Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm với nhiều biến chứng như thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim cấp, thậm chí là đột quỵ, đột tử, vỡ tim,... Bệnh xảy ra khi một phần của cơ tim không nhận đủ máu do một hoặc nhiều động mạch cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn. Khi lưu lượng máu bị gián đoạn, phần cơ tim không nhận được oxy và chất dinh dưỡng, dẫn đến tổn thương hoặc chết các tế bào cơ tim. Đây là một tình trạng y tế khẩn cấp và cần được điều trị ngay lập tức.
Theo Hiệp hội Tim mạch thế giới thì thời gian điều trị vàng cho bệnh nhồi máu cơ tim là 90 phút sau khi phát bệnh. Ngoài giờ vàng thì giờ bạc trong cấp cứu nhồi máu cơ tim kéo dài từ 2 - 6 giờ sau khi các triệu chứng nhồi máu cơ tim bắt đầu. Trong khoảng thời gian này, cơ tim đã bị tổn thương đáng kể, và việc cứu chữa trở nên kém hiệu quả hơn.
Đọc thêm:
- Tập thể dục có 9 dấu hiệu này cần dừng ngay đề phòng ngừng tim, đột quỵ
- Bệnh nhồi máu cơ tim và cách xác định yếu tố nguy cơ
Giờ đồng là giai đoạn từ 6 - 12 giờ kể từ khi triệu chứng nhồi máu cơ tim xuất hiện, lúc này, các tế bào cơ tim bị tổn thương sẽ không thể phục hồi, dẫn đến nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Cuối cùng, giờ hy vọng mong manh là sau 12 giờ kể từ khi cơn đau thắt ngực xuất hiện. Giai đoạn này xảy ra sự chết của một lượng lớn cơ tim và tỷ lệ thành công của các biện pháp can thiệp rất thấp, nguy cơ để lại di chứng và tỷ lệ tử vong rất cao.
Bác sĩ Huang, chuyên khoa Phẫu thuật lồng ngực và chuyên sâu CMUH, trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Trung Quốc nhấn mạnh: "Trong trường hợp xảy ra nhồi máu cơ tim thì có 4 điều mà nạn nhân "khi chưa ngất xỉu" cần phải tránh để việc sơ cứu cũng như điều trị nhồi máu cơ tim sau đó có lợi hơn".
Dưới đây là 4 điều cần tránh khi xuất hiện triệu chứng nhồi máu cơ tim đầu tiên mà bác sĩ Huang cảnh báo, để nạn nhân "tự cứu mình" trước khi được cấp cứu bởi nhân viên y tế:
Các dấu hiệu điển hình của một cơn nhồi máu cơ tim bao gồm đau tức ngực, cơn đau âm ỉ và cảm giác như ngực bị đè nặng bởi một tảng đá lớn.
Một khi các triệu chứng này xảy ra thì người bệnh không nên cố gắng chịu đựng, càng kéo dài thời gian chịu đựng thì nguy cơ tế bào cơ tim chết càng lớn hơn (hoại tử) và nguy cơ tử vong cũng cao hơn.
Bác sĩ cũng lưu ý rằng, với những bệnh nhân đang có sẵn các bệnh lý như bệnh đái tháo đường, huyết áp cao, người cao tuổi, người đang điều trị các bệnh mãn tính khác chỉ cần xuất hiện các triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cần thăm khám ngay lập tức, muộn nhất là 15 - 20 phút ngay sau đó. Lúc này cơ tim chỉ bị tổn thương nhẹ nên việc tái tưới máu cơ tim sẽ có hiệu quả nhất khi mạch máu được mở rộng lại. Nếu trì hoãn, nguy cơ biến chứng là rất cao.
Có rất nhiều quan niệm dân gian liên quan tới việc đập vào ngực hay đập/đánh vào tay hay ho mạnh để giảm cảm giác khó thở. Tuy nhiên những mẹo lưu truyền này đều vô căn cứ.
