Cảm cúm mùa lạnh ở trẻ - mẹ đã biết cách phòng bệnh hiệu quả chưa?

Cảm cúm mùa lạnh ở trẻ - mẹ đã biết cách phòng bệnh hiệu quả chưa?
Thời tiết với không khí lạnh - ẩm, nhiệt độ môi trường không cao và độ ẩm trong không khí thấp là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và gây nên bệnh cúm ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Trong đó trẻ em là đối tượng dễ mắc cúm nhất vì sức đề kháng còn kém...

Môi trường sống không thông thoáng, mật độ dân cư đông đúc, môi trường ô nhiễm hoặc ẩm thấp dễ làm lây truyền vi rút cúm nhất là khoảng cách giữa người bệnh và người lành không còn an toàn (dưới 1m) làm người dễ hít các giọt tiết bắn ra từ người bệnh, nhất là trẻ em.

Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm cúm do sức đề kháng còn non yếu, trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài…Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1/3 trẻ em trên toàn thế giới bị nhiễm cúm và đặc biệt trẻ em cũng được xếp vào nhóm có tỷ lệ tử vong cao do bệnh cúm.

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh cúm

Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi rút cúm (Influenza virus) và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh cúm là bệnh đường hô hấp nhưng có ảnh hưởng toàn thân, bệnh thường xảy ra đột ngột. Giai đoạn đầu của bệnh thường kéo dài 2-3 ngày với các triệu chứng: sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng đường hô hấp xuất hiện như: ho khan, sổ mũi, đau họng, sốt tăng nhanh và cao đến 40 - 41 độ C, sốt có thể kéo dài 4 - 8 ngày.

Ảnh 1.

Thông thường, bệnh nhân cúm tự hồi phục, nhưng các triệu chứng kéo dài trong nhiều ngày, có một số trường hợp có thể xảy ra biến chứng nặng, tiến triển ác tính có biểu hiện sốt cao, khó thở tím tái, phù phổi cấp do suy tim và có thể gây tử vong.

2. Bệnh cúm dễ nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh thông thường

Hiện nay nhiều người vẫn còn nghĩ rằng cúm và bệnh cảm lạnh chỉ là một bệnh, nhưng thực tế cảm lạnh và cúm là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau, mặc dù 2 bệnh có những triệu chứng tương tự nhau, sự khác biệt thể hiện qua 3 đặc điểm sau đây:

- Khác nhau về tác nhân gây bệnh: bệnh cảm lạnh thường do một số siêu vi thông thường đường hô hấp như Adenovirus, Rhinovirus, Coronavirus….gây ra, còn bệnh cúm thì do virus cúm có tên khoa học là Influenzae.

- Khác nhau về bệnh cảnh và triệu chứng lâm sàng: bệnh cảm lạnh thường gây những triệu chứng ở đường hô hấp ở mức độ nhẹ hoặc trung bình như hắt hơi, sổ mũi, hoặc nghẹt mũi, một số bệnh nhân có thể bị ho khan hoặc cơ thể mệt mỏi thoáng qua.

- Khác nhau về mức độ nguy hiểm và biến chứng: bệnh cảm lạnh thường tự khỏi và không gây bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào cho con người, ngược lại bệnh cúm nếu không theo dõi và chăm sóc người bệnh đúng cách có thể gây những biến chứng nghiêm trọng cho con người.

3. Chăm sóc trẻ mắc cúm tại nhà

Những trẻ mắc cúm thể nhẹ thường được bác sĩ hướng dẫn theo dõi và chăm sóc đúng cách tại nhà, việc chăm sóc nên chú ý những nguyên tắc sau đây:

Hạ sốt cho trẻ khi thân nhiệt đo được từ 380C bằng thuốc hạ sốt an toàn là Paracetamol đơn chất với liều 10mg - 15mg/kg cân nặng cơ thể mỗi 4 - 6 giờ kết hợp với lau mát bằng nước ấm khi cần thiết. Tuyệt đối không được sử dụng Aspirin để hạ sốt cho trẻ.

Ảnh 2.

Cho trẻ uống thêm nhiều nước, đặc biệt là những loại nước giàu vitamin C như nước cam tươi, nước chanh, nước táo… giúp trẻ tăng cường sức đề kháng để mau khỏi bệnh. Cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, ấm, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như cháo, súp dinh dưỡng, sữa nóng…

Cho trẻ đến ngay bệnh viện nếu thấy bệnh trầm trọng hơn, trẻ bỏ ăn bỏ uống, quấy khóc nhiều, đặc biệt là sốt cao liên tục không hạ sau khi đã uống thuốc hạ sốt và lau mát tích cực.

4. Lời khuyên của thầy thuốc

Cách chủ động phòng ngừa bệnh cúm cho trẻ tốt nhất là tiêm vắc-xin. Vắc-xin ngừa cúm có thể sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên. Ngoài ra, có thể phòng ngừa bệnh bằng cách: Mặc ấm khi thời tiết lạnh, hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, rửa tay sạch thường xuyên, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát… Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống hợp lý, đủ dinh dưỡng, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao… Khi có dấu hiệu bị cúm nặng, cần phải đến cơ sở y tế khám, điều trị đúng cách nhằm tránh lây nhiễm cho người khác.

Ảnh 3.

Lợi ích của việc tiêm ngừa cúm là giảm nguy cơ lây bệnh cúm cho gia đình và cộng đồng. Giảm ảnh hưởng công việc hàng ngày khi mắc bệnh cúm. Phòng tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh; giảm chi phí nằm viện. Giảm nguy cơ mắc bệnh, tiến triển bệnh nặng ở những người có nguy cơ cao như trẻ em, người già, người mắc bệnh tim mạch, hen phế quản, tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận, ung thư, người sống và làm việc trong môi trường đông người…

Bộ Y tế cũng khuyến cáo các đối tượng dễ lây nhiễm sau đây nên tiêm phòng vắc- xin cúm bao gồm: Nhân viên y tế, trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi, người già trên 65 tuổi. Người mắc bệnh mạn tính: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, bệnh đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…

Việc tiêm ngừa cúm không chỉ giúp phòng ngừa chủng cúm mùa đang lưu hành (trong đó có chủng cúm A/H1N1 đại dịch) mà còn giúp giảm nhẹ triệu chứng nếu mắc phải các chủng cúm A khác do tính miễn dịch chéo trong vắc-xin. Vì vậy, nên tiêm ngừa vắc-xin cúm ngay khi có thể để đảm bảo miễn dịch bảo vệ.


Tác giả: Tuệ Nghi