng năm?

Cảm cúm là loại virus có nhiều chủng loại và biến đổi hàng năm. Mỗi năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại đưa ra dự báo về chủng cúm mới, và vaccine cúm mùa thường được sản xuất dựa trên dự báo đó để phù hợp với các chủng gây bệnh đang lưu hành. 

Hơn nữa, kháng thể bảo vệ tạo ra nhờ virus cúm chỉ tồn tại trong thời gian ngắn dưới 1 năm. Đó là lý do mỗi loại vaccine cúm chỉ có tác dụng đối với một chủng virus cúm nhất định và phải tiêm nhắc lại khi có vaccine ngừa chủng cúm mới để đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất.

Lịch tiêm phòng vaccine cảm cúm hiện nay là gì?

Hiện nay đang có 3 loại vaccine cúm gồm Vaxigrip (Pháp), Influvac (Hà Lan) và CG Flu (Hàn Quốc).

Đối với vắc xin Vaxigrip và Influvac, lịch tiêm cụ thể như sau:

- Trẻ từ 6 tháng – 9 tuổi chưa từng tiêm vắc xin cúm: Tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng. Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.

Trẻ trên 9 tuổi và người lớn: Tiêm 1 mũi 0.5ml Sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.

Cảm cúm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 9.

Thực hiện tiêm phòng để phòng tránh cảm cúm - Ảnh minh họa

Đối với vaccine GC Flu, lịch tiêm cụ thể như sau:

- Trẻ từ 36 tháng đến 9 tuổi chưa từng tiêm vắc xin cúm: Tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng. Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.

- Trẻ trên 9 tuổi và người lớn: Tiêm 1 mũi 0.5ml Sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.

Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên tiêm vaccine phòng cúm trước khi có thai. Nếu đang có dịch cúm mà chưa kịp tiêm trước khi mang thai, vẫn có thể tiêm phòng ngừa cảm cúm bất hoạt từ 3 tháng giữa thai kỳ.

 Phân biệt cảm lạnh thông thường và cảm cúm như thế nào?

Cảm lạnh và cảm cúm đều là bệnh do vi-rút gây ra lây truyền qua đường hô hấp. Tuy nhiên, khác với cảm lạnh, cúm nguy hiểm hơn rất nhiều. Bệnh cúm không được điều trị hoặc điều trị muộn sẽ là khởi nguồn cho các bệnh: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu,...

Các triệu chứng của cảm cúm nặng hơn và có thể bao gồm sốt và ớn lạnh, đau nhức, ngủ lịm và đau đầu. Triệu chứng cảm lạnh thường ngắn hơn và chỉ đi kèm với tình trạng chảy nước mũi và sốt nhẹ.

Bệnh cúm nguy hiểm với thai nhi như thế nào?

Nếu người mẹ bị cúm trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thai nhi có thể bị các dị tật bẩm sinh như sứt mũi, hở hàm ếch, tim bệnh sinh, não tụ huyết,… Thai phụ bị cúm, nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể bị sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non.

Dùng kháng sinh để điều trị cảm hay cúm có tác dụng không?

Hầu hết các thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng chống nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra, do đó không có tác dụng trong điều trị cảm cúm (là những bệnh do virus gây ra). Dùng kháng sinh khi không cần thiết có thể làm tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng và giảm hiệu quả của những thuốc này. 

Người dùng kháng sinh cũng có thể phải chịu tác dụng phụ của thuốc như ban đỏ, tiêu chảy hoặc bệnh nấm, trong khi lại không đạt được lợi ích phòng ngừa hay chữa được cảm cúm.


Tác giả: Anh Dũng