Cây gấc là cây thân thảo dây leo được trồng ở khắp các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Quả gấc có hình tròn, vỏ màu đỏ tươi hoặc đỏ cam, có gai nhô ra, trông giống như một quả cầu gai nhỏ màu đỏ. Quả gấc được sử dụng để tạo màu trong nhiều món ăn như xôi gấc, bánh trôi gấc, bánh tét gấc, bánh chưng gấc,... Không chỉ tạo nên các màu sắc rực rỡ mà ăn gấc cũng đem lại rất nhiều công dụng "vượt trội" cho sức khỏe.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết ăn gấc đúng cách để tận dụng tối đa các lợi ích này. Đặc biệt là khi ăn gấc có thể gây ngộ độc nếu không cẩn thận. Vậy ai không nên ăn gấc? Cách bảo quản gấc cả năm không hỏng là gì? Gấc tươi để ngăn đá được bao lâu? Gấc bị hỏng trông như thế nào? Ăn gấc sống có sao không? ... Dưới đây là một số thông tin liên quan tới loại quả cực tốt cho sức khỏe này mà bạn có thể tham khảo.
Ăn gấc có tốt cho sức khỏe không? Ảnh: ST
Đọc thêm:
- Xôi chè bao nhiêu calo? Ăn xôi chè có béo không?
- Ăn măng khô ngày Tết như thế nào để an toàn cho sức khỏe?
Gấc được ví như "loại quả đến từ thiên đường" nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt tập trung nhiều ở màng gấc, có lợi cho nhiều khía cạnh sức khỏe cũng như sức khỏe tổng thể.
Theo đó, quả gấc có chứa nhiều vitamin gì? Vitamin A là loại vitamin có hàm lượng cao nhất trong quả gấc, với hàm lượng gấp 10 lần củ cà rốt; tiếp đó là vitamin C với lượng cao gấp 40 lần so với cam cùng nhiều vitamin khác như vitamin B5, E, F,...
Thêm vào đó, quả gấc cũng giàu các chất chống oxy hóa như hàm lượng lycopene cao gấp 68 lần cà chua và zeaxanthin gấp 40 lần ngô. Cùng các chất dinh dưỡng khác như sắt, axit folic, chất xơ, axit béo không bão hòa, selen,...Như vậy, xét về tác dụng của gấc đối với sức khỏe có thể kể đến như:
- Chống oxy hóa tế bào và ung thư: Quả gấc giàu lycopene, beta-carotene, vitamin C, vitamin E là các chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Khả năng chống oxy hóa của lycopene gấp đôi beta-carotene và thậm chí gấp 10 lần so với vitamin E. Điều này giúp ăn gấc có tác dụng chống lại quá trình stress oxy hóa tế bào, tiềm năng chống ung thư ruột kết, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và ung thư da cũng như tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
- Bảo vệ sức khỏe tim mạch: Quả gấc chứa axit béo không bão hòa đa là omega-3 và omega-6 là những axit béo quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Bổ sung đầy đủ các axit béo này góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm cholesterol. Vitamin E trong quả gấc còn có tác dụng chống oxy hóa, có thể thông mạch, duy trì sức khỏe mạch máu, ngăn ngừa đột quỵ, bệnh tim và các bệnh khác.
- Cải thiện thị lực, bảo vệ sức khỏe mắt: Giàu beta-carotene nên gấc là một loại quả tốt cho mắt. Khi tiêu thụ, beta-carotene sẽ được chuyển thành vitamin A giúp cải thiện thị lực, giảm mỏi mắt và khô mắt cũng như ngăn ngừa các bệnh về mắt do thiếu vitamin A.
- Ăn gấc giúp làm chậm quá trình lão hóa: Giàu vitamin và khoáng chất cùng lycopene và polyphenol nên ăn gấc có tác dụng thúc đẩy tăng sinh collagen dưới da cũng như giúp làn da trông khỏe mạnh, sáng bóng hơn; từ đó làm chậm quá trình lão hóa da tự nhiên do tuổi tác hay các tác hại do tiếp xúc với tia UV từ ánh nắng mặt trời.
- Tốt cho đường ruột: Quả gấc có hàm lượng chất xơ phong phú tới 3,5 gam cho 100 gam gấc. Chất xơ đã được chứng minh là có lợi trong việc cải thiện và duy trì sức khỏe đường ruột, thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.
Quả gấc chứa axit béo không bão hòa đa là omega-3 và omega-6 là những axit béo quan trọng (Ảnh: ST)
- Chống trầm cảm: Gấc chứa khoáng chất selen có thể có lợi cho tâm trạng.
- Tác dụng của quả gấc trong làm đẹp: Vitamin C có trong quả gấc có tác dụng ngăn ngừa lão hóa da và thúc đẩy quá trình hình thành collagen. Ngoài ra, quả gấc còn chứa vitamin B3 (axit nicotinic) và vitamin B5 (axit pantothenic), có tác dụng dưỡng ẩm cho da, chống oxy hóa, lão hóa, cải thiện sức khỏe làn da, giúp duy trì sắc đẹp.
Ngoài gấc tươi thì các thành phẩm của gấc như dầu gấc hay hạt gấc trong y học cổ truyền cũng đem lại nhiều lợi ích sức khỏe khác như hạt gấc hỗ trợ chữa bệnh trĩ, dầu gấc giúp tan bầm hay cầm máu,...
Mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng nên ăn gấc, nên ăn quả gấc đúng cách cũng như chú ý tới cách bảo quản gấc trong tủ đông hay điều kiện thường để an toàn và có thời gian sử dụng lâu hơn.
