Tại khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai hầu như ngày nào cũng có vài ca cấp cứu vì suy thận do sử dụng thuốc nam bừa bãi trong đó rất nhiều bệnh nhân bị sỏi thận vì tin lời mách nhau đi cắt thuốc về uống và vài tháng sau bác sĩ chưa biết tiêu được sỏi thận hay không chỉ biết thận đã bị suy phải lọc máu.
Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn Kh. 52 tuổi trú tại Nam Định là điển hình. Ông Kh. nhập viện trong tình trạng phù hết toàn thân. Trước đó khoảng một tuần bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, đi tiểu nhiều nhưng bệnh nhân không đi khám chỉ đến khi chân tay phù to mới vào viện kiểm tra lúc này bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy thận và phải lọc máu.
Ông Kh. kể cách đây một năm ông bị đau lưng, đi tiểu khó chịu nên đi kiểm tra sức khoẻ bác sĩ cho biết ông bị sỏi thận. Vì ngại động dao kéo và nghĩ trước đó một người quen của ông cũng bị sỏi thận và uống thuốc nam tiêu sỏi là khỏi nên ông Kh về nhà lấy thuốc nam uống. Kết quả, sau 6 tháng liên tục uống thuốc và sỏi không biết có tiêu không nhưng ông đã bị suy thận, hỏng thận.
Tương tự như ông Kh. trường hợp bà Vũ Thị Thái trú tại Ninh Giang, Hải Dương cũng vậy. Bà Thái bị sỏi thận đã tán sỏi cách đây 3 năm. Nửa năm trước bà Thái phát hiện bị sỏi thận tái phát và qua người quen mách bà đi cắt thuốc nam về uống để trị sỏi thận. Kết quả, sau khi uống thuốc được 3 tháng, bà phải vào viện cấp cứu suy thận và đã có biến chứng suy đa phủ tạng phải lọc máu.
Trao đổi về vấn đề này, PGS Đỗ Gia Tuyển, Trưởng khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thói quen có bệnh rồi tìm đến thuốc nam của người Việt có ở các bệnh trong đó có bệnh sỏi thận. Hàng ngày, khoa tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị biến chứng suy thận, suy đa tạng, thậm chí hỏng thận do sử dụng thuốc nam trị bệnh sỏi thận.
PGS Tuyển cho biết khi bị sỏi thận, người bệnh không được tự ý mua thuốc nam điều trị mà phải theo phác đồ của bác sĩ và tư vấn cụ thể bởi vì mỗi bệnh nhân có một bệnh, có nguyên nhân gây sỏi cũng như sỏi khác nhau, kích thước sỏi khác nhau.
Theo PGS Tuyển khi phát hiện sỏi thận, người bệnh dứt khoát phải kiểm tra kỹ xem kích thước của sỏi cũng như thành phần sỏi có thể xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra một số trường hợp phải kiểm tra trực tiếp viên sỏi đó mới có hướng điều trị chứ không phải cứ thấy sỏi là uống thuốc nam.
Thuốc nam là các loại thảo dược khác nhau, PGS Tuyển cho rằng trong đông y nó cũng có tác dụng tán sỏi trị sỏi thận tuy nhiên việc điều trị phải theo chỉ định của bác sĩ các chuyên khoa đông y có kinh nghiệm và những vị thuốc, bài thuốc đã được nghiên cứu chứ không phải là tạp nham các loại thảo dược như các lương y vẫn quảng cáo hiện nay.
PGS Tuyển cho biết, nguyên nhân gây suy thận, hỏng thận... từ thuốc nam hay chất nào từ thuốc nam gây suy thận chưa có nghiên cứu cụ thể, rõ ràng nhưng hiện nay với đông dược không rõ nguồn gốc, người dân có thể đi thu hái trong rừng nhầm lẫn cây nọ, cây kia đó là còn chưa kể đến công nghệ sao tẩm các loại thuốc nam, công nghệ chống mốc hiện nay còn nhiều vấn đề đáng bàn nên tuyệt đối người dân không được tự ý mua thuốc nam.