Viêm cơ tim là bệnh gì? Tìm hiểu chung về viêm cơ tim

Viêm cơ tim là bệnh gì? Tìm hiểu chung về viêm cơ tim
Viêm cơ tim là căn bệnh hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm. Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm cơ tim, nhưng việc chẩn đoán và điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, tốt nhất là mọi người nên ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến căn bệnh nguy hiểm này.

Những ngày qua, cộng đồng mạng đang lan truyền câu chuyện về loại virus lạ lây lan và giết chết người chỉ trong 1-2 ngày mang tên "virus viêm cơ tim". Biểu hiện của người bị nhiễm virus được miêu tả là sốt cao mê man, sốt rét và qua đời sau 1-2 ngày cấp cứu trong bệnh viện.

Tuy nhiên theo lời các bác sĩ thì không có chuyện xuất hiện virus lạ gây bệnh viêm cơ tim. Dưới đây là một số thông tin về bệnh viêm cơ tim mà bạn cần chú ý:

1. Viêm cơ tim là bệnh gì?

Viêm cơ tim là tình trạng các cơ ở tim bị viêm và sưng tấy lên do nhiễm trùng. Vì trái tim là một khối cơ lớn, nên khi bị viêm cơ tim, tim sẽ đập yếu hơn, có thể ngưng đập nếu tình trạng viêm nặng.

Tim đập yếu cũng có thể dẫn đến tình trạng máu đông tạo thành huyết khối ở tim dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

2. Triệu chứng

- Cảm thấy đau ở ngực.

- Nhịp tim bất thường.

- Tức ngực, khó thở.

- Sốt.

- Ớn lạnh.

- Hạn chế vận động.

- Cảm thấy kiệt sức.

Trong trường hợp nghiêm trọng, viêm cơ tim có thể gây ra triệu chứng suy tím, ngất xỉu.

3. Khi nào nên đến bệnh viện?

Viêm cơ tim là căn bệnh vô cùng nguy hiểm và tiến triển nhanh. Do vậy, khi xuất hiện bất cứ triệu chứng nào của viêm cơ tim, bạn nên lập tức đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.

Nếu đang bị nhiễm siêu vi, bị các bệnh truyền nhiễm, bạn cần chú ý đến các triệu chứng ở tim, và báo bác sĩ ngay khi có bất thường.

4. Nguyên nhân

Nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm cơ tim.

- Nhiễm vi khuẩn, bao gồm: tụ cần khuẩn, liên cầu khuẩn, vi khuẩn gây bệnh bạch cầu.

- Nhiễm nấm mốc.

- Bị ký sinh trùng đơn bào Trypanosoma Cruzi và ký sinh trùng hình cung.

- Phơi nhiễm chất phóng xạ hoặc một số độc tố.

- Kích ứng bởi các loại thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh, thuốc chống động kinh và ma túy.

5. Đối tượng nào có nguy cơ bị mắc viêm cơ tim?

- Bị nhiễm virus gây bệnh đường hô hấp, nhiễm khuẩn hoặc nấm mốc.

- Đang điều trị ung thư, động kinh.

- Sử dụng các thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh penicillin, lạm dụng thuốc an thần...

- Nghiện thuốc lá.

- Nghiện chất gây nghiện, bị nhiễm HIV.

- Có hệ miễn dịch bị suy yếu.

6. Phòng tránh

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus, nhiễm cúm.

- Giữ nơi ở luôn sạch sẽ, tiêu diệt nấm mốc và vi khuẩn. Tắm rửa hàng ngày. Rửa tay thường xuyên.

- Tiêm các vacxin phòng cúm, phòng viêm gan B,...

- Khi bị các bệnh nhiễm virus, nhiễm khuẩn cần điều trị sớm để tránh biến chứng.

7. Chẩn đoán

Bệnh viêm cơ tim rất khó để chẩn đoán do triệu chứng dễ nhẫm lẫn và xuất hiện trễ. Thông thường, khi xuất hiện các triệu chứng đáng ngờ, bác sĩ sẽ kiểm tra nhịp tim, dịch trong phổi hoặc tình trạng sưng phù chân để chẩn đoán viêm cơ tim.

Để có kết luận chính xác, và tìm nguyên nhân tại chỗ, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm như:

- Xét nghiệm máu để kiểm tra nhiễm trùng, kháng thể hoặc số lượng tế bào máu.

- Chụp X-quang ngực để kiểm tra bất thường ở cấu trúc tim, phổi.

- Điện tâm đồ để kiểm tra nhịp tim.

- Siêu âm tim để tìm viêm và sưng.

Trong một vài trường hợp, các bác sĩ yêu cầu quét MRI tim hoặc sinh thiết cơ tim để có kết quả chính xác hơn.

8. Phương pháp điều trị

Các phương pháp điều trị viêm cơ tim bao gồm:

- Sử dụng thuốc kháng sinh hoặc kháng viêm để giảm viêm và chống sưng.

- Sử dụng thuốc lợi tiểu để chống phù, giảm thiểu lượng nước thừa trong cơ thể.

- Trong trường hợp cơ tim yếu, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc điều trị suy tim.

- Nếu trong buồng tim có xuất hiện cục máu đông, bác sĩ có thể sử dụng thuốc làm loãng máu.

- Nếu nhịp tim loạn, bất thường, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng máy tạo nhịp tim.

- Trong trường hợp bệnh đã tiến triển nghiêm trọng, tim co bóp quá yếu, có nguy cơ ngừng đập, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cấy ghép tim.

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bạn ăn ít muối, hạn chế vận động mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh hút thuốc,... để hạn chế tiến triển của bệnh viêm cơ tim. Hãy nhớ tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất.


Tác giả: Mai Nhung