Một trong những lý do trẻ dễ bị ốm khi trời chuyển rét đậm, rét hại với nhiệt độ giảm sâu là do sức đề kháng chưa hoàn thiện. Vì thế mà nếu không biết cách chăm sóc trẻ khi bị ốm đúng cách thì việc "Càng chăm con càng ốm nặng hơn" hoàn toàn có thể xảy ra!
Các bệnh đường hô hấp phổ biến khi trời lạnh mà trẻ thường mắc bao gồm nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới. Trong đó viêm mũi, viêm họng, bị viêm amidan hay viêm tai giữa hoặc viêm phế quản phổi là dễ gặp nhất.
Chính vì các bệnh này phổ biến và có các triệu chứng bệnh đường hô hấp tương đồng nhau mà không ít cha mẹ chủ quan trong chăm sóc trẻ, đặc biệt là thói quen "tự chẩn bệnh cho con" hay tự đi mua thuốc ở hiệu thuốc mà không có tư vấn hay đơn thuốc từ bác sĩ.
Có thể kể đến biểu hiện phổ biến khi trẻ mắc đường hô hấp là sổ mũi, chảy nước mũi. Không ít các mẹ có quan niệm nhìn màu sắc nước mũi để "tự đoán" trẻ đang bị nhiễm virus hay vi khuẩn và đi mua thuốc điều trị cho con.
Bác sĩ chuyên khoa I Phí Xuân Thi, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, khẳng định: "Hiện tại, chưa có bất cứ tổ chức chuyên môn nào đưa ra hướng dẫn dựa trên màu sắc nước mũi để phân biệt nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn hay virus".
Bạn có thể xem thêm về khuyến cáo của bác sĩ TẠI ĐÂY.
Không chỉ đối với trẻ bị ốm, kể cả trẻ nhỏ đang có sức khỏe bình thường hay phổ biến nhất là đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ thường cho bé mặc quần áo dày, nhiều lớp khi trời lạnh vì cho rằng "trẻ con dễ lạnh" hơn người lớn.
Tuy nhiên, theo TS.BS Lê thị Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) thì chính việc mặc nhiều quần áo khi trẻ bị ốm khiến sức khỏe của trẻ kém hơn nếu không được chú ý.
Hay nói cách khác, khi bị mặc quá nhiều quần áo, cơ thể trẻ sẽ đổ mồ hôi, lúc này nếu không được bỏ bớt quần áo và lau mồ hôi đi thì sẽ thấm ngược vào trong, gây tổn hại tới phổi, cảm lạnh,...
"Nhiều cha mẹ mặc quá nhiều quần áo và nghĩ rằng có thể giữ ấm cho trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ đùa nghịch, mồ hôi có thể ngấm ngược vào quần áo và khiến bé bị nhiễm lạnh hơn", TS.BS Hạnh chia sẻ.
Theo BS Hạnh thì ngoài những tác động của thời tiết thì cách bảo vệ đường hô hấp này khi con trẻ bị ốm cũng là nguyên nhân lớn gây ra bệnh ở trẻ hoặc khiến bệnh trẻ nặng hơn.
Kể cả vào trời lạnh, khi trẻ chơi đùa nhiều vẫn sẽ ra mồ hôi nên cần phải vệ sinh sạch sẽ. Kể cả đối với trẻ bị ốm thì cũng cần phải vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ để tránh việc mồ hôi thấm ngược vào trong tương tự như việc mặc quá nhiều quần áo nói trên.
TS.BS Hạnh cho biết: "Dù trẻ đang sốt, ho hay viêm mũi, viêm họng, chúng ta vẫn nên lau người sạch sẽ, thay quần áo hàng ngày cho con. Thậm chí, cha mẹ có thể tắm cho trẻ trong phòng ấm nhưng cố gắng làm nhanh, lau khô người và mặc quần áo ấm cho trẻ".
Đó là lý do nhiều mẹ còn chưa biết Trẻ sơ sinh nên tắm mấy lần một tuần khi trời lạnh và cần tham khảo ngay!
Xét về nguyên tắc, khi trẻ gặp các dấu hiệu liên quan tới bệnh đường hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, sốt, quấy khóc, thở nhanh,,.. thì cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và có can thiệp y tế kịp thời. Tránh xảy ra các biến chứng không mong muốn cho sức khỏe của trẻ.
Các bác sĩ cho biết, nếu trẻ bị ở mức độ nhẹ sẽ được hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà. Với viêm đường hô hấp có thể tự khỏi nếu như được chăm sóc sức khỏe tốt.
Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp tại nhà mà phụ huynh cần chú ý như sau:
Để giúp trẻ hạ sốt tại nhà, cha mẹ cần:
- Cho trẻ mặc quần áo thông thoáng, chú ý tới việc cơ thể trẻ ra mồ hôi, lau ngay không được để thấm ngược vào trong sẽ hại phổi
- Cho trẻ uống nhiều nước, bù nước do sốt, tránh gây mất nước, điện giải
- Với trẻ bị sốt cao hơn 38,5oC, cần:
+ Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ
+ Chú ý lau người, làm mát cơ thể của bé bằng khăn cotton dùng nước ấm, vắt hơi ráo và lau người như khi bạn tắm cho trẻ. Các vị trí cần lau bao gồm: nách, bẹn. Nên chuẩn bị 2 khăn, 1 khăn dùng để lau vệ sinh và 1 khăn đắp lên người bé.
- Không nên đắp khăn lên trán để hạ sốt cho trẻ vì không đem lại hiệu quả cao.
Với trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi thì việc vệ sinh mũi cho trẻ là vô cùng cần thiết. Cha mẹ tuyệt đối không được áp dụng các biện pháp dân gian như chữa sổ mũi bằng tỏi và nước muối sinh lý, dùng lá nhỏ mũi,..
Khi trẻ bị ốm và có dấu hiệu sổ mũi, nghẹt mũi thì mẹ nên vệ sinh đường thở bằng nước muối sinh lý và dụng cụ chuyên dụng. Lưu ý không được đè trẻ nằm ngửa vì có thể khiến dịch mũi bị sặc ngược vào trong.
Sau khi rửa mũi cần hút nước mũi ra, không nên chỉ lau qua bên ngoài.
Viêm đường hô hấp trên có thể khiến trẻ bị ho dẫn tới quấy khóc và nôn trớ. Ngoài các loại thuốc giảm ho mà bác sĩ chỉ định thì mẹ có thể thực hiện thêm biện pháp vỗ long đờm cho trẻ.
Cách thực hiện vỗ long đờm như sau:
- Bước 1: Khum bàn tay lại sao cho ngón cái áp sát vào ngón trỏ
- Bước 2: Nhẹ nhàng vỗ lưng bên trái rồi chuyển sang lưng bên phải. Mỗi bên lưng vỗ từ 3 - 5 phút. Mẹ có thể vỗ lưng cho trẻ trước khi ăn hay sau ăn ít nhất 1 tiếng để trẻ không bị nôn trớ.
Khi trẻ bị ốm, bổ sung chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng và nhanh chóng hồi phục sức khỏe hơn.
- Với bé đang bú mẹ thì cần cho trẻ bú nhiều hơn bình thường
- Với trẻ lớn thì cần chuẩn bị những loại thức ăn mềm, giàu vitamin để trẻ dễ nuốt hơn. Nên chia thành nhiều bữa một ngày.
Ngoài ra, nên cho trẻ ăn nhiều trái vây, rau xanh hay các loại nước để chống mất nước.