Mới đây, Bệnh viện Quân y 354 (Hà Nội) vừa thực hiện cấp cứu mổ lấy thai lần 3 thành công cho sản phụ 34 tuổi, đang mang thai tuần 39 + 2 ngày do thai có trọng lượng quá lớn - tới gần 6kg. Thai phụ cho biết suốt thai kỳ rất ít đi khám thai, chưa xét nghiệm sàng lọc đánh giá các nguy cơ như tiền sản giật, đái tháo đường... Bản chất việc mang thai trên vết mổ đẻ cũ đồng nghĩa với nguy cơ biến chứng thai sản cao, đòi hỏi cần theo dõi sát sao và cần mổ đẻ lấy thai.
Theo Healthline, ngoại trừ sinh mổ theo yêu cầu thì thai phụ có những đặc điểm sau đây cần phải thực hiện mổ lấy thai để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và em bé. Các trường hợp sinh mổ có thể bao gồm cả sinh mổ chỉ định trước khi có cơn chuyển dạ và sinh mổ cấp cứu (vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển dạ). Bao gồm:
- Quá trình chuyển dạ kéo dài: Quá trình chuyển dạ kéo dài, chuyển dạ khó khăn trong 20 giờ hoặc lâu hơn (14 giờ với người từng sinh con) hay ngừng chuyển dạ hoàn toàn do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như thai quá lớn so với ống sinh, cổ tử cung mỏng dần, đa thai. Trong trường hợp này bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định mổ lấy thai để tránh biến chứng.
Đọc thêm:
+ 9+ cách gọi sữa về sau sinh mổ hiệu quả, dễ thực hiện tại nhà
+ Phụ nữ sinh mổ ăn được trái cây gì? Top những loại quả tốt nhất cho các mẹ sinh mổ
- Ngôi thai bất thường: Thai bao nhiêu tuần thì quay đầu? Nếu mẹ mang thai lần đầu thì thường thai nhi sẽ quay đầu vào tuần thai thứ 34 hoặc 35. Với các mẹ mang thai lần 2 thì thai nhi thường quay đầu muộn hơn, từ tuần 36 hoặc 37. Có khá nhiều trường hợp thai nhi quay đầu sớm từ tuần thai thứ 28. Mỗi thai nhi có thời điểm quay đầu khác nhau.
Tuy nhiên, trong trường hợp tới gần thời điểm chuyển dạ thai nhi vẫn chưa quay đầu hoặc thai nằm ngang thì sinh mổ được xem là cách sinh an toàn nhất, đặc biệt với sản phụ mang đa thai.
- Thai có dấu hiệu suy thai như nhịp tim quá nhanh, quá chậm: Có thể do bất thường thai hoặc chuyển dạ lâu.
- Dị tật bẩm sinh: Dị tật thai bẩm sinh như bệnh tim bẩm sinh, não úng thủy bác sĩ sẽ chọn phương pháp mổ lấy thai để giảm biến chứng khi sinh.
- Từng mổ lấy thai trước đó: Với sản phụ từng sinh mổ thì lần tiếp theo bác sĩ có thể chỉ định sinh mổ tiếp hoặc chuyển dạ sinh thường trên tiền căn mổ lấy thai (VBSC - sinh con bằng đường âm đạo sau khi đã từng trải qua ca mổ lấy thai trước đó) tùy từng tình trạng cụ thể của người mẹ.
- Sản phụ có các tình trạng sức khỏe mãn tính: Chẳng hạn như bệnh tim, huyết áp cao, tiểu đường thai kỳ, HIV, herpes sinh dục hoặc bất kỳ bệnh nhiễm khuẩn nào khác có thể lây truyền cho em bé qua đường âm đạo khi sinh thường hoặc bệnh đe dọa tới sức khỏe của mẹ.
- Sa dây rốn: Là tình trạng dây rốn sa xuống qua cổ tử cung vào trong ống sinh trước em bé. Điều này khiến dây rốn bị chèn ép giữa thành xương chậu. Tình trạng thường xuất hiện nhiều ở quá trình chuyển dạ nhưng nó vẫn có thể xuất hiện ở giai đoạn cuối của thai kỳ khi thai nhi bắt đầu di chuyển nhiều hơn. Điều này có thể khiến lưu lượng máu tới thai bị giảm, gây nguy hiểm nên mặc dù hiếm gặp thì sa dây rốn có thể đòi hỏi phải thực hiện mổ lấy thai.
- Bất tương xứng đầu chậu: Là trường hợp thai nhi và khung chậu của người mẹ không tương xứng với nhau do thai qua to hoặc do khung chậu người mẹ bất thường (hẹp, méo). Do bất thường này nên sản phụ không có khả năng sinh bằng đường âm đạo.
- Các vấn đề về nhau thai: Nhau tiền đạo hoặc nhau bong non đều cần phải mổ bắt thai để tránh nguy hiểm cho sản phụ và em bé. Trong đó, nhau bong non là tình trạng nhau thai rời khỏi thành tử cung trước khi sinh, thường là 3 tháng cuối nhưng cũng có khi sớm hơn (tuần thứ 20).
Còn nhau tiền đạo có thể dẫn tới băng huyết nếu sinh thường. Băng huyết nghiêm trọng gây choáng, sốc, thậm chí có thể tử vong. Phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung để cầm máu. Ngoài ra, thai phụ còn bị tăng nguy cơ rối loạn đông máu, nhiễm trùng.
- Mang thai đôi hoặc nhiều hơn: Không chỉ thai lớn mà sản phụ mang thai đôi hoặc nhiều hơn có thể cần sinh mổ để giảm nguy cơ chuyển dạ kéo dài gây đau đớn cho sản phụ hoặc nguy hiểm cho em bé nếu ngôi thai của một hoặc nhiều thai bất thường.
Ca mổ lấy thai thông thường mất khoảng 45 phút nếu không có biến chứng gì trong quá trình phẫu thuật. Sau khi bác sĩ đỡ đẻ và đưa thai nhi ra ngoài (5 - 7 phút), bác sĩ sẽ khâu tử cung và đóng vết mổ ở bụng sản phụ.
Cũng giống như các phẫu thuật khác thì sinh mổ cũng có thể làm tăng một số rủi ro như: Mất máu, xuất huyết, tổn thương ruột hoặc bàng quang, suy yếu thành tử cung, thuyên tắc mạch do cục máu đông, dính các cơ quan trong ổ bụng sau mổ, tác dụng phụ của thuốc gây mê hoặc gây tê, nguy cơ bất thường của nhau thai ở những lần mang thai sau,...
Ngoài ra, việc phục hồi sau sinh mổ cũng có thể khó khăn hơn do vết mổ đau hoặc nguy cơ đau vùng chậu mãn tính,...
Nếu băn khoăn về phương pháp sinh mổ, bà bầu nên nói chuyện với bác sĩ để hiểu thêm về quá trình sinh mổ, cần chuẩn bị gì trước và sau khi sinh mổ, chăm sóc vết sẹo mổ lấy thai như thế nào,... Lưu ý rằng bất kỳ phương pháp sinh nào đều tập trung vào việc đảm bảo an toàn về sức khỏe cho cả sản phụ và thai nhi.
Nguồn dịch tham khảo:
1. Reasons for a C-Section: Medical, Personal, or Other
2. C-Section