Nguy cơ bùng phát viêm loét đại tràng dịp lễ Tết và cách giảm đau nhanh

Nguy cơ bùng phát viêm loét đại tràng dịp lễ Tết và cách giảm đau nhanh
Bệnh viêm loét đại tràng có thể "bùng phát" vào dịp lễ Tết do nhiều nguyên nhân.

Bệnh viêm loét đại tràng là tình trạng bệnh tiêu hóa mãn tính xảy ra khi niêm mạc ruột già hay còn được gọi là đại tràng bị viêm, kích ứng và loét dẫn tới viêm ruột. Bệnh nhân bị viêm loét đại tràng thường có các triệu chứng sau: Tiêu chảy (bốn lần hoặc ít hơn mỗi ngày) và đau quặn bụng hoặc táo bón (cảm giác mót rặn nhưng không thể đi được), đôi khi tiêu chảy có thể kèm theo máu, mủ hoặc dịch nhầy; thiếu máu, mệt mỏi, da nhợt nhạt, chóng mặt, đau đầu; đau nhức khớp, thường ở lưng, hông và đầu gối; ngón tay khoèo.

1. Tại sao viêm loét đại tràng dễ "bùng phát" dịp lễ Tết?

Bệnh viêm loét đại tràng có thể "bùng phát" vào dịp lễ Tết do nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như:

- Ăn uống không đúng bữa, đảo lộn đồng hồ sinh học dẫn tới rối loạn hệ tiêu hóa và làm tăng nguy cơ viêm loét đại tràng tái phát.

- Uống rượu bia: Uống bia rượu, đặc biệt là uống quá mức có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng, tăng nguy cơ tái phát và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thuốc điều trị bệnh loét đại tràng đang sử dụng.

Nguy cơ bùng phát viêm loét đại tràng dịp lễ Tết và cách giảm đau nhanh - Ảnh 2.

Uống rượu bia quá mức có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

+ Bật mí 7 cách uống rượu không say, tuyệt chiêu cho dân nhậu

+ Uống bia rượu nhiều bị đi ngoài ra máu có nguy hiểm không?

- Chế độ ăn nhiều chất béo và đạm: Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và chất đạm dẫn tới khó tiêu, tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa và có thể khiến các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng hơn, kèm theo đó là nguy cơ bùng phát hoặc tăng nặng bị viêm loét đại tràng.

- Thức ăn thừa đun đi đun lại nhiều lần, ăn trong nhiều ngày: Lượng thực phẩm lớn chuẩn bị mỗi khi Tết đến khó có thể tiêu thụ hết trong 1 ngày, điều này dẫn tới việc bạn phải ăn đi ăn lại thức ăn cũ. Quá trình bảo quản, hâm nóng đồ ăn xoay vòng làm tăng nguy cơ thực phẩm bị nhiễm khuẩn, gây bệnh cho đường tiêu hóa như tiêu chảy, nôn mửa,.. tất cả đều khiến bệnh viêm loét đại tràng nghiêm trọng hơn.

Vì vậy việc chăm sóc sức khỏe, kiểm soát khi bị viêm loét đại tràng dịp lễ Tết rất quan trọng.

2. Cách kiểm soát cơn đau do viêm loét đại tràng

Theo NHS, viêm loét đại tràng không được kiểm soát đúng cách có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết, thủng đại tràng, hình thành huyết khối ở các mạch, giãn đại tràng cấp tính và ung thư đại tràng.

Khi viêm loét đại tràng bùng phát, cơn đau có thể có các mức độ khác nhau, tùy thuộc vào vị trí viêm. Thời gian kéo dài bệnh khi bùng phát có thể là vài ngày thậm chí vài tuần tới vài tháng. Thậm chí với người bị viêm loét đại tràng mức độ trùng bình tới nặng thường không thuyên giảm và trở thành cơn đau mãn tính. Thông thường là các cơn đau quặn thắt như thể bụng bị kẹp chặt hoặc cảm giác như bụng căng chướng lên.

Hình ảnh đại tràng bị viêm loét (Ảnh: ST)

Theo Healthline, có một số cách giảm đau do viêm loét đại tràng, mỗi một người bệnh có thể đáp ứng ở mức độ khác nhau với từng phương pháp. Điều quan trọng là nhận ra các bất thường kèm theo cơn đau để thăm khám bác sĩ sớm.

- Thuốc không kê đơn: Nếu đau đại tràng nhẹ, thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen có thể giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, khi bị viêm loét đại tràng, tốt nhất nên tránh dùng thuốc giảm đau loại không steroid (NSAID, gồm ibuprofen, aspirin, naproxen) do thuốc này được cho là có thể khiến các triệu chứng như tiêu chảy trở nên tệ hơn.

