4 "đại kỵ" cần tránh khi bảo quản thực phẩm ngày Tết, làm không đúng coi chừng ngộ độc, bệnh tật cả nhà

4 "đại kỵ" cần tránh khi bảo quản thực phẩm ngày Tết, làm không đúng coi chừng ngộ độc, bệnh tật cả nhà
Bảo quản thực phẩm cần đặc biệt chú ý để tránh ngộ độc, đặc biệt là vào lễ Tết - thời điểm mà các bà nội trợ "tích trữ" rất nhiều đồ ăn.

Việc bảo quản thực phẩm không đúng cách trong ngày Tết có thể ảnh hưởng đến sức khỏe theo nhiều cách, chẳng hạn như nhiễm khuẩn gây ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa, thậm chí đe dọa tới tính mạng nếu nhiễm khuẩn nguy hiểm do bảo quản thực phẩm sai cách và không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, bảo quản thực phẩm không đúng cách cũng khiến các chất dinh dưỡng giá trị trong đó bị hao hụt.

4 "đại kỵ" cần tránh khi bảo quản thực phẩm ngày Tết

Theo Sohu, dưới đây là một số sai lầm hay nói cách khác là thói quen bảo quản thực phẩm ngày Tết cần tránh để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả gia đình, phòng ngừa ngộ độc hay các bệnh mãn tính do dùng các thực phẩm này trong thời gian dài:

1. Tiết kiệm ăn thực phẩm để qua đêm

Thực phẩm đã chế biến để qua đêm được hiểu là để ở nhiệt độ phòng (khoảng 25 độ C) trên 6 giờ sẽ có nhiều nguy cơ với sức khỏe. Ngay cả khi các thực phẩm này được bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Ngày Tết tiệc tùng liên miên nên thức ăn thừa là điều mà mỗi gia đình rất khó tránh.

Đọc thêm:

Mùa đông ăn ốc vừa ngon vừa bổ nhưng ốc "đại kỵ" với gì không phải ai cũng biết

9 sai lầm khi bảo quản thực phẩm trong tủ đông làm tăng nguy cơ ngộ độc

Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm không nên ăn khi để qua đêm, dễ sinh ra độc tố nguy hiểm tới sức khỏe bao gồm:

- Rau xanh: Rau xanh để qua đêm dễ sinh ra nitrit với hàm lượng cao, tiếp tục ăn rau xanh để qua đêm có thể khiến nitrit phân hủy và trở thành chất gây ung thư nitrosamine hay gây ngộ độc cấp tính, dị ứng. Hơn nữa, nếu để rau xanh qua đêm ở nhiệt độ phòng cũng sẽ khiến rau bị ô nhiễm thứ cấp, trở thành môi trường cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm và đe dọa sức khỏe như nhiễm trùng tiêu hóa.

4 "đại kỵ" cần tránh khi bảo quản thực phẩm ngày Tết, làm không đúng coi chừng ngộ độc, bệnh tật cả nhà - Ảnh 2.

Thực phẩm đã chế biến để qua đêm được hiểu là để ở nhiệt độ phòng (khoảng 25 độ C) trên 6 giờ sẽ có nhiều nguy cơ với sức khỏe (Ảnh: ST)

- Các loại hải sản: Hải sản đặc biệt giàu chất đạm cùng các vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe như kẽm, canxi, vitamin nhóm B,... Nhưng ăn hải sản qua đêm không những khiến các chất dinh dưỡng này bị suy giảm mà còn là "ổ hút" vi khuẩn gây ngộ độc.

- Các món súp nấu trong nồi kim loại: Súp hay canh là một hỗn hợp nhiều loại thực phẩm từ rau củ và chất đạm của thịt, cá, trứng, tôm,... cùng các loại gia vị khác nhau. Nếu để qua đêm rồi tiếp tục ăn, các chất trong đó dễ sinh ra phản ứng hóa học gây hại cho cơ thể như ngộ độc, thậm chí về lâu dài có thể làm suy giảm chức năng gan thận. Nếu muốn bảo quản súp và ăn cho bữa sau, ngoài việc bảo quản trong tủ lạnh thì cần bảo quản trong hộp thủy tinh, sứ và không nêm nếm bất kỳ một loại gia vị nào. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng không khuyến khích ăn súp để qua đêm.

