Có nhiều nguyên nhân khiến bánh chưng bị mốc, chẳng hạn như do lá rong không được rửa sạch sẽ bị ngấm nước dẫn tới bánh bị mốc, chua. Hoặc cũng có thể do quá trình gói bánh ngâm gạo quá lâu, bánh luộc xong để nguội mới rửa, không ráo nước dẫn tới dễ chua hơn,...
Vì "tiếc bánh" mà nhiều gia đình vẫn cắt bỏ phần bánh chưng bị mốc, bị chua để ăn mà không biết việc này có thể dẫn tới nhiều nguy hiểm cho sức khỏe.
Bánh chưng có độ ẩm cao, giàu dưỡng chất nên là môi trường thích hợp để vi khuẩn lên men và nấm mốc sinh trưởng. Các chủng nấm thường thấy trong bánh chưng là glucoza, mantoza tạo thành acid gluconic, acid fumatic khiến bánh chưng dễ bị chua hơn. Một số nấm mốc thuộc họ Aspergillus như Aspergillus flavus và Aspergllus parasiticus và Penicillium có thể tiết ra độc tố gây ngộ độc thực phẩm do nấm mốc (đa phần là ngộ độc mãn tính).
Nhiều người cho rằng chỉ cần cắt bỏ phần bánh chưng bị nấm mốc hay bị thiu đi là có thể ăn được. Tuy nhiên, độc tố aflatoxin do nấm mốc sinh ra có thể xâm nhập vào phần bánh chưa hỏng và sẽ vấn khiến bạn có nguy cơ bị ngộ độc khi ăn. Hơn nũa, aflatoxin được biết đến là nguyên nhân gây ung thư hàng đầu, phổ biến trong các thực phẩm nguồn gốc từ ngũ cốc.
Điều này cũng đúng ngay cả khi bạn luộc lại hay rán lên. Do nhiều loại nấm mốc sau khi chết đi vẫn sẽ tiết ra độc tố và gây ngộ độc. Vì thế với bánh chưng có phần nấm mốc bị lan tốt nhất là bạn nên bỏ cả bánh khi bị mốc, có vị lạ như chua, cay nồng hay đắng đi.
Khi bị ngộ độc thực phẩm do nấm mốc, người bệnh thường có biểu hiện tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng,... người nhà cần giữ lại mẫu thực phẩm mà người bệnh đã ăn, mẫu phân/nước tiểu, dịch nôn khi đưa người nhà tới cơ sở y tế.
Trong khi chờ đợi, cần giúp người bệnh nôn hết thực phẩm đã ăn, hạn chế tối đa chất độc hấp thụ tại ruột và bảo vệ niêm mạc dạ dày cũng như hệ tiêu hóa không bị tổn thương quá nặng.
- Bảo quản ở nhiệt độ phòng
Bánh chưng để ở môi trường ngoài trong điều kiện nhiệt độ bình thường là từ 3 - 4 ngày. Nếu thời tiết nồm, độ ẩm cao và ẩm ướt thì thời gian bảo quản bánh ở môi trường bên ngoài càng ít đi.
- Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh
Nếu bảo quản bánh chưng trong ngăn mát tủ lạnh, thời gian bảo quản sẽ từ 15 - 20 ngày. Bạn nên để bánh chưng trong ngăn cố định, không nên bảo quản ở cánh tủ bởi mở ra - mở vào thường xuyên gây chênh lệch nhiệt độ cũng dễ hỏng bánh hơn.
Nhược điểm của phương pháp này là bánh chưng dễ bị lại gạo, dễ sượng nên cần hấp lại cẩn thận trước khi ăn. Đặc biệt nếu bạn bảo quản ở ngăn đá thì cần rã đông trước ở ngăn mát từ từ rồi hấp hoặc luộc lại.
- Hút chân không
Hiện nay nhiều gia đình chuyển sang bảo quản bánh chưng bằng việc hút chân không. Cách bảo quản này không những tăng thời gian lưu giữ bánh mà còn giúp bánh chưng không tiếp xúc với không khí và môi trường, tránh cho việc bị nấm mốc và vi khuẩn xâm nhập.
Tuy nhiên điều kiện cần là việc sơ chế cũng như gói bánh, thành phẩm trước khi hút chân không bánh chưng phải đảm bảo sạch sẽ.
Bánh chưng hút chân không sẽ bảo quản được từ 5 - 10 ngày nếu ở nhiệt độ phòng và lâu hơn khi để trong ngăn mát hoặc ngăn đông tủ lạnh.
Nhìn chung, do thời tiết tháng Giêng ẩm ướt hơn nên bánh chưng cũng như các thực phẩm khác như trái cây, mứt tết dễ bị mốc, hỏng. Các gia đình cần cẩn thận khi sử dụng, không nên tiếc mà nên bỏ đi để tránh bị ngộ độc gây tổn hại cho sức khỏe.