Bà bầu uống được thuốc ho hay không?

Bà bầu uống được thuốc ho hay không?
Nhiều trường hợp bị ho khi mang thai cần dùng đến thuốc để điều trị. Tuy nhiên, cần tuân thủ theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

Ho là triệu chứng thường gặp do thay đổi thời tiết, nhiệt độ xuống thấp hoặc có thể do các bệnh lý như cảm cúm, cảm lạnh, Covid-19, dị ứng,… Ho sẽ gây sự khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nhưng khi mang thai, các mẹ bầu thường bị ốm nghén, buồn nôn, đề kháng suy giảm nên cảm giác khó chịu do cơn ho có thể tăng lên.

Điều đáng lưu ý, trong quá trình mang thai, các mẹ bầu nên thận trọng khi dùng thuốc điều trị ho hoặc bất kỳ bệnh lý nào khác, vì thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con.

1. Uống thuốc tây y trị ho khi mang thai có an toàn không?

Thuốc Tây y thường đem lại hiệu quả nhanh chóng, dễ sử dụng và tiện lợi. Nhưng các mẹ bầu thường không được khuyến khích sử dụng thuốc Tây y để trị ho, đặc biệt trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các mẹ bầu bị ho dai dẳng, tức ngực, khó thở,… một số nhóm thuốc Tây y dành cho bà bầu vẫn được sử dụng.

Theo Tiến sĩ Gyamfi-Bannerman, Bác sĩ tại Đại học Y khoa Irving (Colombia): "Giống như hầu hết các loại thuốc và thực phẩm chức năng, thuốc ho chưa được nghiên cứu trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai có thể dùng thuốc ho nhưng cần phải sử dụng một cách điều độ."

Ngoài ra, khi các mẹ bầu dùng thuốc Tây y để điều trị ho, nếu có những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nên nghiên cứu kỹ thành phần của thuốc trước khi sử dụng, đặc biệt là những người bị dị ứng hoặc bị bất kỳ dạng bệnh tiểu đường nào.

Theo tiến sĩ Kecia Gaither, bác sĩ sản phụ khoa tại Trung tâm y tế Montefiore ở thành phố New York (Mỹ): "Một số chất phụ gia trong thuốc ho có thể bao gồm bạc hà, cỏ xạ hương, cây kinh giới. Các chất này có tác động đến việc kiểm soát đường huyết ở phụ nữ bị tiểu đường." Vì thế, trong trường hợp bị tiểu đường, các mẹ bầu nên lựa chọn những loại thuốc ho không đường.

Cũng như các loại thuốc khác, để đảm bảo sức khỏe và không ảnh hưởng đến thai nhi, các mẹ bầu cần tuân thủ tuyệt đối theo đơn thuốc và hướng dẫn điều trị từ bác sĩ chuyên môn.

Bà bầu uống được thuốc ho hay không? - Ảnh 2.

Phụ nữ mang thai có thể dùng thuốc Tây y để trị ho nhưng cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ ăn khoai lang được không?

Bà bầu xông lá giải cảm có được không? Những điều mẹ bầu nên biết

Bà bầu có nên dùng kháng sinh trị ho không?

Trong trường hợp phụ nữ có thai bị ho do nhiễm khuẩn, bội nhiễm,… thuốc kháng sinh nhóm penicillin vẫn được coi là an toàn cho bà bầu. Nếu tình trạng ho nghiêm trọng hơn hoặc người bệnh bị dị ứng với nhóm penicillin, bác sĩ có thể kê nhóm macrolid.

Mặc dù một số nhóm kháng sinh an toàn cho mẹ bầu, nhưng chỉ nên dùng khi được bác sĩ chỉ định và tuân thủ theo những khuyến cáo được đưa ra.

Nếu bà bầu sử dụng kháng sinh trong thời gian dài và sai cách, có thể dẫn tới một số vấn đề về sức khỏe như rối loạn cân bằng hệ tạp khuẩn đường ruột, nhiễm nấm Candida ở da, miệng hoặc ruột. Nghiêm trọng hơn, dùng thuốc kháng sinh không đúng cách có thể gây dị tật hoặc sảy thai.

