Khi mùa đông chuyển sang mùa xuân, độ ẩm tăng lên và nhiệt độ ôn hòa hơn có thể có lợi cho da. Nhưng, mùa xuân cũng là mùa của dị ứng, có thể ảnh hưởng đến nhiều người bị viêm da cơ địa. Những thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày có thể giúp người bị viêm da cơ địa cảm thấy dễ chịu hơn, chống lại cơn ngứa và khô da.
Nhiều người cho rằng viêm da cơ địa bùng phát là do tập thể dục, nhưng thực tế sâu xa hơn thì thời gian mồ hôi lưu lại trên da do quá trình tập thể dục có thể là yếu tố nguy cơ.
Nguyên nhân là do tập thể dục khiến cơ thể nóng lên, tăng tiết mồ hôi trên da và giúp duy trì nhiệt độ mát mẻ cho cơ thể bằng cách bay hơi. Tuy nhiên, điều này có thể khiến lớp dầu tự nhiên của hàng rào bảo vệ da bị mất đi và cuối cùng là làm trầm trọng thêm tình trạng khô, ngứa da.
Đọc thêm:
- Viêm da dị ứng ở trẻ em và những điều cần biết
- Trẻ bị viêm da cơ địa kiêng ăn gì?
Giải pháp cho người bị viêm da dị ứng không phải là ngừng tập thể dục mà là tìm cách hạn chế đổ mồ hôi nhiều khi tập và thay quần áo bị ướt mồ hôi càng sớm càng tốt sau khi tập luyện xong. Đó có thể là tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng hoặc buổi tối thay vì buổi trưa, tập thể dục trong phòng mát mẻ và chọn phòng tập có phòng tắm tại chỗ để loại bỏ mồ hôi nhanh chóng sau khi tập xong.
Việc tắm sau khi tập cũng sẽ hữu ích nếu bạn vừa tham gia bơi lội bởi lượng clo ở nước bể bơi bám trên da có thể là yếu tố làm bùng phát bệnh viêm da cơ địa. Hoặc uống nhiều nước và chia nhỏ bài tập cũng giúp cơ thể mát mẻ hơn và giảm nguy cơ kích ứng da do thân nhiệt tăng cao.
Ngoài việc hạn chế mồ hôi bám dính trên da lâu khi tập thể dục thì bạn cũng cần chọn quần áo thoáng khí và tránh quần áo làm từ chất liệu nylon hay polyester do chúng có thể khiến mồ hôi bị đọng lại, cơ thể nóng hơn và đổ mồ hôi nhiều hơn.
Thay vào đó, hãy ưu tiên lựa chọn quần áo làm từ sợi tự nhiên như cotton, thoáng mát và vừa vặn với cơ thể để tránh tạo ra sự ma sát không cần thiết giữa da và vải - điều mà chỉ khiến triệu chứng viêm da cơ địa trở nên khó chịu hơn.
Mặc dù khó nhưng việc gãi ngứa thực sự có thể khiến cơn ngứa lan sang các khu vực khác của cơ thể do interleukin 31 - thường được gọi là yếu tố gây ngứa - giải phóng vào máu, hóa chất này liên kết với các đầu dây thần kinh trên da, thậm chí là ở những vị trí khác với khu vực ngứa ban đầu và gây ngứa nhiều hơn.
Hơn nữa, ngứa có thể khiến các đợt bùng phát viêm da dị ứng trở nên tồi tệ hơn bằng cách làm suy yếu hàng rào bảo vệ da và tăng tình trạng viêm.
Với việc khó để kiềm hãm cơn muốn gãi ngứa thì giải pháp khác mà bạn có thể làm dịu các vết ngứa này là dùng kem chống ngứa không kê đơn chứa 1% hydrocortisone có thể hữu ích nếu dùng trong thời gian ngắn, nếu muốn dùng các loại kem này trong thời gian dài hơn như hàng ngày chẳng hạn, bạn nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ.
Nếu như bạn chỉ bị ngứa nhẹ thì chườm một miếng khăn lạnh hay túi nước đá lên vùng da bị ngứa trong 5 - 10 phút có thể giảm ngứa và sưng hiệu quả.
Kem dưỡng ẩm là vật bất ly thân với người bị viêm da cơ địa và việc lựa chọn loại kem phù hợp với tình trạng viêm da của mình sẽ giúp giữ nước cho da, bù đắp độ ẩm tự nhiên bị thiếu hụt.
Người bị viêm da cơ địa nên lựa chọn các loại kem dưỡng ẩm giàu ceramide, axit béo, glycerin, panthenol và axit hyaluronic, tất cả những hoạt chất này có tác dụng giữ ẩm cho da đồng thời sửa chữa hàng rào bảo vệ da.
Thời điểm bôi kem dưỡng ẩm cũng đặc biệt quan trọng, hãy bôi kem dưỡng ẩm mỗi lần sau khi rửa tay và ngay sau khi tắm. Hoặc bạn có thể bôi nhiều hơn bởi không có gì gọi là thừa ẩm nếu bạn bị viêm da cơ địa.
