Theo kinh nghiệm dân gian, ở cữ sau sinh cần kiêng khem rất nhiều thứ như không được tắm, gội đầu, đánh răng, mặc quần áo dài tay, đeo tất, ... Những quan điểm này không hoàn toàn đúng lại có thể khiến các mẹ bỉm sữa "sợ hãi", nhất là trong những ngày hè nóng nực. Vậy nên kiêng cữ sau sinh như thế nào để cả mẹ và bé vừa khoẻ mạnh lại dễ chịu, thoải mái?
Sau khi sinh cơ thể người mẹ mất rất nhiều sức cũng như chịu nhiều thay đổi, một số tình trạng sức khoẻ mà các mẹ sau sinh thường gặp như đau ngực, táo bón, bệnh trĩ, tiết dịch âm đạo, đau ở vùng đáy chậu, ... Do vậy, để phục hồi sức khoẻ một cách nhanh chóng và tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ sau này, các mẹ bỉm nên có chế độ ở cữ đúng cách.
Chế độ dinh dưỡng sau sinh rất quan trọng, ăn uống đầy đủ dưỡng chất vừa giúp người mẹ nhanh chóng phục hồi sức khoẻ lại giúp con được bổ sung nguồn sữa tuyệt vời. Theo kinh nghiệm dân gian, mẹ sau sinh cần kiêng khem rất nhiều thực phẩm, ưu tiên chế độ ăn khô. Nhưng nhiều chuyên gia đã chỉ rằng đây là những quan niệm sai lầm, người mẹ vẫn cần được bổ sung đa dạng các nguồn thực phẩm để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ dưỡng chất.
Hầu hết các bà mẹ mới sinh cần từ 1.800 đến 2.200 calo mỗi ngày. Dưới đây là những thực phẩm phù hợp cho các mẹ bỉm sữa sau sinh được các gia khuyến khích:
- Các loại rau củ quả như bông cải xanh, bơ, cà rốt, cải xoăn, khoai lang, cà chua, cần tây, bắp cải và cà rốt.
- Trái cây như cam quýt, quả mọng, xoài, dưa, táo và chuối
- Ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như yến mạch, gạo lứt và bánh mì nguyên cám
- Protein nạc hoặc ít chất béo, bao gồm cá, thịt gia cầm, đậu phụ, đậu, hạt, quả hạch, đậu lăng và thịt bò nạc.
- Sữa ít béo hoặc không béo, như sữa chua, sữa, phô mai và trứng
Ngoài ra, một số chất dinh dưỡng cụ thể mà các mẹ sau sinh có thể cần theo dõi lượng tiêu thụ, bao gồm: Iốt, axit béo omega-3, choline, canxi.
Đọc thêm:
- Sau sinh ăn rau cải được không? Lưu ý cho mẹ sau sinh khi ăn rau cải
- Nuôi con bằng sữa mẹ để phòng tránh trầm cảm sau sinh
Theo kinh nghiệm từ xa xưa, phụ nữ sau sinh nên kiêng khem tắm rửa trong thời gian đầu sau sinh. Tuy nhiên, phụ nữ sau sinh cần được vệ sinh sạch sẽ để giúp cơ thể thoải mái, giảm nguy cơ viêm nhiễm.
Vậy sau sinh bao lâu thì được tắm? Điều này có thể tuỳ thuộc vào tình trạng sức khoẻ của người mẹ. Nếu sinh thường và sức khoẻ ổn định, sau 2-3 ngày các mẹ bỉm sữa có thể tắm gội nhưng thực hiện nhanh chóng, tắm bằng nước ấm. Còn đối với những người sinh mổ, việc tắm gội sẽ cần nhiều thời gian hơn, khi vết mổ đã khô và lành, trung bình từ 5-7 ngày. Đối với các mẹ sinh mổ, khi tắm nên tránh để nước len vào vết mổ, thấm khô vết mổ sau khi tắm xong để tránh nhiễm trùng.
Hơn nữa, mặc dù chưa được tắm gội ngay sau khi sinh, nhưng việc vệ sinh vùng kín cần được thực hiện hàng ngày để tránh viêm nhiễm vì lúc này sản dịch tiết ra nhiều.
Sự nóng nực của ngày hè sẽ khiến các mẹ bỉm thấy khó chịu và mệt mỏi hơn bình thường. Lúc này, các mẹ bỉm nên mặc quần áo thoáng mát, vẫn có thể sử dụng điều hoà bình thường. Uống đủ nước để giảm nhiệt cơ thể một cách hiệu quả.
