Viêm loét đại tràng là gì? Từ A- Z về viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng là gì? Từ A- Z về viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng là gì? Đây là bệnh lý đường ruột xảy ra do tổn thương ở niêm mạc đại tràng với biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sốt, giảm cân không rõ lý do, một số biểu hiện của thiếu máu (lông tóc dễ gãy, da xanh xao, đau đầu,...), đau bụng, đại tiện với tần suất thường xuyên hơn,...

1. Viêm loét đại tràng là gì?

Đại tràng (ruột già) là phần cuối của ống tiêu hóa trước khi hoàn thành chu trình chuyển hóa thức ăn trong ống tiêu hóa và tống các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Phần đầu của đại tràng được gọi là manh tràng (nằm ở vùng hông phải), sau đó đi theo hình "chữ U ngược" theo vòm bụng để kết thúc ở trực tràng và liên tiếp sau đó là hậu môn, đại tràng của người bình thường dài 1,5 - 2m.

Chức năng chính của đại tràng đối với cơ thể là chứa phân và tái hấp thu nước và một số chất có chứa trong phân để cơ thể sử dụng.

Viêm loét đại tràng là bệnh lý đường ruột xảy ra ở đại tràng, tổn thương đặc trưng của bệnh là tình trạng viêm và loét tại niêm mạc đại tràng. Bệnh thường tiến triển từ từ hơn là diễn ra một cách đột ngột, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau cho cơ thể, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

ulcerative-colitis-s1

Viêm loét đai tràng là gì? (Ảnh: Internet)

2. Phân loại bệnh viêm loét đại tràng

Sự phân loại viêm loét đại tràng thường được dựa trên vị trí mà viêm loét đại tràng xuất hiện, hay sự diễn tiến của bệnh. Các loại viêm loét đại tràng bao gồm:

- Viêm loét trực tràng: Đây là phân loại bệnh khi sự viêm loét xảy ra tại trực tràng (phần đại tràng nối liền hậu môn) của người bệnh, là dạng viêm loét đại tràng có tiên lượng tốt nhất. Biểu hiện của bệnh thường khá nghèo nàn, đôi khi chỉ được biểu hiện bằng tình trạng đại tiện có máu.

- Viêm đại tràng sigma: Là tình trạng viêm loét xảy ra tại phần đại tràng phía trên liên tiếp với trực tràng của người bệnh (gọi là đại tràng sigma), triệu chứng khi viêm loét đại tràng sigma thường rầm rộ hơn so với viêm loét trực tràng, người bệnh có thể đau bụng, đại tiện có máu, có cảm giác mót rặn nhưng không thể đại tiện.

- Viêm loét đại tràng xuống: Viêm loét đại tràng xuống (là phần đại tràng nằm dọc theo thành bụng bên trái, liên tiếp với đại tràng sigma), thường biểu hiện bằng đại tiện kèm máu và giảm cân khó tìm thấy nguyên nhân.

- Viêm loét đại tràng toàn thể: Viêm loét đại tràng toàn thể là tên gọi dùng để chỉ tình trạng viêm loét xảy ra trên toàn bộ khung đại tràng của bệnh nhân. Dạng bệnh này thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, biểu hiện bằng tiêu chảy nặng, đau bụng, mệt mỏi, sụt cân.

- Viêm loét đại tràng cấp tính: Viêm loét đại tràng thường tiến triển từ từ và mãn tính, nhưng trong một số trường hợp nó có thể tiến triển nhanh chóng, đột ngột và cấp tính. Bệnh viêm loét đại tràng cấp tính thường nặng, ảnh hưởng toàn bộ khung đại tràng, gây các triệu chứng rầm rộ như đau bụng, đi cầu, xuất huyết tiêu hóa dưới, sốt,...

Untitled

Sự phân loại viêm loét đại tràng thường được dựa trên vị trí mà viêm loét đại tràng xuất hiện (Ảnh: Internet)

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân chính gây ra viêm loét đại tràng vẫn chưa được kết luận rõ ràng. Tuy nhiên có một số giả thiết cho thấy viêm loét đại tràng có thể xảy ra nếu bạn có các yếu tố nguy cơ dưới đây:

- Yếu tố miễn dịch: Bình thường hệ miễn dịch ở đại tràng có tác dụng bảo vệ đại tràng trước các yếu tố xâm nhập bất lợi như vi khuẩn, virus, tác nhân lạ,... Nhưng bởi vì một nguyên nhân nào đó khiến hệ miễn dịch tại đại tràng nhận diện nhầm các yếu tố vô hại thành yếu tố bất lợi gây kích thích khởi động quá trình miễn dịch có thể là khiến tình trạng viêm loét đại tràng xảy ra.

