Vòng tránh thai nội tiết có thực sự an toàn với sức khỏe phụ nữ?

Vòng tránh thai nội tiết có thực sự an toàn với sức khỏe phụ nữ?
Là một trong những biện pháp tránh thai được nhiều chị em ưa chuộng thời gian gần đây, liệu vòng tránh thai nội tiết có thực sự an toàn với sức khỏe phụ nữ?

1. Vòng tránh thai nội tiết là gì?

Vòng tránh thai nội tiết hay còn được gọi là dụng cụ tử cung (tiếng anh là Mirena IUD). Dụng cụ có dạng chữ T được cấy vào tử cung để tránh thai bằng cách giải phóng hormone levonorgestrel làm đặc chất nhầy cổ tử cung, nhằm ngăn chặn việc thụ tinh và có thể sử dụng để tránh thai lên đến 5 năm.

Mirena dài khoảng 32mm, dưới cùng của chữ T có vòng nhỏ gắn dây polyethylene. Bên dưới là ống trụ có chứa 52mg levonorgestrel, được phủ bên ngoài bằng polydimethylsiloxane. Đây là chất điều chỉnh sự phóng thích levonorgestrel để tăng hiệu quả cho vòng.

Vòng tránh thai nội tiết có thực sự an toàn với sức khỏe phụ nữ? - Ảnh 2.

Vòng tránh thai nội tiết là gì? (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Uống thuốc tránh thai hàng ngày có hại không?

Giải đáp thắc mắc tháo vòng tránh thai bao lâu thì quan hệ được?

Ngoài tác dụng tránh thai thì vòng tránh thai nội tiết còn được sử dụng để điều trị chứng rong kinh hay cường kinh hoặc giảm đau bụng kinh, giảm nguy cơ chửa ngoài dạ con,...

2. Các tác dụng phụ của vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn từ nhẹ tới nghiêm trọng đối với sức khỏe phụ nữ và dưới đây là những gì mà bạn cần biết, theo Medical News Today. Các tác dụng phụ này cũng phụ thuộc vào tuổi tác khi đặt vòng, các tình trạng sức khỏe hiện có và thuốc đang sử dụng.

2.1. Tác dụng phụ phổ biến

Vòng tránh thai nội tiết có thể gây ra một số tác dụng phụ phổ biến tạm thời có thể kéo dài từ vài ngày tới vài tuần. Nếu các vấn đề mà bạn gặp phải kéo dài hơn thế hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, bạn cần thăm khám bác sĩ sớm:

- Chảy máu tử cung bất thường (31,9%)

Tác dụng phụ này có thể xảy ra trong 3 - 6 tháng đầu đặt vòng và cơ thể sẽ thích nghi dần dần. Tuy nhiên nếu chảy máu nghiêm trọng hoặc không cải thiện sau 6 tháng, bạn cần thăm khám bác sĩ.

- Các vấn đề về lượng kinh nguyệt: Giảm kinh (23,4%), rong kinh (11,9%) hoặc mất kinh (18,4%)

Trong 3 - 6 tháng đầu tiên sau khi đặt vòng Mirena, bạn có thể gặp phải tình trạng rối loạn lượng kinh nguyệt như trên, theo thời gian thì tình trạng này sẽ giảm dần và bạn cần gọi cho bác sĩ nếu:

+ Kinh nguyệt tiếp tục ra nhiều hơn sau 3 - 6 tháng kể từ khi đặt vòng

+ Kinh nguyệt ít hơn trong một vài tháng và sau đó đột nhiên chảy nhiều hơn

+ Không có kinh trong 6 tuần khi đang đặt dụng cụ.

- Đau vùng chậu hoặc đau bụng (22,6%)

Vòng tránh thai nội tiết có thực sự an toàn với sức khỏe phụ nữ? - Ảnh 4.

Vòng tránh thai nội tiết cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn từ nhẹ tới nghiêm trọng (Ảnh: Internet)

- Nhức đầu, đau nửa đầu (16,3%)

Các triệu chứng thường được mô tả là cơn đau ở mặt, đầu, cổ với cảm giác âm ỉ hoặc đau nhói và liên tục. Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như acetamiophen hoặc ibuprofen hay các biện pháp giảm đau đầu khác như chườm đá, xoa bóp nhẹ nhàng, tập thể dục nhẹ nhàng và nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh.

- Tăng tiết dịch âm đạo (14,9%), viêm âm đạo (10,5%).

