Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, cứ mỗi khi giao mùa là em lại bị ho kèm theo đau và ngứa rát họng. Có những lúc ho nhiều quá khiến em khàn giọng, thậm chí mất cả tiếng. Ngoài ra, tuy không bị ốm hay sốt nhưng cơ thể em lúc nào cũng trong trạng thái mệt mỏi, uể oải. Mong bác sĩ giải đáp liệu em đã mắc phải bệnh gì và muốn chữa dứt điểm có khó không ạ? Em xin cảm ơn! (may.ap...@gmail.com) | |
Chào em, Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải chứng viêm họng cấp tính. Bệnh gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân, phần lớn do virus (80%) như adeno, rhino, virus hợp bào đường thở, cúm, sởi... Số còn lại do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu, H.Influenzae... Nguy hiểm hơn cả là liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A vì nó là thủ phạm dẫn đến biến chứng thấp tim, viêm khớp và viêm thận. |
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ gây viêm họng là thời tiết thay đổi, lạnh quá, ẩm hay bụi nhiều quá.
Viêm họng cấp tính được chia thành những loại như sau:
- Viêm họng đỏ: thường sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, đau mình mẩy, mệt mỏi, kém ăn. Nếu do nhiễm khuẩn thì các biểu hiện nhiễm khuẩn khá rõ rệt như môi khô, lưỡi bẩn, mạch nhanh, mặt mũi bơ phờ.
Người bệnh thấy đau họng, rát họng khi uống nước hoặc nuốt nước bọt, nhưng với các chất rắn nuốt ít đau hơn. Ho là dấu hiệu thứ hai hay gặp hơn cả, có thể ho từng cơn, ho có đờm, nhầy, lúc đầu trắng sau đặc vàng có mùi hôi, thay đổi tiếng nói. Cụ thể: giọng không được trong, hơi khàn, có khi khàn hẳn. Toàn bộ niêm mạc họng đỏ rực, amiđan sưng to. Hạch ở góc hàm sưng đau.
- Viêm họng trắng: Phần lớn là viêm họng bạch hầu và viêm họng vincent. Ở bệnh bạch hầu, bệnh nhân sốt không cao nhưng có biểu hiện nhiễm độc khá rõ rệt như mặt xanh tái, mệt mỏi, bơ phờ, tiểu ít, nuốt vướng. Họng, đặc biệt trên mặt amiđan có giả mạc màu trắng bám chắc.
Ngoài ra, viêm họng trắng thường gây nổi hạch ở vùng cổ.
Viêm họng có thể gây các biến chứng như áp xe, viêm tấy quanh họng - amiđan, viêm mũi, viêm xoang (đặc biệt là viêm tai giữa - biến chứng rất hay gặp nhưng nhiều khi khó phát hiện được).
Bệnh còn có thể lan xuống thanh quản gây viêm thanh quản hoặc viêm thanh-khí-phế quản, viêm phế quản hoặc phổi. Biến chứng xa là viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng ngoài tim...
Về điều trị, nếu viêm họng cấp tính do virus thì không cần dùng kháng sinh, chỉ cần các thuốc hạ nhiệt như efferangan, paracetamol, aspegic (chỉ dùng khi nhiệt độ lớn hơn 38 độ C). Dùng các thuốc giảm ho như siro phenergan, ho bổ phế, theralen...
Với viêm họng do vi khuẩn, phải dùng kháng sinh một đợt 5 - 7 ngày dựa vào kháng sinh đồ. Đặc biệt với viêm họng bạch hầu, phải chuyển vào các khoa truyền nhiễm, không điều trị tại nhà. Ngoài việc dùng kháng sinh đúng liều, phải dùng giải độc tố để tránh biến chứng tim, thận.