Sa trực tràng là gì? Những điều bạn cần biết về bệnh sa trực tràng

Sa trực tràng là gì? Những điều bạn cần biết về bệnh sa trực tràng
Khi trực tràng di bị "rơi" xuống dưới hậu môn hay bị đi ra ngoài được gọi là hiện tượng sa trực tràng. Sa trực tràng hầu hết các bệnh nhân ban đầu chỉ cảm thấy một khối cứng ở hậu môn hoặc khối sưng bất thường ở hậu môn mỗi khi đi đại tiện.

1. Sa trực tràng là gì?

Trực tràng là phần cuối của ống tiêu hóa trước khi liên tiếp với ống hậu môn để tống phân ra khỏi cơ thể, trực tràng có dạng ống hình trụ dài khoảng từ 12-15cm với nhiệm vụ chủ yếu là chứa phân trước khi đào thải.

Bình thường, trực tràng nằm phía trong cơ thể và được che khuất bởi hậu môn. Nhưng vì một nguyên nhân nào đó khiến cho trực tràng (toàn bộ hoặc một phần) thoát khỏi vị trí giải phẫu ban đầu di chuyển xuống dưới phía hậu môn hoặc thậm chí đi ra ngoài, người ta gọi đây là bệnh sa trực tràng, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 3/100 000 người.

Rectal-Prolapse-Complications-600x380

Hình ảnh mô phỏng trực tràng bị sa (Ảnh: Internet)

2. Nguyên nhân gây sa trực tràng là gì?

- Táo bón kéo dài: Tình trạng táo bón kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến các hoạt động nhu động bình thường của trực tràng khiến nó dễ bị sa xuống và gây bệnh sa trực tràng. Ngoài ra, khi bị táo bón người bệnh cũng phải rặn nhiều hơn mỗi lần đại tiện, điều này khiến áp lực trong ổ bụng tăng cao và cũng góp phần đẩy trực tràng xuống dưới gây nên bệnh.

- Cơ thắt hậu môn yếu: Bình thường các cơ vòng hậu môn của chúng ta ở trạng thái co lại và giúp đóng kin hậu môn, điều này khiến phân và các thành phần trong vùng chậu không bị thoát vị ra ngoài.

Nhưng vì một lý do nào đó, sự hoạt động của cơ thắt hậu môn bị suy yếu (chấn thương, rách tầng sinh môn khi chuyển dạ, tuổi tác...) sẽ khiến cho hậu môn không còn được đóng kín. Vì vậy trực tràng có thể đi theo lỗ hậu môn ra phía ngoài của cơ thể gây nên bệnh sa trực tràng.

- Tổn thương thần kinh chi phối: Sự tổn thương của các tổ chức thần kinh chi phối vùng trực tràng và hậu môn cũng có thể là nguyên nhân gây nên sa trực tràng. Sự tổn thương thần kinh chi phối khiến các cơ thắt hậu môn và các cơ ở trực tràng bị suy giảm hoặc một phần chức năng hoặc mất hoàn toàn chức năng và từ đó gây nên bệnh sa trực tràng.

Những nguyên nhân tạo tổn thương thần kinh chi phối vùng hậu môn, trực tràng thường gặp nhất là các tổn thương tủy sống so chấn thương hoặc bệnh lý (viêm tủy cắt ngang), chèn ép rễ thần kinh (chấn thương, thoát vị đĩa đệm,...), rách tầng sinh môn khi sinh qua ngả âm đạo, các phẫu thuật vùng chậu,...

- Các bất thường cấu trúc bẩm sinh: Một số bất thường bẩm sinh của các thành phần trong cấu trúc chẳng hạn như bất thường trong sự hình thành mạc treo trực tràng, bất thường chiều dài trực tràng, bất thường độ cong khối xương cùng cụt, khuyết tật các thành phần của sàn chậu,... đều có thể dẫn đến hậu quả về sau là tình trạng sa trực tràng.

Ngoài ra, sa trực tràng có thể do thai kỳ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thói quen đại tiện khi không có cảm giác mót rặn, nhiễm ký sinh trùng,...

Theo các thống kê dịch tễ học cho thấy, sa trực tràng có thể xảy ra ở cả hai giới và ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên do liên quan nhiều hơn đến các yếu tố nguyên nhân gây bệnh, vì thế tỷ lệ mắc sa trực tràng ở phụ nữ cao hơn rất nhiều so với nam giới, khoảng 80-90% số bệnh nhân sa trực tràng là bênh nhân nữ. Hai giai đoạn phụ nữ dễ bị mắc sa trực tràng nhất theo thống kê là ở độ tuổi trong thập niên thứ 4 và thứ 7 của cuộc đời họ.

