Ngay từ những ngày đầu mới sinh bạn đã có thể phát hiện được trẻ có bị chứng câm điếc hay không qua phép thử của các bác sĩ chuyên khoa. Để xác định trẻ có bị bệnh câm điếc bẩm sinh hay không bác sĩ sẽ đặt bé trong một phòng cách âm, khá yên tĩnh. Sau đó tiến hành đo âm ốc tai trong khi bé đang ngủ. Quá trình sau đó sẽ tiến hành test các phản ứng của trẻ với âm thanh khi bé đang nằm chơi hoặc vừa mới ngủ.
Bạn thử tạo ra một tiếng động nào đó gần bé như tiếng trống, tiếng vỗ tay nhẹ… nếu như trẻ có phản ứng giật mình, nhíu mày, chân tay cựa quậy, tìm về hướng có âm thanh… thì có nghĩa là trẻ có phản ứng với âm thanh, thính giác của bé không có vấn đề gì. Như vậy thì trẻ chậm nói, trẻ mắc bệnh câm nguyên nhân không phải do điếc.
Ngay từ những ngày đầu mới sinh trẻ cần được khám sàng lọc thính lực (Ảnh: Internet)
Thực tế thì có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị chậm nói, trẻ bị bệnh câm, hay kém phát triển ngôn ngữ như: thính giác kém, trẻ chậm phát triển trí tuệ, phản ứng chậm, do tâm lý của trẻ hay do bộ máy phát âm bị tổn thương…
Trong các nguyên nhân trẻ bị chậm nói nêu trên thì nguyên nhân thính giác kém khó phát hiện hơn các nguyên nhân khác do trẻ vẫn có phản ứng với âm thanh và khóc cười bình thường nên cha mẹ thường cho là bé mải chơi, khi đến tuổi nói rồi mà không thấy trẻ nói được thì lúc này mới đưa trẻ đi khám và phát hiện bệnh câm.
Trường hợp trẻ chậm nói có thể chia làm 2 trường hợp:
- Trẻ hiểu được lời nói của bố mẹ: khi bạn hỏi trẻ mắt, mũi, tai hay các bộ phận trên cơ thể mà bé biết và chỉ đúng thì đó chỉ là chậm nói đơn thuần. Trường hợp này nếu trẻ được hỗ trợ, quan tâm thì hiện tượng chậm nói sẽ được đẩy lùi và phát triển như bình thường.
- Trường hợp còn lại trẻ chậm nói và chậm diễn đạt, không cảm thụ được ngôn ngữ thì cần tới sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa khám xét về thính giác hay chỉ số IQ để tìm ra nguyên nhân bệnh câm.
Bệnh câm điếc bẩm sinh cần được can thiệp sớm để trẻ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng (Ảnh: Internet)
Tùy thuộc vào tình trạng và thời gian trẻ chậm nói mà ngôn ngữ của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hoặc ít. Những trẻ bị bệnh câm do bị ảnh hưởng từ quá trình mang thai hay câm do tác động từ bên ngoài trong quá trình mới sinh đến tuổi bập bẹ nói thì rất khó có thể tự nói được mà cần sự can thiệp của y khoa như phẫu thuật, uống thuốc hay đeo máy trợ thính, luyện tập phục hồi chức năng ngôn ngữ, giáo dục đặc biệt.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bố mẹ chủ quan vô tình ảnh hưởng tới quá trình điều trị của trẻ. Thường bố mẹ có trẻ bị điếc, bị bệnh câm thường nghi ngờ không nắm rõ con có bị bệnh không mà lại chần chừ trong việc đến cơ sở y tế khám chữa, không cho trẻ đeo trợ thính khiến cơ hội phát triển ngôn ngữ của trẻ bị tước đi.
Ngoài ra nếu gặp phải trường hợp trẻ bị bệnh câm, điếc bố mẹ cần tích cực dạy trẻ tập nói để trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với ngôn ngữ. Dạy trẻ bằng nhiều hình thức khác nhau như đưa đồ gì cho trẻ cần hỏi để trẻ nhận thức, dạy trẻ phát âm lại lời mình nói như thế sẽ cải thiện được tình trạng đáng kể. Nếu có thể nên tìm cho trẻ một giáo viên tại nhà có chuyên môn để luyện tập cho trẻ thường xuyên giúp trẻ nhanh phát triển và hòa nhập với các bạn cùng trang lứa.
Bệnh câm điếc gây ảnh hưởng lớn tới nhận thức và tương lai sau này của trẻ vì vậy cha mẹ không nên chủ quan, chú ý quan sát để phát hiện những bất thường sớm nhất có thể giúp trẻ phát triển toàn diện.