Nhưng trong một số trường hợp, mặc dù hệ miễn dịch được kích hoạt đúng để chống lại các yếu tố có hại, nhưng do sau khi tiêu diệt các yếu tố bất lợi này hệ miễn dịch không trở về quay trở về trạng thái lúc trước mà vẫn luôn trong trạng thái hoạt động. Vì đó cũng có thể gây nên viêm loét đại tràng

- Sự di truyền: Di truyền được cho là một trong các nguyên nhân có thể gây nên viêm đại tràng do sự bất thường ở một số gen nhất định. Một số thống kê cho thấy, hơn 25% bệnh nhân viêm loét đại tràng có người thân mắc bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa thể chỉ ra chính xác cơ chế tác động của di truyền đối với sự mắc bệnh của bệnh nhân.

- Môi trường: Một số yếu tố trong môi trường có thể liên quan đến bệnh kể đến như chế độ ăn uống nhiều chất béo, sử dụng thuốc men (thuốc giảm đau kháng viêm, thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh,...), căng thẳng,...

Người ta cũng nhận thấy rằng, bệnh viêm loét đại tràng có tỷ lệ mắc cao hơn ở những khu vực có trình độ phát triển cao như Tây Âu, Bắc Mỹ. Vì vậy người ta cho rằng sự khởi phát bệnh có liên quan đến việc giảm tiếp xúc với các loại vi khuẩn.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm loét đại tràng:

- Những người trong độ tuổi từ 15-30 tuổi hay những người lớn hơn 60 tuổi.

- Người có người thân trực hệ mắc bệnh (cha, mẹ, anh em ruột, chú bác ruột,...)

- Người Do Thái có tỷ lệ bệnh cao hơn so với các dân tộc khác.

4. Triệu chứng của viêm loét đại tràng

4.1. Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng của viêm loét đại tràng có thể biểu hiện khá đa dạng và thay đổi phụ thuộc vào phân loại bệnh mà bệnh nhân mắc phải là gì.

Các triệu chứng thường gặp của viêm loét đại tràng trên thực tế bao gồm mệt mỏi, chán ăn, sốt, giảm cân không rõ lý do, một số biểu hiện của thiếu máu (lông tóc dễ gãy, da xanh xao, đau đầu,...), đau bụng, đại tiện với tần suất thường xuyên hơn, đại tiện kèm theo máu (thường là máu màu đỏ tươi), hay xuất hiện chất nhầy bất thường tại hậu môn,...

Tuy nhiên bệnh cũng có thể biểu hiện bằng một số triệu chứng không điển hình và hiếm gặp hơn như biểu hiện đau nhức tại một số khớp, các bất thường tại mắt (kích ứng mắt) hoặc đôi khi người bệnh có thể có biểu hiện bằng phát ban ngoài da.

ulcerative-colitis-s2

Viêm loét đại tràng có thể gây ra các cơn đau bụng (Ảnh: Internet)

4.2. Triệu chứng cận lâm sàng của bệnh

Để có thể khẳng định chẩn đoán viêm loét đại tràng, các bác sĩ không chỉ cần dựa trên các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân mà còn cần dựa trên kết quả của một số xét nghiệm, cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán khác:

- Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm máu có thể giải đáp cho nhiều vấn đề khác nhau như bệnh nhân có thiếu máu hay không (hàm lượng Hemoglobin trong máu), có vấn đề nhiễm trùng đang diễn ra hay không (số lượng bạch cầu), hay hàm lượng protein máu,...

xet-nghiem-theo-doi-dieu-tri-ung-thu-mau

Xét nghiệm máu trong chẩn đoán viêm loét đại tràng (Ảnh: Internet)

- Xét nghiệm phân: Xét nghiệm phân sẽ có thể cho thấy sự xuất hiện của máu trong phân, vi khuẩn bất thường trong phân, hoặc nuôi cấy để phục vụ làm kháng sinh đồ.

- Nội soi: Bệnh nhân thường được nội soi bằng ống mềm đưa lên từ hậu môn. Các bác sĩ sẽ quan sát các hình ảnh bên trong đại tràng của bệnh nhân như hình ảnh viêm, loét hay các cấu trúc bất thường trong đại tràng như khối u, polyp,... Ngoài ra, trong khi nội soi bác sĩ cũng có thể sinh thiết một mẫu mô để làm xét nghiệm.

5. Biến chứng của viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng khi không được điều trị kịp thời có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau, tác động lên nhiều hệ cơ quan trong cơ thể, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Những biến chứng thường gặp trong viêm loét đại tràng:

- Xuất huyết đại tràng: Xuất huyết đại tràng là biến chứng thường xảy ra nhất khi bị viêm loét đại tràng. Sự xuất huyết trong viêm loét đại tràng thường diễn ra âm ỉ, liên tục qua các triệu chứng có máu theo phân khi đại tiện, lâu dần có thể dẫn đến thiếu máu mãn tính.