Đôi khi viêm âm đạo nhẹ sẽ tự khỏi nhưng nếu cơn đau dữ dội hơn, dịch tiết âm đạo bất thường và có mùi hôi thì bạn cần thăm khám bác sĩ sớm bởi đây có thể là dấu hiệu của một nhiễm trùng nghiêm trọng hơn - là viêm vùng chậu với các nguy cơ biến chứng lâu dài khi không được điều trị kịp thời và đúng cách.

2.2. Tác dụng phụ không phổ biến

Những tác dụng phụ này xảy ra ít hơn 5% số người tham gia nghiên cứu về tác dụng phụ của vòng tránh thai nội tiết trong 5 năm bao gồm:

- Đau hoặc chóng mặt sau khi đặt vòng

- Đau lưng

- Đau ngực

- Buồn nôn

- Rụng tóc

- Lông, tóc phát triển hơn

- Mụn

Mụn trứng cá là một tác dụng phụ không phổ biến nhưng có thể gây phiền toái khi xuất hiện ở mặt, ngực hoặc lưng bao gồm cả mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn mủ, các vết mụn sẩn đỏ. Một số loại thuốc bôi không kê đơn có thẻ hỗ trợ giảm mụn bao gồm: benzoyl peroxide, salicylic acid, adapalene, glycolic acid and lactic acid, azelaic acid.

- Dị ứng

- Nhiễm trùng vùng chậu, chẳng hạn như bệnh viêm vùng chậu - có thể phổ biến hơn ở người bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Các triệu chứng viêm vùng chậu cần được thăm khám bao gồm: đau ở vùng chậu hoặc đau ở vùng bụng dưới; dịch tiết âm đạo có mùi hôi; ớn lạnh hoặc sốt; chảy máu âm đạo nặng không rõ nguyên nhân; vết loét ở vùng sinh dục hoặc quan hệ bị đau nghiêm trọng.

2.3. Tác dụng phụ hiếm gặp

Ngoài các tác dụng phụ kể trên, nếu đặt vòng tránh thai nội tiết không đúng cách và an toàn, dụng cụ có thể bị rơi ra ngoài, đâm thủng tử cung hoặc gây ra các nhiễm trùng nghiêm trọng với các triệu chứng như đau hoặc chảy máu khi đặt dụng cụ, sốt, ớn lạnh, buồn nôn và nôn mửa, cơn đau nghiêm trọng,...

Hoặc tăng nguy cơ phát triển của các u nang buồng trứng lành tính với biểu hiện đau khi quan hệ tình dục và đau vùng chậu,...

Một tác dụng phụ hiếm gặp khác nhưng cũng nghiêm trọng đó là phản ứng dị ứng với các triệu chứng bao gồm: phát ban da, ngứa ngáy, đỏ bừng da trong trường hợp nhẹ; nghiêm trọng hơn có thể là sưng phù mí mắt, môi, bàn tay hoặc bàn chân, lưỡi, miệng, họng dẫn tới khó thở.

Tất cả các tác dụng phụ này đều là những vấn đề nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Chẳng hạn, thủng/vỡ tử cung do vòng tránh thai cần được phẫu thuật để lấy dụng cụ ra ngoài.

Vòng tránh thai nội tiết có thực sự an toàn với sức khỏe phụ nữ? - Ảnh 9.

Hãy hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ có thể gặp khi đặt vòng tránh thai nội tiết (Ảnh: Internet)

3. Câu hỏi thường gặp

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp liên quan tới vòng tránh thai nội tiết mirena mà bạn có thể tham khảo, lưu ý rằng, nếu bạn có bất cứ băn khoăn nào liên quan tới hiệu quả của các biện pháp tránh thai hoặc sự phù hợp, bạn nên nhờ tới sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa sản để được giải đáp và hỗ trợ tốt nhất.

- Vòng tránh thai nội tiết có gây trầm cảm không?

Do liên quan tới sự kiểm soát hormone mà nhiều chị em thắc mắc việc đặt vòng tránh thai nội tiết có gây trầm cảm không. Theo Medical News Today, một số người gặp phải vấn đề thay đổi tâm trạng khi sử dụng dụng cụ tránh thai này với tỷ lệ khoảng 6,4% với tâm trạng chán nản hoặc cáu kỉnh, tức giận, mất hứng thú với các hoạt động bình thường, cảm thấy rất mệt mỏi, gặp vấn đề với giấc ngủ, trí nhớ và sự tập trung,...

Nếu tình trạng này xảy ra, tốt nhất hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ khi các triệu chứng trầm cảm liên tục tăng lên và trở nên tồi tệ hơn. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ đề nghị một biện pháp tránh thai khác.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sử dụng vòng tránh thai nội tiết để kiểm soát sự thay đổi tâm trạng do các hội chứng tiền kinh nguyệt gây ra.

