6 điều bạn cần biết về nổi mề đay khi trời lạnh

6 điều bạn cần biết về nổi mề đay khi trời lạnh
Nổi mề đay khi trời lạnh là tình trạng xuất hiện phát ban, sẩn ngứa trên da khi tiếp xúc nhiệt độ thấp. Trong hầu hết trường hợp, nó gây nên do nguyên nhân dị ứng. Nếu không được quan tâm và điều trị kịp thời, nổi mề đay khi trời lạnh có thể gây rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau.

Nổi mề đay khi trời lạnh là một tình trạng phản ứng của da với thời tiết khá thường gặp trên thực tế. Biểu hiện đặc trưng bởi sự xuất hiện phát ban và sẩn ngứa trên da sau khi cơ thể tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ thấp. Trong một số trường hợp nặng nề, ngoài biểu hiện nổi mề đay thì người bệnh còn có thể có các biểu hiện rối loạn sức khỏe như mạch nhanh, huyết áp hạ, ngất hoặc thậm chí là sốc.

1. Nguyên nhân nổi mề đay khi trời lạnh là gì?

Cho tới nay, nguyên nhân nổi mề đay khi trời lạnh vẫn chưa được khẳng định một cách rõ ràng. Người ta cho rằng nó có thể là do dị ứng, do di truyền, do virus hoặc do một số bệnh tật gây nên. Tuy vậy, giả thuyết được ủng hộ nhiều nhất về nguyên nhân nổi mề đay khi trời lạnh chính là do phản ứng dị ứng.

Theo đó, khi cơ thể có cơ địa mẫn cảm tiếp xúc với nhiệt độ thấp sẽ kích thích sản sinh ra histamin và những chất trung gian hóa học khác. Các chất này khiến mạch máu giãn ra, tăng tính thấm thành mạch, gây ngứa,... hậu quả là sự xuất hiện của nổi mề đay khi trời lạnh.

Tất cả mọi người đều có thể bị nổi mề đay khi trời lạnh, tuy nhiên người đó sẽ có nguy cơ cao hơn nếu thuộc vào những nhóm đối tượng sau đây:

- Tuổi thanh niên: Những người trẻ tuổi được ghi nhận mắc nổi mề đay khi trời lạnh nhiều hơn so với người cao tuổi. Điều này có thể là do sự nhạy cảm của hệ miễn dịch ở người trẻ tốt hơn so với người cao tuổi.

- Di truyền: Một người có người thân trực hệ như bố, mẹ, anh chị em ruột,... mắc bị nổi mề đay khi trời lạnh thì nguy cơ nổi mề đay khi trời lạnh của người này sẽ tăng hơn so với người bình thường.

- Có bệnh lý nền: Một số bệnh lý nền như viêm gan, ung thư,... được xem là có thể kích thích khiến nổi mề đay khi trời lạnh dễ dàng xảy ra hơn.

2. Triệu chứng nổi mề đay khi trời lạnh

Các triệu chứng của nổi mề đay khi trời lạnh thường có tính cấp tính. Người bệnh nhanh chóng biểu hiện triệu chứng sau khi tiếp xúc đột ngột với môi trường có nhiệt độ thấp như không khí lạnh hay nước lạnh. Đôi lúc, người bệnh có thể khởi phát các triệu chứng ngay khi đang còn tiếp xúc với nhiệt độ thấp. Những triệu chứng nổi mề đay khi trời lạnh thường thấy nhất bao gồm:

- Trên da xuất hiện các vết phát ban dạng sẩn, ngứa,... Nhất là ở những vùng da tiếp xúc với nhiệt độ thấp.

- Tay người bệnh bị sưng nề sau khi cầm vật lạnh hoặc sưng môi khi ăn, uống thức ăn lạnh.

6 điều bạn cần biết về nổi mề đay khi trời lạnh - Ảnh 1.

Các phát ban dạng sẩn, ngứa là những biểu hiện đặc trưng của nổi mề đay khi trời lạnh (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Bị dị ứng nổi mề đay có tiêm vắc xin COVID-19 không? Người dị ứng cần biết gì trước và sau khi tiêm vaccine?  

Mề đay mãn tính vào mùa hè: Kiểm soát bằng cách nào?

Những biểu hiện này có thể kéo dài trong thời gian nhiều tiếng đồng hồ kể từ khi xuất hiện và thường có xu hướng nặng hơn khi người bệnh tiếp xúc với ẩm ướt hoặc gió lạnh. Trong các trường hợp nặng, người bệnh có thể có các biểu hiện khác như sưng nề vùng hầu họng gây khó thở, gây phản ứng phản vệ, sốc,...

