Hiểu đúng về thoát vị đĩa đệm và những loại thoát vị đĩa đệm thường gặp

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Hiểu đúng về thoát vị đĩa đệm và những loại thoát vị đĩa đệm thường gặp
Đến nay nhiều người vẫn mơ hồ về bệnh thoát vị đĩa đệm. Đây là một trong những bệnh gây khó chịu và đau đớn cho người bệnh nếu không điều trị kịp thời.

1. Thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoát vị đĩa đệm là một trong những căn bệnh xương khớp phổ biến. Theo thống kê, Việt Nam có đến hơn 17% số người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm.

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm ở giữa các đốt sống thoát ra khỏi những thớ sợi bao quanh bên ngoài. Hay nói một cách khác, đĩa đệm bị ép lồi, lệch ra khỏi vị trí bình thường gây chèn ép lên tủy sống hoặc các rễ dây thần kinh.

Đĩa đệm như một bộ phận giảm xóc, có chức năng hỗ trợ cột sống chuyển động linh hoạt, nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, chính các động tác thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày, tuổi tác hay trọng lượng cơ thể đều gây áp lực lên cột sống và làm gia tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.

Tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ là ngang bằng nhau. Độ tuổi, bất thường mô tạo keo, béo phì, ít hoạt động, thoái hóa tế bào... là những nguyên nhân có thể gây thoát vị đĩa đệm.

Bất kì đoạn nào của cột sống cũng có thể xảy ra thoát vị đĩa đệm, nhưng hay gặp nhất là ở vị trí thắt lưng. Đây là căn bệnh hay gặp nhưng lại khó chữa dứt điểm và hay tái phát nếu như không có phương pháp điều trị hiệu quả, liên tục.

2. Có những loại thoát vị đĩa đệm nào?

2.1. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là phần đĩa đệm vùng cổ bị thoát ra ngoài, chệch ra khỏi vị trí thông thường, gây chèn ép lên các rễ thần kinh vùng cổ khiến người bệnh đau nhức phần vai, gáy gây khó chịu, mệt mỏi có thể chèn ép vào các dây thần kinh gây tê chân tay. Bệnh để lâu, các cơn đau sẽ lan xuống vùng cánh tay, bàn tay gây tê, mỏi, hoạt động, cử động yếu hơn bình thường.

Vị trí hay bị thoát vị nhất là C6-C7 chiếm tới 60-70% trong khi đó khoảng 20%-30% xảy ra ở C5-C6.

Biểu hiện: Đau dọc vùng gáy, đau mỏi nhừ kéo sang bả vai và cánh tay

2.2. Thoát vị đĩa đệm cột sống ngực

Thông thường xảy ra ở giữa T8-L1. Nguyên nhân nhỏ có thể do đĩa đệm đoạn ngực có thể tích, chiều cao nhỏ hơn và có vòng sợi dày hơn so với các vùng khác, có sự giảm tác động các lực lên đĩa đệm nhờ lồng ngực.

2.3. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Khoảng 90% thoát vị đĩa đệm đoạn lưng xảy ra ở tầng L4-L5 hoặc L5-S1. Trong phần cột sống thắt lưng, các đốt sống L4, L5 một khi bị thoát vị đĩa đệm, sẽ làm cho việc vận động, đi lại của bạn gặp nhiều khó khăn. Triệu chứng thường gặp và điển hình nhất đó là những cơn đau buốt xuất hiện từng cơn ở vùng lưng dưới, sau đó có thể từ từ lan xuống mông, hai chân và các ngón chân.

Biểu hiện: Đau vùng ngang thắt lưng, đau liên sườn, đau dọc vùng mông kéo xuống chân và tái phát nhiều lần. Đau tăng khi đứng, đi, hắt hơi, rặn... nằm nghỉ thì đỡ đau. Đau lưng cấp xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức.

3. Một số biểu hiện chung khi bị thoát vị đĩa đệm

- Đau khi cúi, khi ho hắt hơi hoặc gắng sức. Đau tăng lên khi ngồi lâu, hoặc tư thế đứng hoặc nằm sấp.

- Nếu thoát vị vùng thấp của lưng: sẽ gây đau lưng, có kết hợp hoặc không triệu chứng đau dọc dây Thần kinh tọa.

- Đau thần kinh tọa, đau, tê hay yếu ở lưng dưới và một chân, hoặc ở cổ, ngực, vai hoặc cánh tay.


Tác giả: Vy An