Viêm thực quản là gì? Tìm hiểu về bệnh viêm thực quản

Viêm thực quản là gì? Tìm hiểu về bệnh viêm thực quản
Thực quản là một bộ phận của ống tiêu hóa trên, nối giữa miệng và dạ dày giúp vận chuyển thức ăn đến dạ dày. Viêm thực quản là tên bệnh lý dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại thực quản.

1. Viêm thực quản là gì?

Thực quản là một bộ phận của ống tiêu hóa trên, nối giữa miệng và dạ dày giúp vận chuyển thức ăn đến dạ dày.

Viêm thực quản là tên bệnh lý dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại thực quản. Đây là một bệnh lý tiêu hóa có tỷ lệ mắc khá phổ biến, có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng khác nhau cho sức khỏe nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

2. Nguyên nhân gây viêm thực quản là gì?

Có khá nhiều nguyên nhân khác nhau đã được ghi nhận có thể gây nên bệnh viêm thực quản. Những nguyên nhân gây viêm thực quản thường gặp nhất bao gồm:

2.1. Tác nhân vi sinh vật

Những tác nhân vi sinh vật như vi khuẩn, virus và nấm đều có khả năng gây bệnh viêm thực quản. Những vi sinh vật này xâm nhập vào thực quản, làm tổn thương thực quản, kích thích các cơ chế miễn dịch xảy ra và khởi động quá trình viêm tại thực quản.

Viêm thực quản-1

Thực quản là một bộ phận của ống tiêu hóa trên, nối giữa miệng và dạ dày (Ảnh: Internet)

- Nấm candida: Là một loại nấm men thường có mặt trong ống tiêu hóa của con người. Bình thường chúng không có khả năng gây bệnh, nhưng khi có các điều kiện thuận lợi thúc đẩy như rối loạn hệ vi sinh vật tại ống tiêu hóa, suy giảm miễn dịch do các nguyên nhân khác nhau ( đái tháo đường, ung thư, HIV/AIDS, sử dụng corticoids,...) thì chúng sẽ hoạt động và phát triển gây bệnh.

- Herpes virus: Giống như nấm candida, herpes virus cũng có khả năng lây nhiễm vào ống tiêu hóa của bệnh nhân, nhưng bình thường không có các triệu chứng lâm sàng. Chỉ đến khi hệ miễn dịch suy yếu vì một lý do nào đó, chúng mới phát triển, sinh trưởng và gây bệnh viêm thực quản.

2.2. Các tác nhân kích thích thực quản

Những tác nhân gây kích thích thực quản cũng là một trong các nguyên nhân quan trọng gây viêm thực quản thường thấy trên lâm sàng. Những tác nhân kích thích thực quản hay gặp bao gồm:

- Sự trào ngược của acid dạ dày vào thực quản: Đây là nguyên nhân thường thấy hàng đầu cho các trường hợp viêm thực quản. Sự di chuyển ngược acid dạ dày vào thực quản làm thay đổi pH môi trường bề mặt thực quản khiến thực quản bị kích thích và tổn thương, hậu quả của sự tổn thương này chính là tình trạng viêm thực quản.

Có khá nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra tình trạng di chuyển của acid dạ dày vào thực quản chẳng hạn như hội chứng trào ngược dạ dày thực quản do bất thường các cơ vòng dưới của thực quản, nôn ói quá nhiều, người mắc hội chứng Mallory-Weiss, thoát vị hoành,...

7e3BVnhandan115-trao-nguoc-DD-TQ

Trào ngược dịch vị dạ dày gây viêm thực quản (Ảnh: Internet)

- Hóa chất, độc chất: Một số loại hóa chất, độc chất khi sử dụng nhầm có thể gây nên rất nhiều tác hại khác nhau. Thường thấy là sự kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa (trong đó có thực quản) và gây viêm, hay thậm chí là phá hủy hoàn toàn cấu trúc.

- Các loại thức ăn giàu acid: Những loại thức ăn giàu acid như các loại đồ ăn có vị chua mạnh, các loại thực phẩm muối chua,... khi sử dụng sẽ làm giảm độ pH trong thực quản, gây tác hại tương tự như sự trào ngược của acid dạ dày vào thực quản và có thể khiến tình trạng viêm thực quản xảy ra.

