Những điều cần biết về bệnh khuyết tật giọng nói

Những điều cần biết về bệnh khuyết tật giọng nói
Bệnh câm (khuyết tật giọng nói) là tình trạng không nói được trong mọi trường hợp hoặc trong một số tình huống nhất định, có thể do bẩm sinh, rối loạn ngôn ngữ hay chấn động tâm lý. Trong một số trường hợp bệnh câm nếu phát hiện sớm và điều trị thích hợp, bệnh nhân có thể nói chuyện lại bình thường.

1. Bệnh câm là gì?

Câm là tình trạng không nói được trong mọi trường hợp hoặc trong một số tình huống nhất định, có thể do bẩm sinh, rối loạn ngôn ngữ hay chấn động tâm lý. Hầu hết, những người bị điếc đều bị câm. Trong một số trường hợp bệnh câm nếu phát hiện sớm và điều trị thích hợp, bệnh nhân có thể nói chuyện lại bình thường.

Câm điếc bẩm sinh là trạng thái trẻ mới sinh không thể nghe nói được, có thể do yếu tố di truyền hoặc mắc phải do nguyên nhân từ mẹ trong quá trình mang thai. Câm thường là do hậu quả của chứng điếc sớm. Trẻ ngay từ khi sinh ra đã bị điếc, do đó không tiếp nhận được các tín hiệu âm thanh nên không biết nói và bị câm.

2. Nguyên nhân gây bệnh câm

2.1 Yếu tố di truyền

Bệnh câm có yếu tố di truyền, tuy nhiên, cần chú ý rằng, không phải bệnh câm điếc bẩm sinh nào cũng di truyền. Bố hoặc mẹ mắc chứng câm điếc bẩm sinh, con sinh ra vẫn có thể khỏe mạnh bình thường như những đứa trẻ khác. Bệnh câm điếc bẩm sinh còn phụ thuộc vào đặc điểm di truyền bệnh (yếu tố gen trội/ gen lặn, đồng hợp tử/ dị hợp tử)

2.2 Do bị điếc bẩm sinh

Nguyên nhân câm bẩm sinh chủ yếu do hậu quả của điếc bẩm sinh. Trẻ khi mới sinh ra bị điếc, do đó không thể tiếp nhận được các tín hiệu âm thanh nên trẻ không thể nói và dẫn đến câm, gây nên chứng câm điếc bẩm sinh.

Người mẹ trong quá trình mang thai mắc phải các bệnh lây nhiễm như lậu, giang mai..., hay trong ba tháng đầu thai kỳ bị nhiễm virus rubella hay 1 số virus khác, trẻ sinh ra có thể bị điếc bẩm sinh. Ngoài ra, trẻ bị sinh non, sinh khó, ngạt thở... cũng có thể gây điếc. Và điếc bẩm sinh là nguyên nhân dẫn đến câm.

2.3 Do chấn thương tâm lý

Khi gặp một vấn đề nghiêm trọng gây sốc, chấn thương tâm lý có thể làm mất khả năng ngôn ngữ, được gọi là chứng câm do chấn thương. Ví dụ, khi chứng kiến một tai nạn thảm khốc, hay chứng kiến người thân qua đời, vì quá sốc hay tổn thương sâu sắc khiến người đó không nói được. Nếu không hiểu rõ nguyên nhân và chữa trị kịp thời có thể gây câm vĩnh viễn.

2.4 Do chứng rối loạn lo âu (câm có chọn lọc)

Một số trẻ gặp phải chứng rối loạn lo âu và lo sợ xã hội, có thể tiến triển thành bệnh câm có chọn lọc, tức là trẻ sẽ không có khả năng nói và giao tiếp có hiệu quả trong một số môi trường nhất định như trường học hay nơi đông người.

2.5 Một bộ phận của cơ thể bị tổn thương

Khi một bộ phận nào đó trong cơ thể bị tổn thương như lưỡi, họng, dây thanh âm... có thể gây mất khả năng nói, dẫn đến câm.

2.6 Nguyên nhân khác

Chứng câm còn có thể do chấn thương vùng broca ( vùng có liên quan đến sản xuất ngôn ngữ) gây nên hội chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia).

