Trước khi tìm hiểu cách chữa ho khan ở trẻ thì cần hiểu rằng, ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp loại bỏ các chất gây kích ứng, làm sạch đường thở. Ho khan còn được gọi là ho không có đờm, dù đôi khi trẻ có thể bị ho nhiều và ho dữ dội. Trẻ bị ho khan đôi khi không phải do nguyên nhân quá nghiêm trọng nhưng có một số triệu chứng khi trẻ bị ho khan cho thấy cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ho khan, chẳng hạn:
- Nhiễm trùng: Các nhiễm trùng đường hô hấp trên và hô hấp dưới liên quan tới virus, vi khuẩn có thể gây kích ứng niêm mạc họng cùng đường thở và dẫn tới các triệu chứng viêm long đường hô hấp, trong đó có ho khan. Quen thuộc nhất là các nhiễm trùng như cảm lạnh thông thường, cảm cúm phổ biến với các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi và ho. Ngoài ra, viêm phổi, viêm phế quản, ho gà, COVID-19 cũng có thể gây ho ở trẻ.
Các nhiễm trùng đường hô hấp trên và hô hấp dưới liên quan tới virus, vi khuẩn có thể gây kích ứng niêm mạc họng cùng đường thở (Ảnh: ST)
Đọc thêm:
+ Trẻ bị cảm chảy nước mắt khi nào là bất thường?
+ Trẻ bị sốt chân tay lạnh có sao không?
Tình trạng ho tùy thuộc vào loại nhiễm trùng, có thể gây khàn tiếng hoặc kèm theo âm thanh khò khè khi thở. Đặc biệt cơn ho cũng có thể trở nên tệ hơn vào ban đêm do chất nhầy dư thừa chảy xuống cổ họng (chảy dịch mũi sau) gây kích ứng niêm mạc họng.
Thêm vào đó, đôi khi một số nhiễm trùng do virus có thể gây ho kéo dài (hội chứng sau nhiễm virus), cơn ho kéo dài tới vài tuần mà không có phương pháp điều trị cụ thể nào nhưng sau đó sẽ biến mất.
- Dị ứng: Ho do dị ứng thường là ho khan. Xảy ra do hệ miễn dịch "nhầm lẫn" các tác nhân vô hại và phản ứng thái quá bằng cách giải phóng một chất gọi là histamine vào máu - gây ra các triệu chứng tại đường hô hấp. Ngoài ho khan, dị ứng có thể gây khàn giọng, ngứa mắt, chảy nước mắt, sổ mũi hoặc phát ban, nổi mề đay.
Các tốt nhất để kiểm soát dị ứng gây ho khan chính là giúp trẻ tránh xa các dị nguyên có thể khiến cơn dị ứng bùng phát đồng thời sử dụng các loại thuốc kháng histamine để làm dịu triệu chứng.
- Hen suyễn: Trẻ bị hen suyễn khiến đường thở bị hẹp lại gây ho khan hoặc ho có đờm. Hen suyễn ở trẻ em gây ho thường xuyên hơn vào ban đêm hoặc khi trẻ vận động thể chất, kèm theo đó là tiếng rít khi trẻ hít vào hoặc thở ra. Theo Healthline, đôi khi trong một số trường hợp thì ho mãn tính lại là triệu chứng duy nhất của bệnh hen suyễn và còn được gọi là hen suyễn dạng ho.
Thuốc hen suyễn sẽ giúp giảm viêm đường thở và giảm nhanh các triệu chứng hen suyễn.
Tùy từng nguyên nhân mà điều trị ho khan ở trẻ sẽ khác nhau (Ảnh: ST)
- Chất kích ứng từ môi trường: Tiếp xúc với các chất kích thích từ môi trường mà không có biện pháp bảo vệ mũi họng đúng cách có thể gây viêm đường thở, ho khan ở trẻ. Các chất kích thích này bao gồm: Khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, khói bụi, không khí quá lạnh hoặc quá khô,... Trẻ bị ho khan có thể tiến triển thành mãn tính nếu thường xuyên tiếp xúc với các chất kích thích từ môi trường, đặc biệt nếu trẻ có tiền sử bị dị ứng hoặc hen suyễn.