- Thuốc cầm tiêu chảy, chống loạn khuẩn và giảm nhu động ruột hoặc thuốc làm mềm phân, giảm tình trạng táo bón, mót rặn mà không đi được. Tuy nhiên, đừng dùng chúng nếu bạn đang bị sốt hoặc thấy có máu trong phân. Điều này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn.

- Thuốc chống viêm như cortisteroid chẳng hạn như prednisone và hydrocortisone để giảm tình trạng viêm tại đại tràng. Tùy vào mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc này trong thời gian ngắn rồi chuyển sang các loại thuốc khác, để tránh các tác dụng phụ tới sức khỏe.

- Thuốc kháng sinh chữa viêm đại tràng có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm trong đường ruột. Tuy nhiên thuốc cần dùng dưới chỉ dẫn của bác sĩ. Dùng kháng sinh kéo dài có thể khiến bệnh viêm đại tràng dễ tái phát hơn thậm chí lạm dụng thuốc có thể gây suy thận, suy gan, rối loạn hệ khuẩn đường ruột, ngộ độc,...

Nguy cơ bùng phát viêm loét đại tràng dịp lễ Tết và cách giảm đau nhanh - Ảnh 4.

Bù đủ nước rất quan trọng khi bị tiêu chảy do viêm loét đại tràng (Ảnh: ST)

- Uống đủ nước: Khi viêm loét đại tràng bùng phát, ruột già sẽ gặp khó khăn trong việc hấp thụ nước và muối dẫn tới tiêu chảy. Vòng luẩn quẩn này có thể gây mất nước nên việc bù đủ nước rất quan trọng. Nước có thể là nước lọc, đồ uống điện giải,... Nếu cảm thấy chóng mặt hoặc không đi tiểu trong 12 giờ, hãy khám bác sĩ ngay lập tức.

- Ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa: Một vài loại thực phẩm nhất định có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm loét đại tràng dẫn tới các cơn co thắt đau đớn và tiêu chảy kéo dài. Tốt nhất bệnh nhân bị viêm loét đại tràng bùng phát nên tránh các sản phẩm từ sữa có hàm lượng lactose cao; thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc mỡ động vật; thực phẩm chế biến sẵn; thực phẩm quá nhiều chất xơ; các loại rau họ cải gây đầy bụng (súp lơ, cải brussel), thức ăn cay, đồ uống có cồn và đồ uống chứa caffein.

Đồng thời thay thế bằng các thực phẩm dễ tiêu hóa hơn, không chứa dầu mỡ như cháo, súp và chế độ ăn ít chất xơ - ngay cả khi bệnh khiến bạn mất cảm giác thèm ăn nhưng cơ thể vẫn cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.

- Ăn các bữa nhỏ thường xuyên hơn thay vì chỉ ăn ba bữa lớn một ngày.

- Làm ấm vùng bụng bị đau: Giảm co thắt đại tràng bằng việc massage làm ấm bụng hoặc chườm nóng. Hơi nóng sẽ giúp thúc đẩy tăng lưu thông tuần hoàn máu ở bụng và dịu cơn đau do viêm loét đại tràng.

Nguy cơ bùng phát viêm loét đại tràng dịp lễ Tết và cách giảm đau nhanh - Ảnh 5.

Hơi nóng sẽ giúp thúc đẩy tăng lưu thông tuần hoàn máu ở bụng và dịu cơn đau do viêm loét đại tràng (Ảnh: ST)

- Bổ sung probiotics: Theo một đánh giá năm 2022 trên NCBI thì hai loại men vi sinh là Lactobacillus và Bifidobacterium thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị chứng viêm loét đại tràng bằng cách thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa. Một số loại thực phẩm có chứa lợi khuẩn tự nhiên nên ăn như sữa chua, kim chi, kombucha, bắp cải muối (Sauerkraut), nấm sữa kefir, giấm táo.

Như đã nói thì cơn đau do viêm loét đại tràng thường là cơn đau quặn vùng bụng. Nếu thăm khám bác sĩ, hãy cho bác sĩ biết về thời gian cơn đau kéo dài, cơn đau xảy ra trước ăn hay sau khi ăn, vùng nào ở bụng có cảm giác đau đớn nhất, cường độ và mật độ cơn đau ra sao, điều gì có vẻ là nguyên nhân gây đau quặn bụng hay điều gì giúp cơn co thắt này giảm nhẹ,... Điều này sẽ giúp bác sĩ hiểu cụ thể hơn về cơn đau của bạn và có các chỉ định phù hợp.

Không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm loét đại tràng nhưng có nhiều cách điều trị triệu chứng bệnh chẳng hạn như uống thuốc, phẫu thuật hoặc thử thay đổi chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh hơn để giảm các triệu chứng và giảm bùng phát bệnh.

Nguồn dịch tham khảo:

1. Managing Ulcerative Colitis Pain: How to Find Relief During a Flare-Up

2. What to Do When Ulcerative Colitis Flares

3. Ulcerative colitis

4. Natural remedies to help manage ulcerative colitis


Tác giả: Allen