- Thực phẩm chiên rán: Khi bạn cất tủ qua một đêm thì chúng có thể sản sinh ra một số chất gây ung thư như benzopyrene, nhất là những món hun khói hay chiên rán cần nhiều dầu mỡ.

Điều quan trọng cần nhớ chính là chỉ nên để thực phẩm đã chế biến bên ngoài ở nhiệt độ phòng trong tối đa 2 giờ và sau đó cần bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đông tủ lạnh nếu muốn ăn vào bữa sau. Khi phát hiện các món ăn có dấu hiệu như mùi lạ, váng như bị mốc thì nên bỏ, không nên tiếc mà tiếp tục ăn dễ sinh bệnh. Nếu các món ăn qua đêm đã được để ở nhiệt độ phòng hơn 6 giờ thì không nên tiếp tục ăn chúng.

Ngoài ra, khi cho thức ăn thừa vào tủ lạnh, hãy chú ý xem chúng đã nguội đến nhiệt độ bình thường hay chưa. Sự bay hơi của hơi nước trong món ăn khi để trong tủ lạnh nếu quá nóng có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển của vi khuẩn. Cuối cùng, ngay cả khi cho vào tủ lạnh, bạn cũng nên ăn thức ăn thừa càng sớm càng tốt. Tủ lạnh chỉ làm chậm sự phát triển của vi khuẩn chứ không ngăn chặn được chúng. Không nên ăn thức ăn thừa đã để quá 2 ngày.

2. Tiết kiệm tận dụng thực phẩm đã mốc, hỏng

Việc dự trữ quá nhiều thực phẩm khô (đồ khô) như gạo, lạc, đậu, ngô, măng, hoa quả và bảo quản không đúng cách dễ khiến các thực phẩm khô này bị mốc, hỏng. Vì tiết kiệm mà nhiều bà nội trợ lựa chọn bỏ đi phần mốc hay rửa mốc đi và tiếp tục sử dụng. Thói quen này rất nguy hiểm. Có tới hàng trăm loại độc tố nấm mốc khác nhau đã được xác định, nhưng các loại độc tố nấm mốc phổ biến nhất gây lo ngại cho sức khỏe con người và động vật bao gồm aflatoxin, ochratoxin A, patulin, fumonisin, zearalenone và nivalenol/deoxynivalenol.

4 "đại kỵ" cần tránh khi bảo quản thực phẩm ngày Tết, làm không đúng coi chừng ngộ độc, bệnh tật cả nhà - Ảnh 3.

Hình ảnh bánh chưng mốc (Ảnh: ST)

Trong đó, nấm mốc trên ngũ cốc có thể chứa một loại độc tố gọi là Aflatoxin. Aflatoxin đã được WHO khuyến cáo là chất gây ung thư loại I. Người ăn hấp thụ aflatoxin qua đường miệng dù chỉ 1 miligam cũng có thể gây ngộ độc cấp tính thậm chí về lâu dài sẽ dẫn tới hỏng ADN dẫn tới ung thư như ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư thận,...

3. Bảo quản thực phẩm bằng hộp nhựa, túi bóng kém chất lượng

Không phải hộp nào, túi nào cũng có thể được sử dụng để bảo quản thực phẩm, đặc biệt là các thức ăn đã chế biến trong tủ lạnh. Lượng lớn thực phẩm sống, chín cần sử dụng trong ngày lễ Tết dễ dẫn tới việc dùng túi nilon hay hộp bảo quản thực phẩm ngày Tết sai cách và ảnh hưởng tới sức khỏe của cả gia đình.