2. Lựa chọn thay thế an toàn giúp giảm ho khi mang thai

Đối với những trường hợp xuất hiện triệu chứng ho nhẹ hoặc không quá nghiêm trọng, các liệu pháp tự nhiên được khuyến khích thay thế cho việc sử dụng thuốc Tây y, chẳng hạn:

- Dùng mật ong: Mật ong có tính kháng viêm, kháng khuẩn và an toàn cho bà bầu nên được sử dụng làm dịu các cơn ho hiệu quả. Các bạn có thể pha một muỗng mật ong với nước ấm, mỗi ngày uống 1 cốc hoặc hấp mật ong với chanh, quất. Sử dụng đến khi triệu chứng ho thuyên giảm.

- Súc miệng với nước muối: Muối có tính sát khuẩn cao nên có thể hỗ trợ điều trị ho. Các mẹ bầu nên pha nước muối loãng ấm, súc miệng đều đặn sáng và tối mỗi ngày.

- Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm để giúp làm dịu họng, bổ sung đủ nước cho cơ thể. Một số nghiên cứu cho thấy tình trạng mất nước của người mẹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cân nặng khi sinh của em bé.

- Tăng cường miễn dịch với chế độ ăn uống điều độ, mẹ bầu nên bổ sung những thực phẩm có tính kháng viêm như vitamin C, Omega-3, Kẽm,…

Bà bầu uống được thuốc ho hay không? - Ảnh 3.

Mẹ bầu có thể sử dụng nguyên liệu tự nhiên để hỗ trợ giảm ho (Ảnh: ST)

Có nên áp dụng một số bài thuốc trị ho từ dân gian cho bà bầu không?

Từ xưa, nhiều người đã truyền tai nhau những bài thuốc trị ho từ các nguyên liệu tự nhiên, an toàn và lành tính như:

- Bài thuốc giảm ho từ chanh và mật ong: Cả mật ong và chanh đều có tính kháng khuẩn và chống lại virus nên có tác dụng giảm ho rất tốt. Các mẹ bầu dùng khoảng một muỗng mật ong pha với một cốc nước ấm 200ml, sau đó vắt thêm nửa quả chanh. Mỗi ngày uống 1 ly, nên dùng sau khi đã ăn sáng.

- Bài thuốc trị ho từ lá hẹ: Trong lá hẹ tươi có chứa các chất kháng khuẩn như Saponin và Odorin, giúp ức chế hoạt động virus nên sẽ hỗ trợ giảm ho hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hiệu quả.

Cách thực hiện rất đơn giản, lá hẹ đem đi rửa sạch sau đó cắt nhỏ và cho vào bát, đem đi hấp cách thủy khoảng 15 - 20 phút. Cuối cùng chắt nước cốt lá hẹ để uống hoặc có thể ăn cả cái.

- Bài thuốc giảm ho từ lê và đường phèn: Đây là bài thuốc được nhiều mẹ bầu áp dụng. Các bạn chỉ cần rửa sạch lê và cắt thành miếng nhỏ (không cần gọt vỏ nhưng nên ngâm lê với muối để làm sạch). Sau đó, cho lê và đường phèn vào bát nhỏ và đem hấp cách thủy 10 - 15 phút rồi lấy nước cốt uống trong ngày.

Ngoài ra, còn nhiều bài thuốc dân gian khác có tác dụng hỗ trợ điều trị ho cho bà bầu như dùng tỏi mật ong, cam nướng, trà gừng,…

Mặc dù hiệu quả trong việc làm giảm triệu chứng ho và an toàn cho bà bầu nhưng các phương pháp dân gian chỉ mang tính hỗ trợ điều trị, không phù hợp với các tình trạng nặng. Hơn nữa, những ai bị dị ứng với các nguyên liệu trên không nên áp dụng. Để đảm bảo an toàn, các bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Trong một số trường hợp, bà bầu vẫn nên dùng thuốc điều trị vì nếu để tình trạng ho dai dẳng, nguyên nhân gây bệnh không được giải quyết có thể gây động thai, khiến người mẹ mệt mỏi và ảnh hưởng đến dinh dưỡng phát triển của con. Điều quan trọng là khi bị bệnh, các mẹ bầu nên đến bệnh viện kiểm tra và điều trị theo chỉ định từ bác sĩ.

Nguồn tham khảoCan I Take Cough Drops While Pregnant?


Tác giả: Vân Anh