3. Triệu chứng

3.1 Triệu chứng của bệnh câm bẩm sinh

Triệu chứng của câm bẩm sinh có liên quan mật thiết đến điếc bẩm sinh. Dưới đây là một số biểu hiện của triệu chứng:

+ Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi: không khóc, giật mình hay phản ứng với những tiếng động lớn bất ngờ.

+ Trẻ từ 3 - 9 tháng tuổi: không phân biệt tiếng nói, không xác định được hướng âm thanh, không phản ứng lại khi những lời nói của bố mẹ

+ Trẻ từ 9 - 12 tuổi: trẻ hầu như không phản ứng hay bập bẹ tập nói như những đứa trẻ bình thường khác.

câm

Điếc bẩm sinh là nguyên nhân gây câm (Ảnh: Interet)

3.2 Triệu chứng của câm do chấn thương tâm lý

Câm đột ngột, biểu hiện buồn bã, rầu rĩ, sợ hãi, một số người tự nhốt mình trong phòng. Nếu tìm hiểu, xâu chuỗi các sự kiện sẽ phát hiện được nguyên nhân do chấn thương tâm lý.

3.3 Triệu chứng của câm có chọn lọc

+ Không thoải mái khi đến môi trường xa lạ, đám đông không quen biết. Không thể nói được trong một số trường hợp cụ thể (như khi bị bắt giới thiệu trước đám đông, phát biểu trong lớp học)

+ Trẻ biểu lộ sự nhút nhát quá mức và thường xuyên cảm thấy lo lắng,

+ Cứng đờ người khi có người lạ hỏi đến mình

+ Không thể giao tiếp bằng mắt, không thể nhìn vào mắt người đối diện

+ Mặt trở nên căng thẳng và trống rỗng, không cảm xúc, rất ít khi mỉm cười, thường xuyên nhìn lơ đãng

+ Cử chỉ vụng về, không linh hoạt

+ Phản ứng một cách chậm chạp trước yêu cầu hay câu hỏi của người khác.

+ Thường xuyên tách riêng, chơi một mình, không nói chuyện ở trường học...

4. Các đối tượng nguy cơ

+ Trẻ có bố mẹ hoặc người thân mắc bệnh câm điếc bẩm sinh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn

+ Trẻ sinh non, bị ngạt thở khi sinh, trẻ có mẹ khi mang thai mắc các bệnh truyền nhiễm

+ Người gặp cú sốc tâm lý, tổn thương tinh thần sâu sắc

+ Người bị rối loạn lo âu,lo sợ xã hội...

5. Các biện pháp chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh câm chủ yếu dựa trên các biểu hiện lâm sàng của bệnh mà không cần đến các xét nghiệm lâm sàng.

6. Cách phòng ngừa bệnh câm

+ Phụ nữ trước khi có thai nên tiêm phòng đầy đủ các vắc xin phòng bệnh như quai bị, rubella, nên phòng tránh, điều trị triệt để các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai...Người mẹ có thai nên tránh thuốc lá, cho thai nhi nghe nhạc tần số cao...Đây là cách phòng ngừa bệnh điếc bẩm sinh, cũng là phòng ngừa chứng câm cho trẻ.

+ Khám sàng lọc thính lực cho trẻ để đảm bảo rằng chúng không mắc các bệnh về thính giác.

câm

Bố mẹ nên khám sàng lọc thính lực cho trẻ mới sinh (Ảnh: Internet)

+ Gia đình có người thân bị bệnh câm điếc bẩm sinh, để chắc chắn con mình không mắc căn bệnh này, tốt nhất nên khám thính giác định kỳ cho trẻ. Ngoài ra nếu lo lắng, bố mẹ có thể thực hiện xét nghiệm một số gene phổ biến gây mất thính giác di truyền (điếc bẩm sinh) ở các trung tâm xét nghiệm di truyền.

+ Như đã nói ở trên, hầu như các trường hợp câm bẩm sinh là do hậu quả của điếc không được phát hiện và chữa trị sớm. Vì thế, những nghiên cứu gần đây cho thấy, việc phát hiện sớm điếc bẩm sinh, đặc biệt trong 6 tháng đầu sau sinh và điều trị sớm có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và nói chuyện bình thường như những đứa trẻ khác.

