Tuyến tiền liệt là một cơ quan chỉ có ở nam giới. Tuyến này nằm phía dưới bàng quang, trên hoành chậu hông và nó bọc quanh niệu đạo sau. Tuyến tiền liệt có hai chức năng chính: tiết ra dịch trong tinh dịch, co bóp và kiểm soát nước tiểu.
Viêm tiền liệt tuyến là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở tuyến tiền liệt do vi khuẩn hoặc không do vi khuẩn gây nên. Bệnh thường phát triển khá nhanh dẫn đến rối loạn chức năng sinh lý của nam giới, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày cũng như cuộc sống tình dục của đàn ông.
Không giống như các bệnh lý về tuyến tiền liệt khác như phì đại tuyến tiền liệt hay ung thư tuyến tiền liệt, thường xảy ra chủ yếu ở đàn ông lớn tuổi, viêm tuyến tiền liệt có thể xảy ra ở nam giới mọi độ tuổi. Viêm tuyến tiền liệt xảy ra phổ biến nhất ở nam giới từ 30 - 50 tuổi.
Có 4 loại viêm tuyến tiền liệt:
+ Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn
+ Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn
+ Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn hay hội chứng đau vùng chậu mạn tính
+ Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng
Tùy từng loại viêm tuyến tiền liệt mà có nguyên nhân gây bệnh khác nhau.
Thường gặp viêm tuyến tiền liệt là do nhiễm khuẩn. Các loại vi khuẩn này trước đó gây viêm nhiễm các cơ quan lân cận tuyến tiền liệt như gây viêm niệu đạo, viêm bàng quang. Vi khuẩn này có khi ngược đường dẫn tinh, gây ra viêm mào tinh, viêm tinh hoàn.
Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu là các vi khuẩn gram (-) đường tiêu hóa và sinh dục tiết niệu như E.coli. Ngoài ra có thể gặp các vi khuẩn không điển hình khác như Chlamydia, lậu, giang mai…
Nguyên nhân chính xác của loại viêm tuyến tiền liệt này chưa được biết rõ. Viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn có thể liên quan đến các hóa chất trong nước tiểu, đáp ứng của hệ miễn dịch với các nhiễm trùng đường tiểu trước đó hay tổn thương thần kinh ở vùng chậu.
Viêm tuyến tiền liệt là bệnh lý đường tiết niệu phổ biến nhất ở nam giới dưới 50 tuổi và đứng thứ 3 ở nam giới trên 50 tuổi. Hàng năm có khoảng hai triệu lượt khám bệnh do viêm tuyến tiền liệt ở Hoa Kỳ.
Viêm tuyến tiền liệt mãn tính hay hội chứng đau vùng chậu mạn tính là bệnh lý phổ biến nhất và không rõ nguyên nhân nhất của viêm tuyến tiền liệt. Loại viêm tuyến tiền liệt này xảy ra ở nam giới mọi lứa tuổi và ảnh hưởng từ 10 - 15% dân số nam giới Hoa Kỳ.
Các yếu tố dẫn đến viêm tuyến tiền liệt ở nam giới khác nhau tùy thuộc vào từng loại viêm.
+ Nam giới viêm nhiễm đường tiết niệu (viêm bàng quang, viêm niệu đạo) có nguy cơ cao bị viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn
+ Có nhiễm trùng lây truyền qua đường sinh dục
+ Có đặt ống thông tiểu vào niệu đạo để dẫn nước tiểu ra khỏi bàng quang
+ Có tiền sử bị viêm tuyến tiền liệt.
+ Đã từng được sinh thiết tuyến tiền liệt
+ Nam giới bị tổn thương thần kinh ở đường tiết niệu dưới do phẫu thuật hoặc chấn thương
+ Căng thẳng tâm lý
+ Người bị chấn thương vùng khung chậu.
Mỗi loại viêm tuyến tiền liệt khác nhau có triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào từng nguyên nhân và có thể không giống nhau ở mỗi người. Nhiều triệu chứng có thể tương tự với các bệnh lý khác.
Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn cấp tính xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng. Trong trường hợp này nên đến gặp bác sỹ ngay lập tức. Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt cấp do vi khuẩn bao gồm:
+ Bí tiểu
+ Sốt
+ Ớn lạnh
+ Cảm giác nóng hoặc rát khi đi tiểu
+ Đau ở vùng sinh dục, háng, bụng dưới hoặc lưng dưới
+ Tiểu đêm nhiều lần
+ Buồn nôn, ói mửa
+ Nhức mỏi cơ thể
+ Bí tiểu, không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn
+ Dòng nước tiểu yếu hoặc gián đoạn
+ Tắt nghẽn đường tiết niệu hoàn toàn hoặc không có khả năng đi tiểu
+ Nhiễm trùng đường tiểu.
Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt mạn tính tương tự như viêm tuyến tiền liệt cấp tính, mặc dù ít nghiêm trọng hơn. Loại viêm tuyến tiền liệt này thường phát triển chậm và có thể kéo dài trên 3 tháng.
Các triệu chứng có thể đến rồi đi, thậm chí có khi thoáng qua.
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính có thể xảy ra sau khi điều trị viêm tuyến tiền liệt cấp tính hoặc nhiễm trùng đường tiểu.
Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn có thể bao gồm:
+ Đi tiểu nhiều lần
+ Bí tiểu
+ Cảm giác nóng hoặc rát khi đi tiểu
+ Đau ở vùng sinh dục, háng, bụng dưới hoặc lưng dưới
+ Đau khi xuất tinh
+ Tiểu đêm
+ Dòng nước tiểu yếu hoặc gián đoạn
+ Tắt nghẽn đường tiết niệu
+ Nhiễm trùng đường tiểu.
Các triệu chứng chính của viêm tuyến tiền liệt mãn tính/ hội chứng đau vùng chậu mãn tính có thể bao gồm đau và khó chịu kéo dài trên 3 tháng ở một hoặc nhiều khu vực sau:
+ Giữa bìu và hậu môn
+ Bụng dưới
+ Dương vật
+ Bìu
+ Lưng dưới
Đau trong hoặc sau khi xuất tinh là một trong những triệu chứng phổ biến khác. Một người bị viêm tuyến tiền liệt mãn tính/ hội chứng đau vùng chậu mãn tính có thể bị đau lan ra xung quanh vùng xương chậu hoặc có thể bị đau ở một hoặc nhiều khu vực cùng lúc. Cơn đau có thể đến và đi, xuất hiện đột ngột hoặc từ từ. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
+ Đau ở niệu đạo trong hoặc sau khi đi tiểu
+ Đau ở dương vật trong và sau khi đi tiểu
+ Đi tiểu nhiều lần (hơn 8 lần/ngày). Bàng quang lúc này co lại ngay cả khi nó chứa một lượng nhỏ nước tiểu, khiến việc đi tiểu thường xuyên hơn.
+ Tiểu gấp, không có khả năng trì hoãn việc đi tiểu
+ Dòng nước tiểu yếu hoặc gián đoạn.
Các biến chứng của viêm tuyến tiền liệt có thể bao gồm:
+ Nhiễm khuẩn huyết
+ Áp xe tuyến tiền liệt
+ Rối loạn chức năng tình dục
+ Viêm cơ quan sinh sản gần tuyến tiền liệt
Một người có thể có các triệu chứng bệnh lý về đường tiết niệu không liên quan đến viêm tuyến tiền liệt gây ra bởi các vấn đề về bàng quang, nhiễm trùng đường tiểu hoặc tăng sản tuyến tiền liệt lành tính. Các triệu chứng viêm tuyến tiền liệt cũng có thể báo hiệu các tình trạng nghiêm trọng hơn, bao gồm ung thư tuyến tiền liệt.
Nam giới có triệu chứng viêm tuyến tiền liệt nên đến gặp bác sỹ.
Bệnh nhân có các triệu chứng sau đây nên đến gặp bác sỹ ngay lập tức:
+ Hoàn toàn không có khả năng đi tiểu
+ Đau, đi tiểu gấp và thường xuyên
+ Sốt và ớn lạnh
+ Có máu trong nước tiểu
+ Rất khó chịu hoặc đau bụng dưới và đường tiết niệu
Các chuyên gia y tế thường chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt bằng các biện pháp sau:
- Tiền sử bệnh án cá nhân và gia đình
- Triệu chứng và thăm khám lâm sàng của bác sỹ
Có thể kiểm tra dịch tiết ra từ niệu đạo, hạch to hoặc mềm ở háng, bìu sưng to hoặc mềm. Ngoài ra, còn có thể kiểm tra trực tràng kỹ thuật số để kiểm tra các bất thường ở tuyến tiền liệt. Kiểm tra trực tràng thường được thực hiện ở nam giới trên 40 tuổi dù họ có vấn đề về đường tiết niệu hay không.
+ Xét nghiệm nước tiểu: các thành phần sinh hóa, tế bào, vi khuẩn; nuôi cấy nước tiểu phân lập vi khuẩn gây bệnh
+ Xét nghiệm máu: công thức bạch cầu, PSA. Nhiều trường hợp PSA tăng cao do viêm tuyến tiền liệt
+ Nội soi bàng quang
+ Siêu âm tuyến tiền liệt qua ngả trực tràng
+ Chụp cắt lớp điện toán vùng chậu hoặc chụp cộng hưởng từ vùng chậu, đánh giá tuyến tiền liệt
+ Phân tích tinh dịch.