2.3. Hậu quả của điều trị

Một số phương pháp điều trị khi được áp dụng trên lâm sàng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc viêm thực quản. Chẳng hạn như tác dụng phụ của thuốc kháng viêm không Steroid khiến tăng sản xuất acid dạ dày, làm giảm tiết nhầy đường tiêu hóa có thể khiến viêm thực quản dễ xảy ra hơn. Hay một số phẫu thuật như phẫu thuật giảm cân cũng khiến gia tăng nguy cơ viêm thực quản.

Bên cạnh đó việc lắng đọng, sự tiếp xúc thời gian quá dài của một số thuốc tại thực quản (do sử dụng thuốc bột, viên thuốc quá lớn gây kẹt,...) cũng có thể khiến thực quản bị kích thích, tổn thương và gây viêm.

3. Phân loại viêm thực quản

Có khá nhiều cách khác nhau để phân loại viêm thực quản, tuy nhiên trên lâm sàng người ta thường hay phân loại viêm thực quản theo nguyên nhân gây bệnh và theo mức độ tổn thương thực thể tại thực quản thấy được trên nội soi.

3.1. Phân loại viêm thực quản theo nguyên nhân gây bệnh

- Viêm thực quản trào ngược: Là tình trạng viêm thực quản do hậu quả của quá trình di chuyển acid ngược từ dạ dày lên thực quản do nhiều nguyên nhân khác nhau.

- Viêm thực quản lây nhiễm: Là viêm thực quản do các loại vi khuẩn, virus, vi sinh vật gây nên,...

- Viêm thực quản dị ứng: Gây nên do sự đáp ứng quá mức của thực quản với một nguyên nhân không gây hại nào đó, đặc trưng bởi sự gia tăng bạch cầu ái toan tại thực quản.

- Viêm thực quản do phản ứng đào thải: Thường xảy ra sau khi thực hiện các phẫu thuật ghép các bộ phận không phải tự thân vào cơ thể người bệnh (chẳng hạn ghép tủy, ghép tạng,...), là phản ứng thể hiện sự đào thải của cơ thể đối với các mô ngoại lai.

- Viêm thực quản ung thư: Viêm thực quản là hậu quả của ung thư nguyên phát tại thực quản hay ung thư tại các cơ quan khác di căn đến thực quản

3.2. Theo mức độ tổn thương của thực quản của người bệnh

Đây là phương pháp phân loại dựa trên mức độ nghiêm trọng của các tổn thương do viêm thực quản gây nên (chủ yếu dựa trên mức độ tổn thương thấy được trên hình ảnh nội soi), có giá trị trong tiên lượng bệnh và định hướng lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Các mức độ viêm thực quản:

- Độ A: Các tổn thương do viêm thực quản gây ra có kích thước nhỏ hơn 5mm, nằm rời rạc.

- Độ B: Các tổn thương do viêm thực gây nên có kích thước lớn hơn 5mm nhưng vẫn nằm rời rạc với nhau.

- Độ C: Các tổn thương do viêm thực quản gây nên liên kết với nhau, nhưng diện tích tổn thương vẫn nhỏ hơn 75% chu vi thực quản.

- Độ D: Các tổn thương do viêm thực quản liên tục với nhau tạo thành tổn thương lớn hơn 75% chu vi thực quản.

4. Triệu chứng viêm thực quản

Những triệu chứng biểu hiện của viêm thực quản khá đa dạng và dễ nhận biết, phát hiện sớm các triệu chứng góp phần giúp chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh, tránh các biến chứng xảy ra.

Những triệu chứng hay gặp khi bị viêm thực quản bao gồm:

- Cảm giác đau ngực, nóng rát sau xương ức.

- Nuốt khó, nuốt vướng, đau khi nuốt.

- Cảm giác có vị chua ở miệng.

- Hơi thở có mùi khó chịu.

- Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng.

- Đau họng, ho.

- Nôn, buồn nôn.

- Đôi khi có thể có đau bụng.

