Nước tiểu màu nâu đen cảnh báo bệnh gì?

Nước tiểu màu nâu đen cảnh báo bệnh gì?
Nước tiểu bình thường sẽ có màu vàng nhạt hoặc hổ phách. Tuy nhiên, nếu xuất hiện tình trạng nước tiểu màu nâu đen hoặc sẫm màu kéo dài, kèm theo triệu chứng bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý.

Nước tiểu bình thường sẽ có màu vàng nhạt hoặc đôi khi là màu hổ phách, tùy thuộc vào hoạt động của hệ tiết niệu. Tuy nhiên, không ít những trường hợp xuất hiện tình trạng nước tiểu sẫm màu, có màu nâu đen. Tình trạng nước tiểu màu nâu đen kéo dài đi kèm với một số triệu chứng bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý bên trong.

1. Nguyên nhân nước tiểu có màu nâu đen

Nước tiểu thực chất là chất thải của hệ tiết niệu. Khi con người ăn uống và tiêu thụ các loại thực phẩm sẽ thải ra nước tiểu. Chúng sẽ được lưu trữ ở bàng quang, sau đó thải trực tiếp ra ngoài thông qua hệ bài tiết.

Ở một người khỏe mạnh, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt đến màu hổ phách. Nước tiểu vào buổi sáng sớm sẽ thường có màu đậm hơn so với thường ngày. Tuy nhiên, nếu xuất hiện tình trạng nước tiểu có màu nâu đen thì có thể là do những nguyên nhân sau:

1.1. Cơ thể thiếu nước

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất khiến nước tiểu bị sẫm màu hoặc có màu nâu đen. Bởi khi không cung cấp đủ nước, lượng nước không đủ để hòa tan với nồng độ các chất thải khiến màu sắc của nước tiểu trở nên đậm hơn.

Ngoài ra, việc không bổ sung đủ ít nhất 1.5 - 2l nước mỗi ngày cũng sẽ khiến cơ thể mất nước, thiếu nước đi kèm với một số triệu chứng như: khát nước, mệt mỏi, táo bón, khô miệng, khó nuốt thức ăn, chóng mặt, huyết áp không ổn định.

Nước tiểu màu nâu đen cảnh báo bệnh gì? - Ảnh 2.

Uống ít nước có thể dẫn tới tình trạng nước tiểu có màu nâu đen (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Đi ra nước tiểu màu xanh là bệnh gì?

Nước tiểu có mùi lạ: Cẩn thận mắc phải 4 căn bệnh sau

1.2. Nước tiểu màu nâu đen do chế độ ăn uống

Màu sắc nước tiểu cũng được quyết định phần lớn bởi những loại thực phẩm mà cơ thể nạp vào. Bởi vậy, nếu nước tiểu màu nâu đen thì có thể là do bạn đã sử dụng các loại thực phẩm như:

- Đậu tằm (đậu răng ngựa): Chứa nhiều L – dopa khiến nước tiểu có màu nâu đen. Củ dền cũng là loại thực phẩm làm đổi màu nước tiểu.

- Sử dụng cây đại hoàng: Khi sử dụng một lượng nhỏ thì nước tiểu sẽ có màu cam. Ngược lại, sử dụng với một lượng lớn nước tiểu sẽ có màu đen hoặc nâu sẫm.

- Sorbitol: Là một loại đường đơn có nhiều trong đào, lê, táo, mận, quả mâm xôi. Đây cũng là chất dùng để tạo ngọt cho các loại kẹo, kem hoặc đồ uống.

- Lạm dụng lô hội cũng khiến nước tiểu chuyển màu nâu đen và ảnh hưởng đến thận.

Nước tiểu màu nâu đen cảnh báo bệnh gì? - Ảnh 3.

Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng đến màu của nước tiểu (Ảnh: Internet)

1.3. Sử dụng thuốc

Hiện tượng đi tiểu ra màu nâu đen có thể là do sử dụng một số loại thuốc, điển hình như:

- Thuốc sát khuẩn i-ốt Povidine.

- Thuốc nhuận tràng chứa Senna và Cascara.

- Thuốc trị sốt rét, viêm khớp và lupus có chứa Chloroquine.

- Một số loại thuốc khác như: Primaquine, Furazolidone, Metronidazole, Nitrofurantoin hay Methyldopa.

Đặc biệt, nếu tình trạng đi tiểu mà nước tiểu màu nâu đen diễn ra trong thời gian dài, kèm theo một số dấu hiệu như: Tiểu đau, tiểu buốt, tiểu rắt, bị tiểu, tiểu ra màu thì có thể là do bệnh lý gây nên.

2. Nước tiểu màu nâu đen cảnh bảo bệnh lý gì?

Nước tiểu có màu bất thường, cụ thể là ngả từ vàng nhạt sang màu nâu đen hoặc sẫm màu có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý sau đây:

2.1. Viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu còn được gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu. Thực chất đây là hiện tượng hệ tiết niệu bị tổn thương do các loại vi khuẩn gây hại xâm nhập. Triệu chứng ban đầu của bệnh này thường là nước tiểu sẫm màu hoặc có màu nâu đen. Ngoài ra còn có thể xuất hiện những biểu hiện như:

- Có cảm giác đau rát hoặc buốt mỗi khi đi tiểu.

