Viêm da dị ứng tiếp xúc: căn bệnh dị ứng nguy hiểm ai cũng cần biết

Viêm da dị ứng tiếp xúc: căn bệnh dị ứng nguy hiểm ai cũng cần biết
Viêm da dị ứng tiếp xúc là một căn bệnh phổ biến về da. Mặc dù căn bệnh này không đe dọa tới tính mạng nhưng nó lại ảnh hưởng tiêu cực tới thẩm mỹ của làn da và chất lượng sống. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ về bệnh viêm da dị ứng tiếp xúc cũng như cách điều trị bệnh.

1. Thế nào là viêm da dị ứng tiếp xúc?

Tình trạng viêm da dị ứng tiếp xúc xuất hiện khi da tiếp xúc trực tiếp với dị nguyên. Điều này là hoạt hóa hệ miễn dịch của cơ thể khởi phát quá trình viêm. Viêm da dị ứng tiếp xúc có thể xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với một sản phẩm mới hoặc sau khi sử dụng một sản phẩm trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. 

Ngoài ra, các chuyên gia còn xác định được độc tố trong một số loại cây như cây thường xuân, cây sồi, cây sơn có chứa dầu urushiol, một loại dầu gây ra tình trạng viêm da dị ứng tiếp xúc. 

Viêm da dị ứng tiếp xúc: căn bệnh dị ứng nguy hiểm ai cũng cần biết - Ảnh 1.

Dầu urushiol trong cây thường xuân là một trong những nhân tố chính gây ra tình trạng viêm da dị ứng tiếp xúc (Nguồn: internet).

Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác như chất nickel có trong trang sức, nước hoa và mỹ phẩm, thành phần của cao su trong sơn móng tay và các hóa chất trong giày dép.

Viêm da tiếp xúc dị ứng cũng có thể có nguyên nhân từ một số loại thuốc như thuốc bôi kháng sinh, benzocaine và trimerosal, thuốc bôi hydrocortisone.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh

Về triệu chứng, khi bị viêm da dị ứng tiếp xúc, người bệnh sẽ xuất hiện những dấu hiệu như ngứa, nổi mụn trên da, thậm chí, trong trường hợp trở nặng, mụn có thể phồng lên. Mụn sẽ thường nổi trong vùng da trực tiếp tiếp xúc với dị nguyên nhưng đôi khi nó cũng có thể xuất hiện ở một vài vùng da khác trên cơ thể nếu dị nguyên di chuyển từ nơi này sang nơi khác qua tay.

Viêm da dị ứng tiếp xúc: căn bệnh dị ứng nguy hiểm ai cũng cần biết - Ảnh 2.

Những nốt mụn đỏ sẽ lan từu nơi này sang nơi khác qua bàn tay (Nguồn: internet).

Rửa sạch dị nguyên bằng xà phòng và nước sạch là một cách để ngăn chặn mụn lan từ nơi này sang nơi khác. Triệu chứng nổi mụn sẽ xuất hiện trong vòng từ 12-48 giờ sau khi tiếp xúc với dị nguyên; song cũng có một vài trường hợp, mụn có thể xuất hiện chậm hơn (trong 2 tuần). Mặc dù ít phổ biến, nhưng cũng có khi mụn có thể kéo dài hàng tháng đến hằng năm. Việc này khiến cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

3. Chẩn đoán bệnh viêm da dị ứng tiếp xúc có khó?

Bệnh viêm da dị ứng tiếp xúc chỉ xảy ra ở một số ít người có cơ địa dị ứng. Khi đó các dị nguyên gây bệnh sẽ phải thông qua phản ứng miễn dịch của cơ thể trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

Có tới hơn 3.700 dị nguyên được xác định gây viêm da tiếp xúc dị ứng ở người. Do vậy, để chẩn đoán viêm da dị ứng tiếp xúc cần dựa trên kết quả khám lâm sàng và hỏi bệnh bệnh nhân. Trong trường hợp triệu chứng bệnh cải thiện sau khi cách ly với dị nguyên thì chẩn đoán càng được khẳng định. Ngoài ra, một số ít bệnh nhân sẽ được khuyên nên làm patch test.

4. Phương pháp điều trị

Thông thường, viêm da dị ứng tiếp xúc thường hết sau 2 đến 4 tuần không tiếp xúc với dị nguyên, nhưng một vài trường hợp thì thời gian có thể kéo dài hơn. Để giảm thiểu và cải thiện các triệu chứng, một số biện pháp có thể được áp dụng như:

- Phát hiện và ngừng việc tiếp xúc với dị nguyên.

- Tắm bằng bột yến mạch hoặc dưỡng da bằng những loại kem như kem calamine.

Viêm da dị ứng tiếp xúc: căn bệnh dị ứng nguy hiểm ai cũng cần biết - Ảnh 3.

Tắm bằng bột yến mạch cũng có thể làm giảm tình trạng viêm da dị ứng tiếp xúc (Nguồn: internet).

- Trường hợp bị viêm da nhẹ thì có thể sử dụng corticosteroid bôi ngoài da.

- Kem và mỡ steroid có thể sử dụng trong trường hợp bị nặng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những loại thuốc mạnh cần có sự cho phép của các bác sĩ. Trong trường hợp bị viêm da dị ứng tiếp xúc nặng, có thể sử dụng corticoid dạng uống trong thời gian ngắn. Đặc biệt, nên tránh sử dụng các loại thuốc kháng sinh histamin dạng bôi ngoài da. Nếu bị ngứa nhiều, bệnh nhân có thể sử dụng nhưng phải có sự chỉ định của bác sĩ.

Tác giả: DNA