Cách đối phó với cơn bốc hỏa khi mang thai, đặc biệt vào những ngày nắng nóng

Cách đối phó với cơn bốc hỏa khi mang thai, đặc biệt vào những ngày nắng nóng
Chúng ta không thể ngăn ngừa tình trạng bốc hoả khi mang thai nhưng có thể kiểm soát bằng một số phương pháp tại nhà.

Các cơn bốc hỏa trong thời kỳ mang thai là hoàn toàn bình thường và khá phổ biến, mặc dù không nguy hiểm nhưng bốc hoả thường khiến cho các mẹ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, đặc biệt vào những ngày nền nhiệt tăng cao. Vậy làm thế nào để đối phó với các cơn bốc hoả và giúp các mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn?

1. Tìm hiểu về cơn bốc hỏa ở phụ nữ mang thai

Những cơn bốc hoả có thể xuất hiện bất kỳ ở giai đoạn nào trong quá trình mang thai nhưng thường phổ biến hơn trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.

Các cơn bốc hoả ở phụ nữ mang thai do sự dao động của nồng độ hormone, đặc biệt là sự suy giảm nồng độ estrogen, cũng như tỷ lệ trao đổi chất tăng lên trong thời kỳ mang thai có thể gây ra tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao. Ngoài ra, chế độ ăn uống nghỉ ngơi thất thường, căng thẳng, lo lắng, cơ thể thiếu nước cũng là những tác nhân có thể làm trầm trọng thêm cơn bốc hoả.

Các cơn bốc hoả ở phụ nữ mang thai thường ảnh hưởng đến đầu, cổ và ngực với các triệu chứng như cảm thấy người đột ngột nóng lên, bắt đầu đổ mồ hôi, da có thể đỏ. Cơn bốc hoả có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút. Bạn có thể cảm thấy ớn lạnh sau khi cơn bốc hoả đi qua do cơ thể mất nhiệt độ đột ngột.

Cách đối phó với cơn bốc hỏa khi mang thai, đặc biệt vào những ngày nắng nóng - Ảnh 2.

Bốc hoả ở phụ nữ mang thai thường phổ biến hơn trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Mang thai bị cảm lạnh có uống trà gừng được không?

Bụng cồn cào khi mang thai 3 tháng đầu do đâu?

Cơn bốc hoả có nguy hiểm không?

Các cơn bốc hỏa khi mang thai thường vô hại. Các cơn bốc hỏa không có khả năng làm tăng nhiệt độ cốt lõi của cơ thể đến mức khiến người mang thai hoặc thai nhi gặp nguy hiểm.

Tuy nhiên, quá nóng trong khi bạn đang mang thai có thể nguy hiểm. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, sự ảnh hưởng từ nhiệt khi mang thai có thể dẫn đến các vấn đề về tủy sống và sự phát triển xương sống của thai nhi.

Do đó, khi mang thai các mẹ nên tránh làm những việc có thể khiến cơ thể quá nóng, chẳng hạn như tập thể dục cường độ cao, ngồi trong bồn tắm nước nóng hoặc xông hơi lâu hơn 20 phút, ra ngoài vào những ngày nắng nóng, ...

2. Làm thế nào để kiểm soát cơn bốc hỏa khi mang thai?

Mặc dù bốc hỏa là điều không thể tránh khỏi, nhưng có một số điều bạn có thể làm để giảm bớt sự khó chịu của tình trạng này như:

- Mặc trang phục làm từ các loại sợi tự nhiên như vải lanh. Tránh chất liệu tổng hợp vì chúng có thể giữ nhiệt và thậm chí có thể khiến bạn bị ngứa.

- Giữ nhiệt độ phòng ngủ mát mẻ, những ngày đặc biệt nóng bạn có thể sử dụng điều hoà và để ở mức nhiệt từ 26 - 29 độ.

- Để một chai nước dạng xịt (có thể thêm một ít chanh) trong tủ lạnh và xịt nước lạnh lên mặt khi bạn cảm thấy nóng nực.

- Bổ sung đầy đủ chất lỏng, mỗi ngày các mẹ bầu nên bổ sung khoảng 2,5 lít chất lỏng, bao gồm nước, thực phẩm, ...

- Thực hiện các bài tập thở sâu để giúp kiểm soát huyết áp và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.

- Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng - vì đây cũng là một trong những tác nhân khiến cơ thể bạn nóng hơn.

- Duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp, quá béo cũng khiến cho cơ thể dễ bốc hoả hơn.

- Giảm lượng carbohydrate nạp vào cơ thể - carbs cũng làm tăng nhiệt độ cơ thể của bạn.

- Ăn thực phẩm sạch, lành mạnh thường xuyên để duy trì lượng đường trong máu.

Cách đối phó với cơn bốc hỏa khi mang thai, đặc biệt vào những ngày nắng nóng - Ảnh 3.

Mẹ bầu có thể giảm cơn bốc hoả bằng các biện pháp đơn giản tại nhà (Ảnh: Internet)

3. Bốc hỏa khi mang thai nên ăn gì?

Thực phẩm không giúp làm giảm hoàn toàn cơn bốc hoả nhưng có thể giúp các mẹ bầu cảm thấy dễ chịu và mát mẻ hơn.

Các mẹ bầu nên bổ sung nhiều rau xanh và trái cây, đặc biệt những loại trái cây giàu nước như dưa hấu, cam, dưa chuột, dưa lưới, ... 

Ngoài ra, các mẹ bầu bị bốc hoả nên tránh thức ăn cay, nhiều dầu mỡ và đồ uống có chứa caffein, đồng thời giảm lượng thực phẩm có hàm lượng carbohydrate xấu cao như bánh ngọt, kem, chocolate, ...

Thêm nữa, các mẹ bầu nên ăn thành các bữa nhỏ để đảm bảo lượng đường trong máu luôn ổn định. Điều này là do lượng đường trong máu tăng đột biến hoặc giảm đột ngột đôi khi có thể khiến nhiệt độ cơ thể chúng ta thay đổi.

Có thể nói, bốc hoả khi mang thai là tình trạng diễn ra phổ biến. Thông thường, các mẹ bầu bị bốc hoả không nhất thiết phải đến bệnh viện để kiểm tra nhưng nếu cảm thấy quá khó chịu hoặc bốc hoả kèm theo cảm giác đau bụng, mệt mỏi, ... bạn có thể thăm khám và xin lời khuyên từ bác sĩ.

Nguồn tham khảo

1. Are Hot Flashes an Early Sign of Pregnancy?

2. How To Deal with Hot Flashes During Pregnancy?


Tác giả: Vân Anh