Thạc sĩ Trần Hồng Trường, chủ tịch hội vảy nến Việt Nam cho biết, căn bệnh vẩy nến nhiều người đang lãng quên nhưng thực sự cần được cảnh báo và lên tiếng để người bệnh không còn lo lắng và tìm được chỗ dựa về tinh thần khi không may mắc phải bệnh này.
Sinh ra, lớn lên rất xinh đẹp và khỏe mạnh, nhưng một ngày, chị Trần Diệu Thùy trú tại Nam Định thấy tóc mình có một vài vùng da lở loét, có gàu.
Chị Thùy tưởng bị ngứa do nấm hay làm sao nên mua thuốc lá về gội. Các vết bong tróc ngày càng đậm và lan rộng từ đầu xuống đến mặt, mang tai và cánh tay.
Lúc này, chị vô cùng đau khổ khi chồng cho rằng chị đã “bị thằng nào đổ bệnh giang mai”. Uất ức quá, không rõ bệnh gì, chị Thùy đã tìm đến cái chết.
May mắn, con gái của chị phát hiện ra và đưa chị đi cấp cứu. Đến khi lên viện cấp cứu và nhìn làn da của chị bác sĩ khuyên chị đi khám da liễu thay vì mặc cảm tự ti.
Vảy nến - Ảnh minh họa: Internet
Từ cõi chết trở về, chị đến bệnh viện da liễu khám, bác sĩ chẩn đoán vảy nến toàn thân. Mắc căn bệnh này với chị khổ hơn cả bệnh ung thư. “Nếu bị ung thư còn chết được chứ bệnh này chết cũng chẳng xong”.
Mỗi lần bệnh nặng, chị chẳng dám ra khỏi nhà vì da tróc ra. Nhìn da tróc trắng cả nhà, chị chỉ còn biết thở dài.
Từ ngày mang bệnh, vợ chồng chị cũng chẳng ân ái mặn nồng như xưa. Anh sợ làn da của vợ. Chị Thùy bảo “cũng đúng thôi, mình còn sợ mình nữa là”.
Những ngày vui của họ hàng, anh em, chị đều mặc kín mít, có khi chẳng dám đến vì sợ mọi người khiếp mà không ăn được cơm. Có người còn ác miệng bảo nhìn chị đã sợ.
Khổ nhất là mọi người sợ lây từ chị. Gia đình không cho chị giặt chung, phơi chung quần áo với họ. Có khi gần gũi con cũng bị đẩy ra. Mãi sau này, các bác sĩ phải tư vấn rất kỹ, chồng chị mới hết sợ lây.
Nguyễn Hữu N. trú tại Phúc Thọ, Hà Nội cũng thế. Anh N. kể anh bị bệnh vảy nên 5 năm nay. Đó là quãng thời gian anh tuyệt vọng nhất.
Đang ở độ tuổi xung nhất, đang đà thành công trong sự nghiệp thì căn bệnh khiến anh chấm dứt tất cả. Bệnh cứ bong tróc da như rắn khiến anh mặc cảm, tự ti và buông xuôi tất cả.
Giữa lúc anh sắp chết vì tuyệt vọng, vì dạ dày trống rỗng thì anh được các bác sĩ ở Bệnh viện Da liễu Trung ương giới thiệu tham gia vào câu lạc bộ những người bị bệnh vảy nến.
Ở đây, anh được chia sẻ, được trò chuyện và được mọi người động viên cố gắng để vượt qua căn bệnh.
Từ khi biết bệnh này là mãn tính và nếu không vui sống thì sẽ chết vì suy kiệt., anh N. thấy xung quanh mình còn nhiều người khổ hơn.
Có những bệnh nhân đã 70 tuổi, họ từng bò khóc vì đau đớn do bệnh mang lại, có lúc họ ước bị ung thư còn hơn vảy nến nhưng họ vẫn phải sống.
Các bệnh nhân bị vảy nến thường có các dấu hiệu lâm sàng rất xấu xí, kinh dị nên nhiều người còn bị nhầm lẫn sang các bệnh lây nhiễm khác như phong, giang mai, HIV…
Ngoài ra, 42% số bệnh nhân có thể bị biến chứng viêm khớp vảy nến, dẫn đến co cứng các khớp, mất sức lao động. Nhiều bệnh nhân khác còn có thể bị mắc các rối loạn chuyển hoá.
Theo PGS Trần Hậu Khang - Bệnh viện Da liễu Trung ương mặc dù đã được nghiên cứu từ lâu, song cho đến nay nguyên nhân và sinh bệnh học của bệnh vảy nến vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ.
Trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch và yếu tố di truyền. Ngoài ra một số yếu tố có ảnh hưởng, kích thích và làm bệnh tiến triển nặng thêm cũng được đề cập.
Đó là các yếu tố: Stress, nghiện bia, rượu, thuốc lá, nhiễm trùng, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, khí hậu, môi trường…
Theo PGS Khang, bệnh vảy nến không lây như nhiều bệnh nhân và người thân vẫn nghĩ. Chính vì thế, không nên xa lánh người bị vảy nến vì xa lánh khiến họ tự ti, mặc cảm và bệnh nặng hơn.
Biểu hiện của bệnh vảy nến có rất nhiều nhưng đầu tiên dễ nhận biết là thương tổn da: Hay gặp và điển hình nhất là các dát đỏ có vẩy trắng phủ trên bề mặt, vẩy dày, có nhiều lớp xếp chồng lên nhau rất dễ bong và giống như giọt nến (Vì vậy có tên gọi là “Vẩy nến”).
Kích thước thương tổn to nhỏ khác nhau với đường kính từ 1- 20 cm hoặc lớn hơn.
Vị trí điển hình nhất của các dát đỏ có vẩy là vùng tì đè, hay cọ xát như: khuỷu tay, đầu gối, rìa tóc, vùng xương cùng, mông. Tuy nhiên sau một thời gian tiến triển các thương tổn có thể lan ra toàn thân.
Thương tổn móng: Có khoảng 30% – 40% bệnh nhân vẩy nến bị tổn thương móng tay, móng chân. Các móng ngả màu vàng đục, có các chấm lỗ rỗ trên bề mặt. Có thể móng dày, dễ mủn hoặc mất cả men.
Bệnh vảy nến có thể để lại thương tổn đến các khớp. Hiện nay, theo PGS Khang tỷ lệ khớp bị thương tổn trong vẩy nến tùy từng thể. Thể nhẹ, thương tổn da khu trú, chỉ có khoảng 2% bệnh nhân có biểu hiện khớp.
Trong khi đó ở thể nặng, dai dẳng có đến 20% bệnh nhân có thương tổn khớp. Biểu hiện hay gặp nhất là viêm khớp mạn tính, biến dạng khớp, cứng khớp, lệch khớp, bệnh nhân cử động đi lại rất khó khăn.
Một số bệnh nhân thương tổn da rất ít nhưng biểu hiện ở khớp rất nặng, đặc biệt là khớp gối và cột sống.
Điều khó nhất hiện nay là chưa có một phương pháp nào đặc hiệu để điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vẩy nến.
Tuy nhiên trong những năm gần đây nhiều thuốc mới đã được áp dụng để điều trị toàn thân và tại chỗ có tác dụng rất tốt, bệnh ổn định lâu dài. Nhưng vẫn có thể tái phát bất cứ lúc nào.