Phương pháp điều trị tùy thuộc vào loại viêm tuyến tiền liệt
Đối với viêm tuyến tiền liệt cấp tính, bác sĩ thường điều trị bằng kháng sinh. Loại kháng sinh được kê đơn tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Thông thường kháng sinh được uống từ 2 - 4 tuần, tuy nhiên, nhiễm trùng có thể tái phát, do đó bác sỹ thường khuyên dùng kháng sinh từ 4 - 6 tuần.
Các trường hợp nghiêm trọng của viêm tuyến tiền liệt cấp tính, bệnh nhân có thể phải nằm viện để truyền dịch và kháng sinh theo đường tĩnh mạch. Sau đó, có thể dùng kháng sinh đường uống trong 2 - 4 tuần.
Hầu hết các trường hợp viêm tuyến tiền liệt cấp tính có thể khỏi hoàn toàn nhờ uống thuốc và thay đổi chế độ ăn uống hợp lý.
Đối với viêm tuyến tiền liệt mạn tính, bác sĩ cũng điều trị bằng kháng sinh, nhưng việc điều trị cần một thời gian dài hơn. Bác sỹ có thể kê kháng sinh liều thấp trong vòng 6 tháng để ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát. Có thể kê một loại kháng sinh khác hoặc dùng kết hợp kháng sinh nếu nhiễm trùng tái phát. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng phải thay đổi chế độ ăn uống cho hợp lý.
Bác sỹ có thể kê thêm thuốc chẹn alpha để điều trị chứng bí tiểu do viêm tuyến tiền liệt mạn tính. Những loại thuốc này làm thư giãn cơ bàng quang và làm giảm các triệu chứng đi tiểu đau rát.
Bác sỹ có thể yêu cầu phẫu thuật để điều trị bí tiểu do viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn. Phẫu thuật mô sẹo ở niệu đạo thường giúp cải thiện lưu lượng nước tiểu và giảm tình trạng bí tiểu.
Trong trường hợp này, điều trị nhằm mục đích giảm đau, khó chịu và viêm. Các triệu chứng tồn tại và không có phương pháp điều trị nào thực sự có hiệu quả.
Mặc dù kháng sinh sẽ không giúp điều trị viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn, nhưng bác sỹ vẫn thường kê đơn ban đầu cho các bệnh nhân này, để loại trừ các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.
Bác sỹ có thể kê toa các loại thuốc giúp giảm đau, kháng viêm và làm giảm triệu chứng khó chịu cho các đối tượng bệnh nhân này.
Bên cạnh đó, có thể dùng một số biện pháp bổ trợ như tắm nước ấm, xoa bóp massage tuyến tiền liệt giúp giảm sung huyết, tập thể dục nằm duỗi thẳng, thư giãn cơ mu dưới...
Tâm lý căng thẳng cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt mãn tính. Do đó, giữ tinh thần luôn thoải mái, giảm căng thẳng cũng là một biện pháp làm giảm triệu chứng bệnh.
Những thay đổi trong lối sống và các biện pháp khắc phục sau đây có thể phòng ngừa và làm giảm một số triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt:
+ Tắm nước ấm
+ Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục hàng ngày, đặc biệt trước và sau quan hệ tình dục.
+ Uống nhiều nước (2-4 lít/ngày), không nhịn tiểu khi mót tiểu.
+ Không ăn thức ăn cay, nóng, hạn chế rượu, bia, thuốc lá và chất kích thích. Ăn nhiều rau xanh và trái cây.
+ Không ngồi lâu, nên ngồi trên đệm lót để giảm áp lực lên tuyến tiền liệt.
+ Thực hiện các biện pháp bảo hộ khi đạp xe thời gian dài để giảm áp lực lên tuyến tiền liệt.
+ Khi bị viêm tuyến tiền liệt nên uống nhiều nước và đi lại vận động nhiều.
Viêm tuyến tiền liệt là một bệnh lý khá phổ biến ở nam giới, gây khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, viêm tuyến tiền liệt là một căn bệnh không nguy hiểm nếu phát hiện sớm và chữa trị kịp thời. Do đó, nam giới nên thực hiện lối sống lành mạnh để hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến tiền liệt và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tham khảo: https://www.niddk.nih.gov/health-information/urologic-diseases/prostate-problems/prostatitis-inflammation-prostate