Làm thế nào để phòng tránh bệnh viêm cơ tim?

Làm thế nào để phòng tránh bệnh viêm cơ tim?
Hiện nay vẫn chưa có phương án phòng tránh bệnh viêm cơ tim cụ thể. Tuy nhiên một số biện pháp sau đây có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Viêm cơ tim là tình trạng gây ảnh hưởng đến cơ tim và hệ thống các tế bào dẫn điện đặc biệt nằm trong cơ tim. Nó làm giảm khả năng bơm máu của tim và gây ra nhịp tim nhanh hoặc bất thường (rối loạn nhịp tim).

Nhiễm virus là nguyên nhân thường thấy gây ra viêm cơ tim, nhưng nó cũng có thể là kết quả của việc phản ứng với thuốc hoặc là một phần của tình trạng viêm tổng quát hơn trong cơ thể. Các dấu hiệu và triệu chứng thông thường bao gồm đau ngực, mệt mỏi, khó thở và rối loạn nhịp tim.

1. Nguyên nhân gây bệnh

Thông thường, nguyên nhân gây bệnh viêm cơ tim không được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nguyên nhân tiềm năng có thể phát triển thành viêm cơ tim là rất nhiều bao gồm:

- Virus. Nhiều loại virus thường liên quan đến viêm cơ tim, bao gồm cả những loại virus gây cảm lạnh thông thường (adenovirus); viêm gan B và C; parvovirus, gây phát ban nhẹ, thường ở trẻ em; và virus herpes simplex.

Ngoài ra, nhiễm trùng đường tiêu hóa (echoviruses), bạch cầu đơn nhân (virus Epstein-Barr) và sởi Đức (rubella) cũng có thể gây viêm cơ tim. Nó cũng phổ biến ở những người nhiễm HIV, do virus gây ra bệnh AIDS.

- Vi khuẩn: Vô số vi khuẩn có thể gây ra bệnh viêm cơ tim, bao gồm staphylococcus, streptococcus, vi khuẩn gây bệnh bạch hầu và vi khuẩn gây bệnh Lyme do ve gây ra. 

- Ký sinh trùng: Trong số này có những ký sinh trùng như Trypanosoma cruzi và toxoplasma, bao gồm một số loài truyền qua côn trùng và có thể gây ra một tình trạng gọi là bệnh Chagas. Bệnh này phổ biến hơn nhiều ở Trung và Nam Mỹ so với Hoa Kỳ, nhưng nó có thể xảy ra ở khách du lịch và người nhập cư từ những nơi có dịch.

- Nấm: Bệnh viêm cơ tim gây ra do nhiễm trùng nấm men như candida, nấm mốc chẳng hạn như aspergillus và các loại nấm khác như histoplasma thường được tìm thấy trong phân chim, đôi khi có thể gây viêm cơ tim, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu.

Viêm cơ tim đôi khi cũng xảy ra nếu bạn tiếp xúc với:

- Thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc gây độc hại cho cơ thể. Chúng bao gồm các loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư, thuốc kháng sinh như thuốc penicillin và sulfonamid, một số loại thuốc chống động kinh và một số chất bất hợp pháp, chẳng hạn như cocaine. 

- Hóa chất hoặc phóng xạ. Tiếp xúc với một số hóa chất, chẳng hạn như carbon monoxide, và bức xạ đôi khi có thể gây bệnh viêm cơ tim. 

- Những căn bệnh khác bao gồm các rối loạn như lupus, u hạt Wegener và viêm động mạch Takayasu.

2. Biện pháp phòng tránh bệnh viêm cơ tim

Hiện nay không có cách phòng tránh cụ thể cho bệnh viêm cơ tim. Tuy nhiên, các biện pháp dưới đây có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh:

- Tránh những người mắc bệnh truyền nhiễm do virus hoặc cúm cho đến khi họ bình phục hoàn toàn. Nếu bạn là bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm do virus gây ra hoặc đang có những triệu chứng giống nhiễm siêu vi, hãy cố gắng tránh tiếp xúc với người khác. 

- Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, đảm bảo sạch sẽ. Rửa tay thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa bệnh lây lan. 

-  Tránh làm những hành vi có thể gây ra rủi ro mắc bệnh. Để giảm khả năng bị bệnh viêm cơ tim liên quan đến HIV, hãy quan hệ tình dục an toàn và không sử dụng ma túy bất hợp pháp. 

- Giảm thiểu tiếp xúc với ve, côn trùng hút máu, muỗi đốt. Nếu bạn phải sinh hoạt hoặc làm việc ở những vùng có nhiều ve và côn trùng, hãy mặc áo dài tay và quần dài để che càng nhiều da càng tốt. Đồng thời bôi thuốc xua đuổi côn trùng có chứa DEET lên da.

- Và cách phòng ngừa bệnh viêm cơ tim hiệu quả nhất là cần phải tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo của ngành Y Tế. Nên tiêm phòng các bệnh Rubella và cúm vì đôi khi các bệnh đó có thể gây biến chứng viêm cơ tim.


Tác giả: Anh Dũng