Nếu thuộc các nhóm người này bạn nên thận trọng khi thêm gấc vào bữa ăn của mình: Người thừa vitamin A, người bị vàng da có liên quan tới tình trạng thừa beta-carotene, nhất là ở lòng bàn tay và bàn chân. Ngoài ra người đang chữa bệnh phải dùng thuốc theo đơn như thuốc mỡ máu, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn gấc.
Dị ứng quả gấc hiếm khi xảy ra nhưng nếu thấy người mẩn ngứa, sưng phù nề niêm mạc lưỡi họng hay miệng, đau bụng, tiêu chảy thậm chí khó thở sau khi ăn quả gấc thì nên dừng ăn và thăm khám sớm tại các cơ sở y tế.
Rất nhiều thắc mắc liên quan tới ăn gấc sống có bị ngộ độc không, có hại không. Thực tế thì quả gấc sống có thể sử dụng để làm nước ép nhưng nguy cơ ngộ độc khi ăn sống gấc là rất cao với các biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu,... Nên mọi người thường được khuyên nên ăn gấc sau khi làm chín. Chúng ta thường dùng phần thịt quả để nấu xôi hoặc phần cùi để tạo màu đỏ cho các món mứt, bánh.
Dù hiếm nhưng vẫn có rải rác một số trường hợp báo cáo bị ngộ độc sau khi ăn xôi gấc hay ngộ độc do hạt gấc. Do vậy cần lưu ý rằng, trong quả gấc rất giàu hợp chất beta-carotene, được biết đến như một loại tiền tố vitamin A. Nên nếu tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn tới dư thừa beta-carotene tích tụ tại gan và dẫn tới ngộ độc.
Ở người trưởng thành, biểu hiện quá nhiều vitamin A có thể gồm các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, khô da, sưng hạch, rối loạn canxi máu, mẩn ngứa, đau xương và rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ. Đối với trẻ em, quá mức vitamin A có thể khiến trẻ bị chậm tăng cân, chậm lớn, tăng nguy cơ xuất huyết và đau xương.
Tương tự như vậy thì dầu gấc cũng không nên ăn quá nhiều. Với dầu gấc người trưởng thành khỏe mạnh chỉ nên sử dụng từ 1 - 2 ml dầu gấc một ngày, tùy thuộc vào độ tuổi khác nhau liều lượng sẽ khác nhau. Uống dầu gấc nên uống trước khi ăn để cơ thể có thể hấp thụ. Khi sử dụng dầu gấc thì nên tránh thêm các thực phẩm giàu vitamin A khác vào chế độ ăn cùng lúc như cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ,... tránh gây vàng da. Bạn cũng không nên dùng dầu gấc để rán, rán chiên bằng dầu gấc khiến carotene bị phá hủy, giảm tác dụng của dầu gấc.
Với hạt gấc, nhiều người sử dụng bài thuốc từ hạt gấc để chữa mụn nhọt hay lở loét, các vết sưng tấy. Nhưng cần thận trọng vì hạt gấc có độc tính dễ dẫn tới nguy hiểm nếu dùng hạt gấc sai cách. Hạt gấc thích hợp làm thuốc bôi ngoài da với liều lượng trong khoảng 2 - 4 gam mỗi ngày với điều kiện nướng chín hạt. Hạt gấc cũng có thể phơi ráo rồi đem rang vàng hoặc nướng rồi đập dập làm hạt gấc ngâm rượu trị bệnh xương khớp cho người già.
Lớp màng ngoài hạt gấc không những ăn được mà còn là nơi tập trung rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như vitamin A tốt cho thị lực, giảm khô mỏi mắt hay hợp chất lycopene.
Để chọn được quả gấc tươi ngon thì bà nội trợ khi chọn gấc nên chọn những quả gấc có màu đỏ cam, vỏ tươi, gai gấc nở đều, quả có dáng tròn gọn. Cầm quả gấc lên thấy chắc và nặng tay, không có dấu hiệu bị vỡ hay dập nát vì gấc bị vỡ dập sẽ nhanh hỏng khi để ở nhiệt độ phòng.
Ngoài gấc tươi dùng ngay thì nhiều bà nội trợ lựa chọn bảo quản gấc trong ngăn đá (ngăn đông tủ lạnh) để sử dụng lâu dài.
Gấc để ở ngăn đông có thời hạn sử dụng dài, tuy nhiên không nên để quá lâu sẽ ảnh hưởng tới vị của quả gấc, giảm độ thơm ngon. Ngược lại, nếu bảo quản gấc trong tủ mát thì nên sử dụng trong vòng 1 tuần là tốt nhất.
Để bảo quản gấc trong tủ đông lâu hỏng và dùng được lâu, khi sơ chế gấc nên tách hạt gấc và màng gấc riêng với thịt quả, như vậy sẽ giúp quả gấc để tủ đông bỏ ra dùng vẫn có màu đỏ tươi đẹp mắt như quả tươi.
Sau khi tách thịt gấc thì đem thịt gấc ướp với chút muối, chút đường, rượu trắng và phủ dầu ăn lên mặt rồi chia thành các túi zip nhỏ bảo quản thực phẩm ngăn đông để tiện cho mỗi lần sử dụng. Khi dùng, chỉ cần bỏ từng túi ra rã đông ở nhiệt độ phòng khoảng 10 phút là được. Mỗi lần dùng nên kiểm tra gấc xem có mùi hay màu sắc khác lạ không, tránh nấu thịt gấc bị hỏng, ảnh hưởng tới món ăn.
Nhìn chung, quả gấc là loại quả tốt cho sức khỏe nếu sử dụng đúng cách, không nên lạm dụng ăn quá nhiều dễ gây ngộ độc.
Nguồn dịch tham khảo:
1. Gac Fruit: The Superfood You Have Never Heard Of