Nhưng nếu ổ loét ăn sâu vào các mạch máu lớn tại đại tràng, sự xuất huyết có thể diễn ra nhanh chóng, ồ ạt với lượng máu mất nhiều khiến bệnh nhân bị mất máu cấp. Không được cầm máu kịp thời trong trường hợp này có thể gây choáng hay thậm chí nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân. Nhưng chảy máu cấp thường ít gặp trong viêm loét đại tràng.

- Mất nước và một số chất: Do đại tràng có chức năng tái hấp thu nước và một số chất có chứa trong phân. Do đó, viêm loét đại tràng có thể làm giảm khả năng hấp thu, tái hấp thu của đại tràng khiến phân không được cô đặc gây mất nước cho bệnh nhân.

- Phình đại tràng (Megacolon): Là một biến chứng hiếm của viêm loét đại tràng, đặc trưng bởi sự phình giãn đại tràng do đại tràng mất các hoạt động bình thường (nhu động, co bóp). Phình đại tràng do viêm loét đại tràng là một tình trạng nặng, có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân và thường phải phẫu thuật để điều trị.

- Viêm thứ phát tại các cơ quan khác: Tình trạng viêm nhiễm ở đại tràng có thể khiến hệ miễn dịch hoạt động bất thường và gây nên tình trạng viêm thứ phát tại một số các cơ quan khác như khớp, mắt, da, gan,...

- Loãng xương: Loãng xương thường là hậu quả xảy ra do quá trình điều trị viêm loét đại tràng khi sử dụng corticoid kéo dài.

- Chậm phát triển: Viêm đại tràng gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa, chán ăn, hấp thu kém nên có thể gây nên tình trạng suy nhược cơ thể ở người mắc. Nếu bệnh nhân là trẻ em, sự giảm hấp thu các chất có thể dẫn đến chậm phát triển.

- Ung thư tiêu hóa: Viêm loét đại tràng diễn ra liên tục, khiến các mô liên tục bị tổn thương và sửa chữa, điều này có thể dẫn đến sự loạn sản ở các mô của đại tràng và gây nên ung thư đại tràng.

6. Điều trị viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng là một bệnh lý suốt đời, chưa có phương pháp nào có thể điều trị khỏi bệnh một cách hoàn toàn (ngoài trừ cắt bỏ toàn bộ đại tràng). Việc điều trị cho người bệnh chỉ nhằm mục đích làm chậm sự tiến triển của bệnh, kiểm soát và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh xảy ra, nâng cao tối đa chất lượng sống của người bệnh.

6.1. Điều trị nội khoa viêm loét đại tràng

Nhiều loại thuốc khác nhau có thể được lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân viêm loét đại tràng, sự lựa chọn thuốc phần lớn phụ thuộc vào mức độ bệnh của bệnh nhân. Những loại thuốc viêm loét đại tràng thường được sử dụng:

- Aminosalicylate: aminosalicylate là một loại thuốc kháng viêm, làm giảm tình trạng viêm có tác dụng tốt đối với các bệnh nhân viêm loét đại tràng. Thuốc có thể được chỉ định cho cả mục đích điều trị duy trì kiểm soát bệnh hay điều trị tấn công đối với các đợt bùng phát cấp tính của viêm loét đại tràng.

Aminosalicylate được bào chế ở nhiều dạng khác nhau cho từng trường hợp sử dụng như viên uống, thuốc viên đạn đặt hậu môn,... Thuốc khá an toàn khi sử dụng và ít gây nên các tác dụng phụ, nhưng trong một số trường hợp người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như đau đầu, đau bụng, phát ban, tiêu chảy.

- Corticoids: Corticoids có thể được sử dụng chung với aminosalycilate hoặc thay thế mainosalycilate nếu thuốc này không có hiệu quả trong điều trị viêm loét đại tràng. Tác dụng chính của thuốc trong điều trị là giảm viêm.

Tuy nhiên, corticoid thường chỉ được dùng trong một thời gian ngắn, không sử dụng kéo dài vì có thể gây nên nhiều tác dụng phụ khác nhau cho người sử dụng như loãng xương, giảm thị lực, suy thượng thận,... Khi ngưng sử dụng corticoids cần giảm liều một cách từ từ, không nên ngừng thuốc đột ngột vì có thể gây nên phản ứng dội khi ngưng thuốc corticoids.

Một số tác dụng phụ thường gặp hơn khi sử dụng corticoids như mọc mụn, tăng cân, thay đổi tính tình, mất ngủ.