3. Có những loại sa trực tràng nào?

Sự phân chia các loại sa trực tràng có ý nghĩa trên việc chẩn đoán, tiên lượng và định hướng phương pháp điều trị để áp dụng cho bệnh nhân. Ngày nay, người ta thường phân loại sa trực tràng trên lâm sàng dựa vào mức độ sa của trực tràng.

benh-sa-truc-trang-o-tre-em-4

Ảnh: Internet

Có ba loại sa trực tràng bao gồm:

- Sa trực tràng toàn bộ: Là tình trạng trực tràng sa tất cả các lớp ra khỏi hậu môn của người bệnh. Đây là dạng sa trực tràng dễ phát hiên nhất và cũng là dạng bệnh phổ biến nhất. Khi mắc sa trực tràng ở dạng này, trực tràng có thể sa chỉ một phần hoặc sa tất cả ra khỏi hậu môn.

Tình trạng trực tràng lòi ra khỏi ống hậu môn có thể diễn ra tự nhiên, không thể di chuyển về vị trí, hay cũng có thể là do một tác động đột ngột, sa xuống nhanh chóng sau đó có thể di chuyển một phần hoặc hoàn toàn trở về trạng thái ban đầu.

- Sa niêm mạc trực tràng: Là thể bệnh mà chỉ có lớp niêm mạc của trực tràng (lớp lót trong cùng bị sa ra ngoài) trong khi các lớp khác của trực tràng vẫn còn nằm tại vị trí giải phẫu bình thường.

Sa niêm mạc trực tràng cũng giống như sa toàn bộ, phần niêm mạc cũng có thể bị sa xuống sau một kích thích đột ngột (ho, rặn,...) sau đó quay trở về vị trí đầu một phần hoàn toàn, hay sa liên tục ở ngoài hậu môn và không thể hồi quy về vị trí đầu.

Thường thì cả hai loại sa trực tràng toàn bộ và sa niêm mạc trực tràng đều sẽ tiến triển từ sa một phần do kích thích sau đó nặng dần lên và trở thành sa liên tục.

- Sa trực tràng nội: Là một dạng đặc biệt của sa trực tràng, các thành phần cấu trúc của trực tràng thoát khỏi vị trí giải phẫu ban đầu, sa xuống nhưng không di chuyển qua hậu môn để ra ngoài mà nó gập lại và vẫn nằm hoàn toàn trong khung chậu.

4. Triệu chứng sa trực tràng là gì?

Sự biểu hiện triệu chứng của sa trực tràng là khá dễ nhận biết và mức độ biểu hiện của bệnh thường tăng dần theo thời gian.

Hầu hết các bệnh nhân ban đầu chỉ cảm thấy một khối cứng ở hậu môn hoặc khối sưng bất thường ở hậu môn mỗi khi đi đại tiện. Nhưng sau đó, tình trạng này có thể tăng dần và người bệnh có thể thấy sự nhô các khối bất thường ra khỏi hậu môn, nhưng các khối này thường có thể tự có thể tự quay trở về khi hết rặn.

Nếu không được điều trị, các khối sa có thể xuất hiện thường xuyên hơn (có thể xuất hiện sau những động tác đơn giản như ho, hắt xì, hay đứng lên) và các khối bất thường này ngày càng khó trở về hơn, người bệnh cần phải dùng tay để nâng đỡ mới về được vị trí đầu.

Đến giai đoạn nặng, các khối bất thường ở hậu môn sẽ tồn tại liên tục, không thể trở về trạng thái ban đầu (kể cả khi đã có các động tác hỗ trợ). Giai đoạn này, do trực tràng bị sa liên tục ra môi trường bên ngoài nên tỷ lệ biến chứng xảy ra cũng cao hơn nhiều so với hai giai đoạn trước.

Ngoài triệu chứng xuất hiện khối bất thường ở hậu môn - triệu chứng điển hình của bệnh thì sa trực tràng cũng có thể biểu hiện bằng một số triệu chứng thường gặp khác như chảy máu, rối loạn nhu động ruột (nhu động nhanh gây tiêu chảy, nhu động chậm gây táo bón), cảm giác khó chịu xuất hiện liên tục ở vùng hậu môn.

5. Cần phân biệt sa trực tràng với bệnh trĩ

rectalprolapse_vs_hemorrhoid

Trĩ và sa trực tràng là hai bệnh có dấu hiệu tương đồng lẫn nhau (Ảnh: Internet)

Sa trực tràng và trĩ là những bệnh có biểu hiện khá giống nhau, do đó sự nhầm lẫn giữa hai bệnh này là điều thường xuyên xảy ra.

Về bệnh học, trĩ là bệnh lý xảy ra do sự giãn các búi tĩnh mạch trĩ ở hậu môn còn sa trực tràng là sự di chuyển của trực tràng (thành phần phía trên hậu môn) xuống khỏi vị trí giải phẫu bình thường.

