Chạy thận không phải là phương pháp có thể giúp chữa khỏi bệnh hoàn toàn nhưng có thể giúp người bệnh cải thiện một phần bệnh lý, tăng thêm tuổi thọ.
Thận có nhiệm vụ lọc máu và thải chất độc, nước và muối trong cơ thể ra ngoài. Thế nhưng, nếu thận không còn hoạt động thì sẽ cần tới phương pháp chạy thận nhân tạo.
Chạy thận nhân tạo là phương pháp điều trị bệnh, trong đó máu sẽ được lọc bên ngoài cơ thể bệnh nhân thông qua thiết bị máy chạy thận. Trong quá trình chạy thận, máu người bệnh sẽ được hút ra từ mạch máu, sau đó đi qua một quả lọc tổng hợp được gọi là quả lọc máu.
Quả lọc máu này có cơ chế hoạt động giống với thận trong cơ thể, ở đây máu sẽ được làm sạch trước khi đưa trở lại cơ thể bệnh nhân. Vậy nên, quả lọc máu này hay còn được gọi là “thận nhân tạo”
Người chạy thận sống được bao lâu hiện vẫn chưa có nghiên cứu hay thống kê nào nói rõ về vấn đề này. Bởi có rất nhiều các nguyên nhân gây ảnh hưởng tới tuổi thọ của bệnh nhân sau khi chạy thận như: tuổi tác, thể trạng của từng người bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân, các bệnh khác và còn liên quan tới việc tuân thủ kế hoạch điều trị bệnh như thế nào.
Đọc thêm:
- Cảnh giác với bệnh tiểu đường biến chứng suy thận
- Những thói quen xấu thường làm vào buổi tối khiến thận suy yếu nhanh chóng
Theo một số nguồn tin thì thống kê cho thấy, trung bình người chạy thận sống được khoảng từ 5 - 10 năm. Cũng có những bệnh nhân có thể sống lâu hơn khoảng 20-30 năm nếu thuộc thể trạng tốt, bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị.
Theo thông tin từ NHS (dịch vụ y tế quốc gia Anh) Người chạy thận nhân tạo ở độ tuổi từ 20 tuổi thường sẽ sống được thêm khoảng 20-30 năm. Tuy nhiên, với người chạy thận bắt đầu ở tuổi trên 75 chỉ có thể sống thêm khoảng 2-3 năm. Như vậy cho thấy rằng việc người chạy thận sống được bao lâu phụ thuộc khá nhiều vào tuổi tác của bệnh nhân.
Để đảm bảo giúp người bệnh chạy thận có được tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt, đặc biệt là giúp người chạy thận có thể kéo dài thêm được tuổi thọ của mình thì người chăm sóc bệnh nhân chạy thận nên lưu ý những vấn đề sau đây:
- Khi chạy thận cần đưa người bệnh tới bệnh viện, các trung tâm y tế thực hiện chạy thận. Trong trường hợp bác sĩ cho phép có thể tiến hành chạy thận ở nhà, cần đảm bảo kỹ thuật tốt để có thể hỗ trợ bệnh nhân.
- Luôn theo dõi và thông báo lại toàn bộ những bất thường hoặc tác dụng phụ nào của cơ thể bệnh nhân chạy thận gặp phải như : mệt mỏi, chuột rút, huyết áp thấp, nhiễm trùng huyết …
- Luôn cho bệnh nhân duy trì thói quen tốt như đọc sách, xem phim, tập thể dục hoặc có thể xem mạng xã hội để giúp tinh thân thoải mái
- Đảm bảo chế độ ăn dinh dưỡng cho người chạy thận, chế độ ăn ít muối, hạn chế các thực phẩm giàu kali, photpho, nên ăn nhạt và theo dõi hoạt động nạp năng lượng vào cơ thể.
- Khuyến khích động viên người bệnh nếu có thể vẫn nên làm việc học tập như bình thường, duy trì thói quen sinh hoạt khoa học
Việc chạy thận nhân tạo để lọc máu là suốt đời nên bệnh nhân sẽ cần phải duy trì chạy 3 lần trên 1 tuần, thời gian mỗi lần chạy thận là khoảng 3-4 tiếng đồng hồ.
Chạy thận nhân tạo là quá trình máu được hút từ cơ thể người bệnh để đi qua quả lọc máu (thận nhân tạo). Ở đây máu sẽ được làm sạch, sau đó sẽ lại quay trở lại cơ thể của người bệnh. Trong quá trình chạy thận nhân tạo thì bệnh nhân gần như không có ghi nhận về tình trạng bị đau trên cơ thể.
Tuy nhiên, sau khi quá trình chạy thận diễn ra xong, có một số trường hợp biến chứng có thể xảy ra như: tụt huyết áp, chuột rút, nôn và buồn nôn, đau đầu, đau tức ngực, ngứa cũng có thể sốt, ớn lạnh nhưng ít gặp.
Chạy thận nhân tạo là phương pháp tốt nhất giúp người bệnh suy thận có thêm thời gian tuổi thọ của mình.
Tuy nhiên, theo thống kê thì khi chạy thận nhân tạo có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng như tắc mạch máu, hạ huyết áp, mất máu, nhiễm trùng máu …gây nguy hiểm tới tính mạng. Vì vậy mà người bệnh không nên tự ý tiến hành chạy thận tại nhà mà cần phải tới cơ sở y tế để được các bác sĩ có chuyên môn tiến hành theo dõi sức khỏe, thăm khám trước khi tiến hành chạy thận nhân tạo. Trong trường hợp được bác sĩ cho chạy thận tại nhà thì cũng cần được đào tạo, hướng dẫn qua các kỹ thuật để đảm bảo an toàn khi chạy thận tại nhà.
Trên đây là những giải đáp cho vấn đề: "Chạy thận sống được bao lâu?". Có thể nói, chạy thận là phương pháp điều trị suy thận nhưng không có tác dụng triệt để. Người bệnh sẽ phải chạy thận suốt đời. Nhưng với một lối sống khoa học, ăn uống điều độ, tinh thần thoải mái sẽ giúp quá trình chạy thận đạt hiệu quả hơn.