Việc tuân thủ chế độ tập luyện nghiêm ngặt giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn sau điều trị, đồng thời giảm thiếu biến chứng tổn thương tim, suy tim vĩnh viễn...
Sau điều trị viêm cơ tim, có người khỏi bệnh hoàn toàn, có bệnh nhân lại gặp phải một số di chứng lâu dài như tổn thương tim và phải dùng thuốc vĩnh viễn. Nhìn chung, dù bạn ở trường hợp nào thì việc theo dõi sau điều trị viêm cơ tim là một việc làm cần thiết giúp kiểm soát tốt hơn những biến chứng và rút ngắn thời gian phục hồi.
Sau điều trị viêm cơ tim, người bệnh cần chú ý thay đổi lối sống lành mạnh để phục hồi chức năng tim. Ngoài ra, cần cắt bớt natri trong chế độ ăn uống, hạn chế rượu bia, nước ngọt và tuyệt đối không được hút thuốc lá.
Các bác sĩ đã khuyến cáo không nên gắng sức sau khi điều trị viêm cơ tim, đặc biệt là các bài tập aerobic vì chúng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Thời điểm tập luyện lý tưởng của bệnh nhân là 6 tháng sau điều trị, lúc này chức năng tim đã trở lại bình thường, nhịp tim ổn định...
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, luyện tập thể dục có tác dụng đối với hệ miễn dịch và khả năng chống lại virus của cơ thể. Việc tập thể dục với cường độ vừa phải và đều đặn giúp giải phóng hormone, tăng cường sự hưng phấn, tăng cường hệ miễn dịch và có khả năng hỗ trợ các tế bào chống viêm và virus.
Tập thể dục ở cường độ vừa phải chỉ nên thực hiện khi tim đã hồi phục vì chúng giúp ngăn ngừa viêm cơ tim tái phát, tuyệt đối không nên vận động mạnh khi cơ tim yếu, suy tim hoặc yếu tim.
Khi thực hiện tập luyện, người bệnh nên bắt đầu dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ tim mạch, nếu tùy ý tập luyện, tim của bạn có thể bị tổn thương vĩnh viễn.
Đối với bệnh nhân tim mạch nói chung bệnh nhân viêm cơ tim nói riêng, việc tập luyện cần được chi tiết với bác sĩ một số vấn đề sau đây:
- Thời gian tập thể dục mỗi ngày là bao nhiêu?
- Tần suất tập thể dục trong tuần?
- Nên tập những bài tập nào, các bài tập nào nên tránh?
- Bạn có cần thời gian để thích ứng với thuốc tim mạch trước khi tiến hành tập luyện không?
- Bạn có nên đo nhịp tim khi đang tập thể dục?
- Mạch đập mà bạn nên có là bao nhiêu?
- Các dấu hiệu cảnh báo mà bạn nên đề phòng?
Sau khi tim được phục hồi, bệnh nhân nên tập từ từ với cường độ vừa phải, tần suất từ 5- 6 lần mỗi tuần. Việc khởi đầu chậm giúp tim của bạn dần thích nghi với việc luyện tập, tránh vận động đột ngột. Tập luyện thể dục cũng giúp tăng cường sức đề kháng tổng thể và tăng khả năng chịu đựng của tim.
Sau khi làm quen với việc vận động sau điều trị viêm cơ tim, bệnh nhân có thể tăng độ khó của bài tập lên một bậc. Điều này giúp trái tim khỏe hơn, gia tăng giới hạn chịu đựng cho tim. Tất cả các bài tập này đều phải thông qua ý kiến của bác sĩ trị liệu cho bạn.
Ngay cả khi bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn thì việc luyện tập thể dục mỗi ngày là thói quen cần phải duy trì. Luyện tập đều đặn không chỉ giúp bạn có một trái tim khỏe mà còn giúp cải thiện hệ miễn dịch, ngăn ngừa nguy cơ viêm cơ tim tái phát, cải thiện chức năng của các cơ quan trong cơ thể...
Viêm cơ tim hoàn toàn có thể tái phát và có nguy cơ dẫn đến bệnh viêm cơ tim mãn tính (tuy nhiên, tỷ lệ tái phát này thấp, thường chỉ 10-15%). Không có phương pháp ngăn ngừa tuyệt đối, người bệnh nên tuân thủ chế độ tập luyện, ăn uống lành mạnh và xét nghiệm theo dõi định kỳ.