Viêm phế quản 3

Ợ nóng là một dấu hiệu điển hình của viêm thực quản (Ảnh: Internet)

5. Viêm thực quản có thể gây biến chứng gì?

Viêm thực quản là một tình trạng nghiêm trọng, khi không được chăm sóc và điều trị kịp thời có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau. Vậy các biến chứng có thể gặp của viêm thực quản là gì?

- Suy kiệt: Viêm thực quản gây nên các triệu chứng đau, khó nuốt ở bệnh nhân. Điều này khiến cho bệnh nhân bị hạn chế ăn uống và không được đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể. Sự cung cấp thiếu dinh dưỡng trong một thời gian kéo dài có thể khiến bệnh nhân bị suy kiệt về thể chất.

- Xuất huyết thực quản: Viêm thực quản do trào ngược acid dạ dày có thể khiến bị chuyển thành loét thực quản nếu không điều trị kịp thời. Khi ổ loét thực quản đi qua mạch máu sẽ khiến bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết tiêu hóa trên. Đây là một tình trạng cấp cứu có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.

- Hẹp thực quản: Các tổn thương do viêm thực quản gây nên sau khi lành có thể để lại các vết sẹo, sự co kéo của mô sẹo có thể làm giảm tính đàn hồi của thực quản và thu hẹp kích thước thực quản. Thường xảy ra khi viêm thực quản do trào ngược acid dạ dày.

- Ung thư hóa: Viêm thực quản không được điều trị khiến các tổn thương xảy, sự tổn thương kéo dài và sửa chữa được diễn ra thường xuyên hơn mức bình thường có thể dẫn đến tính trạng loạn sản các tế bào ở thực quản và gây nên ung thư.

6. Các phương pháp điều trị viêm thực quản

6.1. Thuốc điều trị viêm thực quản

Đơn thuốc sử dụng cho bệnh nhân viêm thực quản sẽ được kê dựa trên sự xác định nguyên nhân gây bệnh trên bệnh nhân là gì?

- Nếu bệnh nhân bị bệnh do các nguyên nhân vi sinh vật, bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc để loại trừ nguyên nhân vi sinh vật này chẳng hạn thuốc kháng sinh (vi khuẩn), thuốc kháng virus, thuốc diệt nấm,...

- Thuốc kháng Histamin hay corticoid có thể sẽ được sử dụng cho các bệnh nhân trong các trường hợp bệnh nhân bị viêm thực quản do dị ứng.

- Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm thực quản do nguyên nhân acid của dạ dày thì các loại thuốc như thuốc trung hòa acid dịch vị dạ dày, thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng thụ thể H2 sẽ được sử dụng.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc như thuốc kháng viêm, giảm đau cũng có thể được dùng cho bệnh nhân để giảm nhẹ các triệu chứng.

6.2. Phẫu thuật điều trị viêm thực quản

Các can thiệp ngoại khoa trong điều trị viêm thực quản chủ yếu được thực hiện để giải quyết các nguyên nhân mà điều trị nội khoa không thể giải quyết dứt điểm như thoát vị hoành, suy yếu cơ vòng dưới thực quản, dị vật ở thực quản,... và để giải quyết các tổn thương do viêm thực quản gây nên như sẹo thực quản, co kéo thực quản,...

Các can thiệp ngoại khoa viêm thực quản có thể được thực hiện bằng phương pháp truyền thống, nhưng cũng có thể được thực hiện bằng phương pháp nội soi để giảm tối đa sự tác động lên thực quản của người bệnh.

6.3. Thay đổi lối sống

Điều trị không sử dụng thuốc bằng các biện pháp thay đổi tích cực trong lối sống có ý nghĩa rất lớn trong điều trị viêm thực quản và phòng chống tái phát. Sự thay đổi lối sống sẽ đặc biệt có ý nghĩa trong các giai đoạn sớm của bệnh, thậm chí có thể khiến bệnh khỏi hẳn mà không cần can thiệp bất kỳ biện pháp y tế nào.

Những biện pháp bệnh nhân có thể thực hiện hằng ngày để hỗ trợ quá trình điều trị viêm thực quản bao gồm

- Bỏ thuốc lá nếu đang có sử dụng.