Khi chẩn đoán trẻ có vấn đề về thính giác như nghe kém hay điếc, nên được can thiệp sớm trước 6 tháng bằng cách đeo máy trợ thính, cấy ốc tai điện tử hay dùng các thiết bị hỗ trợ. Khi đó, việc học nghe học nói của trẻ sẽ phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, việc can thiệp nên diễn ra càng sớm càng tốt, bởi vì, trong não có một vùng thần kinh điều khiển việc nghe - nói, nếu vùng đó không được kích thích trong 2 - 3 năm đầu của trẻ thì sẽ bị thoái hóa. Sau thời gian này, dù trẻ có được điều trị điếc bằng các thiết bị thích hợp giúp trẻ nghe bình thường thì khả năng nói của trẻ cũng không phát triển.

7. Điều trị bệnh câm

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách là cách tốt nhất để điều trị chứng câm.

7.1. Với chứng câm điếc bẩm sinh

+ Đối với những trẻ điếc bẩm sinh cấy ốc tai điện tử hay dùng các thiết bị trợ thính có thể có hiệu quả.

+ Đọc môi và ngôn ngữ ký hiệu: Đối với những trẻ bị câm điếc bẩm sinh, nếu không có biện pháp điều trị thay thế, việc dạy cho trẻ cách đọc môi và ngôn ngữ ký hiệu là điều rất cần thiết để giúp trẻ có thể giao tiếp được. Điều này rất cần sự tận tình và kiên nhẫn từ bố mẹ và người thân, giúp trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng.

7.2 Với chứng câm do chấn thương tâm lý

Đây là tình trạng tạm thời và vẫn có thể hồi phục. Tuy nhiên, thời gian bình phục nhanh hay chậm là tùy thuộc vào bản thân người bệnh. Người bị câm do chấn thương tâm lý được khuyên nên đến gặp bác sỹ tâm lý để tư vấn, để tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh, người nhà và bác sỹ cần kiên nhẫn trong việc điều trị cho bệnh nhân. Cách tốt nhất nên để bệnh nhân tự vượt qua chấn thương và từ từ bình phục.

7.3 Chứng câm có chọn lọc hay câm do chứng rối loạn lo âu

+ Liệu pháp hành vi: là một các hiệu quả để điều trị chứng câm có chọn lọc. Việc điều trị dựa trên việc tìm hiểu hành vi của trẻ và nguyên nhân khiến chúng lo lắng. Trẻ sẽ được tập luyện tiếp xúc với môi trường ít người để giúp chúng luyện nói, sau đó tăng dần số người lên. Bằng cách này giúp trẻ giảm lo lắng và thấy thoải mái hơn.

+ Liệu pháp hành vi nhận thức: Bác sĩ tâm lý sẽ giúp trẻ sửa đổi nhận thức, thoát khỏi những suy nghĩ, lo lắng tiêu cực, tạo cho trẻ có động lực, suy nghĩ tích cực. Nói chung, những đứa trẻ mắc chứng câm có chọn lọc thường có biểu hiện sợ hãi, cứng đờ người khi phải đối mặt với người lạ hay nghe được một số âm thanh, tiếng nói nào đó. Liệu pháp này thường làm tăng sự tự tin, nhấn mạnh các giá trị tích cực và giảm sự lo lắng cho trẻ.

+ Sự tham gia của cha mẹ: Cha mẹ nên hiểu về bệnh tình của con mình và tham gia vào việc trị liệu cho trẻ. Việc điều trị rất cần sự kiên nhẫn và đồng cảm. Nếu trẻ không muốn làm, tốt nhất đừng bắt ép chúng. Sự cưỡng ép càng làm cho chúng thấy lo lắng và căng thẳng hơn. Nên tâm sự cùng trẻ, khơi gợi cho trẻ nói về những nỗi sợ hãi mà chúng phải trải qua.

khac-phuc-chung-im-lang-co-chon-loc-o-tre-nho-e1535881209671

Cha mẹ cần kiên nhẫn khi điều trị chứng câm có chọn lọc ở trẻ (Ảnh: Internet)

+ Thuốc: Trong một số trường hợp, những liệu pháp trên không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc để hỗ trợ giúp làm giảm bớt sự lo âu, căng thẳng cho trẻ.


Tác giả: Thư Trinh