Cảnh báo dấu hiệu dị ứng kem chống nắng nghiêm trọng cần khám bác sĩ càng sớm càng tốt

Cảnh báo dấu hiệu dị ứng kem chống nắng nghiêm trọng cần khám bác sĩ càng sớm càng tốt
Kem chống nắng là vật "bất ly thân" của nhiều người trong mùa hè với tác dụng ngăn ngừa tác hại của tia UV từ ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, nếu chẳng may có các triệu chứng dị ứng kem chống nắng này, hãy nhanh chóng tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ.

Dị ứng kem chống nắng có thể liên quan tới một số thành phần trong kem chống nắng có nguy cơ gây kích ứng da cao, chẳng hạn như: Oxybenzone hoặc bezophenone-3; benzophenones; PABA (axit para-aminobenzoic); cinnamate và dibenzoylmethane. Đôi khi một số người có cơ địa nhạy cảm có thể dị ứng với mùi thơm trong kem chống nắng hay các loại chất bảo quản trong thành phần kem chống nắng.

Có mấy loại kem chống nắng? Dựa trên thành phần có thể phân loại kem chống nắng thành 3 loại bao gồm: Kem chống nắng hóa học, kem chống nắng vật lý và kem chống nắng vật lý lai hóa học.

Trong đó, kem chống nắng hóa học là tổng hợp các hợp chất dựa trên carbon giúp bảo vệ da khỏi tia cực tím (UV) có hại bằng cách hấp thụ lại và ngăn không cho các tia này đi qua. Sau đó chuyển hóa chúng thành bước sóng năng lượng thấp cũng như an toàn hơn, không gây tổn hại đến da.

Kem chống nắng vật lý có thành phần hoáng chất không chứa các thành phần hóa học. Chúng chỉ chứa oxit kẽm hoặc titan dioxit kết hợp với oxit kẽm để chặn tia UV. Còn kem chống nắng vật lý lai hóa học là các loại kem chống nắng có chứa hoạt chất hấp thu, chuyển hóa năng lượng mặt trời và các hoạt chất bảo vệ, chống lại tia UV tác động đến làn da.

Đọc thêm:

+ Đeo kính râm chống nắng nhưng mắc phải những sai lầm này thì cũng hóa "công cốc"

+ Bạn có đang bỏ quên các vị trí này khi bôi kem chống nắng?

1. Các dấu hiệu dị ứng kem chống nắng

Hầu hết các phản ứng dị ứng do kem chống nắng thường là viêm da tiếp xúc (Contact dermatitis - DC), còn một dạng dị ứng nữa là viêm da tiếp xúc dị ứng ánh sáng (Photoallergic contact dermatitis).

Viêm da tiếp xúc phát triển khi bạn bôi kem chống nắng lên da và nếu nhạy cảm với thành phần trong đó, hệ miễn dịch sẽ sinh ra các phản ứng khiến da trở nên mẩn đỏ, ngứa. Còn viêm da tiếp xúc dị ứng ánh sáng lại xảy ra khi có phản ứng tương tác giữa một thành phần cụ thể ở trong kem chống nắng mà bạn đang dùng với tia UV từ ánh nắng mặt trời; lúc này tại vị trí bôi kem chống nắng sẽ phát triển các mảng phát ban; loại viêm da này có xu hướng phổ biến hơn ở những vùng cơ thể tiếp xúc nhiều nhất với ánh nắng mặt trời.

Nếu bạn bị dị ứng với kem chống nắng đang dùng, bạn cần chuyển sang loại kem chống nắng khác có chứa các thành phần khác thân thiện hơn mà vẫn đảm bảo tác dụng chống tia UV từ ánh nắng mặt trời của kem chống nắng, chẳng hạn như kem chống nắng vật lý. Kem chống nắng vật lý mặc dù có thể khó tán đều trên da hơn và có thể để lại vệt trắng hoặc màu tro trên da sau khi bôi nhưng lại được đánh giá là khá an toàn cho nhiều người, hiếm khi có báo cáo liên quan tới viêm da do dùng kem chống nắng vật lý.

Hình ảnh dị ứng kem chống nắng (Ảnh: ST)

Vậy dấu hiệu nhận biết khi bị dị ứng kem chống nắng là gì?