Ngoài ra, các mẹ sau sinh nên ở trong một không gian thoáng đãng, có thể mở cửa để không khí lưu thông, không cần thiết phải ở trong một không gian kín để tránh gió như một số quan niệm.
Các mẹ sau sinh thường nhạy cảm hơn bình thường, đặc biệt nếu em bé quấy khóc thì sẽ khiến người mẹ căng thẳng, áp lực hoặc bực bội. Lúc này, bạn nên chia sẻ với người thân về những mong muốn và khó khăn của mình. Bạn nên nhờ sự giúp đỡ của người thân để có khoảng thời gian nghỉ ngơi phù hợp.
Bên cạnh những điều nên làm, một số điều mà các mẹ sau sinh nên tránh để bảo vệ sức khoẻ và tránh bị hậu sản.
Các bác sĩ khuyến khích mẹ sau sinh nên đi lại nhẹ nhàng để khí huyết lưu thông, cơ thể dễ chịu và giảm căng thẳng. Tuy nhiên, nếu bạn tập luyện quá sức thì có thể ảnh hưởng đến vết mổ (nếu sinh mổ) hoặc vết rạch tầng sinh môn khi sinh thường.
Hơn nữa, các mẹ sau sinh không nên bê vác đồ vật quá nặng vì khi điều này có thể ảnh hưởng đến vết thương sau sinh.
Sau khi sinh các mẹ cũng không nên quan hệ quá sớm, lúc này nội tiết thay đổi và cơ quan sinh dục cũng chưa được phục hồi sau quá trình sinh con. Một số hệ luỵ nguy hiểm nếu như quan hệ sau sinh sớm như chảy máu vùng kín, nguy cơ bị nhiễm trùng, ...
Sử dụng đồ uống có cồn, ga hoặc caffein không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người mẹ mà còn làm suy giảm chất lượng sữa, ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ sơ sinh, lượng sữa tiết ra sẽ giảm nếu mẹ thường xuyên uống rượu hay các thức uống có cồn. Do vậy, nước lọc hoặc sữa là sự lựa chọn tốt nhất cho người mẹ trong khoảng thời gian này.
Ngoài ra, vào mùa hè thời tiết nóng nực nên nhiều người có thói quen uống nước đá. Tuy nhiên, sau sinh cơ thể còn yếu, đề kháng kém nên việc uống nước đá có thể khiến các mẹ bị ê buốt răng, đau họng, rối loạn tiêu hoá, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của tử cung. Các chuyên gia khuyến khích phụ nữ sau sinh nên uống nước ấm để cải thiện lưu thông máu, hỗ trợ hệ tiêu hoá, tốt cho tinh thần.
Hệ tiêu hoá của các mẹ sau sinh thường chưa ổn định, hơn nữa việc mẹ ăn gì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con. Do vậy, các mẹ nên tránh ăn những thực phẩm lạnh, tái sống như rau sống, thịt tái, đồ ăn để trong tủ lạnh nhiều ngày, ...
Các mẹ sau sinh cũng không nên ăn những loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng vì chúng có thể gây nóng trong người, táo bón.
Các thiết bị điện tử có chứa sóng điện từ, loại sóng này là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra nhiều bệnh tật, đặc biệt nếu mẹ bỉm thường xuyên sử dụng điện thoại khi nuôi con có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển trí não của bé.
Hơn nữa, ánh sáng xanh từ điện thoại sẽ gây hại cho mắt, điều này có thể khiến các mẹ bỉm gặp một số vấn đề về mắt như mờ mắt, khô mắt, thậm chí là thoái hoá điểm vàng.
Nhìn chung, các mẹ sau sinh cần có chế độ kiêng cữ nhưng không cần kiêng khem quá mức. Điều quan trọng nhất của các mẹ sau sinh là chế độ dinh dưỡng đầy đủ và giữ tâm lý thoải mái. Các mẹ sau sinh nên tìm kiếm sự trợ giúp từ người thân hoặc chăm sóc y tế khi cảm thấy cơ thể hoặc tinh thần mệt mỏi, chia sẻ là điều cực kỳ cần thiết đối với các mẹ bỉm.
Nguồn tham khảo:
1. 9 Things Not to Do After Giving Birth
2. Postpartum Timeline: What You Can Do When After Giving Birth
3. Your Postpartum Nutrition Guide