Về triệu chứng, mặc dù trĩ là bệnh có tiên lượng nhẹ hơn nhưng những biểu hiện của nó thường rầm rộ hơn so với sa trực tràng, người bệnh thường cảm thấy đau nhiều và cảm giác ngứa ngáy rất thường xuyên. Chảy máu là triệu chứng cũng thường xuyên xuất hiện ở bệnh nhân trĩ hơn là bệnh nhân sa trực tràng.

6. Sa trực tràng có thể gây biến chứng gì?

Nếu không được điều trị kịp thời, sa trực tràng có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau cho bệnh nhân. Những biến chứng thường gặp của sa trực tràng:

- Chảy máu: Tình trạng chảy máu bất thường vừa là một triệu chứng cảnh báo sa trực tràng cũng vừa là một biến chứng của bệnh. Sự chảy máu có thể là hậu quả của loét hoặc do sự tổn thương các mạch máu. Nếu loét vào các mạch máu lớn, máu có thể mất nhanh chóng và ồ ạt.

- Loét: Do trực tràng bị sa ra ngoài, nên trực tràng có thể bị viêm loét do rất nhiều nguyên nhân khác nhau như cọ xát với quần áo, giấy vệ sinh, mất chất nhầy bảo vệ, sự xâm nhập của vi khuẩn,... Những vết loét có thể chỉ xuất hiện trên một diện tích nhỏ, nhưng đôi khi cũng có thể xuất hiện trên một khu vực rộng và thường đòi hỏi phải phẫu thuật để điều trị.

- Thắt ngẹt: Thắt nghẹt là biến chứng của sa trực tràng khi mà trực tràng bị sa xuống nhưng do các cơ hậu môn co thắt mạnh tạo thành trạng thái giống như một vòng co thắt xung quanh trực tràng. Sự co thắt này làm cho phần trực tràng bị nhô ra ngoài không được cung cấp đủ máu nuôi nên dễ dẫn đến hoại tử.

- Thoát vị khác thành phần khác trong ổ bụng: Những thành phần khác trong ổ bụng và khung chậu của bệnh nhân như ruột non, tử cung,.. có thể bị thoát vị do biến chứng của sa trực tràng gây nên các hậu quả như sa sinh dục, tắc ruột, sa bàng quang, ...

- Thủng, vỡ trực tràng: Đây là biến chứng nặng nề của sa trực tràng, thường là hậu quả thứ phát của tình trạng loét sâu gây thủng hoặc do cố sức đẩy trực tràng lên gây vỡ trực tràng. Thủng, vỡ trực tràng có thể giải phóng các chất chứa trong trực tràng vào ổ bụng, vùng chậu gây nên viêm nhiễm nặng nề ở các khu vực này.

7. Sa trực tràng có chữa được không?

Người ta nhận thấy rằng, nếu tình trạng sa trực tràng của bệnh nhân khi điều trị chưa quá nặng thì hầu hết bệnh nhân đều có cuộc sống gần như bình thường hoàn toàn sau khi được điều trị bằng các phương pháp thích hợp.

Thời gian để bệnh nhân hồi phục hoàn toàn cũng có sự khác nhau nhất định đối với các bệnh nhân khác nhau, phụ thuộc vào giai đoạn điều trị (bệnh càng nhẹ hồi phục càng nhanh) và phương pháp điều trị là phương pháp gì.

Do đó, nếu phát hiện sớm và điều trị sa trực tràng bằng đúng phương pháp thì việc chữa khỏi bệnh là điều hoàn toàn có thể.

8. Điều trị sa trực tràng như thế nào?

Để điều trị sa trực tràng, người ta có thể phối hợp giữa việc điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa. Tuy nhiên, điều trị nội khoa không phải là phương pháp có tác dụng điều trị dứt điểm bệnh mà chỉ có tác dụng hỗ trợ. Để điều trị dứt điểm sa trực tràng thì điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật là điều bắt buộc phải thực hiện.

8.1. Điều trị sa trực tràng bằng thuốc

Cho đến hiện tại, vẫn chưa có loại thuốc nào trên thực tế có tác dụng trực tiếp lên quá trình điều trị sa trực tràng giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Thuốc trị táo bón là một loại thuốc có thể được sử dụng để làm giảm tình trạng táo bón, giảm độ cứng của phân để giúp giảm áp lực lên trực tràng, giúp bệnh nhân dễ đại tiện hơn,...

8.2. Điều trị sa trực tràng bằng phẫu thuật

Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau có thể được lựa chọn để điều trị cho người bệnh, việc lựa chọn dựa trên các yếu tố bao gồm loại sa trực tràng mà bệnh nhân mắc phải, độ tuổi của người bệnh, các tiền sử bệnh tật của bệnh nhân.

