Viêm phổi là bệnh lý diễn ra phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt bệnh có thể gây nguy hiểm cho trẻ nếu như không được điều trị và chăm sóc đúng cách. Một trong những băn khoăn của nhiều cha mẹ khi có con bị viêm phổi là: "Trẻ bị viêm phổi có nên nằm điều hòa không?".
Trước khi giải đáp cho câu hỏi: "Trẻ bị viêm phổi có nên nằm điều hòa không?", chúng ta cần tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh viêm phổi. Khi hiểu được nguyên nhân, chúng ta sẽ có cách chăm sóc trẻ phù hợp và đúng đắn hơn.
Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Các loại vi khuẩn, virus gây bệnh viêm phổi chủ yếu ở trẻ là:
- Streptococcus pneumoniae (Phế cầu khuẩn) - đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi do vi khuẩn ở trẻ em.
- Haemophilus influenzae týp b (Hib) là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây viêm phổi do vi khuẩn.
- Virus hợp bào hô hấp là nguyên nhân virus phổ biến nhất gây viêm phổi ở trẻ.
Đọc thêm:
- Hướng dẫn phân biệt ho do viêm phổi và ho do nguyên nhân sức khỏe khác
- Viêm phổi sau cúm ở trẻ: Cẩn trọng để con không "bệnh chồng bệnh"
Như đã biết, nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ là do vi khuẩn hoặc virus. Điều hoà là thiết bị làm mát, chúng không phải là nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi nhưng có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng viêm phổi nếu như không sử dụng đúng cách, cụ thể:
- Điều hoà không được vệ sinh sạch sẽ, chứa nhiều bụi bẩn, nấm mốc, có thể phát tán ra không khí khi máy hoạt động. Khi trẻ hít phải các chất kích ứng này, có thể khiến các triệu chứng của viêm phổi như ho, nghẹt mũi, khó thở trầm trọng hơn.
- Nhiệt độ phòng quá thấp sẽ khiến trẻ dễ bị cảm lạnh và lâu khỏi bệnh. Đặc biệt, nhiệt độ mà giảm một cách đột ngột sẽ khiến thụt giảm lưu lượng máu ở các tế bào bạch cầu – cơ quan có nhiệm vụ chống virus, vi khuẩn, khiến trẻ dễ nhiễm bệnh hơn.
- Ngoài ra, khi dùng điều hoà mà không sử dụng máy tạo độ ẩm sẽ làm không khí bị khô. Điều này làm cho niêm mạc mũi, họng của trẻ bị khô và dễ kích ứng. Hệ luỵ là trẻ sẽ ho nhiều, khó thở hơn hoặc gặp các vấn đề hô hấp khác.
Tuy nhiên, nếu như sử dụng điều hoà đúng cách, điều đó không ảnh hưởng đến tình trạng viêm phổi của trẻ. Đặc biệt, khi thời tiết quá nóng nực, việc sử dụng điều hoà còn giúp trẻ ngủ ngon và dễ chịu hơn.
Như vậy, có thể kết luận rằng: Khi trẻ bị viêm phổi, cha mẹ vẫn có thể sử dụng điều hoà bình thường nhưng cần dùng đúng cách.
Để đảm bảo trẻ không bị nóng nực khó chịu vào mùa hè mà không làm trầm trọng thêm tình trạng viêm phổi, cha mẹ nên lưu ý một số điều khi cho trẻ nằm trong điều hoà:
- Không đặt trẻ nằm ở vị trí mà gió điều hoà thổi trực tiếp vào mặt hoặc người. Mọi người có thể cài đặt chế độ quạt gió quay tự động để luồng khí được luân chuyển trong phòng hoặc để con nằm ở vị trí song song với hướng của luồng hơi đi ra.
- Nên để nhiệt độ ở mức phù hợp, tuỳ vào không gian của gia đình (to hay nhỏ), công suất của điều hoà mà điều chỉnh mức nhiệt phù hợp. Thông thường, các chuyên gia thường khuyến cáo để điều hoà ở mức nhiệt 26 đến 29 độ C là tốt nhất.
- Vệ sinh điều hoà thường xuyên tránh để bụi bẩn, nấm mốc phát triển
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để bổ sung độ ẩm cho không khí. Điều này cũng sẽ giúp trẻ dễ thở, giảm ho và dễ chịu hơn.
- Không cho trẻ ở trong môi trường điều hoà quá lâu. Tốt nhất chỉ nên cho trẻ ở trong môi trường điều hoà không quá 4 tiếng/lần, khi thời tiết dịu mát có thể tắt điều hoà.
- Khi ngủ trong môi trường có điều hoà, cha mẹ nên đắp chăn mỏng lên các vùng bụng, ngực và chân của bé.
- Bổ sung chất lỏng cho trẻ thường xuyên để tránh tình trạng mất nước, khô họng
- Trước khi mở điều hoà hoặc rời khỏi phòng, cha mẹ nên dành thêm thời gian cho trẻ thích nghi với nhiệt độ mới để tránh tình trạng sốc nhiệt.
- Sau khi tắt điều hoà, mọi người nên mở cửa để giúp không khí trong phòng được lưu thông
Ngoài việc điều trị từ các chỉ định từ bác sĩ, cha mẹ cần có kế hoạch chăm sóc trẻ phù hợp. Như vậy, sẽ giúp trẻ nhanh hồi phục hơn.
- Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ và phù hợp: Khi trẻ bị viêm phổi, cơ thể mệt mỏi nên thường trẻ sẽ chán ăn. Lúc này, cha mẹ nên ưu tiên những món ăn mềm như cháo, súp, canh, ... nhưng vẫn cần đảm bảo đa dạng nguồn thực phẩm như rau xanh, thịt gia cầm không da, thịt trắng, các loại đậu, ... có thể bổ sung thêm trái cây, ngũ cốc và sữa cho con.
- Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên với nước muối sinh lý
- Chườm ấm nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ, khi sốt trên 38,5 độ thì nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định từ bác sĩ. Đặc biệt lưu ý, khoảng cách giữa mỗi lần dùng thuốc với trẻ sơ sinh là 6 đến 8 giờ, đối với trẻ lớn hơn thì thời gian dùng thuốc cách nhau từ 4 đến 6 giờ.
- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn
Nhìn chung, sử dụng điều hoà đúng cách sẽ không ảnh hưởng tới tình trạng viêm phổi của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn nên sử dụng điều hoà một cách hợp lý. Những ngày không quá oi bức hoặc nắng nóng, mọi người có thể dùng quạt hoặc tận dụng gió mát tự nhiên.