Một chế độ ăn uống chống viêm sẽ có lợi cho bệnh viêm da dị ứng. Mỗi người sẽ cần xác định các tác nhân là thực phẩm khiến tình trạng viêm da của bạn trở nên trầm trọng hơn và tránh xa chúng trong chế độ ăn tương lai. Một số nhóm thực phẩm phổ biến có thể gây dị ứng như sữa bò, thịt chế biến sẵn, lúa mì, đậu nành, trứng, nước ngọt có đường, đậu phộng, quả hạch,...
Ngoài việc loại bỏ các thực phẩm kích hoạt tình trạng viêm thì bạn cũng cần bổ sung các thực phẩm chứa thành phần chống viêm để giảm bớt gánh nặng cho cơ thể. Các thực phẩm chống viêm có thể kể đến như trái cây và rau quả tươi, dầu ô liu và ngũ cốc nguyên hạt. Các axit béo omega-3 trong cá hồi, cá thu và cá mòi cũng là các thực phẩm chống viêm tốt cho sức khỏe và nên được thêm vào chế độ ăn hàng ngày.
Căng thẳng có thể kích hoạt viêm da cơ địa và làm trầm trọng hơn các triệu chứng như ngứa, đỏ và viêm da do nồng độ cortisol tăng cao, phá vỡ hệ miễn dịch và khiến cơ thể dễ bị tổn thương hơn bởi các tác nhân gây viêm cũng như suy yếu hàng rào bảo vệ da. Hơn nữa, khi một cá nhân bị căng thẳng mãn tính, họ có nhiều khả năng bỏ bê chăm sóc và vệ sinh cá nhân, điều này vô tình khiến bệnh viêm da cơ địa thêm trầm trọng hơn.
Chính vì thế mà người mắc viêm da dị ứng cần có kế hoạch kiểm soát căng thẳng hàng ngày, chẳng hạn như tập các bài tập thiền định, yoga, trị liệu nhận thức, đọc sách, nghe nhạc,...
Bạn có thể thực hiện một số thay đổi trong thói quen chăm sóc cơ thể có liên quan mật thiết tới làn da như học cách đọc bảng thành phần các sản phẩm sữa tắm, kem dưỡng, dầu gội, dầu xả, nước rửa tay, nước giặt quần áo,... trước khi mua và sử dụng chúng. Đảm bảo rằng các sản phẩm này không chứa bất kì thành phần nào có thể khả năng gây kích ứng dẫn tới bùng phát viêm da như: sunfat, cocamidopropyl betaine, lanolin, propylene glycol, etanol, hương liệu tổng hợp,...
Thay vào đó, hãy ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chăm sóc cơ thể thân thiện với làn da nhạy cảm với các thành phần lành tính. Thậm chí bạn nên xịt nước hoa lên quần áo thay vì xịt trực tiếp lên da để tránh bị kích ứng nếu vẫn muốn sử dụng.
Ngoài ra, hãy tránh tắm vòi sen quá nóng hay ngâm mình trong bồn tắm quá 10 phút. Nước quá nóng khiến lớp dầu tự nhiên trên da bị mất đi, dẫn tới các tổn thương đáng kể cho da và khiến cơ viêm da bùng bát. Khi tắm xong, hãy ngay lập tức lau khô người bằng khăn mềm và thoa một lớp kem dưỡng ẩm thật đặc để bù lại lượng ẩm vừa bị mất đi. Bạn cũng nên tắm và thay quần áo sau khi trở về từ bên ngoài.
Vào mùa xuân nhiều người bị viêm da cơ địa có thể bị bùng phát triệu chứng như chảy nước mắt, chảy nước mũi, ngứa da khi tiếp xúc với phấn hoa, mạt bụi,.. các thiết bị như máy lọc không khí có thể giúp loại bỏ các hạt dị nguyên và giảm nguy cơ kích ứng.
Thuốc kê đơn hoặc các biện pháp như thuốc kháng histamine có thể được chỉ định trong trường hợp tình trạng viêm da cơ địa nghiêm trọng hơn. Nhưng lưu ý, bạn cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ bởi có những loại thuốc chỉ được dùng trong thời gian ngắn, tránh gây tác dụng phụ ngược lại cho sức khỏe.
Tóm lại, từ việc duy trì dưỡng ẩm, lựa chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp, đến việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và quản lý căng thẳng - mỗi thói quen đều góp phần tạo nên một lối sống tích cực giúp cải thiện tình trạng sức khỏe da. Việc kiên trì thực hiện những thay đổi nhỏ này sẽ giúp quản lý tình trạng viêm da cơ địa về lâu dài một cách tích cực hơn. Nói chuyện thêm với bác sĩ da liễu nếu bạn có bất kì băn khoăn nào về phương pháp điều trị hay thay đổi thuốc để nhận được lời khuyên phù hợp.
Nguồn dịch:
1. 9 Lifestyle Changes That Can Help Manage Atopic Dermatitis
2. Your Season-by-Season Guide to Managing Atopic Dermatitis