Những phương pháp phẫu thuật sa trực tràng được sử dụng chính hiện nay bao gồm:

- Phẫu thuật qua ổ bụng: Phẫu thuật sa trực tràng qua bụng có thể được tiến hành thông bằng mổ hở truyền thống hay mổ nội soi. Các bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng các dụng cụ và kỹ thuật thích hợp nhằm nâng trực tràng về lại vị trí ban đầu, khâu cố định trực tràng để ngăn trực tràng sa trở lại.

- Phẫu thuật tại khu vực hậu môn: Với phương pháp phẫu thuật này, bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần trực tràng của bệnh nhân sau đó gắn chúng với phần đại tràng phía trên. Do mức độ tổn thương lớn hơn, do đó loại phẫu thuật này thường chỉ được chỉ định khi bệnh nhân không đủ điều kiện để có thể phẫu thuật qua ổ bụng.

2-Figure2-1

Hình ảnh phẫu thuật bệnh nhân bị sa trực tràng (Ảnh: Internet)

8.3. Mất bao lâu để bình phục sau phẫu thuật sa trực tràng?

Sự hồi phục sau phẫu thuật sa trực tràng của các bệnh nhân khác nhau có sự khác nhau tương đối. Những thông thường, thời gian ở lại bệnh viện trung bình cho bệnh nhân sa trực tràng sau phẫu thuật là khoảng từ 3-5 ngày.

Trong thời gian đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân thường sẽ đau nhiều và được yêu cầu không được ăn uống bằng đường miệng cho đến khi các chức năng nhu động và co bóp của ruột quay lại bình thường.

Sau khi bệnh nhân về nhà, người bệnh sẽ được hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh, phòng chống căng thẳng, hạn chế vận động nặng nhọc, đi đại tiện đúng cách, để quá trình bình phục diễn ra hiệu quả hơn. Thời gian để bệnh nhân bình phục hoàn toàn sau phẫu thuật sa trực tràng thường kéo dài khoảng 3-5 tháng.

8.4. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sa trực tràng

Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng lớn đến sự kiểm soát các diễn tiến của bệnh và sự hồi phục của bệnh nhân sau khi thực hiện các phương pháp điều trị. Một số điểm cần lưu ý trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân sa trực tràng mà bệnh nhân cần nhớ:

- Tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu chất xơ, tuy nhiên số lượng nên cân đối bởi chất xơ quá nhiều cũng có thể gây táo bón.

- Uống nhiều nước hơn.

- Ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.

- Tránh sử dụng các loại thực phẩm có tính kích thích cao như gia vị mạnh (ớt, hạt tiêu), đồ uống kích thích như rượu, bia,...

- Có thể sử dụng các loại thuốc làm mềm phân để dễ đại tiên hơn nếu cần thiết.

9. Dự phòng sa trực tràng

Mặc dù không có biện pháp nào đảm bảo hoàn toàn có thể giúp bạn phòng tránh sa trực tràng, nhưng tỷ lệ mắc bệnh sẽ được giảm đi đáng kể nếu áp dụng đúng đắn các biện pháp dự phòng sa trực tràng thường xuyên:

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ dinh dưỡng có nhiều vai trò trong khởi phát sa trực tràng. Do đó, người bệnh cần đảm bảo có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để có thể phòng bệnh. Khẩu phần ăn hằng ngày nên chứa nhiều các thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước, sử dụng các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, chia nhỏ khẩu phần, hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn,...

- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao: Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, đặc biệt là các bài tập thể dục thể thao chuyên biệt cho vùng khung chậu là rất tốt và hiệu quả để giúp phòng tránh sa trực tràng.

- Đại tiện đúng cách: Hãy tập cho bản thân một phương pháp đi đại tiện đúng cách để phòng tránh sa trực tràng. Không nên cố gắng đi đại tiện khi không có cảm giác mót rặn để tránh làm tăng áp lực lên trực tràng, hoặc nhịn đại tiện khi có cảm giác mót rặn bởi dễ gây táo bón. Thay vào đó hãy đi đại tiện vào một khung giờ nhất định, đi đại tiện ngay khi có cảm giác mót rặn, và ngồi ở tư thế đúng khi đi đại tiện (đùi áp sát vào thân mình) để đại tiện dễ dàng hơn.

Trên đây là một số kiến thức sơ lược giúp bạn giải đáp phần nào cho thắc mắc sa trực tràng là gì. Đây là bệnh lý nguy hiểm, dễ biến chứng và khó khăn trong điều trị, do đó hãy đi khám và thực hiện điều trị sớm ngay từ khi có các triệu chứng đầu tiên của bệnh xảy ra bằng đúng phương pháp để đảm bảo sức khỏe của bản thân.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.healthline.com/health/rectal-prolapse

2. https://emedicine.medscape.com/article/2026460-treatment#d13

3. https://www.medicalnewstoday.com/articles/319977.php#takeaway

Tác giả: QN