Khi nhận thấy khó thở hay đau tức ngực, hãy nghĩ ngay đến triệu chứng nhồi máu cơ tim và thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Việc đập ngực hay tát vào cơ thể không những không giúp các triệu chứng nhồi máu cơ tim biến mất hay giúp giãn mở mạch máu hơn mà chỉ khiến tim gia tăng gánh nặng và tình trạng nhồi máu cơm tim trở nên trầm trọng hơn.
Đã có nhiều trường hợp sử dụng thuốc aspirin, nitroglycerin khi nghi ngờ bị nhồi máu cơ tim hay các loại thuốc phòng đột quỵ dân gian hoặc đông y mà không có chỉ định của bác sĩ. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi đau tức ngực có thể là triệu chứng nhồi máu cơ tim nhưng cũng có thể là biểu hiện của một vấn đề sức khỏe khác.
Việc tự ý sử dụng thuốc không chỉ làm tăng nguy cơ mà việc dùng nitroglycerin khi không thực sự nắm được chỉ số huyết áp của mình có thể dẫn tới hạ huyết áp quá thấp trong trường hợp nhồi máu cơ tim thành dưới (là tình trạng mà một phần cơ tim ở mặt dưới bị hoại tử do thiếu máu cấp tính) và gây sốc.
Rất nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thăm khám muộn do mất thời gian tra cứu bệnh trên mạng Internet và do dự với các triệu chứng bệnh. Thông tin trên mạng Internet chỉ mang tính chất tham khảo và quá nhiều thông tin có thể khiến phán đoán bị ảnh hưởng.
Khi cảm giác tức ngực xuất hiện, đặc biệt nếu cơn đau lan sang vai trái, cánh tay kèm theo thở ngắt quãng, buồn nôn hoặc đổ mồ hôi lạnh xuất hiện, bạn cần khám bệnh càng sớm càng tốt để không lỡ mất thời điểm vàng cấp cứu nếu nguyên nhân là do nhồi máu cơ tim cũng như ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống hoặc mất mạng.
Để không lỡ mất thời điểm cấp cứu thì bạn cần nắm vững các triệu chứng cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim, chúng bao gồm:
Triệu chứng nhồi máu cơ tim thường gặp nhất là đau ngực, thường được mô ta như cảm giác bóp nghẹt, khó thở, thắt chặt, nặng ngực hoặc cảm giác nhói, nóng rát. Cơn đau chủ yếu ở giữa ngực hoặc hơi lệch về ngực trái. Thỉnh thoảng, người bệnh hay than đau lan xuống tay, bụng và cổ hàm dưới.
Một vài triệu chứng khác như:
- Cảm giác yếu, mệt
- Vã mồ hôi
- Buồn nôn, nôn ói.
- Khó thở
- Đau đầu
- Ho
- Choáng, chóng mặt
- Nhịp tim nhanh.
Đôi khi triệu chứng nhồi máu cơ tim có thể nhầm lẫn với bệnh lý đường tiêu hóa khi đau nóng rát ở vùng ngực kèm buồn nôn, nôn ói.
Một lưu ý quan trọng, không phải tất cả các cơn nhồi máu cơ tim đều xuất hiện chứng triệu chứng giống nhau hoặc các dấu hiệu nặng như nhau. Đau ngực là một triệu chứng hay gặp ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu cho thấy bên cạnh đau ngực, nữ giới thường có các triệu chứng khác như:
- Khó thở từng cơn
- Đau hàm
- Đau phần lưng trên
- Đau đầu nhẹ
- Buồn nôn, nôn ói.
Một vài trường hợp, các triệu chứng của nhồi máu cơ tim còn được diễn tả như các dấu hiệu của bệnh cúm.
Tóm lại, lắng nghe các triệu chứng bất thường của cơ thể là rất quan trọng, đặc biệt là các triệu chứng vùng ngực để sàng lọc nhồi máu cơ tim.
Nguồn dịch tham khảo:
2. Heart attack (myocardial infarction)