Những thói quen cần tránh khi vệ sinh răng miệng

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Những thói quen cần tránh khi vệ sinh răng miệng
Vệ sinh vùng miệng là công việc quen thuộc hàng ngày. Nhưng có khá nhiều thói quen sai lầm mà mọi người thường mắc phải khiến việc vệ sinh vùng miệng kém hiệu quả, răng và nướu bị tổn thương, miệng bị viêm và hôi.

Đánh răng hay sử dụng nước súc miệng là những cách vệ sinh vùng miệng phổ biến. Tuy nhiên không phải cứ đánh răng hay súc miệng thường xuyên là phương pháp chăm sóc và bảo vệ vùng răng miệng hiệu quả.

Dưới đây là những thói quen cần tránh khi vệ sinh vùng miệng:

1. Đánh răng ngay sau khi ăn

Mọi người thường lầm tưởng rằng, đánh răng ngay sau khi ăn sẽ làm sạch thức ăn, không cho vi khuẩn có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, khi bạn vừa ăn xong, axit trong thức ăn đang làm suy yếu men răng. 

Nếu như bạn đánh răng ngay lập tức có thể làm mất men răng. Do vậy, mọi người cần đợi ít nhất 30 phút sau khi ăn mới nên đánh răng để khoang miệng có thời gian cân bằng độ pH.

Nếu như bạn cần đi ra ngoài ngay sau khi ăn thì có thể vệ sinh vùng miệng bằng cách súc miệng và dùng chỉ nha khoa.

Đánh răng sau khi ăn

Không nên đánh răng ngay lập tức sau khi ăn (Ảnh: Internet)

2. Đánh răng quá nhiều và quá mạnh

Đánh răng quá nhiều lần trong ngày thật ra không tốt như mọi người vẫn nghĩ. Bởi đánh răng nhiều có thể bào mòn men răng, làm xước và tổn thương nướu.

Theo các bác sĩ nha khoa, giải pháp vệ sinh vùng miệng hoàn hảo nhất là 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Nếu cần thiết thì có thể đánh răng thêm 1 lần vào buổi trưa. Còn vào những thời điểm khác, khi muốn vệ sinh vùng miệng, mọi người chỉ nên súc miệng và dùng chỉ nha khoa.

đánh răng nhiều và quá mạnh

Đánh răng nhiều có thể bào mòn men răng, làm xước và tổn thương nướu (Ảnh: Internet)

Đánh răng quá mạnh cũng sẽ bào mòn men răng,  làm xước và tổn thương nướu, có thể gây chảy máu. Thực chất thì việc đánh răng mạnh cũng không cho hiệu quả làm sạch cao hơn nếu như bạn đánh sai cách. Chỉ cần chải răng nhẹ nhàng với động tác rung và xoay tròn bàn chải là bạn có thể dễ dàng làm sạch răng mà không làm tổn thương chúng.

3. Chọn và sử dụng bàn chải đánh răng không đúng cách

- Chọn bàn chải quá cứng sẽ làm tổn thương răng và nướu. Chọn bàn sai quá to hoặc quá bé, không đúng theo lứa tuổi sẽ khiến việc vệ sinh vùng miệng khó khăn, kém sạch. Đôi khi bạn cần phải thử nhiều lần mới chọn ra được loại bàn chải phù hợp nhất.

- Nếu bạn dùng bàn chải đánh răng trong thời gian quá lâu, khi các lông chải đã mòn và biến dạng, thì việc làm sạch răng cũng kém hiệu quả hơn. Ngoài ra, bàn chải quá cũ có thể còn là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn, dễ gây viêm nhiễm vùng miệng. Tốt nhất, bạn nên thay bàn chải đánh răng  3 tháng 1 lần.

Chọn bàn chải mềm

Chọn bàn chải quá cứng sẽ làm tổn thương răng và nướu (Ảnh: Internet)

- Không sử dụng chung bàn chải, không sử dụng bàn chải vào những việc khác ngoài đánh răng.

- Vệ sinh bàn chải sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng. Cất nơi thoáng, sạch và khô ráo. Không để bàn chải chung một chỗ với bàn chải của mọi người trong gia đình.

4. Chỉ vệ sinh răng mà quên các vùng khác

Việc vệ sinh vùng miệng chỉ tập trung vào răng mà quên làm sạch lưỡi và nướu có thể gây ra hôi miệng và viêm nhiễm. Bởi lưỡi và nướu tập trung vi khuẩn nhiều hơn cả răng.

Để vệ sinh lưỡi, bạn có thể dùng bàn chải lưỡi chuyên dụng. Hiện nay, các nhà sản xuất bàn chải đánh răng thường thiết kế mặt chải lưỡi ở phía sau bàn chải, rất tiện lợi. Để vệ sinh nướu, bạn có thể chà thật nhẹ nhàng bằng bàn chải đánh răng, hoặc rửa sạch ngón tay để chà nướu. 

Nếu bạn vệ sinh vùng miệng rất kỹ và đều đặn mà vẫn bị hôi miệng, chảy máu nướu thì nên đến các phòng khám nha khoa để kiểm tra và can thiệp sớm.

5. Không đi lấy cao răng định kỳ

Cao răng hình thành từ vi khuẩn, thức ăn còn sót lại và nước bọt. Dù bạn vệ sinh vùng miệng rất sạch sẽ cũng không tránh khỏi sự hình thành của cao răng. Cao răng có màu vàng, làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ trầm trọng. Cao răng còn có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm nướu, viêm nha chu. 

Lấy cao răng định kỳ

Cao răng có màu vàng, làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ trầm trọng (Ảnh: Internet)

Cao răng rất cứng nên không thể tự vệ sinh và loại bỏ tại nhà. Mọi người cần đến nha sĩ để lấy cao răng ít nhất 6 tháng/lần. Hoặc bạn cũng có thể yêu cầu nha sĩ lấy cao răng trong những lần khám răng định kỳ.


Tác giả: Mai Nhung