Điều này được giải thích là do hộp nhựa và túi nilon kém chất lượng có thể chứa các hóa chất độc hại như bisphenol A (BPA) và phthalates, chúng có thể "giải phóng" vào thực phẩm, đặc biệt khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Các chất hóa học này đã được chứng minh là có thể gây ảnh hưởng lớn tới các cơ quan trong cơ thể, bao gồm rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, làm tăng nguy cơ ung thư do tổn thương ADN nếu tiếp xúc trong thời gian dài.

4 "đại kỵ" cần tránh khi bảo quản thực phẩm ngày Tết, làm không đúng coi chừng ngộ độc, bệnh tật cả nhà - Ảnh 4.

Khi bảo quản thực phẩm, dù là tươi sống hay đã nấu chín cần dùng các túi đựng thực phẩm chuyên dụng và phân loại chúng cẩn thận (Ảnh: ST)

Khi bảo quản thực phẩm, dù là tươi sống hay đã nấu chín cần dùng các túi đựng thực phẩm chuyên dụng (hút chân không nếu có), hộp thủy tinh hay hộp nhựa có nhãn chịu nhiệt lạnh và vệ sinh sạch sẽ trước mỗi lần dùng. Thực phẩm tươi sống cần được sơ chế sạch sẽ trước khi bảo quản trong tủ lạnh, phân loại riêng, tránh gây ô nhiễm sang thực phẩm chín (nhiễm khuẩn chéo) dẫn tới bệnh tật.

4. Đun đi đun lại món ăn nhiều lần

Ngày Tết, nhiều bà nội trợ nấu một nồi lớn các món như thịt kho tàu, canh khổ qua nhồi thịt, thịt đông, canh măng,... và mỗi lần ăn sẽ đun lại rồi tiếp tục cất đi nếu không ăn hết. Điều này khiến các chất dinh dưỡng trong món ăn bị phân rã bởi nhiệt nhiều lần gây hao hụt. Đồng thời việc hâm nóng không đủ nhiệt độ sẽ không thể tiêu diệt vi khuẩn có thể có trong quá trình bảo quản hay nước bọt sau các lần ăn, tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

4 "đại kỵ" cần tránh khi bảo quản thực phẩm ngày Tết, làm không đúng coi chừng ngộ độc, bệnh tật cả nhà - Ảnh 5.

Đun đi đun lại món ăn nhiều lần không có lợi cho sức khỏe (Ảnh: ST)

Một số món ăn chứa tinh bột như khoai tây, ngũ cốc nếu đun đi đun lại nhiều lần dễ sinh ra một chất có thể gây ung thư như acrylamide. Protein trong thịt gà cũng có thể bắt đầu bị hư hỏng và gây ra các vấn đề về tiêu hóa trong quá trình chuyển từ lạnh sang hâm nóng ở lần thứ hai. 

Theo đó, cần chia nhỏ số lượng thực phẩm cần dùng cho mỗi lần ăn và chỉ đun nóng lại phần ăn đó thay vì tất cả. Cũng lưu ý rằng, theo Mayo Clinic, nồi nấu chậm không được khuyến khích để hâm nóng thức ăn thừa vì chúng làm nóng chậm và có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Với các thực phẩm ở ngăn đá, nếu muốn rã đông an toàn, bạn có thể rã đông trong lò vi sóng, trong tủ lạnh qua đêm hoặc trong hộp kín và cho vào nước lạnh.

Nhìn chung, để đảm bảo an toàn thì bảo quản thực phẩm ngày Tết cần chú ý tới thời gian bảo quản, nhiệt độ bảo quản, môi trường bảo quản cũng như cách sử dụng sao cho đúng. Không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm dễ gây lãng phí, hỏng mốc. Nếu xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa cảnh báo ngộ độc thực phẩm như tiêu chảy ra nước nhiều lần không cầm, nôn mửa liên tục, đau bụng quặn thắt hoặc dữ dội, đau đầu, chóng mặt, mất nước không bù được bằng được uống thì cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán.

Nguồn: Health.udn; Sohu, Aboluowang, Mayo Clinic


Tác giả: Allen