Mùa đông ăn hạt dẻ nướng cần chú ý điều này để không ngộ độc, viêm gan thận

Mùa đông ăn hạt dẻ nướng cần chú ý điều này để không ngộ độc, viêm gan thận
Hạt dẻ được ví như "ngọc đen mùa đông" với hàm lượng dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, ăn hạt dẻ theo cách này có thể khiến bạn bị đau bụng, ngộ độc thậm chí bệnh tật.

Theo Đông y, hạt dẻ có vị ngọt, tính ấm đi vào 3 kinh tỳ, vị và thận. Ăn hạt dẻ công dụng bổ thận ích tinh, làm mạnh gân cốt, tăng cường chức năng tiêu hóa, nuôi dưỡng dạ dày, cầm máu, chữa trị tiêu chảy do tỳ, vị hư hàn hay lưng gối do thận hư,... Ăn hạt dẻ rất tốt cho sức khỏe nhưng ăn hạt dẻ bị mốc, hỏng có thể gây ra nhiều rủi ro đối với sức khỏe.

1. Tác dụng của hạt dẻ đối với sức khỏe

Theo WebMD, các tác dụng của hạt dẻ đối với sức khỏe có thể kể đến như:

- Giàu dinh dưỡng: Hạt dẻ giàu vitamin C, là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tốt ngay cả khi đã được nấu, rang chín chẳng hạn như axit gallic, axit ellagic cùng nhiều chất dinh dưỡng khác như magie, kali, kẽm, sắt, đồng, mangan, canxi, vitamin A, B, E,...

Hạt dẻ bị mốc có ăn được không? Ăn hạt dẻ mốc có hại không?

Ăn hạt dẻ đem lại nhiều công dụng đối với sức khỏe (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

Ai không nên ăn hạt hướng dương? Một số tác dụng phụ của hạt hướng dương có thể bạn chưa biết

8 lợi ích sức khỏe của hạt bí ngô

- Tốt cho tim mạch: Chất chống oxy hóa và khoáng chất như magie và kali dồi dào trong hạt dẻ giúp loại hạt này có tác dụng tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc các vấn đề chẳng hạn như bệnh tim hoặc đột quỵ.

- Cải thiện hệ tiêu hóa: Hạt dẻ là nguồn chất xơ tốt, hỗ trợ thúc đẩy nhu động ruột cũng như sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong ruột, từ đó cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa, chống táo bón. Ngoài ra, hạt dẻ cũng không chứa gluten nên có thể trở thành lựa chọn lành mạnh cho người mắc bệnh celiac.

- Kiểm soát đường máu: Chất xơ trong hạt dẻ cũng có thể giúp cân bằng lượng đường trong máu. Bằng cách ăn thực phẩm giàu chất xơ sẽ đảm bảo cơ thể hấp thụ tinh bột chậm hơn. Điều này giúp tránh tình trạng lượng đường trong máu tăng đột biến, có thể gây nguy hiểm cho những người bị tiểu đường. Thêm vào đó, hạt dẻ có chỉ số đường huyết thực phẩm thấp là 54, nên người bị tiểu đường có thể ăn hạt dẻ ở mức vừa phải sẽ tốt cho sức khỏe.

Hạt dẻ bị mốc có ăn được không? Ảnh: ST

2. Hạt dẻ bị mốc có ăn được không?

Mặc dù ăn hạt dẻ rất tốt cho nhiều khía cạnh sức khỏe nhưng ăn hạt dẻ sai cách có thể gây ra nhiều nguy hiểm, trong đó có việc ăn hạt dẻ bị mốc. Hạt dẻ bị mốc thường do hàm lượng dầu trong các loại hạt cao nếu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm trong quá trình bảo quản sẽ dễ bị oxy hóa, hư hỏng dẫn đến nấm mốc phát triển.

Hạt dẻ bị mốc được hiểu là hạt dẻ xuất hiện các mảng hay đốm màu đen, xanh lá cây hay màu trắng. Khi ngửi hạt dẻ mốc sẽ có mùi khó chịu, tương tự như mùi ẩm mốc. Ăn hạt dẻ mốc sẽ có vị đắng ngắt hoặc vị hăng thay vì vị thơm bùi, ngọt dịu của hạt dẻ bình thường.

