Khổ sở vì viêm da dị ứng tái phát, phải làm sao để điều trị dứt điểm?

Khổ sở vì viêm da dị ứng tái phát, phải làm sao để điều trị dứt điểm?
Viêm da dị ứng tái phát khiến nhiều người gặp khó khăn trong sinh hoạt, đối với trẻ nhỏ, những cơn ngứa ngáy khiến trẻ quấy khóc, khó chịu, cào gãi khiến da tổn thương nặng nề. Dưới đây là trường hợp của một bé gái mới 14 tháng tuổi

HỎI:

Con gái tôi 14 tháng tuổi, bị viêm da dị ứng lặp đi lặp lại nhiều lần. Bé phải điều trị thế nào để không tái phát, thưa bác sĩ? (Quý)

Thời gian ăn dặm, bé không dị ứng với bất cứ thực phẩm nào. Lúc gần một tuổi thì có hiện tượng nổi mẩn đỏ ở trán, cổ và sau gáy. Tôi cho bé uống nước mát, tắm lá chè và khổ qua nhưng không khỏi. Nốt đỏ còn lan ra cánh tay, mông và to hơn. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm da, cho uống thuốc kê đơn thì hết. Thế nhưng, cách đây gần một tháng, bệnh trở lại. Nốt đỏ còn nổi lên da đầu khiến bé khó chịu, ngủ không ngon giấc. Đưa bé tới bệnh viện da liễu thành phố, bác sĩ cũng chẩn đoán viêm da dị ứng và cho dùng thuốc cũ.Mấy ngày nay, tôi không cho bé đi khám và uống thuốc nữa, chỉ tắm bằng các loại lá mát.

TRẢ LỜI:

Bạn thân mến,

Theo như bạn mô tả, bé gặp phải tình trạng viêm da dị ứng tái đi tái lại, ngứa ngáy, khó chịu khi ngủ. Nhiều khả năng bé bị viêm da cơ địa. Chị nên lưu ý các biện pháp sau:

- Tránh cho bé tiếp xúc với chất gây kích thích, ví dụ như một số loại xà phòng có thể làm tăng tình trạng viêm da; không nên gãi khi ngứa.

- Dùng các thuốc chống ngứa.

- Do da khô nên cần bôi kem dưỡng ẩm. Dưỡng ẩm da còn có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hàng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng viêm da dị ứng đã cải thiện.

- Loại trừ và tránh các chất gây dị ứng.

- Không cho đồ len dạ tiếp xúc trực tiếp lên da trẻ. Bố mẹ và những người chăm sóc cũng cần tránh mặc đồ len dạ khi gần trẻ.

Trong giai đoạn viêm da cơ địa cấp tính, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc dị ứng. Có thể dùng:

- Đắp ẩm thương tổn và bôi kem chứa hoạt chất corticosteroid trong giai đoạn cấp.

- Uống thuốc kháng histamin chống dị ứng và chống ngứa.

- Làm ẩm da bằng kem bôi hoặc sữa tắm có kem.

- Dùng các thuốc chống viêm khác không phải corticosteroid nhưng không gây tác dụng phụ, có thể dùng lâu dài, thuốc có thể chống viêm và chống ngứa.

PGS. TS. BS Nguyễn Thị Diệu Thúy (Phó trưởng khoa Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Nhi Trung ương)

Tác giả: Minh ngọc