- Nằm đầu cao.

- Không mặc quần áo hay sử dụng thắt lưng quá chặt.

- Kiểm soát cân nặng ở mức vừa phải.

- Ăn chậm và ăn các loại thức ăn dễ nuốt, mềm

- Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc có nguy cơ gây viêm thực quản như thuốc kháng viêm không Steroid,...

7. Dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm thực quản như thế nào?

Khi bị viêm thực quản, chế độ dinh dưỡng đúng đắn cho bệnh nhân là điều vô cùng quan trọng để giúp bệnh nhân ăn uống dễ dàng hơn, được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và đảm bảo thể chất ở trạng thái tốt nhất.

7.1. Nên ăn gì?

Khi chế biến thức ăn cho bệnh nhân viêm thực quản, nên lựa chọn chế biến một số loại thực phẩm sau:

- Các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như protein, đường bột,...

- Các loại thực phẩm có độ mềm cao, ít cứng, dễ sử dụng,... Nếu cần thiết có thể xay nhỏ hoặc băm nhỏ thực phẩm khi chế biến.

- Khẩu phần ăn hằng ngày của bệnh nhân viêm thực quản nên được chia nhỏ thành nhiều bữa ăn hơn, tránh ăn quá no, khi ăn nên nhai kỹ mới nuốt.

7.2. Không nên ăn gì?

Bên cạnh các loại thực phẩm tốt cho bệnh nhân viêm thực quản, có khá nhiều loại thức ăn mà bệnh nhân nên ghi nhớ tránh sử dụng bởi chúng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên tình trạng bệnh, ảnh hưởng xấu đến điều trị, thậm chí có thể khiến bệnh nặng hơn.

Những loại thực phẩm không tốt cho bệnh nhân viêm thực quản nên tránh sử dụng:

- Thực phẩm giàu chất béo như thực phẩm chiên, xào,...

- Thức ăn có vị cay như hạt tiêu, ớt,...

- Những loại thức ăn có tính chua như cam, chanh, dưa muối,...

- Các loại gia vị có tính kích thích như tỏi, bạc hà,...

- Không nên sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khi điều trị viêm thực quản.

- Một số loại thức uống như trà hay cafe cũng là thức uống không tốt cho bệnh nhân viêm thực quản.

8. Dự phòng viêm thực quản như thế nào?

Như đã nói ở trên, viêm thực quản là bệnh nguy hiểm gây nên nhiều hậu quả hết sức nghiêm trọng cho sức khỏe và việc điều trị bệnh cũng rất phức tạp. Do đó, dự phòng sớm để ngăn ngừa bệnh xảy ra là điều quan trọng hàng đầu.

Một số biện pháp dự phòng viêm thực quản:

- Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt: Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt là biện pháp hiệu quả để dự phòng viêm thực quản. Nên thực hiện đánh răng mỗi ngày ít nhất hai lần trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy, súc miệng với nước súc miệng, sử dụng chỉ nha khoa,... Đặ biệt cần vệ sinh miệng thật kỹ sau khi sử dụng thuốc corticoid để phòng tránh nấm candida.

- Quan hệ tình dục an toàn: Quan hệ tình dục an toàn để hạn chế lây nhiễm virus herpes lên đường tiêu hóa gây viêm thực quản.

- Uống nhiều nước sau khi sử dụng thuốc (nhất là các thuốc dạng bột, dạng nước) để tránh thuốc đọng ở thực quản gây viêm thực quản.

- Các loại dị nguyên gây dị ứng: Nếu bản thân có dị ứng với một dị nguyên nào đó (phấn hoa, hóa chất, thuốc, thức ăn,...) và thường biểu hiện bằng viêm thực quản thì nên tránh tiếp xúc, sử dụng các loại dị nguyên đó để tránh bệnh khởi phát.

- Điều trị sớm các bệnh có khả năng biến chứng gây viêm thực quản: Nếu có các bệnh lý có khả năng biến chứng gây viêm thực quản như trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn cơ vòng dưới thực quản,... thì người bệnh nên điều trị sớm để ngăn ngừa bệnh xảy ra.