- Thuốc ức chế miễn dịch: Một số loại thuốc ức chế miễn dịch như tacrolimus, azathioprine có thể được sử dụng để điều trị viêm loét đại tràng rất hiệu quả. Thuốc có tác dụng ức chế sự hoạt động của hệ miễn dịch nên làm giảm các triệu chứng của bệnh. Thuốc có tác dụng khá chậm (thường cần 2-3 tháng để thấy hiệu quả) nên cần kiên trì sử dụng.

Tuy nhiên, do ức chế khả năng miễn dịch của cơ thể khi sử dụng thuốc nên người bệnh cũng bị tăng nguy cơ nhiễm trùng hơn. Ngoài ra, thuốc còn có thể gây tình trạng thiếu máu ở người sử dụng, vì vậy cần thường xuyên theo dõi công thức máu ở bệnh nhân sử dụng thuốc.

- Các loại thuốc sinh học: Các loại thuốc sinh học như adalimumab, golimumab, và Infliximab được sử dụng nhằm giảm viêm bằng cách tác động lên các protein tham gia vào quá trình viêm. Các thuốc này thường được dùng cho các trường hợp bệnh trung bình và nặng, thời gian sử dụng thuốc có thể kéo dài lên đến 12 tháng.

Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng có thể được dùng cho bệnh nhân viêm loét đại tràng như acetaminophen (giảm đau), loperamid (điều trị tiêu chảy), cyclosporin (ức chế miễn dịch cho các trường hợp nặng).

Người bệnh không được tự ý mua thuốc nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ, tránh nguy hiểm.

6.2. Phẫu thuật chữa viêm loét đại tràng

Nếu viêm loét đại tràng thường xuyên tái phát, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân hoặc các trường hợp bệnh viêm loét đại tràng đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa thì phẫu thuật có thể được xem xét thực hiện.

- Cắt toàn bộ đại tràng: Sau khi cắt toàn bộ đại tràng, đầu cuối của hồi tràng sẽ được nối với hậu môn của bệnh nhân để đào thải phân hoặc nối thông ra ngoài thành bụng thông qua một hậu môn nhân tạo và chất thải được chứa trong một túi đeo bên ngoài của người bệnh.

Bệnh nhân sẽ được chữa khỏi bệnh hoàn toàn, tuy nhiên phẫu thuật này thường được chỉ đinh rất thận trọng vì ảnh tầm loại bỏ mô rộng và liên quan nhiều.

- Cắt một phần đại tràng: Phẫu thuật này chỉ giúp loại bỏ phần đại tràng bị tổn thương và giữ lại những phần khác. Bệnh vẫn có khả năng tái phát về sau.

7. Dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm loét đại tràng

Chế độ dinh dưỡng là một phần quan trọng trong điều trị và kiểm soát các triệu chứng của viêm loét đại tràng. Cần được lưu ý một số điểm sau đây:

- Tránh sử dụng các loại thức uống có gas, thức uống có tính kích thích như rượu, bia,...

- Tránh sử dụng quá nhiều các loại thực phẩm giàu chất xơ, khó tiêu hóa như bỏng ngô, rau xanh, các loại đậu,... khi bệnh đang ở đợt bùng phát.

- Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn.

- Uống nhiều nước hơn để giúp phân mềm và đại tiện dễ dàng hơn.

- Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa ăn trong ngày.

8. Viêm loét đại tràng có lây không?

Mặc dù có sự liên quan nhất định đến các yếu tố vi khuẩn hay virus nhưng viêm loét đại trạng không phải là một bệnh có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Người ta không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy viêm đại tràng có thể lây nhiễm.

9. Phòng tránh viêm loét đại tràng

Không có phương pháp nào có thể giúp bệnh nhân phòng tránh hoàn toàn bệnh viêm loét đại tràng xảy ra. Nhưng một số biện pháp nhất định được ứng dụng tốt có thể làm giảm nguy cơ mắc viêm đại tràng.

- Chế độ ăn hợp lý: Chế độ dinh dưỡng hợp lý với các loại thức ăn dễ tiêu hóa, giàu chất xơ, ít thực phẩm gây kích thích như rượu bia, gia vị mạnh,..

- Giữ tinh thần thoải mái: Tinh thần không phải là nguyên nhân trực tiếp gây viêm loét đại tràng, nhưng nó làm tăng sự tiết acid ở dạ dày và làm rối loạn một số chức năng của hệ tiêu hóa. Do vậy, hãy giữ cho mình một tinh thần luôn thoải mái, giảm tối đa stress trong cuộc sống, thư giãn bằng các hoạt động thích hợp.

- Vận động thể chất phù hợp: Cần có chế độ vận động thể chất phù hợp để nâng cao sức khỏe của cơ thể và hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động của hệ tiêu hóa.

Nguồn dịch: https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/ulcerative-colitis


Tác giả: QN