Theo Very Well Health, khi bị dị ứng kem chống nắng, tùy phân loại dị ứng cũng như mức độ mà mỗi người có thể gặp phải các triệu chứng khác nhau. Nhưng nhìn chung các dấu hiệu dị ứng kem chống nắng được mô tả gần tương tự như khi bị cháy nắng mức độ nhẹ, chẳng hạn:

- Da có cảm giác đau rát hay vùng da bôi kem chống nắng bị sưng tấy lên.

- Da khô tróc từng mảng sau khi bôi kem chống nắng lên da, thậm chí là có thể chảy máu.

- Các vùng da mẩn đỏ, ngứa gồ lên trên da giống như nổi mề đay hoặc châm chích trên da.

- Mụn, bóng nước hay phồng rộp da có chứa dịch lỏng.

Thời gian phát triển các triệu chứng dị ứng tùy từng người sẽ khác nhau, có thể trong vòng vài phút sau khi bôi kem chống nắng lên da nhưng cũng có thể mất tới 48 giờ để phát triển các triệu chứng đầu tiên.

Ai có nguy cơ cao bị dị ứng với kem chống nắng?

Mặc dù ai cũng có thể bị dị ứng kem chống nắng nhưng nhóm có nguy cơ dị ứng với kem chống nắng cao hơn gồm có:

- Nữ giới do nhu cầu sử dụng mỹ phẩm như kem chống nắng cao hơn và thường xuyên hơn.

- Người mắc các bệnh da mạn tính liên quan tới ánh nắng mặt trời hoặc từng bị các tổn thương da do ánh nắng mặt trời trước đó.

- Người sẵn có các tình trạng như viêm da dị ứng, chàm, vảy nến

- Người có nghề nghiệp cần làm việc ngoài trời trong thời gian dài.

Cảnh báo dấu hiệu dị ứng kem chống nắng nghiêm trọng cần khám bác sĩ càng sớm càng tốt - Ảnh 4.

Dị ứng kem chống nắng khi nào cần thăm khám bác sĩ? Ảnh: ST

2. Dị ứng với kem chống nắng khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Dị ứng kem chống nắng được điều trị tương tự như các phản ứng dị ứng gây viêm da khác. Trong các trường hợp nhẹ thì viêm da có thể tự khỏi; với những trường hợp bị dị ứng kem chống nắng từ mức độ vừa tới nghiêm trọng có thể cần dùng tới steroid bôi tại chỗ hoặc đường uống để giảm phản ứng viêm và dị ứng. Thuốc kháng histamine cũng có thể giúp giảm tình trạng viêm da. Nhưng chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ.

Điều quan trọng khi bị dị ứng kem chống nắng là tránh xa ánh nắng mặt trời cho tới khi da lành hẳn. Quá trình này có thể mất tới vài ngày hoặc lâu hơn, tùy vào mức độ nghiêm trọng của viêm da.

Bạn không nên chủ quan khi bị dị ứng kem chống nắng. Nếu như tình trạng viêm da tiếp xúc nghiêm trọng gây đau đớn hoặc thường xuyên tái phát sẽ cần được bác sĩ đánh giá càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra thành phần gây dị ứng da là gì và đưa ra lời khuyên phù hợp để chọn kem chống nắng sau này.

Cảnh báo dấu hiệu dị ứng kem chống nắng nghiêm trọng cần khám bác sĩ càng sớm càng tốt - Ảnh 5.

Bạn không nên chủ quan khi bị dị ứng kem chống nắng (Ảnh: ST)

Theo Medical News Today, một nghiên cứu cũ năm 2008 đã lưu ý rằng, thành phần benzonphenone-3 trong kem chống nắng có khả năng gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng đe dọa tới tính mạng gọi là sốc phản vệ. Mặc dù tình trạng này tương đối hiếm gặp nhưng nếu như phát hiện các phản ứng dị ứng trên da kèm theo: Sự căng tức ở ngực, khó thở, thở khò khè, sưng họng hoặc sưng các bộ phận khác của cơ thể, giọng khàn, khó nuốt, đau bụng quặn thắt, buồn nôn và nôn mửa, tiêu chảy, da mặt nhợt nhạt hoặc chuyển sang màu xanh tím,... thì cần nhanh chóng tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp.

Nguồn dịch tham khảo:

1. Can you be allergic to sunscreen?

2. Overview of Sunscreen Allergy

3. What to know about sunscreen allergy


Tác giả: Allen