- Thăm khám sớm khi có triệu chứng của bệnh: Ngay khi có các triệu chứng báo hiệu viêm thực quản xảy ra, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng và gây biến chứng.

9. Một số câu hỏi thường gặp về bệnh viêm thực quản

Khi bị viêm thực quản, người bệnh có thể sẽ rất lo lắng và có khá nhiều thắc mắc, câu hỏi đến bệnh được đặt ra. Những câu hỏi thường gặp nhất về bệnh viêm thực quản kể đến như:

9.1. Viêm thực quản có chữa được không?

Với rất nhiều các biến chứng có thể xảy ra, vấn đề viêm thực quản có chữa được không thực sự là một vấn đề thực sự rất được quan tâm. Trên thực tế, viêm thực quản là bệnh có thể điều trị, nhưng có chữa khỏi hoàn toàn được hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây bệnh và thời điểm phát hiện bệnh của bệnh nhân.

Đối với viêm thực quản do các nguyên nhân như vi khuẩn, virus, nấm,... hay do các kích thích đột ngột như thuốc, hóa chất,... thì hầu hết các trường hợp đều sẽ được chữa khỏi hoàn toàn sau một thời gian điều trị các nguyên nhân gây bệnh. Nhưng nếu bệnh do các nguyên nhân mãn tính như trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn cơ vòng thực quản, hay dị ứng thì việc điều trị dứt điểm bệnh là khá khó, bệnh có tỷ lệ tái phát cao.

Ngoài ra cũng cần nói thêm, khi viêm thực quản còn ở giai đoạn cấp tính, mới xảy ra thì việc điều trị sẽ diễn ra có hiệu quả và dễ dàng hơn. Còn khi bệnh đã chuyển thành mãn tính, các tổn thương đã diễn ra trong thời gian kéo dài sẽ không thể hoàn nguyên về trạng thái ban đầu, việc điều trị chỉ làm giảm triệu chứng và giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng sống tối đa.

9.2. Bệnh viêm thực quản có lây không?

Bệnh viêm thực quản có lây không thực sự là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Như chúng ta đã nói, có khá nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên viêm thực quản như hậu quả của điều trị, các tác nhân kích thích, và đặc biệt trong đó có nguyên nhân vi sinh vật.

Những loại vi sinh vật như nấm candida, herpes virus hoàn toàn có thể lây từ người bệnh sang người lành và khi có điều kiện thích hợp chúng có thể gây nên viêm thực quản. Do vậy, viêm thực quản có thể lây được nếu không có các biện pháp hạn chế nguyên nhân vi sinh vật gây bệnh như nấm, virus.

9.3. Viêm thực quản có nguy hiểm không?

Rõ ràng, với rất nhiều các biến chứng có thể xảy ra như loét thực quản, ung thư thực quản,... chứng tỏ rằng viêm thực quản là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm. Do vậy, người bệnh không được chủ quan trước tình trạng bệnh của bản thân mà cần được điều trị sớm để ngăn ngừa các hậu quả của bệnh xảy ra.

9.4. Viêm thực quản có tái phát sau điều trị không?

Nếu yếu tố nguy cơ gây viêm thực quản ở bệnh nhân không được loại bỏ như virus, nấm, trào ngược dạ dày thực quản,... thì đồng nghĩa với việc kể cả sau khi bệnh nhân đã được chữa khỏi hoàn toàn thì tình trạng viêm thực quản vẫn có thể tái phát.

9.5. Người bệnh cần chuẩn bị những gì trước khi xét nghiệm viêm thực quản?

Thông thường, để chuẩn đoán viêm thực quản người bệnh có thể được thực hiện một số xét nghiệm như nội soi, chụp thực quản có cản quang, xét nghiệm dị ứng,... Tùy thuộc vào xét nghiệm được thực hiện là gì mà bệnh nhân có thể được yêu cầu thực hiện các chuẩn bị tương ứng như nhịn đói, uống thuốc cản quang, ngưng sử dụng rượu bia, hoặc một số thuốc điều trị nếu có,...

Nguồn tham khảo:

1. https://www.medicinenet.com/esophagitis/article.htm

2. https://www.healthline.com/health/esophagitis#treatment


Tác giả: QN