Hạt dẻ bị mốc có ăn được không? Câu trả lời là không. Hạt dẻ bị mốc tiềm ẩn rất lớn các nguy cơ sức khỏe, chẳng hạn như độc tố nấm Aspergillus aflatoxin. Đây là loại độc tố được WHO xếp vào nhóm chất gây ung thư loại I, tiêu thụ trong thời gian dài có thể gây  viêm gan, thận và làm giảm khả năng miễn dịch.

Aflatoxin được tìm thấy có trong các loại ngũ cốc như lạc, gạo, ngô, hạt hướng dương, đậu tương, hạt mọc mầm, các loại quả khô bị mốc hỏng. Theo đó, chỉ với lượng nhỏ qua đường miệng dù chỉ 1 miligam cũng có thể gây ung thư như ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư thận,...

Hạt dẻ bị mốc có ăn được không? Ăn hạt dẻ mốc có hại không?

Không nên ăn hạt dẻ bị mốc, dễ tổn thương gan, thận (Ảnh: ST)

Do vậy, khi phát hiện hạt dẻ bị mốc, kể cả là mốc vỏ ngoài hay mốc bên trong hạt thì tốt nhất cũng nên bỏ đi, tránh tiếc rẻ mà tiếp tục ăn sẽ dễ gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe.

3. Những lưu ý để bảo quản và ăn hạt dẻ đúng cách

Ngoài băn khoăn việc hạt dẻ bị mốc có ăn được không thì để an toàn, có một số lưu ý khi ăn hạt dẻ cần nhớ bao gồm:

- Ai không nên ăn hạt dẻ: Người không nên ăn hạt dẻ là người đang có các vấn đề tiêu hóa kém, dễ bị táo bón, bệnh dạ dày, viêm loét dạ dày, đau dạ dày, xuất huyết dạ dày, người bị cảm chưa khỏi hẳn, người đang bị sốt rét, người bị kiết lỵ, phụ nữ sau sinh.

- Hạt dẻ kỵ với gì? Theo Sohu, hạt dẻ kỵ với quả hồng giàu axit tannic dễ ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa và hấp thụ protein trong hạt dẻ nếu ăn nhiều dễ làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, gây chướng và đau bụng. Ngoài ra, hạt dẻ cũng kỵ với đậu phụ do trong hạt dẻ có chứa axit oxalic, nếu kết hợp với đậu phụ giàu canxi, magie dễ gây kết tủa, khó tiêu hóa, lâu dài sẽ có hại cho sức khỏe.

Hạt dẻ bị mốc có ăn được không? Ăn hạt dẻ mốc có hại không?

Những lưu ý để ăn hạt dẻ đúng cách (Ảnh: ST)

- Cách bảo quản hạt dẻ để ngăn mốc, hỏng: Khi mua hạt dẻ tươi về, hãy ngâm hạt dẻ trong nước sạch và rửa sạch bằng bàn chải nhẹ nhàng loại bỏ lông tơ và tạp chất ngoài vò. Trong khi rửa thì chú ý lọc bỏ các hạt có lỗ côn trùng đục, vỏ nứt, tránh ảnh hưởng tới việc bảo quản các hạt dẻ khác. Sau đó cần sấy khô hạt dẻ và bảo quản trong các thùng/hộp thoáng khí như túi vải, túi giấy, giỏ tre. Xếp hạt dẻ thành từng lớp và dùng giấy sạch để ngăn cách từng lớp, tránh hạt dẻ bị ép chặt vào nhau.

Tránh bảo quản hạt dẻ trong túi nilon kín, dễ khiến hạt dẻ bị ẩm mốc và hư hỏng. Nếu bắt buộc sử dụng túi nilon thì nên chọc một vài lỗ nhỏ trên túi để thoáng khí hơn. Điều này không có nghĩa là cần bảo quản hạt dẻ trong môi trường có độ ẩm cao bởi độ ẩm quá cao dễ dàng tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển.

Nhìn chung, với câu hỏi hạt dẻ bị mốc có ăn được không thì câu trả lời là không. Ăn hạt dẻ cũng cần chú ý không nên ăn quá nhiều, chỉ nên ăn dưới 10 hạt mỗi lần. Nếu đang điều trị bệnh theo đơn, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm hạt dẻ vào chế độ ăn hàng ngày.

Nguồn tham khảo:

1. Sohu, 163.com

2. Chestnuts: Health Benefits, Nutrition, and Uses


Tác giả: Allen