May mắn rằng ho do tiếp xúc với chất gây kích ứng từ môi trường thường sẽ khỏi sau khi loại bỏ chất gây kích ứng.
- Dị vật đường thở: Nếu đường thở của trẻ có dị vật bị kẹt có thể gây ho kèm theo thở khò khè, cảm giác nghẹn ở họng hoặc đau nhức nếu dị vật lớn. Để lấy dị vật, đôi khi cần nội soi phế quản. Sau đó cần theo dõi xem trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng hay kích ứng nào khác không. Nhưng điều quan trọng nhất khi phát hiện trẻ có dị vật ở đường thở là cần nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ có thể gây nôn trớ khi axit ở dạ dày trào lên thực quản. Trẻ bị trào ngược axit dạ dày thực quản có thể bị ợ nóng, khàn giọng, thở khò khè hoặc ho khan, ho kích ứng kéo dài dai dẳng. Các triệu chứng khác gồm có: Đau họng, khó nuốt, nghẹn, hôi miệng, cảm giác đau ở ngực.
- Viêm thanh quản: Thường do virus, phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi với đặc trưng là trẻ bị ho khan, khàn tiếng và nghiêm trọng hơn vào ban đêm do ngứa họng. Trẻ cũng có thể bị đau họng, sốt hoặc sưng hạch bạch huyết ở họng.
Mẹo chữa ho khan nhanh ở trẻ (Ảnh: ST)
Phương pháp điều trị ho khan ở trẻ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra cơn ho khan là gì. Trong thời gian đó, để trẻ bị ho khan cảm thấy dễ chịu hơn, cha mẹ có thể:
- Bù ẩm cho không khí: Nếu không khí mà trẻ hít thở quá khô, nó có thể khiến niêm mạc họng vốn đang bị tổn thương của trẻ bị kích ứng thêm, khiến cơn ho khan nghiêm trọng hơn. Do vậy cha mẹ cần chú ý bù ẩm không khí cho trẻ bằng các loại máy phun sương mát.
- Xông hơi nước ấm: Xông hơi nước ấm trong nhà tắm có thể có lợi giúp họng giảm kích thích, giảm ngứa gây ho.
- Uống nước ấm: Nước ấm, súp ấm có thể giúp làm dịu cổ họng của trẻ bị ho khan. Nếu trẻ trên 1 tuổi, có thể thử thêm một thìa mật ong vào nước ấm khi uống để hỗ trợ giảm viêm.
- Uống thuốc gì chữa ho khan? Trên thực tế thì bất kỳ loại thuốc gì sử dụng cho trẻ đều cần có chỉ định của bác sĩ. Một số loại siro thảo dược có thể mua ở hiệu thuốc nhưng cần dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tuyệt đối không vì muốn trẻ giảm ho nhanh mà dùng quá liều. Viên ngậm giảm ho chứa các thành phần như mật ong, bạc hà có thể có ích nhưng cần đảm bảo trẻ đủ lớn để ngậm vì chúng có thể gây hóc ở trẻ nhỏ.
- Vệ sinh mũi và miệng cho trẻ bằng dung dịch nước muối 2 - 3 lần/ngày.
- Nâng cao giường của trẻ, ngủ tư thế đầu cao hơn có thể giúp giảm ho khan nếu trẻ bị ho khan do trào ngược dạ dày thực quản hoặc do hội chứng chảy dịch mũi sau.
Nhìn chung, trong hầu hết các trường hợp thì trẻ bị ho khan sẽ thuyên giảm và biến mất. Nhưng nếu tình trạng trẻ bị ho khan liên tục kéo dài trên 2 tuần hoặc nếu trẻ dưới 4 tháng tuổi bị ho khan thì cần cho trẻ tới gặp bác sĩ. Đặc biệt là khi trẻ bị ho khan kèm theo khó thở, thở rít, trẻ có dấu hiệu mất nước mà không bù được bằng đường uống, trẻ bị ho khan chuyển thành ho đờm, ho có lẫn máu hoặc ho khan dai dẳng kèm sốt - điều này có thể liên quan tới một nhiễm trùng nặng hơn.
Nguồn dịch tham khảo:
1. Why Does My Kid Have a Dry Cough?
2. What Causes a Dry Cough in Kids?