- Tần suất đi tiểu tăng thêm, xuất hiện tình trạng tiểu són.

Nước tiểu màu nâu đen cảnh báo bệnh gì? - Ảnh 4.

Triệu chứng của viêm đường tiết niệu là nước tiểu sẫm màu hoặc có màu nâu đen (Ảnh: Internet)

2.2. Nước tiểu màu nâu đen do viêm gan C

Viêm gan C là loại bệnh lý xảy ra do sự xâm nhập của virus gây nhiễm trùng gan. Các triệu chứng của bệnh này khá mờ nhạt ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu xuất hiện tình trạng nước tiểu màu nâu đen hay sậm màu thì có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm gan.

Khi mắc bệnh này, chức năng xử lý chất thải của gan bị giảm đi. Bên cạnh đó còn xuất hiện một số triệu chứng như: Sốt cao, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, đau bụng, đau cơ. Đặc biệt là tình trạng ngứa, vàng da hoặc vàng mắt.

2.3. Bệnh thận

Khi thận hoạt động tốt, các chức năng trong cơ thể bình thường thì nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt. Tuy nhiên, nếu nước tiểu màu nâu đen hoặc chuyển qua sẫm màu thì có thể là dấu hiệu của các bệnh lý liên quan đến thận như nhiễm trùng thận, viêm bàng quang, ung thư thận,... 

Nếu thận là nguyên nhân gây nước tiểu màu nâu thì có thể kèm theo một số dấu hiệu như: Sưng phù ở nhiều vị trí trên cơ thể, cảm thấy mệt mỏi, ít đi tiểu hoặc lượng nước tiểu mỗi lần quá ít.

2.4. Bệnh sỏi đường tiết niệu

Nước tiểu màu nâu đen hoặc thậm chí có lẫn cả máu là dấu hiệu của bệnh sỏi bàng quang, sỏi thận xảy ra trong đường tiết niệu. Người bệnh sẽ xuất hiện thêm một số triệu chứng như: tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu ra máu, bí tiểu,...

Bên cạnh đó, nước tiểu có màu sẫm cũng là một trong các dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh ung thư đường tiết niệu nên các bạn cần lưu ý và thăm khám sớm.

Nước tiểu màu nâu đen cảnh báo bệnh gì? - Ảnh 5.

Sỏi đường tiết niệu có thể dẫn tới tình trạng nước tiểu có màu nâu đen (Ảnh: Internet)

2.5. Nước tiểu màu nâu đen do thiếu máu tán huyết

Có một dạng thiếu máu gọi là thiếu máu tán huyết sẽ phá hủy các tế bào hồng cầu khiến nước tiểu chuyển sang màu nâu hoặc nâu đen. Ngoài ra, người bệnh có thể còn gặp các triệu chứng như: Da nhợt nhạt, vàng da, vàng mắt, sốt cao, mệt mỏi, tim đập nhanh hơn…

2.6. Bệnh tuyến tiền liệt

Với nam giới, ngoài những bệnh lý trên thì khi đi tiểu có màu nâu đen còn có thể là do mắc phải bệnh u xơ, viêm tuyến tiền liệt hoặc ung thư tiền liệt tuyến.

3. Cách khắc phục tình trạng nước tiểu màu nâu đen

Việc điều trị tình trạng nước tiểu màu có màu nâu đen sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân gây bệnh. Với màu nước tiểu thay đổi do thực phẩm hoặc do sử dụng thuốc thì không cần quá lo lắng. Bởi hiện tượng này sẽ chấm dứt nếu bạn ngừng sử dụng thuốc cũng như các loại thực phẩm đã được nêu ở trên.

Với những nguyên nhân khác, cách tốt nhất là đến thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán, tư vấn cũng như đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Đặc biệt, với các trường hợp nước tiểu màu nâu kèm theo các triệu chứng như: Tiểu ra máu, tiểu rát hoặc vàng da, mệt mỏi, chóng mặt… không nên tự ý chẩn đoán và uống thuốc mà không được tư vấn, kê đơn. 

Nước tiểu màu nâu đen cảnh báo bệnh gì? - Ảnh 6.

Nếu xuất hiện tình trạng nước tiểu có màu bất thường nên đến bệnh viện thăm khám sớm (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, bạn có thể phòng ngừa tình trạng nước tiểu sẫm màu, có màu nâu đen bằng cách:

- Bổ sung đầy đủ ít nhất từ 2 đến 2.5l nước mỗi ngày cho cơ thể.

- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

- Khám định kỳ 3 - 6 tháng/lần.

Có thể nói, nước tiểu màu nâu đen phản ánh tình trạng sức khỏe và là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là viêm gan, thận hay nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì vậy, nếu có những triệu chứng bất thường đi kèm với tình trạng nước tiểu màu nâu đen, nên đi thăm khám sớm để có hướng điều trị phù hợp. 


Tác giả: Quỳnh Hương