Chăm sóc người bị cảm cúm đúng cách

Chăm sóc người bị cảm cúm đúng cách
Cảm cúm với các triệu chứng đau đầu, đau họng, sốt cao, ớn lạnh,... có thể gây ra nhiều phiền toái và khó chịu cho bệnh nhân. Vì vậy, việc chăm sóc người bị cảm cúm cần lưu ý một số điều sau

Việc chăm sóc người bị cảm cúm cần lưu ý hai điều quan trọng nhất đó là:

- Đảm bảo người bệnh phục hồi nhanh chóng trong vòng 3-5 ngày

- Người chăm sóc thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm cảm cúm.

Các phương pháp chăm sóc người bị cảm cúm

1. Để bệnh nhân được nghỉ ngơi

Chăm sóc người bị cảm cúm đúng cách - Ảnh 1.

Các triệu chứng thường gặp của người bị cảm cúm là: sốt cao, đau đầu, đau họng, cảm giác ớn lạnh dọc cơ thể, hắt hơi, sổ mũi,... (Ảnh: Internet)

Các triệu chứng này thường tạo cảm giác mệt mỏi, khó chịu nên bệnh nhân cần được nghỉ ngơi. Giường cần đặt ở nơi thoáng khí, tránh gió trực tiếp và có nhiệt độ ổn định. Không nên để nhiệt độ điều hoà quá thấp so với nhiệt độ của môi trường bên ngoài.

2. Uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ

Thông thường, với bệnh nhân bị cảm cúm, bác sĩ thường kê các loại thuốc hạ sốt (thường là paracetamol), vitamin C, cảm xuyên hương,... 

Khi chăm sóc người bị cảm cúm, cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng thuốc để có hiệu quả tốt nhất. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh vì có thể gây khó khăn trong quá trình điều trị sau này.

3. Thực hiện xông hơi

Đây là phương pháp điều trị cảm cúm khá phổ biến và có hiệu quả cao. Một nồi nước xông từ lá chanh, tía tô, xả, bạc hà,... có thể làm giảm cảm giác khó thở và đau họng. 

Chăm sóc người bị cảm cúm đúng cách - Ảnh 2.

Xông hơi làm giảm các giác khó chịu của người bị cảm cúm (Ảnh: Internet)

Trước khi thực hiện xông, để bệnh nhân mặc quần áo thoáng mát, trùm một chiếc khăn to lên người và nồi nước xông, nhắm mắt, hít thở bằng mũi còn giúp tinh thần thư giãn, bớt căng thẳng. 

4. Nhỏ thuốc mũi, sử dụng nước muối sinh lí

Các loại thuốc nhỏ mũi sát khuẩn và súc miệng nước muối có thể làm giảm ngạt mũi, sổ mũi và viêm họng. Việc này đồng thời hạn chế sự sinh sôi của các loại virus, vi khuẩn gây viêm họng, hôi miệng.

5. Dùng thức ăn dễ nuốt, dễ tiêu hoá, uống đủ nước

Khi chăm sóc người bị cảm cúm, cần cho bệnh nhân ăn các loại thực phẩm dạng lỏng như cháo, súp,... để dễ nuốt, dễ tiêu hoá. 

Chăm sóc người bị cảm cúm đúng cách - Ảnh 3.

Chăm sóc người bị cảm cúm (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, việc bổ sung các loại nước như nước lọc, oresol, nước ép, trà mật ong,... cũng rất cần thiêt để đảm bảo cơ thể người bệnh có đủ nước và các chất điện giải, vitamin cần thiết.

6. Tới bệnh viện kiểm tra nếu bệnh không khỏi

Sau khoảng 7 ngày chăm sóc người bị cảm cúm, nếu thấy các triệu chứng của bệnh không nhẹ đi hay khỏi hẳn, cần đưa bệnh nhân tới ngay các cơ sở y tế để kiểm tra. Bệnh không thuyên giảm sau 1 tuần điều trị có thể là dấu hiệu của các bệnh nhiễm trùng hoặc các biến chứng nguy hiểm khác.

7. Lưu ý khi đối với người chăm sóc bệnh nhân bị cảm cúm

Bệnh nhân cảm cúm nên đeo khẩu trang y tế, sử dụng khăn giấy và rửa tay bằng xà phòng sau khi ho, hắt hơi, xì mũi,... để tránh lây lan virus ra môi trường xung quanh. Không sử dụng chung các loại dụng cụ như chậu, khăn,... Bát, đũa, thìa cần được làm sạch và tiệt trùng trước và sau khi cho bệnh nhân cảm cúm sử dụng.

Chăm sóc người bị cảm cúm đúng cách - Ảnh 4.

Không nên để trẻ nhỏ, người già tiếp xúc trực tiếp với người bị cảm cúm (Ảnh: Internet)

Những người không bị cảm cúm nhưng có sức đề kháng không tốt như người già, trẻ nhỏ nên được cách ly với khu vực chăm sóc bệnh nhân để tránh sự tấn công của các loại virus gây bệnh.

Với người trực tiếp chăm sóc người bị cảm cúm, cần thường xuyên sử dụng thuốc nhỏ mũi sát khuẩn, nước muối sinh lí, rửa tay bằng xà phòng để tránh lây nhiễm bệnh trực tiếp, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với nước bọt, chất thải của bệnh nhân. Nếu xuất hiện các triệu chứng cảm cúm, cần tới khám và điều trị sớm.


Tác giả: Bùi Thảo Ngân