3. Chẩn đoán nổi mề đay khi trời lạnh

Do trong phần lớn các trường hợp, nổi mề đay khi trời lạnh là do phản ứng dị ứng gây nên. Vì thế, để chẩn đoán một người có phải bị nổi mề đay khi trời lạnh hay không thì bác sĩ sẽ thực hiện bằng cách cho người bệnh tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng, cụ thể là nhiệt độ thấp. Các bác sĩ sử dụng một cục đá lạnh để áp lên da của bệnh nhân trong một thời gian ngắn và quan sát phản ứng của da. Nếu sau ít phút, xuất hiện các phát ban dạng sẩn, ngứa trên khu vực da vừa mới thực hiện kiểm tra thì có thể chẩn đoán là bị nổi mề đay khi trời lạnh.

Trong những trường hợp mà các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nổi mề đay khi trời lạnh không phải do nguyên nhân dị ứng mà do các nguyên nhân khác như ung thư, viêm gan, virus,... thì người bệnh có thể cần được làm nhiều các xét nghiệm khác để đánh giá và tìm kiếm nguyên nhân.

4. Điều trị nổi mề đay khi trời lạnh như thế nào?

Hiện nay, người ta chủ yếu điều trị nổi mề đay khi trời lạnh theo hướng điều trị một tình trạng dị ứng. Các nội dung điều trị chính bao gồm cắt đứt sự tiếp xúc của cơ thể đối với môi trường nhiệt độ thấp và sử dụng các thuốc để làm giảm phản ứng của cơ thể.

Thuốc được chỉ định sử dụng phổ biến trong điều trị nổi mề đay khi trời lạnh là các thuốc kháng histamin H1 chẳng hạn như loratadin, cetirizin,... Những thuốc này có tác dụng gắn kết với các thụ cảm thể của histamin trên màng tế bào, gây ức chế hoạt động của thụ cảm thể và làm giảm tác dụng của histamin từ đó giúp giảm các triệu chứng.

Nếu người bệnh không đáp ứng với các điều trị thuốc thông thường, bác sĩ có thể sử dụng omalizumab để tiến hành điều trị cho bệnh nhân.

Trong các trường hợp nặng nề, người bệnh có các biểu hiện khó thở hoặc ngạt thở do sưng nề hầu họng, sốc,... thì có thể sẽ cần phải sử dụng đến adrenalin để đảm bảo tính mạng cho người bệnh.

Còn nếu người bệnh bị nổi mề đay khi trời lạnh do các nguyên nhân khác như bệnh lý nền, virus,... thì cần phải điều trị các nguyên nhân này nếu không rất dễ bị nổi mề đay tái phát.

5. Nổi mề đay khi trời lạnh có nguy hiểm không?

Không phải lúc nào nổi mề đay khi trời lạnh cũng chỉ biểu hiện trên da. Như đã nói, nó có thể có nhiều biểu hiện khác rất nguy hiểm, chẳng hạn như gây sưng nề vùng hầu họng gây khó thở hoặc thậm chí ngạt thở, hoặc dẫn đến phản ứng sốc phản vệ,...

Ngoài ra, nổi mề đay khi trời lạnh còn thể hiện một cơ địa có tính mẫn cảm cao, điều này có nghĩa là người bệnh dễ dàng bị dị ứng hơn so với những người khác như dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn,...

Do đó, nếu một người từng có tiền sử nổi mề đay khi trời lạnh thì cần phải khai báo chính xác và trung thực với bác sĩ mỗi khi có nhu cầu sử dụng thuốc để đề phòng các nguy cơ xấu có thể xảy ra.

6. Cách phòng tránh nổi mề đay khi trời lạnh

Nổi mề đay khi trời lạnh để có thể xảy ra được thì cần phải sự tham gia của nhiệt độ thấp và sự phản ứng của cơ thể. Vì thế, nổi mề đay khi trời lạnh có thể được phòng tránh nếu như không có sự tham gia của các yếu tố trên.

- Những người đã từng có tiền sử nổi mề đay khi trời lạnh cần phải giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với các môi trường có nhiệt độ thấp như đi vào phòng điều hòa có nhiệt độ quá thấp, ăn uống thức ăn lạnh, tắm nước lạnh,...

6 điều bạn cần biết về nổi mề đay khi trời lạnh - Ảnh 2.

Giữ ấm cơ thể là cách để phòng tránh nổi mề đay khi trời lạnh (Ảnh: Internet)

- Người có các bệnh lý có cơ chế dị ứng khác như hen phế quản,... cũng cần phải thận trọng khi khi tiếp xúc với các yếu tố trên để phòng tránh nổi mề đay khi trời lạnh xảy ra.

- Sử dụng thuốc kháng histamin dự phòng là một biện pháp để phòng tránh nổi mề đay khi trời lạnh. Người có tiền sử nổi mề đay khi trời lạnh có thể dùng thuốc kháng histamin trước 30 phút nếu bắt buộc phải tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ thấp.

Trên đây là một số các kiến thức cơ bản về nổi mề đay khi trời lạnh mà bạn cần biết. Nếu có thêm những thắc mắc liên quan đến bệnh, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được giải đáp cụ thể và đầy đủ hơn.

Nguồn tham khảo: 

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cold-urticaria/symptoms-causes/syc-20371046


Tác giả: QN