- Hiệu quả ngừa thai của vòng tránh thai nội tiết là bao nhiêu?

Hiệu quả ngừa thai của vòng tránh thai nội tiết được biết là hơn 99%, nhưng nếu một người có thai trong khi sử dụng vòng tránh thai thì họ có nguy cơ gặp các biến chứng cao hơn như: mang thai ngoài tử cung, sảy thai hoặc sinh non. Nếu nghi ngờ mang thai trong khi đặt vòng tránh thai, cần thăm khám bác sĩ ngay lập tức.

Trong một thử nghiệm trên 1.169 người sử dụng vòng tránh thai nội tiết ở độ tuổi từ 18 - 35 cho thấy, tỷ lệ mang thai trong 5 năm là 0,7% và trong 12 tháng sử dụng chỉ có 0.2% số người tham gia mang thai.

- Vòng tránh thai nội tiết có gây tăng cân không?

Rất nhiều người lo lắng tới việc dùng vòng tránh thai bị tăng cân. Tuy nhiên hầu hết các nghiên cứu cho tới hiện tại không tìm thấy mối liên hệ giữa nguy cơ tăng cân và vòng tránh thai nội tiết hoặc chỉ có sự tăng cân "nhẹ", chẳng hạn một nghiên cứu năm 2020 theo Medical News Today thì sau 36 tháng đặt vòng, người tham gia tăng trung bình 0,72kg và tăng lên 1,52kg sau 60 tháng đặt.

Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới việc tăng cân bao gồm cả tuổi tác.

Vòng tránh thai nội tiết có thực sự an toàn với sức khỏe phụ nữ? - Ảnh 10.

Đặt vòng tránh thai có tăng cân không? (Ảnh: Internet)

- Ai có thể đặt vòng tránh thai nội tiết?

Hầu hết mọi người đều có thể đặt vòng tránh thai nội tiết. Vòng tránh thai không được khuyến nghị cho người đã từng mắc bệnh viêm vùng chậu nghiêm trọng trong 3 tháng sau khi mang thai; người có nhiều bạn tình hoặc bạn tình của bạn có nhiều bạn tình; người đang có vấn đề với hệ miễn dịch như lupus hay AIDS.

Có một số tình trạng bệnh nhất định hoặc các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe cần phải xem xét, bao gồm:

+ Người đang bị nhiễm trùng bộ phận sinh dục hoặc vùng chậu

+ Người có hình dạng tử cung bất thường

+ Người bị đau nửa đầu

+ Người mắc bệnh gan, bao gồm cả ung thư gan

+ Ung thư vú hoặc bệnh ung thư nhạy cảm với progestin

+ Chảy máu tử cung không rõ nguyên nhân

+ Huyết áp cao

+ Từng có tiền sử đột quỵ, đau tim hoặc cục máu đông

+ Có tiền sử dị ứng với vòng tránh thai trước đỏ.

- Đặt vòng tránh thai nội tiết bao lâu thì hoạt động?

Theo Medical News Today, vòng tránh thai nội tiết có thể hoạt động ngay lập tức nếu bác sĩ lắp dụng cụ này trong vòng 7 ngày kể từ ngày bắt đầu có kinh. Nếu ngoài thời gian này thì vòng tránh thai nội tiết có thể mất khoảng 7 ngày để bắt đầu có tác dụng.

Tóm lại, tránh thai đúng cách sẽ giúp kiểm soát kế hoạch hóa gia đình và tránh những rủi ro sức khỏe không mong muốn với nữ giới.

Trước khi đặt vòng tránh thai nội tiết, hãy hỏi bác sĩ về những tác dụng phụ mà bạn có thể gặp trong khi đặt dụng cụ tránh thai này, bao gồm cả tác dụng phụ ngắn hạn và dài hạn cũng như cách để quản lý/đối phó những tác dụng phụ đó. Đừng quên hỏi bác sĩ về dấu hiệu cho thấy cơ thể đang phản ứng nghiêm trọng với vòng tránh thai nội tiết và cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh lý hoặc thuốc mà bạn đang sử dụng nếu có. Bác sĩ sẽ cho bạn biết về việc thể trạng bản thân bạn có thực sự phù hợp với việc đặt vòng tránh thai này hay không.

Nguồn dịch:

1. What are the Mirena IUD's side effects?

2. All About Mirena

3. Mirena side effects: What you should know


Tác giả: Allen